Đổi tên thương hiệu và góc nhìn từ câu chuyện “BigC”

(PLBQ). Một thương hiệu được tạo dựng lên là cả quá trình dài và tiêu tốn nhiều chi phí cho marketing, điều đó góp phần khẳng định cho thương hiệu của doanh nghiệp. Có thể nói thương hiệu chính là “linh hồn” của mỗi doanh nghiệp...

...Nhưng với sự vận động và phát triển không ngừng, tùy thuộc vào từng thời điểm, đôi khi thương hiệu ban đầu không còn là thích hợp nữa, doanh nghiệp sẽ lựa chọn phương án đổi tên thương hiệu.

BigC Thăng Long, Hà Nội (BigC.vn)

Mới đây Central Retail (Việt Nam) một thành viên của Central group (Thái Lan) sẽ hoàn tất đổi tên các siêu thị BigC thành Tops Market, Đại siêu thị BigC thành Go! trong năm nay, chấm dứt 22 năm tồn tại của thương hiệu Big C tại Việt Nam.

Tại sao Central retail (Việt Nam) lại làm như vậy?

Trước hết, cùng tìm hiểu đôi nét về nguồn gốc và quá trình hình thành của BigC

Theo nhiều nguồn tin, BigC được thành lập năm 1993 tại Thái Lan dưới tư cách là công ty con của Central Group. Đến năm 1997, sau khủng hoảng tài chính châu Á, hệ thống siêu thị này rơi vào tay của tập đoàn Casino của Pháp. Khi đó, hệ thống của BigC chủ yếu tập trung vào hoạt động bán lẻ để tăng cường hiệu quả kinh doanh.Năm 1998, đại siêu thị BigC đầu tiên ở Việt Nam được thành lập ở Đồng Nai.

Kể từ khi rơi vào tay công ty của Pháp, BigC liên tục phát triển và thu được những thành công trong kinh doanh. Tuy nhiên, đến năm 2016, tập đoàn Casino quyết định bán lại hệ thống BigC tại Việt Nam và Thái Lan.

Tập đoàn TCC của tỷ phú nổi tiếng Charoen Sirivadhanabhakdi thắng thế và giành được quyền kiểm soát BigC Thái Lan nhờ mua được 58,6% cổ phần từ Casino. Lúc này, Central Group chỉ nắm trong tay 25% cổ phần. Lúc này Central Group quyết định bán luôn 25% cổ phần kể trên cho TCC để dồn lực mua lại BigC Việt Nam từ tập đoàn Casino.

Kết quả của việc này là BigC Việt Nam quay trở về với chủ thành lập ban đầu là tập đoàn Central Group còn BigC Thái Lan thuộc về tập đoàn TCC.

Đều là BigC nhưng chủ thể sở hữu là khác nhau, đối với BigC Việt Nam sau khi trở về với Central group để khẳng định giá trị và tầm nhìn phát triển hơn thế nữa. BigC Việt Nam có kế hoạch đổi tên hay còn gọi là tái định vị thương hiệu.“Lột tấm áo cũ” đón nhận những sự thay đổi mới mẻ và thành công hơn.

Cụ thể từ ngày 1/3, ba siêu thị Big C tại TP HCM gồm Big C An Phú, Big C Thảo Điền và Big C Âu Cơ đã được tháo biển cũ và thay bằng tên gọi mới là Tops Market. Đây là các siêu thị đặt trong tòa chung cư.

Phía Central Retail, thuộc Central Group cho hay 4 siêu thị Big C tại Hà Nội (The Garden, Hà Đông, Nguyễn Xiển, Lê Trọng Tấn) cũng sẽ hoàn tất chuyển đổi, nâng cấp thành Tops Market vào quý III.

Thương hiệu mới của BigC (Nguồn: Internet)

Vậy lí do gì để BigC phải thay tên đổi họ?

