Chống buôn lậu, hàng giả: Chủ yếu phát hiện, xử lý các vụ nhỏ

Kỹ thuật Web

Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn chưa tạo được chuyển biến căn bản. Các vụ việc phát hiện, xử lý chủ yếu là các vụ việc nhỏ, hầu hết việc xử lý chỉ dừng lại ở người vận chuyển, mang vác thuê, bày bán…

Chiều 2/1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ 2020 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia).

Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh ủy, UBND 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng BCĐ 138/CP và BCĐ 389 quốc gia nêu rõ: Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả luôn được Đảng và Nhà nước, Chính phủ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Trong những năm qua, công tác này đã đạt những kết quả quan trọng, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, góp phần ổn định và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng thu ngân sách, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và cuộc sống bình yên của nhân dân.

Năm 2019, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm đã được triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, nhiều mặt công tác vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Cơ quan chức năng đã điều tra, khám phá nhanh các vụ trọng án, vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng về ma tuý, kinh tế, tham nhũng, công nghệ cao, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong 11 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng đã phát hiện xử lý gần 191.000 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 20.000 tỷ đồng (tăng 4%), khởi tố 1.864 vụ án (tăng 29%) với 2.184 đối tượng (tăng 32%). Số vụ, số đối tượng bị khởi tố tăng cho thấy chúng ta đã quyết liệt hơn trong xử lý vi phạm, tăng tính răn đe, phòng ngừa vi phạm.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cũng nêu rõ: Tình hình tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, gắn với sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thậm chí là tiêu cực, tham nhũng, bao che, tiếp tay của một bộ phận cán bộ, công chức tha hoá, biến chất.

Một số loại tội phạm có xu hướng liên kết hình thành các băng nhóm, sử dụng vũ khí nóng sẵn sàng gây án gia tăng, các loại tội phạm cướp, giật hoạt động ngày càng manh động (như cướp tiệm vàng, ngân hàng, xe máy, giật túi xách, điện thoại ngay giữa phố…), tội phạm liên quan đến ma tuý, tín dụng đen chưa được kiểm soát hiệu quả.

“Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn chưa tạo được chuyển biến căn bản. Các vụ việc phát hiện, xử lý chủ yếu là các vụ việc nhỏ, hầu hết việc xử lý chỉ dừng lại ở người vận chuyển, mang vác thuê, bày bán… Tình trạng nhập lậu hàng giả xuất xứ hàng Việt Nam, hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng có chiều hướng gia tăng. Những sơ hở, bất cập trong chính sách xuất nhập khẩu vẫn chưa khắc phục triệt để nên các đối tượng vẫn lợi dụng để buôn lậu, vận chuyển hàng cấm với số lượng lớn”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh.

Tại hội nghị quan trọng này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị các đại biểu tham dự tập trung đóng góp ý kiến vào các vấn đề lớn của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đồng thời, nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ những việc đã làm được, chưa làm được; những cơ quan, đơn vị, địa phương nào có cách làm tốt, giải pháp hay, có tính đột phá; chỉ rõ địa phương nào chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ, còn nhiều hạn chế, yếu kém; những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp công tác thời gian tới.

Lê Sơn

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.