Luật Sở hữu trí tuệ: Một số quy định về đăng ký nhãn hiệu còn bất cập

Thực tế cho thấy rằng, việc đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh các vấn đề liên quan đến thủ tục đăng ký, thời gian đăng ký nhãn hiệu quá lâu cũng khiến các doanh nghiệp gặp những khó khăn nhất định, thậm chí là gây cản trở, thất thoát nhiều cơ hội kinh doanh của họ.

https://lsvn.vn/uploads/photos/1013/112/60deca2f8cb9a.jpg

Tiến sĩ, Luật sư Lê Ngọc Khánh, Công Ty Luật TGS.

Hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất luôn được khuyến khích để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của mình trước khi gia nhập thị trường, vừa nâng cao vị thế cạnh tranh, uy tín trong ngành vừa giúp doanh nghiệp tránh được những tranh chấp pháp lý không đáng có trong tương lai. Thủ tục đăng ký nhãn hiệu không bắt buộc nhưng dần trở thành xu thế chung trong quá trình hội nhập kinh tế của các nhà sản xuất. Rất nhiều trang thương mại điện tử lớn như Shoppe mall hay Amazone đã yêu cầu việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp có thể đăng bán sản phẩm của mình trên sàn của họ. Tuy nhiên, việc đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh các vấn đề liên quan đến thủ tục đăng ký, thời gian đăng ký nhãn hiệu quá lâu cũng khiến các doanh nghiệp gặp những khó khăn nhất định, thậm chí là gây cản trở, thất thoát nhiều cơ hội kinh doanh của họ.

Điển hình như câu chuyện Công ty Pacific Foods với các sản phẩm nước mắm Việt bán trên sàn thương mại điện tử Amazon. Điều kiện đăng ký sở hữu trí tuệ, pháp lý minh bạch là một trong những điều kiện bắt buộc để thực hiện các chương trình marketing, quảng bá sản phẩm trên sàn Amazon. Trước khi thực hiện đăng ký nhãn hiệu và có chấp nhận đơn ở nước sở tại, sản phẩm nước mắm Việt chỉ đứng ở vị trí hơn 2.000 so với các sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác. Sau khi đăng ký, các chiến dịch marketing, quảng bá sản phẩm được cho phép, sản phẩm nước mắm Việt đã tiếp cận được với người dùng, đánh bại được sản phẩm nước mắm của đối thủ mạnh đến từ Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc hay Singapore để vươn lên đứng vị trí top 1 trên sàn.

Một số bất cập

Đối với thực trạng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam, Tiến sĩ, Luật sư Lê Ngọc Khánh, Công ty Luật TNHH TGS cho rằng: Việc đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu là một trong những công việc cần được các doanh nghiệp thực hiện trước khi tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa. Có thể thấy lợi ích của việc chú trọng bảo hộ thương hiệu sản phẩm là không hề nhỏ đối với cả uy tín và lợi nhuận của doanh nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường kinh tế hội nhập và thời đại công nghệ 4.0, việc bán hàng trên các trang thương mại điện tử ngày càng phát triển, các doanh nghiệp cần thiết phải đáp ứng được các yêu cầu của các sàn đưa ra, trong đó có việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền. Tuy nhiên, thực tế việc đăng ký nhãn tại Việt Nam đang có nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho các doanh nghiệp.

Thứ nhất, việc tra cứu nhãn hiệu trước khi đăng ký chưa hiệu quả

Việc cho ra đời một nhãn hiệu để sản phẩm, dịch vụ của mình có thể tiếp cận thị trường, các doanh nghiệp đã tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để tạo ra một mẫu nhãn hiệu độc đáo và ấn tượng. Trước khi nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ, doanh nghiệp có thể thực hiện tra cứu đánh giá khả năng được cấp văn bằng bảo hộ, loại trừ đối chứng với các nhãn hiệu đã đăng ký. Tuy nhiên, số lượng bản ghi hiển thị khi tra cứu bị giới hạn, người tra cứu không thể nắm bắt được hết các nhãn hiệu trùng, tương tự với nhãn hiệu mình dự định đăng ký. Hơn nữa, người tra cứu cũng không thể tra cứu được những nhãn hiệu vừa mới nộp đơn đăng ký chưa hiển thi trên công báo của Cục Sở hữu trí tuệ. Do vậy, mặc dù đã thực hiện tra cứu đánh giá trước khi đăng ký bảo hộ nhưng tỉ lệ nhãn hiệu nộp đơn đăng ký bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ vì “vướng” phải các nhãn hiệu đối chứng đã đăng ký trước đó vẫn rất cao.

