Bất cập xử lý hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ tại Cửa khẩu

Ky Anh

(PLBQ). Nhận thấy được tầm quan trọng của việc toàn cầu hóa và hội nhập, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đề ra những chính sách cũng như những định hướng phát triển nhằm đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng. Việc mở cửa thị trường, giao lưu với thế giới đã đem lại những lợi ích lớn cho nền kinh tế nước nhà.

Tuy nhiên, nó cũng đặt ra nhiều thách thức với Việt Nam, trong đó, phải kể đến vấn đề kiểm soát hàng hoá và vai trò của cơ quan Hải quan trong việc kiểm soát hàng giả và hàng hoá xâm phạm quyền SHTT.

Tính đến hiện nay, Việt Nam đã tham gia ký kết 13 Hiệp định thương mại tự do (FTA) gồm 7 FTA ký kết với tư cách là thành viên ASEAN và 6 FTA ký kết với tư cách là một bên độc lập và hiện đang đàm phán 3 FTA gồm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), FTA với Khối thương mại tự do châu Âu (EFTA), FTA Việt Nam-Israel. Hơn nữa, Việt Nam chính thức đưa vào thực thi Hiệp định CPTPP vào ngày 14 tháng 1 năm 2019 và ký kết Hiệp định Thương mại tự do EVFTA và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu vào ngày 30 tháng 6 năm 2019 đã tạo thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế nước ta.

Việc mở cửa thị trường, giao lưu với thế giới đã đem lại những lợi ích lớn cho nền kinh tế nước nhà.  Tuy nhiên, nó cũng đặt ra nhiều thách thức với Việt Nam, trong đó, phải kể đến vấn đề kiểm soát hàng hoá và vai trò của cơ quan Hải quan trong việc kiểm soát hàng giả và hàng hoá xâm phạm quyền SHTT.

Hiện nay, vai trò của cơ quan Hải quan trong việc kiểm soát hàng hoá đã được mở rộng và quy định ngày càng hoàn thiện trong các văn bản pháp luật hiện hành. Cụ thể, trong Luật Hải quan năm 2014, tại Mục 8 từ Điều 73 đến Điều 76 quy định về kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền SHTT. Để hướng dẫn chi tiết về quy định này, Bộ tài chính cũng đã ban hành thông tư số 13/2015/TT-BTC ngày 30 tháng 1 năm 2015 và thông tư 13/2020/TT-BTC ngày 6 tháng 3 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư 13/2015/TT-BTC về kiểm tra, giám sát, tạm tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền SHTT; kiểm soát hàng giả và hàng hoá xâm phạm quyền SHTT.

Bảo vệ quyền SHTT trong lĩnh vực hải quan là việc cơ quan hải quan áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm soát, tạm dừng thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền SHTT theo quy định tại Điều 216 Luật SHTT và các Điều 73, 74, 75, 76 Luật Hải quan và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để phát hiện, đấu tranh và xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT trong lĩnh vực hải quan. Tổng cục Hải quan cũng đã tham mưu Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, Ngành, cơ quan chức năng tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Đồng thời, trong năm 2020 đã ban hành 03 kế hoạch lớn: triển khai công tác kiểm soát hải quan năm 2020; Kế hoạch kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và hàng xâm phạm quyền SHTT năm 2020; Kế hoạch điều tra xác minh với hoạt động sản xuất, gia công xuất khẩu vận chuyển đối với mặt hàng thuốc lá, xì gà, rượu bia giả mạo nhãn hiệu, gian lận xuất xứ, mã số mã vạch và xâm phạm quyền SHTT… Việc triển khai các kế hoạch cụ thể bám sát tình hình thực tế giúp cơ quan Hải quan linh hoạt hơn trong việc xử lý các hành vi vi phạm, đồng thời triệt phá được nhiều vụ án buôn lậu, vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng nhái xâm phạm quyền SHTT có quy mô lớn.

Tuy nhiên, việc phát hiện, kiểm soát và xử lý hàng hoá xuất nhập khẩu có dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT tại bộ phận hải quan vẫn còn nhiều hạn chế. Một trong những nguyên nhân chính là do các quy định liên quan đến thực thi quyền SHTT tại biên giới giữa pháp luật Việt Nam với các Hiệp định mà Việt Nam là thành viên, giữa Luật SHTT với Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa thống nhất, làm ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động XNK, chủ thể quyền SHTT, đồng thời khó khăn cho cơ quan Hải quan trong xử lý các hành vi vi phạm và làm gia tăng các khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến hoạt động này.

