Kể từ sau thời điểm này, hoạt động kinh doanh đa cấp đã phát triển nhanh về số lượng, thu hút đông đảo người tham gia thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau với mạng lưới các chi nhánh, văn phòng đại diện tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Hoạt động kinh danh đa cấp tại Việt Nam chính thức được thừa nhận và được điều chỉnh bởi Luật Cạnh tranh 2005
Ngày 12/3/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp (thay thế cho Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp), trong đó tại khoản 1, Điều 3 quy định như sau:“Kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới”.
Sau khi Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp (thay thế Nghị định 42/2014/NĐ-CP ngày 14/05/2014) được ban hành và có hiệu lực, công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh đa cấp được triển khai theo hướng chặt chẽ hơn. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động kinh donh đa cấp không đáp ứng được điều kiện theo quy định pháp luật đã dừng hoạt động hoặc chuyển hướng kinh doanh.
Theo thống kê của Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), tính đến hết năm 2019, trên phạm vi toàn quốc chỉ còn có 23 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận bán hàng đa cấp đang hoạt động. Tuy nhiên, trong thời gian qua, hoạt động tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp vẫn diễn biến phức tạp. Các đối tượng đã triệt để lợi dụng sơ hở trong các quy định pháp luật để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số lượng người bị hại và số tiền chiếm đoạt đặc biệt lớn. Đặc biệt là việc xuất hiện các hành vi vi phạm pháp luật qua hình thức kinh doanh theo phương thức đa cấp trá hình với nhiều dạng thức mới, gây mất an ninh, trật tự trên diện rộng và khó khăn trong việc xử lý.
Mặc dù, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã bổ sung Điều 217a “Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp” song quá trình áp dụng điều luật vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc. Theo thống kê của Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an), tính đến hết năm 2019 trên phạm vi toàn quốc, các đơn vị Cảnh sát kinh tế chưa khởi tố vụ án nào theo Điều 217a. Những vấn đề bất cập, khó khăn, vướng mắc được các đơn vị Cảnh sát kinh tế chỉ ra đó là:
Những năm gần đây, Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) và Phòng Cảnh sát kinh tế Công an một số tỉnh, thành phố đã và đang xác minh một số vụ việc có liên quan đến hoạt động theo phương thức đa cấp của một số doanh nghiệp, như: Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Thái Tuấn (Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội); Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Tiền (Hoài Đức, Hà Nội), Công ty Cổ phần Tập đoàn dự án Hoàng Gia (quận 7, thành phố Hồ Chí Minh); Công ty Cổ phần Tập đoàn Thời gian vàng (quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh)… Các công ty này đều tổ chức hệ thống huy động người tham gia góp vốn với các hình thức như: Góp vốn trực tiếp, bán cổ phần nội bộ, nhượng quyền kinh doanh, góp vốn hợp tác đầu tư vào dự án… tương tự như hệ thống của các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp, trong đó, người tham gia trước (góp vốn trước) được hưởng lợi ích từ số tiền của người tham gia sau góp vào công ty. Với những hoạt động này, các công ty trên không thuộc diện được cấp giấy chứng nhận bán hàng theo phương thức đa cấp và quản lý theo quy định của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP. Nhưng thực chất, hoạt động của những công ty trên tương tự thủ đoạn hoạt động đa cấp biến tướng, song khi hệ thống chưa đổ vỡ thì chưa có đủ cơ sở xác định và xử lý về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi hệ thống của các công ty này đổ vỡ, người tham gia mới tố cáo (như vụ: Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Thái Tuấn) thì những đối tượng chính đã bỏ trốn, gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra.
Một chi nhánh tại Vĩnh Long của Công ty đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy bị xử phạt năm 2015
Trong khi đó việc áp dụng Điều 217a “Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp” để xử lý thì có vướng mắc. Cụ thể, theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, tại khoản 16, Điều 4 định nghĩa: “Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi”. Theo định nghĩa này, các hoạt động huy động vốn nằm ngoài phạm vi “từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ”, do đó thiếu cơ sở pháp lý để xác định những hoạt động huy động vốn, bán cổ phần… là hoạt động kinh doanh, vì vậy các hoạt động này dù có tính chất đa cấp nhưng vẫn không thể kết luận là hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Ngoài ra, trong năm 2019, qua nắm tình hình, Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) được biết: Công ty Cổ phần BRICS Việt Nam được thành lập tháng 9/2017, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp với mã ngành, nghề kinh doanh chính là hoạt động của đại lý và môi giới bảo hiểm. Mặt hàng mà Công ty Cổ phần BRICS Việt Nam lựa chọn để kinh doanh đa cấp là bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ – loại sản phẩm khó định giá, liên quan trực tiếp đến sức khỏe và quyền lợi của người dan và đang được rất nhiều người quan tâm. Trong vụ việc Công ty Cổ phần BRICS Việt Nam (do Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Hà Nội xác minh) tổ chức hệ thống cung cấp dịch vụ môi giới bảo hiểm theo mô hình đa cấp, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) xác định hoạt động này không thuộc trường hợp bị cấm kinh doanh theo phương thức đa cấp vì được điều chỉnh bởi Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Theo Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, tại khoản 1, Điều 4 quy định:“Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chỉ được thực hiện đối với hàng hóa. Mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về những “trường hợp pháp luật có quy định khác”, từ đó gây khó khăn trong quá trình xác minh, xử lý các vụ việc có liên quan đến hoạt động có tính chất đa cấp.
Trên cơ sở xem xét những vấn đề bất cập nêu trên, trong thời gian tới lãnh đạo Bộ Công an cần có văn bản kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát các quy định pháp luật hiện hành, có hướng dẫn cụ thể để chủ động trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp. Cụ thể là:
– Kiến nghị ban hành quy định hướng dẫn về xử lý trường hợp các doanh nghiệp có hoạt động huy động vốn nằm ngoài phạm vi “từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường” theo định nghĩa về kinh doanh tại tại khoản 16, Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014, từ đó giải quyết được trường hợp các doanh nghiệp có hoạt động mang tính chất đa cấp nhưng vẫn không thể kết luận là hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp do thiếu cơ sở pháp lý.
– Kiến nghị ban hành hướng dẫn cụ thể, chi tiết về những “trường hợp pháp luật có quy định khác” về đối tượng của hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp tại khoản 1, Điều 4 của Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để lực lượng Cảnh sát kinh tế chủ động trong quá trình xác minh, xử lý các vụ việc phát sinh trong thực tiễn như: Doanh nghiệp tổ chức hệ thống cung cấp dịch vụ môi giới bảo hiểm, môi giới bất động sản, huy động vốn, tư vấn dinh dưỡng theo mô hình đa cấp.
ThS. Lê Văn Sáng - Khoa Cảnh sát kinh tế - Học viện CSND