Đề xuất bỏ bản quyền vaccine Covid-19: Mỹ ủng hộ, nhưng còn nhiều trở ngại

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã đưa ra đề xuất bỏ bảo hộ bản quyền cho các hãng sản xuất vaccine Covid-19. Đề xuất này đã nhận được cả sự ủng hộ lẫn phản đối.

Việc bỏ bảo hộ bản quyền vaccine Covid-19 chủ yếu sẽ là bỏ bản quyền liên quan đến bí quyết kỹ thuật, như dòng tế bào và loại vi sinh được sử dụng, và cách tạo ra chúng.

Phía ủng hộ cho rằng, nó sẽ đẩy nhanh quá trình sản xuất vaccine và giúp các nước nghèo nhanh chóng có đủ vaccine. Còn phía phản đối thì cho rằng, bỏ bảo hộ bản quyền sẽ làm xói mòn động lực phát triển nhanh chóng các loại vaccine, do đó sẽ không có tác dụng trên thực tế.

Bất ngờ là ngày 5/5 đề xuất này đã được Mỹ tuyên bố ủng hộ. Nói bất ngờ bởi Mỹ là nơi đặt đại bản doanh của một số hãng dược lớn nhất thế giới, nên nếu ủng hộ thì sẽ bị nhiều người nhìn nhận rằng Mỹ đã tự làm suy yếu việc bảo vệ sở hữu trí tuệ, nhất là cho các doanh nghiệp “ruột” của mình.

Cơ sở pháp lý

Cơ sở đề xuất là điều khoản ngoại trừ áp dụng đối với quy định về bảo vệ sở hữu trí tuệ (TRIPS). Theo đó, 35 trong số 159 nước thành viên WTO được phân loại kém phát triển nhất sẽ được miễn trừ áp dụng TRIPS trong một thời gian. Thời gian này sẽ kết thúc vào ngày 1/7 năm nay nhưng đã được gia hạn vài lần. Trong mọi trường hợp, các nước này được phép có cách tiếp cận linh động đến bản quyền và các dữ liệu phòng thí nghiệm đối với dược phẩm cho đến ít nhất là năm 2033.

Ngoài ra, với quy định cấp phép bắt buộc, tất cả các Chính phủ có quyền sử dụng mọi sáng chế được cấp bản quyền và cho phép người khác sử dụng quy trình được cấp bản quyền mà không cần phải xin phép chủ sở hữu bản quyền, nhưng phải trả cho người chủ một khoản đền bù nhất định. Thêm nữa, kể từ năm 2001, quy định này đã được sửa đổi theo hướng trong những tình huống khẩn cấp về y tế, như đại dịch, dược phẩm sản xuất theo sự cấp phép bắt buộc có thể được sản xuất tại một nước và bán cho nước khác.

Trên thực tế đã có một số vụ việc Chính phủ sở tại áp dụng cấp phép bắt buộc sản xuất dược phẩm. Chẳng hạn, năm 2002, Ai Cập cấp các giấy phép bắt buộc để sản xuất đại trà thuốc cường dương Viagra.

Cách tiếp cận thông tin khi có miễn trừ bản quyền

Sau khi được miễn bản quyền, các Chính phủ sở tại có thể tiếp cận, khai thác các thông tin bí mật mà cơ quan y tế sở tại được cung cấp trước đó để đánh giá sự an toàn của vaccine (nếu hãng dược liên quan muốn sản phẩm của mình được cấp phép tiêu thụ ở nước sở tại). Thông tin này gồm những chi tiết như thành phần vaccine, chi tiết chế tạo, và thông tin thử nghiệm... là những thông tin hữu ích để Chính phủ có thể dựa vào đó để tạo ra vaccine.

Nếu hãng dược có cơ sở hoặc đối tác tại nước sở tại thì chính quyền có thể buộc những chủ thể này giao nộp các bí mật thương mại họ đã chưa/không nộp cho cơ quan chức năng trước đó. Chính phủ cũng có thể yêu cầu các công ty khác thu nhập các thông tin đó. Nếu các chủ thể từ chối cung cấp thông tin thì sẽ phải đối mặt với nhiều hậu quả.

Trở ngại

Khi bị áp cấp giấy phép bắt buộc thì chủ nhân bản quyền hiển nhiên là không thể vui vẻ hợp tác được mà sẽ tìm cách phản đối hoặc trả đũa. Như trong vụ việc ở Ai Cập, hãng Pfizer đã xé bỏ kế hoạch xây dựng nhà xưởng trị giá 300 triệu USD ở nước này. Về sự bảo vệ từ Chính phủ nhà, Mỹ cũng đôi lúc đã áp đặt trừng phạt thương mại trả đũa các vụ ban hành giấy phép bắt buộc để sản xuất các sản phẩm của các công ty Mỹ.

