Cơ chế phân biệt, bảo hộ đối với Nhãn hiệu thông thường và Nhãn hiệu nổi tiếng, những vấn đề còn bỏ ngỏ

Lợi Trần

PLBQ - Hiện tại vẫn tồn tại và xuất hiện những sự so sánh, chênh lệch về quyền giữa các Nhãn hiệu nổi tiếng và các Nhãn hiệu chưa thực sự xây dựng được chỗ đứng lớn trên thị trường

Nhãn hiệu được coi là một loại tài sản vô hình của người hoặc công ty thực hiện hoặc sản xuất và là một trong các đối tượng sở hữu công nghiệp được pháp luật bảo hộ. Ở Việt Nam, các hoạt động xây dựng và phát triển hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ được bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ 20.

Đến nay, Việt Nam đã có một hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về sở hữu trí tuệ theo đánh giá chung của quốc tế, trong đó trụ cột là Luật Sở hữu trí tuệ và các cam kết về sở hữu trí tuệ trong EVFTA Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, người tiêu dùng Việt Nam đang đứng trước sự bùng nổ của đa dạng các loại hàng hóa, dịch vụ gắn liền với từng nhãn hiệu, thương hiệu khác nhau. Nhãn hiệu giữ vai trò, chức năng rất quan trọng không chỉ trong sản xuất kinh doanh mà cả trong đời sống xã hội. Chính vì vậy mà nhãn hiệu đang là một trong những đối tượng sở hữu công nghiệp bị xâm phạm nhiều nhất ở Việt Nam trong suốt thời gian qua.

Các hành vi xâm phạm nhãn hiệu chủ yến nhằm mục đich làm cho người tiêu dùng nhầm tưởng về hàng hoá, dịch vụ mà họ chuẩn bị mua. Điều này không chỉ làm giảm lợi nhuận mà còn làm phương hại đến danh tiếng và hình ảnh doanh nghiệp sở hữu các nhãn hiệu đó, ảnh hưởng đến quyền lợi được sử dụng sản phẩm đúng nhãn hiệu của người tiêu dùng trên thị trường.

Tuy nhiên, xét trên khía cạnh pháp luật về sở hữu trí tuệ và về nhãn hiệu ở Việt Nam chúng ta, đến thời điểm hiện tại vẫn tồn tại và xuất hiện những sự so sánh, chênh lệch về quyền giữa các nhãn hiệu nổi tiếng và các nhãn hiệu chưa thực sự xây dựng được chỗ đứng lớn trên thị trường, những sự so sánh và khác nhau đó được thể hiện ở các khía cạnh như:

Luật sở hữu trí tuệ quy định nhãn hiệu thông thường là các dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau; trong khi đó nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Bản thân quy định này luôn luôn có sự biến đổi và mâu thuẫn trong bản thân nó bởi thực tế rất khó để xác định rằng ý thức của một người tiêu dùng đây có phải là nhãn hiệu thông thường hay nhãn hiệu nổi tiếng hay không. Bản thân mỗi người tiêu dùng, với họ nhãn hiệu họ yêu thích là nhãn hiệu nổi tiếng do đó về quy định này cần phải được xem xét một cách nghiêm túc và toàn diện nhất.

Nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tự động mà không nhất thiết phải thực hiện thủ tục đăng ký xác lập quyền (Điều 6 Luật SHTT). Phạm vi bảo hộ đối với nhãn hiệu nổi tiếng rộng hơn nhãn hiệu thông thường. Việc sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ không trùng hoặc tương tự cũng bị từ chối bảo hộ với điều kiện việc sử dụng dấu hiệu đó ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng hoặc việc đăng ký dấu hiệu đó nhằm lợi dụng uy tín của nhãn hiệu nổi tiếng (Điểm i khoảng 2 Điều 74 Luật SHTT).

Điều 75 Luật SHTT, các tiêu chí sau đây được xem xét khi đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng:

“Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo; Phạm vi lãnh thổ mà hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành; Doanh số từ việc bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hóa đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp; Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu; Uy tín rộng rãi của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu; Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu; Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng; Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu”.

