Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ đi sâu phân tích một số bất cập của pháp luật SHTT hiện hành về quyền tác giả, quyền liên quan và đề xuất việc hoàn thiện.
1. Về thuật ngữ “tác giả” và “đồng tác giả”
Mặc dù Luật SHTT năm 2005, sửa đổi năm 2009 (gọi tắt là Luật) không định nghĩa thuật ngữ “tác giả”, nhưng Điều 8 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP đã quy định: “Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học”, đồng thời Nghị định này không quy định tác giả là pháp nhân, do đó có thể nói rằng tác giả chỉ có thể là cá nhân.
Pháp luật Việt Nam về SHTT cũng không định nghĩa thuật ngữ “đồng tác giả” mà mặc nhiên quan niệm trong trường hợp có từ hai tác giả trở lên cùng sáng tạo nên một tác phẩm thì họ là các đồng tác giả của tác phẩm đó. Quan niệm này chỉ điều chỉnh được mối quan hệ về quyền tài sản đối với tác phẩm giữa các đồng tác giả đối với các trường hợp sau: 1) Tác phẩm được coi là đồng sở hữu chung duy nhất; 2) Tác phẩm được coi là đồng sở hữu chung theo phần, trường hợp này được điều chỉnh bởi Điều 38 của Luật SHTT (các đồng tác giả sáng tạo ra tác phẩm, nếu có phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập mà không làm phương hại đến phần của các đồng tác giả khác thì có các quyền nhân thân và quyền tài sản đối với phần riêng biệt đó).Quan niệm quá đơn giản như trên là không phổ quát, bởi lẽ nó không thể điều chỉnh được quyền nhân thân đối với tác phẩm mà các ví dụ sau đây là minh chứng: 1). Một bài thơ được công bố, sau đó một nhạc sĩ phổ nhạc cho bài thơ thành bài hát, giả định rằng tác giả bài thơ chỉ biết đến bài hát khi nó được công bố. Nếu coi bài hát (bao gồm phần nhạc và phần lời) là một tác phẩm đồng tác giả thì pháp luật không thể điều chỉnh được khi xảy ra tranh chấp về quyền nhân thân giữa các đồng tác giả, bởi lẽ ngoài việc mỗi đồng tác giả có các quyền nhân thân đối với phần riêng biệt của mình thì họ còn có quyền nhân thân chung đối với toàn bộ tác phẩm đồng tác giả; 2) Tác giả của một bản nhạc không lời đã chết, một người viết thêm lời vào bản nhạc thành bài hát có lời, nếu quan niệm như trên thì phải coi bài hát là một tác phẩm đồng tác giả vì đã có hai tác giả cùng sáng tạo nên một tác phẩm, như trường hợp nhạc sĩ Dương Thụ và ca sĩ Mỹ Linh đối với Album “Chat với Mozar”.
Để hoàn thiện vấn đề này, tác giả cho rằng nên tham khảo quy định về tác phẩm đồng tác giả trong Luật quyền tác giả của USA: “Tác phẩm đồng tác giả là tác phẩm được sáng tạo bởi hai hoặc nhiều tác giả với chủ ý là sự đóng góp của họ được kết hợp thành các phần không thể tách rời và phụ thuộc lẫn nhau trong một tổng thể hoàn chỉnh”, trong đó nhất thiết các đồng tác giả phải chủ ý cùng sáng tạo nên một tác phẩm chung.
2. Về thuật ngữ “chủ sở hữu quyền tác giả”
Thuật ngữ “chủ sở hữu quyền tác giả” xuất hiện tại Điều 13 và một số điều khác của Luật SHTT. Trong đó, Điều 36 đã định nghĩa: “Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản quy định tại Điều 20”.
Định nghĩa trên đây là chưa chính xác, bởi lẽ nội dung của quyền tác giả được quy định tại Điều 18 của Luật SHTT bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản, như vậy về mặt hình thức chủ sở hữu quyền tác giả phải nắm toàn bộ nội dung quyền tác giả (bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản). Nhưng như Điều 36 của Luật SHTT đã định nghĩa thì cho thấy chủ sở hữu quyền tác giả chỉ nắm quyền tài sản chứ không hề nắm quyền nhân thân.
Mặt khác, người nắm giữ toàn bộ quyền tài sản đối với tác phẩm thì có quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm như được quy định tại khoản 3 điều 19 của Luật này.
Vì vậy, tác giả đề xuất hoàn thiện vấn đề này theo hướng sau: 1) Sửa đổi thuật ngữ “chủ sở hữu quyền tác giả” thành thuật ngữ “chủ sở hữu tác phẩm”; 2) Quy định thêm chủ sở hữu tác phẩm có quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm.
3. Về đối tượng của quyền liên quan
Khoản 3 Điều 4 Luật SHTT quy định: “Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa”.
