Ông Nguyễn Văn Hai không giấu niềm vui cho hay: “Thành quả của tôi bước đầu đã được bộ ngành chủ quản chấp thuận. Đây là cơ sở để Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích cho tôi thuận tiện trong sản xuất, kinh doanh với các sáng chế của mình”. Trong 3 sáng chế được chấp nhận đơn hợp lệ, “Hệ thống tưới với béc tưới - phun đa năng chăm sóc cây ăn quả” đang được ứng dụng rộng rãi trong, ngoài tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Hai chia sẻ: “Nhiều năm về trước, tôi thấy không ít cảnh bà con nông dân mình kéo hàng đống dây dài thòng tưới nước giữa vườn thanh long rộng lớn mùa nắng nóng mà thương quá, bởi họ mất quá nhiều sức lực, thời gian kéo dài cho công việc đơn giản này. Chưa nói cảnh nắng hạn triền miên người dân càng khổ cực hơn. Bởi thế, tôi đã tìm tòi nghiên cứu ròng rã 3 năm liền, khắc phục nhược điểm hệ thống tưới nước trước đây, tìm thấy một số điểm quy trình tưới nước nhỏ giọt cây ăn quả, thanh long; vừa giảm chi phí, vừa tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả cây trồng chủ lực tỉnh ta”.
Điểm nổi trội hệ thống này cùng một đường ống dùng tưới riêng biệt cho gốc cây, phần ngọn và bón phân. Khi sử dụng tưới thanh long, nhà vườn tiết kiệm khoảng 60% tiền phân (100 trụ chỉ cần 2 kg/1 tuần), tiết kiệm nhiều nước, phù hợp thời tiết nắng nóng, khô hạn ở Bình Thuận.
Trong khi đó, tại lễ tổng kết, trao giải cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Thuận vừa qua, 11 giải pháp thiết thực đã nhận được Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Cụ thể như giải pháp “Tương thanh long” tác giả Hồ Thị Bạch Hoàng, xã Hàm Kiệm, Hàm Thuận Nam; “Cao dán thảo mộc hỗ trợ giảm đau nhức xương khớp” của ông Châu Ngọc Du, xã Tân Phước, thị xã La Gi; “Máy đo thân nhiệt và sát khuẩn tay tự động không tiếp xúc” nhóm giáo viên, học sinh trường THPT Phan Bội Châu, TP. Phan Thiết.
Cùng các giải pháp khác: “Tái sử dụng nguồn nguyên liệu tạo ra chuỗi sản phẩm nấm linh chi, nấm rơm, rau mầm, phân hữu cơ góp phần tăng hiệu quả kinh tế, thân thiện môi trường” của Lê Việt Kỳ (Sở Khoa học & Công nghệ); “Nước ép thanh long” Trần Thị Kim Lĩnh, thị trấn Phú Long, Hàm Thuận Bắc. “Tranh giấy xoắn nghệ thuật Ánh Nguyệt” của Lê Thị Ánh Nguyệt, Tân Xuân, Hàm Tân; “Thỏ sấy gác bếp” của Hồ Hữu Nghị, xã Huy Khiêm, Tánh Linh; “Mô hình chế biến thanh long đỏ lên men” Nguyễn Trường An, phường Tân Thiện, thị xã La Gi…
Ông Văn Công Thới, Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ cho rằng, trong bối cảnh ảnh hưởng dịch Covid- 19 kéo dài, các tác giả có nhiều nỗ lực sáng tạo, nghiên cứu giải pháp mới đã và đang cung cấp cho khách hàng trong ngoài tỉnh, tạo kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp.
Qua đó, một số tác giả, nhóm tác giả có giải pháp đạt chất lượng cao, có thể đăng ký sáng chế, cấp bằng giải pháp hữu ích với Cục Sở hữu trí tuệ, tạo thương hiệu phát triển sản phẩm, sản xuất, kinh doanh bền vững trong cơ chế thị trường.
Sắp tới, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ sẽ được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 3; luật sẽ khuyến khích, tạo động lực cho sáng tạo, thúc đẩy những nỗ lực, cống hiến của cá nhân, nhóm tác giả vào hoạt động cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu khoa học nhằm tạo ra sản phẩm vật chất, tinh thần cho xã hội; cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.