Nhãn hiệu được công nhận là nổi tiếng trên cơ sở bản án, quyết định của toà án theo thủ tục tố tụng dân sự hoặc quyết định công nhận của Cục SHTT (Điểm 42 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN). Bên cạnh đó, trước khi quyết định tiến hành thủ tục xử lý vi phạm, cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm căn cứ vào các tiêu chí quy định tại Điều 75 Luật SHTT để xem xét, đánh giá một nhãn hiệu có được coi là nổi tiếng tại Việt Nam hay không. Cơ quan này có thể trao đổi ý kiến chuyên môn với Cục SHTT hoặc lấy ý kiến hội đồng tư vấn.

Trường hợp nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam được công nhận theo thủ tục tố tụng dân sự hoặc theo quyết định công nhận của Cục SHTT, cơ quan xử lý vi phạm có thể căn cứ vào các tài liệu liên quan để xem xét việc thừa nhận nhãn hiệu được coi là nổi tiếng tại Việt Nam nếu việc công nhận nhãn hiệu nổi tiếng của các cơ quan nêu trên tại thời điểm yêu cầu xử lý vi phạm còn phù hợp (Điểm d khoản 3 Điều 13 Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp).

Mặc dù đã được phổ cập trên các văn bản pháp luật nhưng vẫn còn tồn tại những bất cập xung quanh những cơ chế bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng.

Thứ nhất, định nghĩa về nhãn hiệu nổi tiếng được quy định tại khoản 20 điều 4 Luật SHTT còn chưa được rõ ràng, chưa khái quát được bản chất và đặc điểm của nhãn hiệu nối tiếng. Những đặc điểm gắn liền với những nhãn hiệu nổi tiếng như danh tiếng, uy tín của thương hiệu, chất lượng hàng hóa sản phẩm mang nhãn hiệu, chăm sóc khách hàng để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Không chỉ vậy, định nghĩa này được cho là đặt ra yêu cầu quá cao so với các điều ước quốc tế chứa đựng các cam kết về nhãn hiệu nổi tiếng như Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ – TRIPs. Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, nhãn hiệu nổi tiếng phải được người tiêu dùng biết đến rộng rãi , trong khi Hiệp định TRIPs chỉ đặt ra yêu cầu đối với bộ phận công chúng liên quan (relevant sector of the public).

Hơn nữa, điều này cũng có nghĩa là nếu một nhãn hiệu  rất nổi tiếng trên thế giới, tuy nhiên nếu người tiêu dùng Viêt Nam không biết đến, thì nhãn hiệu này chưa được coi là nổi tiếng theo quy định của pháp luật Việt Nam. Như vậy, chúng ta cần học hỏi các quy định về định nghĩa “nhãn hiệu nổi tiếng” của các quốc gia trên thế giới. Họ phân biệt hai cấp độ : “nhãn hiệu nổi tiếng” ( well – known marks) là nhãn hiệu được biết đến rộng rãi trong phạm vi quốc gia và “nhãn hiệu rất nổi tiếng” (famous marks) là nhãn hiệu được biết đến rộng rãi trên thị trường quốc tế , mang tính toàn cầu. Những nhãn hiệu được coi là nổi tiếng toàn cầu có thể kể đến như : Coca-cola, Microsoft , Nokia, Google, Apple,…

Thứ hai, các tiêu chí xác định nhãn hiệu nổi tiếng chưa được rõ ràng. Căn cứ theo điều 75 Luật SHTT có quy định thì có 8 tiêu chí được xem xét đánh giá là nhãn hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên không quy định không rõ để xác định nhãn hiệu nổi tiếng thì phải đáp ứng đủ 8 tiêu chí đã quy định hay chỉ cần một hoặc một số tiêu chí trên là có thể được đánh giá là nhãn hiệu nổi tiếng. Không chỉ vậy, mặc dù đã được bổ sung tại điểm 42 Thông tư 01/2017/TT-BKHCN các tiêu chí còn chung chung, chưa có tính định tính và vẫn không dễ dàng áp dụng vào thực tế.

