>> Bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ trong quan hệ với người lao động – Thách thức đối với Doanh nghiệp
>> Góc nhìn pháp luật qua vụ một Công ty của Việt Nam tuyên bố kiện một công ty sở hữu ứng dụng quốc tế về vấn đề bản quyền
In 3D là một công nghệ mới nổi trong những năm trở lại đây, đang thúc đẩy một loạt các ngành công nghiệp. Giống như một ngành công nghệ khi mới ra đời, tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến hầu như tất cả các lĩnh vực của Luật sở hữu trí tuệ.
(Ảnh: forbes.com)
In 3D hay còn gọi là công nghệ bồi đắp vật liệu là một chuỗi kết hợp các công đoạn khác nhau để tạo ra một vật thể 3 chiều. Trên thế giới, công nghệ in 3D xuất hiện từ những năm 1980, xâm nhập vào Việt Nam khoảng từ năm 2003, đến nay công nghệ in 3D đã được áp dụng trong nhiều ngành như xây dựng, thời trang, y học... Công nghệ này được phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc.
Một trong những thành tự nổi bật tại Việt Nam, ví dụ như “in” mảnh sọ bằng methyl methacrylate để vá lỗ thủng trên đầu một bệnh nhân 17 tuổi ở Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM vào đầu năm 2016, Cánh tay điều khiển bằng suy nghĩ được hình thành từ công nghệ in 3D của Công ty TNHH 3D Master. Không chỉ vậy trên thế giới còn có thể sản xuất ô tô bằng công nghệ in 3D, hãng Divergent Microfactories đã giới thiệu chiếc Divergent Microfactories Blade mang thiết kế vô cùng bắt mắt. Song song với những thành tựu đạt được và tốc độ phát triển, in 3D cũng đem lại thách thức lớn đối với hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ.
Đặc thù kĩ thuật ảnh hưởng đến bản quyền, sáng chế, bí mật thương mại.
Với đặc thù kỹ thuật của mình in 3D cho phép nó có thể sao chép hầu hết tất cả các đối tượng. Quá trình sao chép này bắt đầu bằng tập tin kĩ thuật số gọi là tệp CAD xuất sang máy in 3D. Tệp CAD là những tập tin được thiết kế chứa các đối tượng để in, hướng dẫn máy in 3d làm việc tạo ra sản phẩm. Tệp này rất dễ dàng phát tán qua mạng, có thể thấy thực tế bạn có thể tải một tệp CAD các mẫu của một mô hình hay sản phẩm bạn yêu thích để in ra. Ví dụ như in phụ tùng xe thay vì phải bỏ một khoản tiền lớn để mua nó từ nhà sản xuất bạn có thể tự in ra với giá rẻ hơn. Hiển nhiên rất ít người quan tâm đến việc sản phẩm mình làm ra đã được đăng kí bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hay chưa.
(Ảnh:rojectopics.blogspot.com)
Việc sao chép các sản phẩm có những tác động không nhỏ đến chủ sở hữu. Đối với các doanh nghiệp và cá nhân làm ảnh hưởng đến khả năng thương mại hoá hoặc sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Về mặt pháp lý bất kỳ phát minh gốc nào được máy in 3D sao chép đều có thể đã được đăng kí bằng sáng chế, kiểu dáng và được pháp luật bảo vệ. Do đó, một thiết kế được in bằng cách sử dụng in 3D, có thể vi phạm bản quyền. Muốn in 3D một sản phẩm đã được đăng kí bảo hộ cần được sự đồng ý của chủ sở hữu, nếu không có sự cho phép mà tự ý sao chép thì đây được coi là hành vi vi phạm.
Mặt khác, in 3D còn có thể ảnh hưởng đến bí mật thương mại vì máy in 3D có thể quét một vật thể ngoài đời thực, “thiết kế ngược” sản phẩm đó rồi in ra nó. Thiết kế ngược có thể làm lộ các bí mật thương mại liên quan đến quá trình tạo ra sản phẩm gốc. Để giải quyết được vấn đề này người bán có thể phải sử dụng hợp đồng để bảo vệ sản phẩm của mình, yêu cầu người mua không thiết kế ngược các bộ phận của sản phẩm.
In 3D với mục đích sử dụng cá nhân có hoàn toàn hợp pháp ?
