(Nguồn: iweb.tatthanh.vn)
Khái niệm thương hiệu trong bài này được hiểu là nhãn hiệu theo Luật Sở hữu trí tuệ. Thương hiệu hay nhãn hiệu là một sản phẩm, dịch vụ hay tổ chức có tên gọi, nhận diện và uy tín đã được công nhận. Thương hiệu được xem như “con át chủ bài” của doanh nghiệp. Nó không đơn thuần chỉ là một tên gọi cho công ty, mà còn là một thông điệp đầy ý nghĩa gắn liền với công ty xuyên suốt quá trình kinh doanh khi doanh nghiệp còn tồn tại trên thị trường. Một thương hiệu mạnh có thể đưa doanh nghiệp lên đỉnh cao, giúp đạt mục tiêu kinh doanh hiệu quả và dễ dàng.
Để có một thương hiệu “vượt thời gian”, sẽ không khó nếu nắm vững được các nguyên tắc dưới đây.
Đơn giản và dễ đọc
Tên thương hiệu đơn giản và dễ đọc sẽ dễ dàng lưu lại trong trí nhớ khách hàng. Tính đơn giản sẽ giúp khách hàng nhanh chóng nắm bắt được về thương hiệu. Tính ngắn gọn, dễ đọc sẽ dễ gợi nhớ trong tâm trí, giúp chúng ta dễ dàng truyền thông thương hiệu sau này.
Có thể bạn chưa biết, “7-Up” có tên ban đầu là "Bib-Label Lithiated Lemon-Lime Soda", chắc chắn khi bạn đi kêu đồ uống, nếu “7-Up” và "Bib-Label Lithiated Lemon-Lime Soda" đặt cạnh nhau, bạn sẽ kêu luôn “7-Up” cho nhanh, còn nếu muốn gọi nước “Bib-Label Lithiated Lemon-Lime Soda” thì chỉ có cách, chỉ tay vào menu cho lẹ!
(Nguồn: Internet)
Dễ đọc (dễ phát âm, đánh vần) là một ưu điểm bởi nó có thể dễ dàng được truyền miệng và tạo nên ấn tượng khó phai trong trí nhớ. Do dễ đọc, nó sẽ được gợi nhớ trước tiên khi nghĩ đến loại sản phẩm đó. Dễ đọc sẽ giúp khách hàng cảm thấy tự nhiên và thoải mái gọi tên thương hiệu khi mua sắm.
Ngược lại, một cái tên dài, phức tạp, đặc biệt nếu đó là không phải là ngôn ngữ bản địa, sẽ có thể gây ra cho khách hàng sự ngại ngùng, bối rối khi đọc hoặc phát âm. Kết quả là họ sẽ không muốn nhắc đến cái tên như vậy. Một thách thức và khó khăn khác trong quá trình tạo dựng giá trị đối với một tên thương hiệu dài là công ty sẽ phải tiêu tốn rất nhiều tiền bạc và công sức cho việc "đào tạo" khách hàng đọc tên thương hiệu thế nào cho đúng.
Đó là lý do tại sao khi những tên thương hiệu dài dòng được giới thiệu thì sẽ xảy ra một trong hai khả năng sau:
- Một là, nếu khách hàng ưa thích sản phẩm dịch vụ, họ sẽ tự thu gọn cái tên lại: Coca Cola trở thành Coke, Mercedes-Benz trở thành Merc …
Hai là, khách hàng sẽ quên đi cái tên dài lượt thượt kia và tìm mua với một thương hiệu khác.
Vì thế, nếu bạn có cái tên thương hiệu dài dòng, hãy cố gắng làm ngắn lại bằng cách thu gọn hoặc sáng tạo ra một cái tên mới.
Thân thiện và có ý nghĩa
Một sự cân nhắc kế tiếp để tên thương hiệu dễ được gợi nhớ đó là tính thân thiện và ý nghĩa của nó. Tên thương hiệu sẽ trở nên rõ ràng và ấn tượng nếu nó được hình tượng hóa bởi sự liên hệ tới một con người, địa danh, con vật hay một thứ gì đó cụ thể. Những cái tên loại này thường đạt được hiệu quả cao,
Ví dụ: thương hiệu Apple (quả táo)
(Nguồn: saokim.com.vn)
Bởi vì, những vật thể cụ thể thường được lưu trữ trong trí nhớ không chỉ dưới dạng từ ngữ, mà nó còn được hình tượng hóa. Sự nối kết này sẽ làm tăng nhận thức cũng như kéo dài trí nhớ về thương hiệu và sản phẩm.