Như vậy quyền liên quan là một thuật ngữ được hiểu là nó phải liên quan đến quyền tác giả, hay nói cách khác nhất thiết nó chỉ được phát sinh trên cơ sở đã tồn tại một hoặc một số những tác phẩm trước đó.
Nhưng khoản 3 Điều 16 Luật SHTT lại quy định: “Tổ chức, cá nhân định hình lần đầu âm thanh, hình ảnh của cuộc biểu diễn hoặc các âm thanh, hình ảnh khác”. Như vậy các âm thanh, hình ảnh khác trong quy định này có thể được hiểu là âm thanh, hình ảnh không liên quan đến quyền tác giả, ví dụ một người ghi tiếng chim kêu, vượn hót, hình hươu, nai nhảy múa trong rừng hoặc bản ghi hình một trận đấu thể thao… thì theo khoản 3 Điều 16 Luật SHTT được bảo hộ theo quyền liên quan, nhưng bản ghi âm, ghi hình này lại không hề liên quan gì đến quyền tác giả, không được phát sinh trên cơ sở đã tồn tại tác phẩm bất kỳ nào trước đó. Thực chất bản ghi âm, ghi hình này là một tác phẩm nghệ thuật (nếu nó thỏa mãn định nghĩa tác phẩm nghệ thuật – nhưng ở đây Luật lại không định nghĩa cụ thể tác phẩm, trong đó có tác phẩm nghệ thuật), bởi vậy nó được bảo hộ quyền tác giả chứ không phải được bảo hộ theo quyền liên quan.
Đây là vấn đề quan trọng cần phải bàn đến việc này, bởi lẽ việc phân định quyền tài sản khi bảo hộ theo quyền tác giả hay quyền liên quan rất khác nhau.
Mặt khác, Luật không định nghĩa thế nào là bản ghi hình nên không thể xác định được đối tượng bảo hộ, bởi vậy có thể nhầm lẫn bản ghi hình với tác phẩm điện ảnh theo quy định tại điều 14 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP: “Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự quy định tại điểm e khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là những tác phẩm được hợp thành bằng hàng loạt hình ảnh liên tiếp tạo nên hiệu ứng chuyển động kèm theo hoặc không kèm theo âm thanh, được thể hiện trên một chất liệu nhất định và có thể phân phối, truyền đạt tới công chúng bằng các thiết bị kỹ thuật, công nghệ, bao gồm loại hình phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình và các loại hình tương tự khác”.
Để tránh việc đồng nhất bản ghi âm, ghi hình với tác phẩm điện ảnh và cũng để minh họa cho quy định tại khoản 3 Điều 4 của Luật SHTT, khoản 6 Điều 4 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP quy định chi tiết: “Bản ghi âm, ghi hình là bản định hình các âm thanh, hình ảnh của cuộc biểu diễn hoặc các âm thanh, hình ảnh khác hoặc việc định hình sự tái hiện lại các âm thanh, hình ảnh không phải dưới hình thức định hình gắn với tác phẩm điện ảnh hoặc tác phẩm nghe nhìn khác”. Tưởng chừng được làm rõ nghĩa thêm các quy định của Luật thì chúng ta lại bắt gặp một thuật ngữ mới, đó là tác phẩm nghe nhìn và tác phẩm nghe nhìn khác, cần lưu ý rằng Luật và Nghị định số 100/2006/NĐ-CP không định nghĩa tác phẩm nghe nhìn. Sau nữa, quy định chi tiết này cũng không thể cho biết bản ghi hình một trận đấu thể thao được bảo hộ theo cơ chế nào.
Như vậy, theo khoản 3 Điều 16 của Luật SHTT, nếu: Bản ghi hình được định hình lần đầu âm thanh, hình ảnh của cuộc biểu diễn thì được bảo hộ quyền liên quan; Bản ghi hình được định hình lần đầu các âm thanh, hình ảnh khác thì được coi là một tác phẩm và được bảo hộ quyền tác giả.
Tuy nhiên, trên thực tế thì cũng cần bàn thêm là khi đưa bản ghi hình là một đối tượng của quyền liên quan, Luật đã đưa thêm một đối tượng mới vào phạm vi bảo hộ, mà cho đến nay chưa có một điều ước quốc tế nào quy định.
Về vấn đề này, tác giả đề xuất hoàn thiện như sau: giữ nguyên khoản 3 Điều 4 và sửa đổi khoản 3 Điều 16 thành: “Tổ chức, cá nhân định hình lần đầu âm thanh, hình ảnh của cuộc biểu diễn”.
