Đánh giá tính tương tự của dấu hiệu được sử dụng làm nhãn hiệu

(PLBQ). Trong nền kinh tế thị trường với sự tự do cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, việc khiến người tiêu dùng có thể biết, nhớ đến và lựa chọn những hàng hóa, dịch vụ do mình cung cấp là một trong những mục đích hàng đầu mà hầu hết các nhà sản xuất hàng hóa/cung cấp dịch vụ hướng tới. Nhãn hiệu lúc này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh và danh tiếng của các cá nhân, tổ chức cung cấp hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng.

Đánh giá tính tương tự của dấu hiệu được sử dụng làm nhãn hiệu là một trong những hoạt động cơ bản và thiết yếu trong quá trình xác lập cũng như thực thi quyền, có ý nghĩa quan trọng trong việc kết luận khả năng bảo hộ làm nhãn hiệu của dấu hiệu hoặc xác định hành vi nào đó có xâm phạm quyền với nhãn hiệu của chủ thể quyền hay không.

(Kỳ 1)

Khái quát về đánh giá tính tương tự của dấu hiệu được sử dụng làm nhãn hiệu

Dấu hiệu được sử dụng làm nhãn hiệu là một hoặc tập hợp các thông tin chỉ dẫn được thể hiện dưới những hình thức nhất định mà con người có thể cảm nhận được bằng một hay nhiều giác quan khác nhau dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác.

Đánh giá tính tương tự của dấu hiệu được sử dụng làm nhãn hiệu có mối liên hệ mật thiết với hoạt động bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu. Trong quá trình xác lập quyền, một trong các điều kiện để được bảo hộ là dấu hiệu phải có khả năng phân biệt (Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ) và tiêu chí quan trọng để đáp ứng điều kiện về tính phân biệt là dấu hiệu không được trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu đối chứng. Vì vậy, đánh giá khả năng bảo hộ nói chung và đánh giá tính tương tự giữa dấu hiệu yêu cầu đăng ký và nhãn hiệu đối chứng nói riêng là nội dung mang tính then chốt.

Như vậy, có thể hiểu một cách khái quát, đánh giá tính tương tự của dấu hiệu được sử dụng làm nhãn hiệu là việc áp dụng các quy định của pháp luật để tiến hành so sánh các yếu tố định tính và yếu tố định lượng cấu thành nên dấu hiệu dựa trên các khía cạnh thị giác, thính giác, nhận thức của người tiêu dùng, từ đó làm cơ sở để đánh giá khả năng tạo ra sự nhầm lẫn/phân biệt cho người tiêu dùng khi các dấu hiệu được so sánh cùng sử dụng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng hoặc tương tự nhau.

Phụ thuộc vào các mục đích khác nhau, hoạt động đánh giá được tiến hành bởi nhiều chủ thể khác nhau:

  • Chủ sở hữu nhãn hiệu tự mình hoặc thông qua các tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp tiến hành đánh giá trước khi đăng ký nhãn hiệu hoặc khi đưa ra ý kiến phản đối kết quả từ chối bảo hộ của cơ quan đăng ký.
  • Cơ quan đăng ký nhãn hiệu khi tiến hành đánh giá khả năng bảo hộ của dấu hiệu yêu cầu đăng ký nhãn hiệu trong quá trình xác lập quyền.
  • Hoặc có thể bất kỳ cơ quan, tổ chức nào ngoài cơ quan đăng ký trong hoạt động thực thi quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu.

Đánh giá tính tương tự của dấu hiệu được sử dụng làm nhãn hiệu không phải là hoạt động đánh giá một cách cơ học theo công thức hoặc mang tính chủ quan mà là sự đánh giá mang tính khoa học, hợp lý dựa trên bản chất của dấu hiệu, các quy định của pháp luật và các yếu tố thực tế.

Nguyên tắc cơ bản trong việc đánh giá tính tương tự của dấu hiệu được sử dụng làm nhãn hiệu

Các dấu hiệu được sử dụng làm nhãn hiệu khác nhau sẽ có những điểm khác nhau nhất định về cách thức thể hiện, cách thức phát âm hoặc nội dung ngữ nghĩa của các yếu tố cấu thành nên dấu hiệu. Vì vậy, không có một cách thức hoặc tiêu chí đánh giá tuyệt đối, có thể áp dụng chung cho tất cả trường hợp đánh giá tính tương tự của dấu hiệu được sử dụng làm nhãn hiệu. Tuy nhiên, khi xem xét và đánh giá tính tương tự của dấu hiệu được sử dụng làm nhãn hiệu vẫn cần phải tuân theo một số nguyên tắc cơ bản, nhằm đảm bảo cho việc đánh giá mang tính khách quan và phản ánh đúng bản chất của các dấu hiệu được xem xét.

