Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu và ví dụ minh họa

(PLBQ). Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu đang là hành vi xâm phạm phổ biến trong giai đoạn hiện nay, tuy nhiên chính những người trong cuộc chưa thực sự hiểu như thế nào là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu.

Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được hiểu là các hành vi sao chép, làm giả, sử dụng trái phép toàn bộ hoặc một phần các yếu tố chính của nhãn hiệu đang được bảo hộ mà không có sự đồng ý cho phép của chủ sở hữu nhãn hiệu ( chủ sở hữu nhãn hiệu được quy định tại Khoản 1, Điều 121, Luật sở hữu trí tuệ ) . Chỉ có trường hợp khi có sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu thì chủ thể có những hành vi được quy định tại Khoản 1, Điều 129, Luật sở hữu trí tuệ không bị coi là có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Dưới đây là một số ví dụ minh họa để độc giả có thể hiểu rõ hơn về các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu mà pháp luật hiện hành quy định.

1.Cơ sở pháp lý :

Hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được quy định tại : 

- Khoản 1, Điều 129, Luật sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019) (gọi tắt là Luật SHTT)

- Điều 5 và Điều 11, Nghị định 105-2006/NĐ-CP

2. Một vài ví dụ minh hoạ về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được quy định tại Khoản 1, Điều 129, Luật SHTT : 

a. Hành vi sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó ( Điểm a, Khoản 1, Điều 129, Luật SHTT) 

Ví dụ minh hoạ : Tập đoàn Unilever đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “ Comfort “  cho sản phẩm nước xả vải. Doanh nghiệp A chuyên sản xuất hàng tiêu dùng tại Việt Nam đã sản xuất ra một loại nước xả vải khác cũng lấy tên là “ Comfort “ cho sản phẩm của mình. 

Hành vi của doanh nghiệp A đã sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu của tập đoàn Unilever; cho cùng loại sản phẩm là nước xả vải; mà không có sự cho phép đồng ý của tập đoàn Unilever.

 

b. Hành vi sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ. ( Điểm b, Khoản 1, Điều 129, LSHTT )

Công ty Cổ phần Việt Hương đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “ Fresh.F “ cho dịch vụ cung cấp thực phẩm. Công ty Cổ phần Hà Trang sử dụng dấu hiệu “ Fresh.F “ trên bảng hiệu và tờ rơi quảng cáo cho dịch vụ cung cấp đồ uống. 

Hành vi của CTCP Hà Trang đã sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu đang được bảo hộ của CTCP Việt Hương; cho loại dịch vụ tương tự mà không có sự cho phép của CTCP Việt Hương; điều này dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc của dịch vụ. 

c. Hành vi sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ. ( Điểm c, Khoản 1, Điều 129, LSHTT )

Ví dụ minh hoạ : Công ty A đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “ Lollipop “ cho sản phẩm kẹo mút của mình. Công ty B cho ra mắt sản phẩm kẹo mút lấy tên là “ Lollihop “ với kiểu dáng, mẫu mã, màu sắc tương tự với kẹo mút “ Lollipop “ của công ty A.

Công ty B đã sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu kẹo mút của công ty A; sản phẩm của cả hai bên công ty trùng nhau;  mẫu mã sản phẩm cũng tương tự với nhau; từ đó dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. 

d. Hành vi sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hóa, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng. ( Điểm d, Khoản 1, Điều 129, Luật SHTT ) 

Ví dụ minh hoạ : Nhãn hiệu nổi tiếng SAMSUNG được đăng ký độc quyền cho nhóm sản phẩm điện thoại di động. Ông A thành lập công ty kinh doanh, sản xuất điện thoại lấy tên gọi là Công ty TNHH SamSung Việt Nam.

Ông A đã sử dụng tên cho công ty trùng với nhãn hiệu nổi tiếng đang được bảo hộ; hàng hoá và dịch vụ của hai bên chủ thể có liên quan đến nhau; từ đó dễ gây ấn tượng sai lệch cho người tiêu dùng về mối quan hệ giữa hai bên chủ thể vì vậy nên hành vi của ông A bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu  SAMSUNG.

BÙI VĂN THUẬN

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.