Vào thời điểm đó, tại Nga với nền y học tiên tiến, hiện đại đã nhanh chóng nghiên cứu ra loại vaccine có hiệu quả đến 92% và đây cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng kí bảo hộ sáng chế cho loại vaccine này. Nhưng việc “bảo toàn” cho vaccine chống covid-19 của Nga liệu có đem lại ảnh hưởng gì?
Đôi nét về vaccine chống covid-19 của Nga
Ngày 11/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nước này đã phát triển thành công vaccine Covid-19, đã "hoạt động khá hiệu quả" và "tạo nên hệ miễn dịch vững vàng". Cũng cùng ngày đó Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng kí vaccine COVID-19 mang tên Sputnik V.
Vaccine này có tên là Gam-COVID-Vac, thông cáo báo chí của Bộ Y tế Liên bang Nga cho biết Bộ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký số LP-006395 cho vaccine phòng ngừa COVID-19 Gam-COVID-Vac, do Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật mang tên Viện sỹ N.F. Gamaley trực thuộc Bộ Y tế Nga phát triển.
Mẫu vaccine Covid-19 được Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật Gamaleya, Moskva, phát triển ngày 6/8.
Trước cơn đại dịch nguy hại này, vaccine như một tia sáng soi chiếu với nền y học của Nga nói riêng và chiến dịch chống covid của toàn thế giới nói chung. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế toàn cầu còn tỏ ra lo ngại về vaccine Nga. Nhiều người cảnh báo các dữ liệu của nghiên cứu chưa đầy đủ, khó lòng tin tưởng vào loại vaccine này. Bên cạnh đó việc Nga đăng kí bảo hộ sáng chế cho vaccine này cũng không tránh khỏi nhiều tranh cãi.
Việc đăng kí bảo hộ sáng chế cho vaccine Covid của Nga: Nên hay không?
Cùng với Nga, rất nhiều nước trên thế giới đang nỗ lực nghiên cứu và thử nghiệm tìm ra loại vaccine tốt nhất để đặc trị chủng virus này. Đối với Nga việc nhanh chóng tìm ra loại vaccine và thử nghiệm có hiệu quả đến 92%, đây là thành công đáng kể cũng như là một tín hiệu tốt trong tình hình nguy cấp của đại dịch, nhưng đồng thời Nga cũng đi trước một bước với việc đăng kí bảo hộ cho vaccine, vậy hành động này của Nga liệu có nên hay không?
Có phải Nga đang cố gắng độc quyền sản xuất, tránh việc bị lấy cắp và sản xuất tràn lan. Đó vẫn là những hoài nghi được đặt ra. Bởi thời điểm Nga công bố vaccine nhiều viện nghiên cứu trên toàn thế giới cũng đang không ngừng tìm kiếm và đưa ra nhiều loại vaccine mới.
Nhưng theo quy định tại Hiệp định TRIPS về các khía cạnh liên quan tới thương mại của Quyền sở hữu trí tuệ. Được các quốc gia thành viên ký kết ngày 15/4/1994 và có hiệu lực từ ngày 01/01/1995, TRIPS là một điều ước quốc tế đa phương bao trùm toàn cầu có vai trò quan trọng hàng đầu về lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Các quy định của TRIPS có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý đối với tất cả các nước thành viên WTO, trong đó có Việt Nam.
Trong lĩnh vực sáng chế, TRIPS yêu cầu các quốc gia thành viên phải dành sự bảo hộ và thực thi quyền đối với sáng chế trong tất cả các lĩnh vực công nghệ, trong đó có lĩnh vực dược phẩm. Một trong những cơ chế linh hoạt trong bảo hộ sáng chế dược phẩm theo Hiệp định TRIPS là quy định về li-xăng không tự nguyện (hay còn gọi là li xăng cưỡng bức).
Cùng với đó các quốc gia thành viên đã thông qua Nghị định thư sửa đổi TRIPS (có hiệu lực từ ngày 23/01/2017). Điều 31bis Nghị định thư sửa đổi TRIPS cho phép các nước thành viên ra quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với một sáng chế dược phẩm mà không cần tuân thủ quy định của Điều 31(f) Hiệp định TRIPS. Điều này có nghĩa là việc cung cấp dược phẩm sản xuất theo quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đó không chỉ giới hạn ở thị trường nội địa của quốc gia thành viên đó mà còn cho phép xuất khẩu các loại thuốc generic. Ngoài ra, Phụ lục của Nghị định thư sửa đổi TRIPS cũng bổ sung các thuật ngữ như dược phẩm, thành viên nhập khẩu đủ tư cách, thành viên xuất khẩu… để thuận tiện cho việc áp dụng đối với các quốc gia.