Thứ hai, các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ còn khá cứng nhắc

Điều 90 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2019 có quy định: “Trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký cùng đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ và cùng có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất thì văn bằng bảo hộ chỉ có thể được cấp cho một đơn duy nhất trong số các đơn đó theo sự thoả thuận của tất cả những người nộp đơn; nếu không thoả thuận được thì tất cả các đơn đều bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ”. Quy định này dẫn đến việc gây ảnh hưởng đến lợi ích của các doanh nghiệp đã sử dụng hoạt động lâu năm. Vì vậy, cần có thêm các cơ chế bảo vệ đối với các doanh nghiệp này.

Thứ ba, thời gian đăng ký nhãn hiệu quá lâu

Theo quy định pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành, thời gian đăng ký nhãn hiệu từ lúc nộp hồ sơ đến khi được cấp văn bằng bảo hộ là 12 tháng. Tuy nhiên, thực tế việc đăng ký nhãn hiệu có thể kéo dài lên đến từ 18 – 24 tháng. Thậm chí, đến thời điểm hiện tại có thể lên đến gần 36 tháng. Nguyên nhân là do số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu đang bị quá tải, việc xử lý và thẩm định đơn của các chuyên viên bị kéo dài thời gian. Chưa kể đến việc đơn đăng ký bị yêu cầu sửa đổi, bổ sung hay bị bên thứ ba phản đối cấp thì thời gian xử lý còn kéo dài hơn rất nhiều. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp để gia nhập thị trường. Các doanh nghiệp sẽ xảy ra tình trạng do dự, không dám phát triển, đưa vào sản xuất hàng loạt sản phẩm dập logo thương hiệu công ty vì không biết rằng nhãn hiệu của mình có được cấp văn bằng bảo hộ hay không. Sợ rằng nếu cứ xây dựng thương hiệu, sản xuất hàng loạt, đến khi việc bảo hộ nhãn hiệu bị từ chối trong khi sản phẩm của mình vừa được người tiêu dùng biết đến đã bị các bên khác làm nhái sản phẩm hoặc đánh cắp thương hiệu. Khi đó, doanh nghiệp sẽ bị thất thoát không nhỏ số tiền bỏ ra để sản xuất, quảng bá sản phẩm, đồng thời, uy tín của doanh nghiệp cũng bị thất thoát nặng nề.

Việc thời gian đăng ký nhãn hiệu bảo hộ nhãn hiệu gây hạn chế rất nhiều cơ hội, thời gian và tiền bạc của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân khách quan.

Đề xuất hoàn thiện

Để khắc phục được tình trạng này, theo Luật sư Khánh cần phải có sự phối hợp từ phía cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp. Cụ thể, các doanh nghiệp khi có ý định thành lập, kinh doanh sản phẩm cần thiết phải thực hiện ngay việc đăng ký ngay bảo hộ nhãn hiệu với Cục Sở hữu trí tuệ. Như vậy, các doanh nghiệp có thể rút ngắn được thời gian chờ cấp văn bằng khi có dự định đưa sản phẩm, dịch vụ ra thị trường. Bên cạnh đó, để việc đăng ký không bị gián đoạn và mất thêm thời gian xử lý, các doanh nghiệp nên tìm cho mình một bên trung gian uy tín, hiểu biết pháp luật sở hữu trí tuệ (như các văn phòng, công ty luật…) để giúp doanh nghiệp thực hiện việc đăng ký ngay từ khâu tra cứu và xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thẩm định đơn.

Cơ quan tiếp nhận đơn (Cục Sở hữu trí tuệ) nên tìm ra phương hướng giải quyết tình trạng quá tải đơn, dẫn đến việc thời gian cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu bị kéo dài. Có thể bằng việc cơ cấu lại bộ máy nhân sự hoặc số hóa các thông tin đơn nhãn để đẩy nhanh nhất có thể thời gian thẩm định đơn, cấp văn bằng bảo hộ giúp cho các doanh nghiệp không bị “thời gian chết” khi phải đợi đủ điều kiện để bán sản phẩm trên các kênh thương mại điện tử lớn.

Thủ tục và thời gian đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam đang là một trong những trở ngại khiến cho doanh nghiệp còn do dự khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền của mình. Tuy nhiên, việc không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đồng nghĩa với nguy cơ rất lớn việc đánh mất thương hiệu, mất đi khoản lợi nhuận trong tương lai. Vì vậy, các doanh nghiệp vẫn nên ưu tiên chú trọng việc đăng ký độc quyền nhãn hiệu, đồng thời, Cục Sở hữu trí tuệ cũng cần sớm đưa ra các giải pháp để khắc phục những vướng mắc trong công tác đăng ký, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp mở rộng và phát triển.

LINH NHI

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.