Quy định về người thứ 3 ngay tình trong Bộ luật Dân sự.
Trong Bộ luật Dân sự thì người thứ 3 ngay tình được hiểu như sau: Người thứ 3 ngay tình là tại thời điểm tham gia giao dịch dân sự, người này không có cơ sở để biết việc giao dịch của mình với người không có quyền định đoạt tài sản hoặc đối tượng tài sản của giao dịch liên quan đến giao dịch trước đó đã bị vô hiệu. Do tại thời điểm khi tham gia vào giao dịch dân sự, người thứ ba ngay tình hoàn toàn tin rằng người giao dịch với mình là người có quyền giao dịch, đối tượng tài sản giao dịch đáp ứng các điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực. Từ đó cho thấy người thứ 3 ngay tình hoàn toàn không có lỗi khi tham gia vào giao dịch.
Bộ luật dân sự quy định về việc bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu tại Điều 133:
1. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 167 của Bộ luật này.
2. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.
Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa.
3. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều này nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại.
Vấn đề người thứ 3 trong vụ việc tranh chấp về quyền tác giả.
Trong thực tế, một số vụ việc tranh chấp quyền tác giả gần đây có sự hiện diện của bên thứ 3 có liên quan đến vụ việc tranh chấp.
Điển hình trong các vụ việc này là vụ việc tranh chấp quyền tác giả bài thơ “Gánh mẹ”. Trong vụ việc ông Trương Minh Nhật khởi kiện ông Đoàn Đông Đức (nhạc sỹ Quách Beem) và Công ty TNHH Lý Hải Production. ông Trương Minh Nhật khẳng định ca khúc “Gánh mẹ” của ông Đoàn Đông Đức có phần lời là bài thơ cùng tên của ông. Ông Trương Minh Nhật khởi kiện Công ty TNHH Lý Hải Production vì cho rằng Công ty vi phạm pháp luật về quyền tác giả, xâm phạm quyền nhân thân và quyền sở hữu tác phẩm là bài thơ “ Gánh mẹ ” của ông.
Trong phiên tòa ông Trương Minh Nhật đưa ra nhiều yêu cầu đối với ông Đoàn Đông Đức (nhạc sỹ Quách Beem) và Công ty TNHH Lý Hải Production, trong đó những yêu cầu đối với Công ty TNHH Lý Hải Production bao gồm các việc :
+ Phải nêu tên ông là tác giả bài thơ trên phim Lật mặt 4 - Nhà có khách cũng như trên các thông tin có liên quan;
+ Bồi thường thiệt hại 825 triệu đồng do hành vi sử dụng bài thơ của ông mà không xin phép kể từ ngày khởi kiện trở về trước;
+ Phải trả tiền cho việc sử dụng bài thơ trong phim cho thời gian sau ngày khởi kiện;
+ Công khai xin lỗi trên các phương tiện thông tin đại chúng;
+ Tạm dừng khai thác bài thơ Gánh mẹ từ ngày Tòa thụ lý cho đến khi có bản án có hiệu lực.
Cho đến thời gian này việc tranh chấp chưa kết thúc vì các phiên tòa xét xử vụ này phải hoãn vì nhiều lý do.
Công ty TNHH Lý Hải Production trở thành người thứ 3 liên quan tới vụ tranh chấp này là vì Công ty đã ký kết hợp đồng với nhạc sĩ Quách Beem sử dụng bài hát “Gánh mẹ” là nhạc phim trong bộ phim của mình là phim Lật mặt 4.
Vậy Công ty TNHH Lý Hải Production có phải là người thứ 3 ngay tình trong vụ việc tranh chấp ?
Để trả lời câu hỏi này ta cần xem xét quá trình Công ty TNHH Lý Hải Production liên quan đến vụ tranh chấp.
Ca khúc “Gánh mẹ” của nhạc sĩ Quách Beem xuất hiện trên thị trường âm nhạc từ năm 2016 và cũng đã là ca khúc được nhiều người biết đến, sử dụng từ đó đến năm 2019 không có sự tranh chấp nào xảy ra.