4. Về quyền nhân thân
Quyền nhân thân có thể được chia thành quyền nhân thân không thể chuyển giao(quy định tại các Khoản 1, 2, 4 Điều 19 của Luật SHTT) và quyền có thể chuyển giao (quy định tại Khoản 3 Điều 19 của Luật SHTT), quyền nhân thân không thể chuyển giao được bảo hộ vô thời hạn và tồn tại vĩnh viễn cùng với tác phẩm. Trong các quyền nhân thân không thể chuyển giao thì quyền “bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả” được coi là quan trọng nhất và trong thực tiễn nó cũng hay bị xâm phạm nhất.
Cụm từ gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả có thể làm cho khoản 4 Điều 19 của Luật SHTT được hiểu là nếu một người thực hiện hành vi sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm của người khác nhưng lại chứng minh được là hành vi đó không gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả hoặc chứng minh là hành vi đó đã làm cho tác phẩm “hay” lên thì không vi phạm khoản 4 Điều 19.
Để tránh việc hiểu như phân tích ở trên, khoản 3 Điều 22 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP quy định chi tiết: “Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén tác phẩm quy định tại khoản 4 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ là việc không cho người khác sửa chữa, cắt xén tác phẩm trừ trường hợp có thoả thuận của tác giả”. Ngoài việc những người soạn thảo Nghị định số 100/2006/NĐ-CP đã tùy tiện cắt xén cụm từ “xuyên tạc” trong khoản 4 Điều 19, thì quy định này lại không thể giải quyết được trường hợp nếu tác giả đã qua đời thì người sử dụng tác phẩm sẽ “thỏa thuận” với ai? Tất nhiên không thể thỏa thuận với người thừa kế quyền tài sản đối với tác phẩm vì cần nhớ rằng quyền nhân thân quy định tại các khoản 1, 2, 4 Điều 19 của Luật SHTT là không thể chuyển giao.
Cần nhớ thêm rằng điểm d khoản 2 Điều 738 Bộ Luật Dân sự năm 2005 chỉ quy định quyền nhân thân:“Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm.”
Để hoàn thiện vấn đề này, theo tác giả nên sửa đổi quyền nhân thân không thể chuyển giao tại khoản 4 Điều 19 như điểm d khoản 2 Điều 738 Bộ Luật Dân sự 2005 đã quy định.
5. Về quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian
Khoản 1 Điều 23 của Luật định nghĩa: “Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian là sáng tạo tập thể trên nền tảng truyền thống của một nhóm hoặc các cá nhân nhằm phản ánh khát vọng của cộng đồng, thể hiện tương xứng đặc điểm văn hoá và xã hội của họ, các tiêu chuẩn và giá trị được lưu truyền bằng cách mô phỏng hoặc bằng cách khác”.
Tiếp đó khoản 2 Điều 23 Luật SHTT cũng quy định: “Tổ chức, cá nhân khi sử dụng tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian phải dẫn chiếu xuất xứ của loại hình tác phẩm đó và bảo đảm giữ gìn giá trị đích thực của tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian”.
Như vậy, với quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật SHTT thì tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian được bảo hộ như tác phẩm thuộc về công chúng như quy định tại Điều 43 của Luật SHTT, có nghĩa là Luật chỉ bảo hộ quyền nhân thân chứ không bảo hộ quyền tài sản đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian.
Để hoàn thiện những bất cập trên, khoản 2, 3 Điều 20 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP quy định chi tiết: “Sử dụng tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật Sở hữu trí tuệ là việc nghiên cứu sưu tầm, giới thiệu giá trị đích thực của tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian” và “Người sử dụng tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian quy định tại khoản 2 Điều này phải thoả thuận về việc trả thù lao cho người lưu giữ tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian và được hưởng quyền tác giả đối với phần nghiên cứu sưu tầm, giới thiệu của mình”. Như vậy, thuật ngữ “sử dụng” trong khoản 2 Điều 20 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP quy định là việc nghiên cứu sưu tầm, giới thiệu giá trị đích thực tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian. Đây thực chất là hành vi “phi thương mại”, nếu hành vi phi thương mại mà phải trả thù lao thì lại trái với quy định tại Điều 25 của Luật SHTT.
Bên cạnh đó cũng còn quá nhiều bất cập khi quy định về quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian, như không thể biết chính xác ai là người lưu giữ tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian, chưa có quy định về mối quan hệ giữa tác giả của tác phẩm phát sinh từ tác phẩm gốc là tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian với người lưu giữ tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian (nếu xác định được)…
Về vấn đề này tác giả xin đề xuất hoàn thiện như sau: 1)Định nghĩa lại thuật ngữ “sử dụng” tại khoản 2 Điều 20 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP theo hướng sử dụng với nghĩa là hành vi thực hiện quyền tài sản đối với tác phẩm tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian; 2) Nếu không định nghĩa lại thuật ngữ “sử dụng” tại khoản 2 Điều 20 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP thì phải bỏ quy định tại Khoản 3 Điều 20 vì quy định như vậy là ngăn cản các nhà nghiên cứu khi nghiên cứu sưu tầm, giới thiệu giá trị đích thực của tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian.