Khác biệt, nổi trội và độc đáo
Đặt tên thương hiệu cũng cần phải độc nhất, khác biệt với đối thủ:
- Trước hết để chúng ta có thể đăng ký bảo hộ được tên thương hiệu, tránh những rắc rối về mặt pháp lý.
- Sau đó, chúng ta sẽ khẳng định được giá trị thương hiệu riêng của mình nếu thật sự nghiêm túc và muốn phát triển thương hiệu lâu dài.
Một tên thương hiệu khác biệt có thể được xem là một lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh. Để có được một cái tên khác biệt và nổi trội, nhiều công ty đã lựa chọn các chữ cái và kết hợp tạo thành một cái tên chưa từng được biết đến, kể cả trong từ điển.
Ví dụ: Xerox, Duracell …
(Nguồn: iweb.tatthanh.vn)
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, các tiêu chí (nguyên tắc) có thể xung đột lẫn nhau, do đó việc tạo ra một cái tên khác biệt, đôi khi đồng nghĩa bởi việc phải loại trừ một vài tiêu chí khác. Vấn đề của người thiết kế thương hiệu là làm sao tạo ra được sự kết hợp tối ưu để thỏa mãn tối đa các yêu cầu của thương hiệu.
Khả năng liên tưởng
Tên thương hiệu, ngoài khả năng dễ nhớ, cần phải có khả năng truyền tải những thông điệp có ý nghĩa tới khách hàng. Vì tên thương hiệu là một công cụ truyền tải thông tin hiệu quả nhất, trực tiếp tới khách hàng về thuộc tính cũng như lợi ích của sản phẩm. Trong những trường hợp cụ thể, tên thương hiệu còn được dùng như một công cụ chính trong việc mô tả sản phẩm, phân đoạn và định vị thị trường.
Ví dụ như các sản phẩm: son môi Lipice (kem môi), sữa Vinamilk, nước hoa Enchanteur (quyến rũ ), v.v...
Nếu tên thương hiệu có khả năng mô tả và liên tưởng cao sẽ dễ dàng hướng khách hàng liên hệ đến các lợi ích nổi trội về sản phẩm hay dịch vụ của công ty.
Amazon.com là một điển hình cho việc đặt tên thương hiệu theo nguyên tắc này. Amazon có 2 chữ cái quan trọng với ý nghĩa sẽ phục vụ khách hàng hoàn toàn trực tuyến và tiện lợi từ “A” đến “Z” và chữ “A” cũng là chữ cái đầu tiên trong bảng chữ cái. Nếu chúng ta để ý một chút, trên logo của Amazon có mũi tên chỉ từ “A” đến “Z” thể hiện cho tham vọng biến Amazon không chỉ là “cửa hàng sách lớn nhất trên thế giới”, mà còn là “cửa hàng bách hóa lớn nhất thế giới”. Với thông điệp truyền thông đầy ý nghĩa này, Amazon đã sử dụng một cách có hiệu quả việc truyền tải những thông điệp ý nghĩa để đặt tên cho thương hiệu của doanh nghiệp mình.
(Nguồn: ugvn.us)
Cuối cùng, một cái tên không đủ để làm nên thương hiệu mạnh. Tên thương hiệu dù có ấn tượng đến mấy cũng không thể cứu vãn cho một sản phẩm kém chất lượng hay dịch vụ tồi tệ. Hãy nhớ rằng, “Sản phẩm có trước thương hiệu có sau”. Vì vậy, muốn có một thương hiệu mạnh:
- Điều kiện cần là: nền tảng là sản phẩm tốt, dịch vụ xuất sắc.
- Điều kiện đủ là: một cái tên thương hiệu dễ nhớ và khác biệt.
Lưu ý: Bài viết dựa trên quan điểm khoa học và thực tiễn, không nhằm quảng bá cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.
Kỳ Anh