Trong trường hợp cụ thể của Covid-19, nếu được áp dụng quyền cấp phép bắt buộc thì các nước áp dụng sẽ không còn sợ bị trả đũa bằng trừng phạt thương mại hay bị kiện ra WTO do vi phạm sở hữu trí tuệ. Việc bỏ bảo hộ bản quyền vaccine Covid-19 chủ yếu sẽ là bỏ bản quyền liên quan đến bí quyết kỹ thuật, như dòng tế bào và loại vi sinh được sử dụng, và cách tạo ra chúng.

Một lợi thế nữa trong việc cấp phép bắt buộc là nhiều loại vaccine Covid-19 được phát triển nhanh chóng mà chưa được cấp bản quyền, dù công nghệ nền tạo ra vaccine đó có thể đã đăng ký bản quyền. Hoặc nữa là các nước có thể cũng đã từ chối cấp bản quyền cho các loại vaccine Covid-19.

Tuy vậy, WTO là một tổ chức hoạt động dựa trên sự đồng thuận, vì thế tất cả nước thành viên sẽ phải cùng đồng ý xóa bỏ bản quyền sở hữu trí tuệ này. Tìm được sự đồng thuận trong một vấn đề phức tạp như vậy là một việc rất khó khăn và kéo dài nhiều tháng. Cần nhớ rằng đề xuất ban đầu được đưa ra bởi Ấn Độ và Nam Phi cho việc xoa bỏ bảo hộ đối với kít thử, vaccine, thuốc, các dụng cụ bảo vệ cá nhân và máy thông gió. Nhưng trong tuyên bố ủng hộ của Mỹ chỉ đề cập đến vaccine. Còn Đức thì đã ra mặt phản đối sự bãi bỏ bảo hộ này.

Ngoài ra, để tự vệ, các hãng dược tuyên bố ngoài việc mở rộng sản xuất ở trong các nhà máy của họ, họ cũng đang nỗ lực đẩy mạnh sản xuất ở những nhà máy của bên thứ ba được cấp phép tự nguyện. Cấp phép tự nguyện có nghĩa là các hãng dược có một sự kiểm soát nhất định đối với việc để cho ai tiếp cận được các thông tin mật của họ.

Nói cách khác, Chính phủ dù có được miễn bản quyền vaccine thì cũng khó buộc được các hãng dược quốc tế cung cấp thông tin, bí mật thương mại liên quan đến vaccine nếu các hãng dược chủ động lựa chọn, cấp phép cho nhà sản xuất khác. Bằng việc cấp phép tự nguyện, các hãng dược đáp ứng nhu cầu vaccine lớn cho nước sở tại, làm cho Chính phủ không còn lý do gì buộc các hãng dược cung cấp thông tin, bí mật thương mại nữa.

Về sự ủng hộ của Mỹ xóa bỏ bản quyền vaccine, một số nhà quan sát cho rằng, sự ủng hộ của chính quyền Biden chủ yếu là do động cơ chính trị hơn là chân ý muốn mở rộng nguồn cung vaccine cứu trợ thế giới. Biden tuyên bố muốn Mỹ trở thành một đối tác tích cực với các nước khác, đảo ngược chủ trương “nước Mỹ trên hết” được xem là vô trách nhiệm với đồng minh và thế giới của người tiền nhiệm Donald Trump. Hơn nữa, chính quyền Biden cũng nói rõ rằng sự xóa bỏ bản quyền này là hành động xảy ra chỉ một lần, trước nhu cầu chống đại dịch, và không nên được nhìn nhận như một phần của nỗ lực làm suy yếu quyền sở hữu trí tuệ trong các lĩnh vực khác.

Kể cả khi Chính phủ có được các thông tin cần thiết để sản xuất vaccine thì vẫn còn nhiều bất trắc, thách thức cho việc sản xuất trong nước. Chẳng hạn, Chính phủ sẽ phải xây dựng hoặc chuyển đổi các nhà máy và phương tiện sản xuất, trong khi nguyên liệu sản xuất vaccine thì đang bị thiếu hụt. Vấn đề khác nữa là sẽ khó mà đảm bảo rằng các nhà sản xuất mới sẽ sản xuất ra vaccine an toàn như nhà sản xuất ban đầu.

TS. Phan Minh Ngọc (Tư vấn cấp cao, Bondcritic (Singapore))

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.