Ngày 16/01/2017, Việt Nam đã phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi TRIPS. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cũng tuyên bố sử dụng cơ chế được quy định tại Điều 31bis của Nghị định thư sửa đổi TRIPS với tư cách là nước nhập khẩu dược phẩm.
Qua đó nhận thấy rằng, với tư cách là thành viên thứ 156 của WTO, Nga cũng phải tuân thủ theo Hiệp định đã đặt ra, bởi vậy việc Nga đăng kí bảo hộ sáng chế cho vaccine này cũng không gây ra ảnh hưởng lớn đến việc nghiên cứu và phát triển của các quốc gia khác trên thế giới vì trước tình hình đại dịch việc chuyển giao sáng chế là quy định bắt buộc như TRIPS đã quy định.
Nhưng cũng không thể bỏ qua được những ảnh hưởng khác mà việc làm này của Nga đã đem lại: Việc cạnh tranh không lành mạnh, tạo thế độc quyền, việc bảo mật các công thức mới, dạng bào chế mới … của thuốc dẫn đến việc các thuốc cùng loại không thể tiếp cận thị trường vì lý do phải chứng minh tính độc lập của các dữ liệu về thử nghiệm lâm sàng hay độc dược học.
Mới đây gần 1 triệu người ký kiến nghị WTO hủy bỏ bản quyền vaccine và cả thuốc điều trị covid-19. Kiến nghị cho rằng cần hủy bỏ bản quyền đối với các sản phẩm này, kiến thức công nghệ phải được chia sẻ miễn phí và công khai, không cho phép có các hành vi trục lợi trong đại dịch. Theo đó, các chính phủ, các nhà khoa học và công ty dược phẩm cần phải hợp tác và kết hợp mọi nguồn lực để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
Qua đó càng cho thấy rằng, việc bảo hộ tuy rằng tốt và được điều chỉnh theo hiệp định quốc tế nhưng hơn hết lại không phải là việc nên làm trong tình thế đại dịch nguy hại này. Bởi vậy, trước khi những luồng suy luận trái chiều nổi lên ngày càng mạnh mẽ hơn thì Nga cần phải có những chọn lựa đắt giá và khéo léo để xóa bỏ khỏi định kiến về việc “mưu cầu lợi nhuận cá nhân”. Nga có thể phát miễn phí vaccine hoặc tự động chuyển giao cho phép các viện y học, cơ sở y tế trên toàn thế giới sản xuất vaccine này.
Biết rằng cơn đại dịch này đã lan tỏa và chạm đến cả toàn nhân loại, thì việc tìm ra thuốc chữa không phải là trách nhiệm của riêng ai nữa, đó là trách nhiệm của cả một công đồng, của một nhân loại. Dịch bệnh rồi sẽ biến mất, cuộc sống sẽ đổi thay hay không? Điều đó đều không ai dám chắc…
Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định trường hợp bắt buộc chuyển giao sáng chế.
Điều 145 - Căn cứ bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế
1. Trong các trường hợp sau đây, quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 147 của Luật này mà không cần được sự đồng ý của người nắm độc quyền sử dụng sáng chế:
a) Việc sử dụng sáng chế nhằm mục đích công cộng, phi thương mại, phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho Nhân dân hoặc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của xã hội;
b) Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế không thực hiện nghĩa vụ sử dụng sáng chế quy định tại khoản 1 Điều 136 và khoản 5 Điều 142 của Luật này sau khi kết thúc bốn năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký sáng chế và kết thúc ba năm kể từ ngày cấp Bằng độc quyền sáng chế;
c) Người có nhu cầu sử dụng sáng chế không đạt được thỏa thuận với người nắm độc quyền sử dụng sáng chế về việc ký kết hợp đồng sử dụng sáng chế mặc dù trong một thời gian hợp lý đã cố gắng thương lượng với mức giá và các điều kiện thương mại thỏa đáng;
d) Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế bị coi là thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.
HỒNG VUI