Cụ thể, tại Khoản 4 Điều 200 Luật SHTT năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2019 quy định “Việc áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hoá XK, NK liên quan đến SHTT thuộc thẩm quyền của cơ quan hải quan”. Có thể hiểu, cơ quan hải quan có thẩm quyền kiểm soát cả hàng hoá nhập khẩu và hàng hoá xuất khẩu có liên quan đến SHTT. Tuy nhiên, tại Khoản 4 Điều 15 Nghị định 99/2013/NĐ-CP của Chính Phủ ngày 29 tháng 8 năm 2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp quy định về thẩm quyền xử phạt: “Hải quan có thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm quy định tại các Điều 6, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Nghị định này trong hoạt động quá cảnh, nhập khẩu hàng hóa” , tức hải quan chỉ có thẩm quyền xử phạt trong hoạt động quá cảnh, nhập khẩu hàng hoá, không bao gồm hoạt động xuất khẩu.

Đồng thời, tại Điều 18.76.6 Hiệp định TPP quy định“Trường hợp một Bên nào đó quy định các thủ tục hành chính để xác định hành vi xâm phạm, Bên đó cũng phải cho phép cơ quan chức năng của mình có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử phạt hay chế tài đối với vi phạm, bao gồm các khoản tiền phạt hoặc tịch thu hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sau khi xác nhận hàng hóa đó vi phạm quyền sở hữu trí tuệ”. Có thể thấy rằng, quy định về thẩm quyền xử phạt của cơ quan hải quan trong lĩnh vực SHTT đã không thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật quốc gia cũng như các hiệp định mà Việt Nam là thành viên.

Bên cạnh đó, hạn chế về đội ngũ giám định viên SHTT cũng như nghiệp vụ chuyên môn của đội ngũ nhân viên hải quan cũng là một trở ngại không nhỏ với việc phát hiện hàng hoá xuất nhập khẩu có dấu hiệu vi phạm SHTT.Theo quy định tại Điều 73 Luật Hải quan năm 2014, nguyên tắc kiểm tra, giám sát, tạm dừng thủ tục hải quan chỉ được tiến hành khi “Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ đã được bảo hộ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ đề nghị cơ quan hải quan áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát hoặc tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.” “Cơ quan hải quan chỉ quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu khi chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc người được ủy quyền hợp pháp có đơn đề nghị, bằng chứng về sở hữu hợp pháp quyền sở hữu trí tuệ, bằng chứng về việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và đã nộp một khoản tiền hoặc chứng từ bảo lãnh của tổ chức tín dụng để bảo đảm bồi thường thiệt hại và các chi phí phát sinh theo quy định của pháp luật do việc đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan không đúng.”

Như vậy, một trong những yêu cầu bắt buộc để cơ quan hải quan có thể kiểm tra, giám sát cũng như tạm dừng làm thủ tục hải quan là phải có yêu cầu ( đơn đề nghị + bằng chứng) của chủ thể có quyền. Mặc dù, Điều 11 Thông tư 13/2020/TT-BTC ngày 6 tháng 3 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư 13/2015/TT-BTC về kiểm tra, giám sát, tạm tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền SHTT; kiểm soát hàng giả và hàng hoá xâm phạm quyền SHTT có quy định: “Trường hợp không có thông tin yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhưng trong quá trình làm thủ tục hải quan, cơ quan hải quan nơi làm thủ tục hải quan phát hiện hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa (đối với trường hợp chưa kiểm tra thực tế hàng hóa), lấy mẫu hoặc chụp ảnh hàng hóa và căn cứ kết quả kiểm tra để quyết định thông quan hàng hóa hoặc tạm giữ hàng hóa để xử lý theo quy định.”

Nhưng để có thể phát hiện hàng hoá có dấu hiệu xâm phạm SHTT đòi hỏi đội ngũ nhân viên Hải quan về SHTT phải được đào tạo các kiến thức nghiệp vụ liên quan đến SHTT. Bên cạnh đó, đòi hỏi tại cơ quan Hải quan phải có giám định viên tại chỗ để kịp thời xác định hành vi, tính chất, mức độ xâm phạm và xác định thiệt hại trong quá trình xử lý các vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Cũng chính do hạn chế về việc giám định SHTT gây ra tình trạng hàng hoá lưu bãi dài ngày ảnh hưởng đến chi phí lưu kho, lưu bãi, bảo quản hàng hoá; công việc của cơ quan Hải quan cũng ngày một gia tăng.

Trước những hạn chế này, việc sửa đổi quy định pháp luật về SHTT nói chung, về quy định liên quan đến thẩm quyền cũng như quy trình xử lý của cơ quan Hải quan trong việc phát hiện, xử lý hàng hoá xuất nhập khẩu có dấu hiệu xâm phạm SHTT nói riêng là đặc biệt cần thiết. Đồng thời, việc nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng đội ngũ nhân viên hải quan, đội ngũ giám định công nghiệp cần được chú trọng.

Tin liên quan: Luật Hải quan giúp Nhật Bản đi đầu về bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ và tham khảo cho Việt Nam

Thu Hiền

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.