Thứ ba, các văn bản pháp luật hiện hành chưa đủ để phân biệt nhãn hiệu nối tiếng với “nhãn hiệu được sử dụng rộng rãi” và “nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi”. Nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi” được ghi nhận ở điểm g khoản 2 điều 74 Luật SHTT, tuy nhiên không được định nghĩa rõ ràng như thế nào là nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi. Còn nhãn hiệu được sử dụng rộng rãi được đề cập ở các loại văn bản pháp luật khác nhau như Nghị định 99/2013/NĐ-CP, Thông tư 11/2015-TT-BKHCN. Qua đó, ta có thể thấy được rằng giữa nhãn hiệu được sử dụng rộng rãi và nhãn hiệu nổi tiếng được điều chỉnh bởi cơ chế pháp lí khác nhau.

Không chỉ vậy, đối với hành vi xâm phạm vào quyền với nhãn hiệu nổi tiếng sẽ bị xử lý như hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, còn những hành vi xâm phạm và quyền nhãn hiệu được sử dụng rộng rãi được côi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Theo Điểm d, khoản 1, Điều 19 Thông tư 11/2015/TT-BKHCN, nhãn hiệu được coi là sử dụng rộng rãi nếu chủ thể yêu cầu xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh cung cấp được các chứng cứ chứng minh: chủ thể kinh doanh đã sử dụng nhãn hiệu một cách rộng rãi, ổn định, được nhiều người tiêu dùng tại Việt Nam biết đến, có thể bao gồm: các thông tin về quảng cáo, tiếp thị, trưng bày triển lãm; doanh thu bán hàng; số lượng sản phẩm bán ra; hệ thống đại lý phân phối, liên doanh, liên kết; quy mô đầu tư; đánh giá của các cơ quan nhà nước, phương tiện thông tin đại chúng, bình chọn của người tiêu dùng và các thông tin khác thể hiện uy tín của chủ thể kinh doanh gắn với chỉ dẫn thương mại trong hoạt động kinh doanh của mình tại Việt Nam.

Có thể khẳng định rằng, nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi có mức độ phổ biến và danh tiếng, uy tín ở Việt Nam thấp hơn nhãn hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, khi đặt các điều quy định tại Thông tư này và các văn bản pháp luật hiện hành khác thì vẫn khó có thể phân biệt được nhãn hiệu nổi tiếng và nhãn hiệu được sử dụng rộng rãi với nhau bởi về cơ bản nhãn hiệu nổi tiếng sẽ được sử dụng rộng rãi do danh tiếng của công ty sở hữu nhãn hiệu.

Thứ tư, chưa có những thủ tục để được công nhận nhãn hiệu nổi tiếng. Mặc dù thẩm quyền công nhận nhãn hiệu nổi tiếng được trao cho Tòa án và Cục sở hữu trí tuệ, nhưng chưa có các quy định pháp luật về trình tự, thủ tục công nhận nhãn hiệu nổi tiếng.

Thứ năm, những quy định xử phạt những hành vi vi phạm đến NHNT chưa đủ sức để răn đe. Vẫn còn nhiều trường hợp lấy những nhẫn hiệu nổi tiếng sử dụng cho hàng hóa của mình mà chưa được phát hiện kịp thời hoặc xử lí thích đáng làm ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu.

Dưới những vấn đề pháp lý về nhãn hiệu nói trên, có thể thấy pháp luật Việt Nam còn phải có những quy định hoặc những cơ chế đánh giá độ nổi tiếng hay sự thông thường của nhãn hiệu trên thực tế 1 cách cụ thể và ngắn gọn hơn nhằm triển khai 1 cách thực tế. Sự phân biệt và chênh lệch về quyền lợi, phạm vi bảo vệ này có thể là sự  kích thích để các nhãn hiệu đi đến sự thành công những cũng có thể là rào cản bởi họ gặp quá nhiều khó khăn về bảo hộ và đăng ký.

 

 

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.