Xem xét trong mối liên hệ với tổng thể dấu hiệu

Đánh giá tính tương tự của các dấu hiệu được sử dụng làm nhãn hiệu phải được đánh giá một cách toàn diện, xem xét tất cả các yếu tố liên quan trong từng trường hợp cụ thể, về hình thức thể hiện, cách phát âm, nội dung ngữ nghĩa dựa trên ấn tượng tổng thể của dấu hiệu trong trí nhớ của người tiêu dùng, đặc biệt là những thành phần có tính phân biệt và thành phần chủ đạo của dấu hiệu. Dấu hiệu càng gồm nhiều yếu tố thì tính tổng thể càng phải được đề cao khi đánh giá tính tương tự. Việc đánh giá tính tương tự cần thực hiện dựa trên ấn tượng tổng thể của các dấu hiệu đó, trong đó một số yếu tố trong dấu hiệu có thể được xem xét tập trung hơn các yếu tố còn lại.

Nguyên tắc này xuất phát từ thực tế rằng người tiêu dùng thông thường sẽ nhìn nhận dấu hiệu một cách tổng thể mà không đi sâu phân tích các chi tiết hay ghi nhớ toàn bộ các chi tiết, yếu tố cấu thành của dấu hiệu đó mà thường chỉ tập trung vào các thành phần độc đáo, đặc biệt hay nổi bật về mặt thị giác do những thành phần này dễ dàng được chú ý hơn các thành phần còn lại.

Đồng thời, khi lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, người tiêu dùng sẽ hiếm có cơ hội đặt các dấu hiệu cạnh nhau để so sánh một cách trực tiếp mà thông thường khi nhìn thấy một dấu hiệu nào đó, người tiêu dùng sẽ thường gợi nhớ, hồi tưởng lại những dấu hiệu mà họ đã từng biết đến trước đó đối với những loại hàng hóa, dịch vụ liên quan.

Tuy nhiên, trong tâm trí của người tiêu dùng luôn tồn tại những hình ảnh không hoàn chỉnh, đầy đủ và chính xác của dấu hiệu mà thường chỉ nhớ đến những thành phần có tính phân biệt và thành phần chủ đạo. Vì vậy, việc đánh giá ấn tượng tổng thể đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc xem xét tính tương tự giữa các dấu hiệu được sử dụng làm nhãn hiệu.

Thành phần có tính phân biệt (distinctive elements) và thành phần chủ đạo (dominant elements) là các thành phần có khả năng thu hút sự chú ý và lưu lại ấn tượng trong trí nhớ người tiêu dùng dễ dàng hơn so với các thành phần còn lại trong dấu hiệu. Vì vậy, các thành phần này có vai trò đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng lớn đến khả năng tương tự hay phân biệt về ấn tượng tổng thể giữa các dấu hiệu được sử dụng làm nhãn hiệu.

Căn cứ mức độ phân biệt, có thể chia các thành phần của dấu hiệu thành các loại như sau:

  • Thành phần có tính phân biệt là những thành phần có tính độc đáo, tạo ấn tượng riêng về dấu hiệu để phân biệt với các dấu hiệu được sử dụng làm nhãn hiệu của các chủ thể khác, thành phần này có thể là “tự tạo”, có nghĩa hoặc không có nghĩa.
  • Thành phần không có tính phân biệt hoặc tính phân biệt thấp thường là các thành phần mang tính mô tả, tên gọi thông thường của sản phẩm, dịch vụ hoặc các thành phần đã được sử dụng phổ biến bởi nhiều chủ thể đối với các sản phẩm, dịch vụ liên quan.

Trong khi đó, thành phần chủ đạo của dấu hiệu là những yếu tố gây chú ý và gây ấn tượng về dấu hiệu, có tác động mạnh đến khả năng cảm nhận của người tiêu dùng, đặc biệt là cảm nhận thị giác, thường được quyết định thông qua vị trí, kích thước, màu sắc… so với các thành phần còn lại trong dấu hiệu.

 

Thành phần chủ đạo của dấu hiệu có thể là thành phần có tính phân biệt hoặc cũng có thể là thành phần không có tính phân biệt hay tính phân biệt thấp. Trường hợp sự tương tự xảy ra ở các thành phần vừa đóng vai trò chủ đạo, vừa có tính phân biệt của dấu hiệu thì hai dấu hiệu tương tự với nhau.

Trường hợp có thể xác định thành phần có tính phân biệt và thành phần chủ đạo trong dấu hiệu thì việc đánh giá tính tương tự sẽ trở nên dễ dàng hơn vì thông thường, sự tương tự giữa các thành phần có tính phân biệt và/hoặc thành phần chủ đạo trong dấu hiệu sẽ dẫn đến khả năng tương tự về tổng thể. Tuy nhiên, trong trường hợp không thể xác định thành phần nào có tính phân biệt hoặc thành phần nào là chủ đạo trong dấu hiệu, khi đó sự tương tự phải đánh giá một cách toàn diện dựa trên toàn bộ các yếu tố cấu thành nên dấu hiệu.