  • Dễ dàng nhận thấy được câu chuyện ở đây là việc mua bán, cùng một chuỗi siêu thị mang tên BigC nhưng ở Việt nam và Thái lan thuộc chủ sở hữu là khác nhau. Nhằm đáp ứng nhu cầu thị yếu của người Việt sự thay đổi này là điều hứa hẹn “lột xác” nâng cao chất lượng dịch vụ tối đa cùng nhiều cải tiến trong không gian mua sắm, hướng đến khách hàng một trải nghiệm hoàn toàn mới. Vậy Tops market và Đại siêu thị GO! ra đời như một cái tên-một hệ thống siêu thị hoàn toàn mới.
  • Có thể cái tên “BigC" không đại diện cho Công ty: Thương hiệu Big C được giới thiệu lần đầu ngày 15/1/1994, tên viết tắt của "Big Central". Dù có quyền sử dụng tên này trong 10 năm nhưng nhà bán lẻ Thái vẫn muốn đổi tên ngay sau đó. Lí do chúng ta có thể đoán được đó chính là việc thay đổi mô hình của cửa hàng tương xứng với cái tên Tops Market và Đại siêu thị GO! Tiêu chí mà tập đoàn Central Retail (Việt Nam) đề ra: thực phẩm hữu cơ tươi sống đa dạng; nguồn gốc xuất xứ rõ ràng uy tín; đặc biệt là dịch vụ khách hàng tận tâm và giá luôn luôn thấp.
  • Liệu đây có phải tầm nhìn xa của Central group: Quyền sử dụng tên BigC lên đến 10 năm, nhưng có lẽ trong thời đại hội nhập, phát triển không ngừng thì nhanh nhất có thể họ xây dựng từ ban đầu với định hướng thương hiệu toàn cầu, đặt một nền móng vững chắc, phát triển như từ những bước đầu thành lập. Mở rộng và hội nhập là điều quan trọng mà doanh nghiệp nào cũng mong muốn.

Sự thay đổi và cách tiếp nhận của người tiêu dùng ra sao?

Một thương hiệu ra đời và tồn tại được 22 năm, trước sự thay đổi đột ngột, thì việc quan trọng nhất là cần thời gian, cả phía doanh nghiệp và người tiêu dùng để thích ứng về sự thay đổi và thích nghi.

Làn sóng dư luận không theo một quy luật nhất định nào, có người ủng hộ có người sẽ không đồng tình. Đối với sự thay đổi mới mẻ này liệu có đáp ứng được toàn bộ nhu cầu thiết yếu của khách hàng về mọi mặt. Đòi hỏi BigC cần phải có chiến lược đúng đắn “chiều lòng khách hàng” đem tất cả mọi điều tốt nhất đến với người tiêu dùng đó là cốt lõi quan trọng nhất. Chắc chắn rằng khách hàng sẽ có cảm hứng, niềm tin với những thay đổi mới mẻ và đột phá.

Bài học rút ra về đổi tên Thương Hiệu

Trước một thương hiệu lâu đời và lớn mạnh như BigC, nhìn nhận một cách khách quan có thể rút ra nhiều bài học kinh nghiệm cùng với những nguyên tắc trong đổi tên thương hiệu:

Đổi tên cần phải xem xét về xu hướng phát triển của thị trường. Cần chuẩn bị tiềm lực kinh tế để đầu tư cho truyền thông cũng như chuyển đổi bộ máy.Lựa chọn tên Thương hiệu ấn tượng đơn giản, dễ ghi nhớ, nên trùng với tên Công Ty.

Hiệu quả nhất là đổi tên kèm theo việc tái định vị, đem lại hiệu quả cao nhưng cũng sẽ có rủi ro xảy ra, mặt khác nếu thành công đó là một bứt phá. Đăng kí tên tiếng anh là ưu tiên hàng đầu, mở rộng cơ hội phát triển quốc tế.

Giống như BigC vẫn là tiêu chí “giá luôn luôn thấp” chọn lựa những ưu điểm cũ làm lòng tin đối với khách hàng và thay đổi những cái mới có tiềm năng phát triển.

Mấu chốt của việc thay đổi là để cho mọi người cùng biết đến, cuối cùng điều quan trọng nhất, đó chính là việc quảng bá thương hiệu. Hình ảnh thương hiệu có thay đổi hơn trước hay là không thể mạnh bằng ban đầu điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân doanh nghiệp.

HỒNG VUI

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.