Tháng 3 năm 2019, Công ty TNHH Lý Hải Production ký hợp đồng với ông Đoàn Đông Đức (nhạc sĩ Quách Beem) để sử dụng ca khúc “Gánh mẹ”, đến tháng 9 năm 2019 vụ tranh chấp bắt đầu xảy ra.
Khi xảy ra vụ việc tranh chấp, Công ty TNHH Lý Hải Production đã có đơn gửi tòa án và luôn khẳng định việc tòa án xác định họ là bị đơn là không đúng đối tượng theo quy định của luật Sở hữu trí tuệ. Công ty TNHH Lý Hải Production khẳng định công ty là bên nhận chuyển nhượng hợp pháp tác phẩm ca khúc "Gánh mẹ" từ tác giả ca khúc này. Trong hợp đồng ký với công ty, tác giả của ca khúc là ông Đoàn Đông Đức (nhạc sĩ Quách Beem) cam kết chịu trách nhiệm về bản quyền của ca khúc "Gánh mẹ" nếu có tranh chấp.
Tại phiên tòa, Công ty TNHH Lý Hải Production cũng khẳng định chỉ sử dụng ca khúc “Gánh mẹ” trong phim chứ không sử dụng bài thơ “Gánh mẹ” . Công ty TNHH Lý Hải Production đã ký hợp đồng với ông Đoàn Đông Đức (nhạc sĩ Quách Beem), người có giấy chứng nhận của Cục Bản quyền tác giả, chủ sở hữu ca khúc “Gánh mẹ”.
Vấn đề người thứ 3 ngay tình trong luật Sở hữu trí tuệ về Quyền tác giả.
Vụ việc tranh chấp bài thơ “ Gánh mẹ” chưa đến hồi kết. Việc Hội đồng xét xử sẽ có phán quyết thế nào, Công ty TNHH Lý Hải Production có phải là người thứ 3 ngay tình hay không chúng ta cũng chưa được biết. Nhưng qua vụ việc tranh chấp này chúng ta đều nhận thấy trong trường hợp một vụ việc tranh chấp về quyền tác giả có người thứ 3 ngay tình thì việc áp dụng luật để xác định và giải quyết sẽ rất khó khăn.
Trong một giao dịch về nhượng quyền sở hữu quyền tác giả thì việc bên nhận chuyển nhượng tại thời điểm giao dịch không có cơ sở để biết giao dịch là không phù hợp với quy định pháp luật. Điều đó có nghĩa là khi tham gia vào giao dịch, bên nhận chuyển nhượng hoàn toàn tin rằng người chuyển nhượng là người có quyền giao dịch và giao dịch đáp ứng các điều kiện để giao dịch có hiệu lực.
Hiện nay, Bộ luật Dân sự đã có những quy định về người thứ 3 ngay tình, việc này đã mang lại sự công bằng, cũng như các lợi ích cho người thứ 3 khi có những vụ việc tranh chấp dân sự xảy ra. Nhưng đối với luật Sở hữu trí tuệ quy định về quyền tác giả thì chưa đề cập đến vấn đề người thứ 3 ngay tình ,chưa có khái niệm hay định nghĩa nào về người thứ 3 ngay tình, việc này gây khó khăn cho khả năng xác định, nhận định về lỗi vi phạm, về quyền lợi cho bên thứ 3 có liên quan đến vụ việc tranh chấp.
Vì vậy việc bổ sung khái niệm hay định nghĩa và các quy định bảo vệ cho người thứ 3 ngay tình trong luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả là thực sự cần thiết để những người sử dụng tác phẩm thực sự yên tâm vào lựa chọn của mình. Việc người thứ 3 ngay tình được định nghĩa và bảo vệ trong luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả sẽ mang lại sự tin tưởng vào tính đúng đắn, sự chuẩn sác, công bằng của pháp luật về quyền tác giả cho mọi người dân.
Đỗ Chiến Thắng