Ví dụ: khi dấu hiệu là một thể đơn nhất, chỉ bao gồm một thành phần (một từ đơn, hình đơn, v.v..) hoặc dấu hiệu là sự kết hợp của những thành phần không có tính phân biệt hoặc có tính phân biệt thấp.

Xem xét dưới góc độ nhận thức của người tiêu dùng trung bình

Một trong những nguyên tắc cơ bản cần lưu ý khi đánh giá tính tương tự là phải xem xét dưới góc độ nhận thức của người tiêu dùng trung bình có liên quan đến sản phẩm, dịch vụ. Đây là một nguyên tắc quan trọng và được chấp nhận ở tất cả cơ quan đăng ký nhãn hiệu và Tòa án của các nước.

Thuật ngữ “người tiêu dùng” trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung và nhãn hiệu nói riêng, không chỉ giới hạn trong phạm vi những người thực sự sử dụng, tiêu dùng sản phẩm một cách vật lý, mà người tiêu dùng có thể được hiểu là nhóm công chúng có liên quan, hay nói cách khác là những nhóm công chúng nhất định mà hàng hóa hoặc dịch vụ nhằm hướng tới[1]. Theo bản Khuyến nghị chung về quy định bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng của WIPO, nhóm công chúng liên quan có thể bao gồm:

  • Người tiêu dùng thực tế và/hoặc tiềm năng của loại hàng hóa và/hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu.
  • Người tham gia vào các kênh phân phối loại hàng hóa và/hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu.
  • Giới kinh doanh liên quan tới loại hàng hóa và/hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu (nhà nhập khẩu, bán buôn, bên nhận li-xăng, bên nhận nhượng quyền thương mại).

Như vậy, đối tượng “người tiêu dùng” trong đánh giá tính tượng tự của dấu hiệu bao gồm:

  • Người tiêu dùng cuối cùng: là bộ phận công chúng liên quan với tư cách là người trao đổi giá trị (tiền) để lấy giá trị sử dụng của sản phẩm, dịch vụ những người sử dụng sản phẩm/dịch vụ. Nhóm người tiêu dùng này có thể là những người đã và đang mua sản phẩm, dịch vụ hoặc sẽ mua sản phẩm, dịch vụ trong tương lai.

Đối với sản phẩm, dịch vụ tiêu dùng mang tính đại chúng (mass consumption), người tiêu dùng là đại bộ phận công chúng nói chung.

Đối với những sản phẩm, dịch vụ mang tính đặc thù mà nhà sản xuất chỉ sản xuất và cung ứng chủ yếu cho bộ phận công chúng nhất định tùy theo nhu cầu, sở thích, thu nhập, đặc điểm công việc, v.v..., khi đó người tiêu dùng là bộ phận công chúng liên quan có khả năng/nhu cầu mua và sử dụng sản phẩm, dịch vụ và có những kiến thức nhất định về sản phẩm, dịch vụ đó.

Ví dụ: đối với các sản phẩm là chi tiết, linh kiện máy bay thì người tiêu dùng sẽ là những công ty chuyên sản xuất, lắp ráp hoặc sửa chữa máy bay.

  • Người tiêu dùng trung gian: là bộ phận công chúng nằm trong chuỗi sản xuất hoặc phân phối, đứng giữa nhà sản xuất đầu tiên đến người tiêu dùng cuối cùng, như các chủ thể mua vật liệu thô hoặc các sản phẩm linh kiện để sản xuất các sản phẩm khác hoặc các nhà bán buôn, bán lẻ. Mức độ quan tâm đến sản phẩm, dịch vụ của người tiêu dùng trung gian thường cao hơn so với người tiêu dùng cuối cùng, do những đối tượng này thường phải xem xét các yếu tố về giá cả và tính hiệu quả một cách kĩ lưỡng khi lựa chọn sản phẩm/dịch vụ.

Khả năng nhận thức của người tiêu dùng trung bình, là một yếu tố có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá tính tương tự của dấu hiệu được sử dụng làm nhãn hiệu. Người tiêu dùng trung bình có thể hiểu là những người tiêu dùng có thông tin hợp lý, có khả năng quan sát và sự thận trọng tương đối khi tiến hành lựa chọn sản phẩm, dịch vụ. Tuy nhiên, họ thường không có cơ hội để so sánh hai dấu hiệu một cách trực tiếp cạnh nhau mà chỉ đánh giá dựa trên sự hồi tưởng không hoàn chỉnh và đầy đủ về dấu hiệu được lưu giữ trong tâm trí họ[2].

