Những câu chuyện thường nhật….
Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin chúng ta đã có thể cập nhật cho mình những tin tức, các vấn đề nóng hổi trong xã hội, trong đời sống thường nhật bất cứ thời điểm nào trong ngày. Vậy bạn có từng đọc qua tin tức ở đâu đó rằng có những độc giả cảm thấy trả phí 3.000 đồng để đọc một tập truyện tranh trên web là quá đắt, hay như bức xúc của nhạc sĩ Nguyễn Phúc Thiện vì bị sử dụng nhạc trái phép. Cả câu chuyện một loạt website phim lậu ở Việt Nam, trang này vừa “chết” thì trang khác lại “mọc lên” giống như một cuộc đuổi bắt không có hồi kết ?
Mỗi giờ, mỗi ngày, câu chuyện xâm phạm quyền tác giả vẫn diễn ra và trở thành một vấn nạn, vậy nguyên nhân của thực trạng vi phạm bản quyền là gì?
“Thói quen khó bỏ của công chúng”
Như một nét văn hóa xấu tồn tại từ lâu, số lượng người dùng các tác phẩm không có bản quyền là một con số không hề nhỏ. Lý do giải thích điều này được cho là do các tác phẩm không có bản quyền thường rẻ, thậm chí miễn phí và việc sử dụng thì tiện lợi hơn nhiều. Xem phim tại các website lậu thì không phải mất phí, không cần đăng ký, tạo tài khoản hay đăng nhập mà vẫn có thể xem phim với độ phân giải tốt. Trong khi chi phí để xem phim có bản quyền ở Việt Nam chi phí chỉ bằng vài ly cafe nhưng công chúng vẫn cảm thấy xa lạ với việc phải bỏ tiền, chấp nhận xem phim lậu, đọc truyện miễn phí để rồi đập vào mắt là ngập tràn các quảng cáo “bẩn” nhưng mang lại nguồn thu lớn cho những đơn vị làm ăn phi pháp.
Sự im lặng của những người trong cuộc
Bắt gặp tác phẩm của mình bị sao chép, copy một cách công khai, các tác giả phản ứng như thế nào?
Lý lẽ của phần đông tác giả là chuyện nhỏ bỏ qua, để thời gian mà làm việc. Có tác giả tâm sự trên diễn đàn với hàm ý tác phẩm được nhiều nơi đăng tải mà chưa nhận được sự cho phép nhưng lượt view còn cao hơn nơi tác giả đăng chính thức.
Có thể thấy nhận thức chưa đầy đủ của một số tác giả đã tiếp tay cho vấn nạn vi phạm bản quyền trở nên trầm trọng hơn. Tác giả đã bỏ ra rất nhiều tâm huyết, công sức, thời gian để tạo ra tác phẩm để rồi bị các nơi sao chép, lợi dụng nhằm thu lợi bất chính trong khi chính những người tạo ra tác phẩm lại không nhận được đồng thù lao nào.
Tiền đáng lẽ là của mình lại chảy vào túi của người khác, tác phẩm của mình lại bị người khác mạo nhận đó là điều mà không tác giả nào mong muốn. Không những vậy, với các tác phẩm miễn bản quyền thì việc đảm bảo nguyên bản, không bị sửa chữa, xuyên tạc là một điều khó khăn, ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của tác giả là.
Sự im lặng của những tác giả đối với việc đứa con tinh thần của mình khi bị xâm phạm bản quyền là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến vụ việc tranh chấp nghiêm trọng. Có lẽ, đã đến lúc các tác giả cần phải lên tiếng, thậm chí phải kiên trì đấu tranh bảo vệ lợi ích của mình. Đây là câu chuyện đấu tranh đòi sự công bằng, chúng ta có Luật sở hữu trí tuệ, nghĩa là có cơ sở pháp lý đủ để bất kì ai vi phạm bản quyền đều có thể bị xử lý.
Hướng đi nào cho việc bảo vệ bản quyền - tài sản trí tuệ ?
Hiện nay, khi phát hiện hành vi vi phạm bản quyền, tác giả hay chủ sở hữu tác phẩm muốn yêu cầu bồi thường thiệt hại thì có thể trực tiếp yêu cầu đối tượng vi phạm trả phí bản quyền. Nếu không thể thỏa thuận với bên vi phạm, thì khởi kiện ra tòa án nhân dân có thẩm quyền là biện pháp duy nhất. Tuy nhiên, việc khởi kiện về sở hữu trí tuệ tương đối phức tạp, nguyên đơn trong các vụ án này khi yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại phải thu thập chứng cứ vi phạm, chứng minh được thiệt hại thực tế xảy ra.
Việc đăng ký bản quyền tác giả là không bắt buộc, vì “Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình ảnh, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký” (khoản 1 Điều 6 Luật SHTT), như việc bạn đăng tác phẩm của bạn lên trang facebook cá nhân khi đó quyền tác giả đối với tác phẩm của bạn có thể đã được pháp luật bảo hộ tự động. Nhưng nếu tác giả hay chủ sở hữu tác phẩm đăng ký quyền với Cục bản quyền tác giả thì tác giả, chủ sở hữu không có nghĩa vụ phải chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan thuộc về mình khi có tranh chấp (trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại).
Thời gian vừa qua, sự ra đời một số đơn vị, cơ quan có chức năng bảo vệ , bảo đảm các quyền lợi của tác giả khi có hành vi xâm phạm bản quyền là một bước tiến quan trọng trong việc đấu tranh chống lại sự vi phạm bản quyền. Đó là Trung tâm bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Trung Tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam, Trung tâm Quyền tác giả Việt Nam (VCOP). Trong đó, Trung tâm Quyền tác giả Việt Nam (VCOP) là Trung tâm bảo vệ Quyền tác giả trong tất cả các lĩnh vực phát sinh Quyền tác giả như văn học, nghệ thuật, hội họa, kiến trúc, máy tính…Và đây là một địa chỉ các tác giả có thể giao lưu, đàm luận, công bố công khai tác phẩm của mình. Đồng thời đưa đến cơ hội khai thác yếu tố kinh tế của tác phẩm, giúp tác giả tái đầu tư chất xám.
Chung tay, góp phần là việc mà tất cả chúng ta, các tác giả, những người dùng (sử dụng) tác phẩm phải cùng xây dựng lên một hành lang xã hội, pháp luật bảo vệ, mang lại quyền lợi cho các tác giả, chủ sở hữu của tác phẩm để từ đó để giảm, hạn chế hành vi vi phạm bản quyền .
Câu nói: “Câu chuyện không của riêng ai” thật đúng nghĩa trong việc đấu tranh vi phạm bản quyền.
Thảo Linh