Khi một cá nhân sử dụng máy in 3D in ra các sản phẩm sử dụng với mục đích riêng không kinh doanh thu lợi nhuận thì không bị coi là vi phạm sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, việc in sản phẩm này kể cả không với mục đích kinh doanh vẫn có thể gây ảnh hưởng lớn đến cá nhân, tổ chức nắm giữ quyền. Ví dụ khi A in bản sao của chiếc kéo thiết kế đã được đăng kí bản quyền để dùng. Sau đó, do thấy tiện lợi A tiếp tục in tặng cho bạn bè hoặc người . Như vậy, bằng một cách gián tiếp thì hoạt động in 3D đã gây ảnh hưởng đến lợi ích của nhà sản xuất chiếc kéo đó. Việc này gây ảnh hưởng gián tiếp và có thể gây suy giảm hiệu lực của bằng sáng chế.
Khó xử phạt các vi phạm liên quan đến in 3D.
Nếu máy in 3D và các tệp CAD được sử dụng rộng rãi. Bạn có thể in các sản phẩm mình yêu thích bằng các tệp CAD được phát tán trên mạng. Chủ sở sở hữu hoặc người điều hành máy in có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi vi phạm sáng chế. Tuy nhiên, thực tế lại khá khó khăn cho chủ sở hữu bằng sáng chế để phát hiện hoặc chứng minh hành vi vi phạm. Các sản phẩm có bản quyền bị sao chép thường là các nhân vật hoạt hình, tượng nhỏ, đồ chơi... Được sản xuất tại nhà nên rất khó phát hiện. Hiện pháp luật chưa có quy định cụ thể quản lí việc sử dụng máy in 3D. Cũng giống cũng giống như khi bạn tải một bài hát có bản quyền trên web không được được phép phân phối bài hát đó. Xác định người đã tải tệp CAD và sử dụng nó như thế nào hết sức khó khăn và ít khả thi. Kể cả khi xác định được thì việc kiện hàng nghìn các đối tưởng sản xuất tại nhà sẽ không hiệu quả và tốn nhiều chi phí.
Quản lí tiêu chuẩn của các sản phẩm in 3D.
Ngoài tác động đến luật sở hữu trí tuệ in 3D còn tác động đến các tiêu chuẩn quản lý sản phẩm, nó cho phép cá nhân và doanh nghiệp sản xuất sản phẩm mà không cần xem xét đến tiêu chuẩn. Khi in các sản phẩm mà không được quản lí bởi các cơ quan có thẩm quyền, sẽ dẫn đến sản xuất hàng hoá bất hợp pháp ví dụ như vụ việc in 3D súng bị phản đối gay gắt tại Mỹ. Liên minh gồm 21 tiểu bang và Đặc khu Columbia đã đệ đơn kiện chính quyền trước một quy định có thể cho phép đăng các bản thiết kế súng in 3D lên mạng. Cho rằng súng in 3D có thể gây nguy hiểm cho mọi người và những vũ khí in 3D này không được theo dõi, quản lí và rất khó phát hiện.
Ngoài ra, hãy tưởng tượng những người xấu có thể sử dụng máy in 3D để sản xuất các bộ phận máy bay hoặc thiết bị y tế quan trọng mà không được quản lí về chất lượng. Rủi ro khi sử dụng các sản phẩm kém chất lượng này sẽ tăng lên đáng kể gây nguy hại cho người sử dụng. Qua đó có thể thấy rằng quản lí các sản phẩm in 3D là vô cùng cần thiết nó tác động trực tiếp đến đời sống xã hội.
In 3D đang phát triển một cách nhanh chóng. Mọi ý tưởng sáng tạo đều có thể được sản xuất hàng loạt bởi chủ sở hữu máy in 3D. Chủ sở hữu các sản phẩm bảo vệ nghiêm ngặt đến mức nào cũng có thể trở thành đối tượng bị sao chép và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Làm sao để chủ sở hữu bảo vệ được sản phẩm của mình là câu hỏi khó trả lời. Để hạn chế vi phạm sở hữu trí tuệ bằng công nghệ in 3D trong thực tế còn nhiều khó khăn. Đặt ra các câu hỏi liệu luật sở hữu trí tuệ hiện hành đã đáp ứng được nhiệm vụ bảo vệ bản quyền đối với công nghệ in 3D đang phát triển hay chưa? Làm thế nào để cân bằng giữ phát triển công nghệ và bảo vệ bản quyền?
Lưu ý: Bài viết dựa trên quan điểm khoa học và thực tiễn, không nhằm quảng bá cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.
Tô Chiêm