Như vậy, nhận thức của người tiêu dùng trung bình về một nhãn hiệu là ấn tượng tổng thể về nhãn hiệu đó mà không phải là một bản sao chụp chính xác từng chi tiết của nhãn hiệu[3]. Do đó, các chủ thể thực hiện hoạt động đánh giá tính tương tự giữa các dấu hiệu không nên xem xét dấu hiệu một cách quá tỉ mỉ và chi tiết.

Ngoài ra, xuất phát từ bản chất của việc đánh giá tính tương tự giữa các dấu hiệu được sử dụng làm nhãn hiệu là để xác định có hay không những tiềm ẩn về xung đột với quyền đã được xác lập đối với nhãn hiệu của chủ thể khác và các quyền được xác lập này mang tính lãnh thổ, do đó, việc đánh giá tính tương tự phải gắn liền với nhận thức của người tiêu dùng trong lãnh thổ tương ứng đó.

Nguyên tắc đánh giá tính tương tự dưới góc độ nhận thức của người tiêu dùng trung bình, có vai trò quan trọng đối với việc định hướng cách thức tiếp cận của quá trình đánh giá tính tương tự. Việc đánh giá tính tương tự qua con mắt của người tiêu dùng trung bình có liên quan đến sản phẩm, dịch vụ sẽ đảm bảo tính bao quát, hợp lý và phù hợp với thực tế của các kết luận đánh giá về sự tương tự.

Xem xét dựa trên mức độ quan tâm của khách hàng khi lựa chọn sản phẩm, dịch vụ

Mức độ quan tâm của người tiêu dùng đối với các loại sản phẩm, dịch vụ có tác động không nhỏ đến khả năng nhầm lẫn khi lựa chọn sản phẩm, dịch vụ. Vì vậy, các đánh giá liên quan đến tính tương tự của dấu hiệu cần xem xét trong mối tương quan với các sản phẩm, dịch vụ mang dấu hiệu.

Đối với các sản phẩm có giá trị thấp, thời hạn sử dụng ngắn hoặc phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày như bánh kẹo, dầu ăn, v.v. thì khách hàng ít quan tâm chi tiết đến nhãn hiệu, do đó khả năng nhầm lẫn về tổng thể càng lớn.

Ngược lại, sản phẩm có giá trị cao, thể hiện đẳng cấp và địa vị của người tiêu dùng, có mức độ mua hàng không thường xuyên hoặc có nhiều khách hàng trung thành như ô tô, trang sức, thuốc lá, v.v. thì khách hàng càng quan tâm nhiều đến nhãn hiệu, thường sẽ tìm kiếm sự tư vấn hoặc trợ giúp từ các chuyên gia/những người am hiểu khi lựa chọn/mua sản phẩm, do đó khả năng nhầm lẫn về tổng thể giữa các dấu hiệu thấp hơn.

Đặc biệt, đối với các sản phẩm, dịch vụ càng quan trọng với sức khỏe, tính mạng con người như thuốc chữa bệnh thì khách hàng càng thận trọng hơn khi lựa chọn sản phẩm, dịch vụ. Vì vậy, tiêu chuẩn đánh giá tính tương tự giữa các dấu hiệu sẽ khắt khe hơn.

 

Đối với những loại thuốc được bán theo đơn, người lựa chọn thuốc sẽ là những dược sĩ, do đó, khả năng nhầm lẫn giữa các nhãn hiệu tương tự ít có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, đối với các loại thuốc được bán trên quầy, không cần sự kê đơn của dược sĩ thì việc đánh giá tính tương tự đặc biệt khắt khe vì lúc này người lựa chọn sản phẩm sẽ chính là những người tiêu dùng, ít có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực dược phẩm, khi đó việc nhầm lẫn giữa các dấu hiệu tương tự sẽ dẫn đến việc mua sai sản phẩm và gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng và sức khỏe.

Xuất phát từ những nguyên tắc cơ bản trên, trong kỳ tiếp theo, chuyên trang Pháp luật và Bản quyền xin gửi đến độc giả Cách thức để đánh giá tính tương tự của dấu hiệu được sử dụng làm nhãn hiệu?

(Còn nữa)

Kỳ Anh

 

[1] Hà Thị Nguyệt Thu (2013), “Hoàn thiện pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, (14), tr.47-51

[2] David I. Bainbridge (2007), Intellectual Property - Eighth Edition, Pearson Education Limited, pg.705

[3] Lê Hoài Dương (2004), “Đánh giá sự tương tự có khả năng gây nhầm lẫn giữa các nhãn hiệu”, Tạp chí Toà án nhân dân (02), tr.17

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.