6. Một số bất cập khác
Khoản 12 Điều 28 coi hành vi cố ý huỷ bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình là xâm phạm quyền tác giả. Nên đặt quy định này trong một điều khoản khác, bởi lẽ không thể coi các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm là một bộ phận của tác phẩm, vì nội dung của quyền tác giả chỉ bao gồm quyền nhân thân (được quy định tại Điều 19 của Luật SHTT) và quyền tài sản (được quy định tại Điều 20 của Luật SHTT).
Khoản 4 Điều 4 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP quy định chi tiết: “Bản sao tác phẩm là bản sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp một phần hoặc toàn bộ tác phẩm”, không thể coi bản sao một phần tác phẩm là bản sao tác phẩm được, chỉ có bản sao toàn bộ tác phẩm mới là bản sao tác phẩm. Bởi lẽ, nếu quan niệm như vậy thì phần trích dẫn tác phẩm cũng bị coi là bản sao tác phẩm. Pháp luật điều chỉnh phần trích dẫn tác phẩm và bản sao tác phẩm rất khác nhau, vì: 1) Quyền trích dẫn tác phẩm không bị pháp luật ngăn cấm như đã quy định tại Điều 25 của Luật SHTT; 2) Quyền sao chép tác phẩm là một trong những quyền thuộc nhóm quyền tài sản được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 20 của Luật SHTT, quyền này chỉ thuộc độc quyền của chủ sở hữu tác phẩm. Thực chất quyền sao chép theo định nghĩa tại khoản 10 Điều 4 Luật SHTT: “Sao chép là việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo bản sao dưới hình thức điện tử”.
Khoản 2 Điều 30 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP quy định chi tiết: “Các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan khi phát hiện các hành vi xâm phạm quyền nhân thân quy định tại khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ đối với các tác phẩm đã kết thúc thời hạn bảo hộ thì có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại”. Một phần của quy định này không có khả năng thực thi, bởi lẽ: 1) Tác phẩm đã kết thúc thời hạn bảo hộ quyền tài sản, do đó cụm từ “bồi thường thiệt hại” chắc chắn không phải là bồi thường về vật chất; 2) Nếu bồi thường về uy tín và danh dự của tác giả thì tổ chức, cá nhân nào là chủ thể nhận bồi thường? Hơn nữa, hành vi này chỉ xâm phạm các quyền nhân thân không thể chuyển giao được quy định tại các khoản 1, 2 và 4 điều 19 của Luật (mà các quyền này lại vĩnh viễn thuộc về tác giả – là người đã chết). Vì vậy, để cho chặt chẽ, nên bỏ cụm từ “bồi thường thiệt hại” trong quy định trên.
Do vậy, không phải chỉ ở những nước kém phát triển và nước đang phát triển như Việt Nam, pháp luật mới tồn tại hạn chế, bất cập mà ngay cả những nước có nền kinh tế phát triển và hệ thống pháp luật được coi là hoàn thiện nhất thế giới, chúng ta vẫn tìm thấy những lỗ hổng, những khiếm khuyết. Điều quan trọng là chúng ta phải nghiêm túc, thận trọng và khách quan khi nhìn nhận những khiếm khuyết đó và có phương hướng, cách thức hoàn thiện nó. Pháp luật sở hữu trí tuệ là một lĩnh vực pháp luật mới ở nước ta, bởi vậy không tránh khỏi hạn chế. Chúng ta cần phải tích cực hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ với mục tiêu lĩnh vực pháp luật này phải “góp phần thúc đẩy việc cải tiến, chuyển giao và phổ biến công nghệ, góp phần đem lại lợi ích chung cho người tạo ra và người sử dụng kiến thức công nghệ, đem lại lợi ích xã hội và lợi ích kinh tế, và tạo sự cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ” (Điều 7 Hiệp định TRIPs)./.
Đoàn Thị Ngọc Hải - Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình
Nguồn: moj.gov.vn
Danh mục tài liệu tham khảo
1. Xem: Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005;
2. Xem: Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 21/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Bộ luật Dân sự Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan;
3. Xem: Công ước Genene chỉ bảo hộ nhà sản xuất bản ghi âm (Phonograms) chống việc sao chép không được phép bản ghi âm của họ;
4. Xem: Bài viết của TS. Trần Văn Hải « Những bất cập trong quy định của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện hành » ;
5. Xem: Bài viết của tác giả Đỗ Khắc Chiến, “10 ẩn họa đối với lợi ích của Việt Nam” Người đại biểu Nhân dân số 221 (613) ngày 15/11/2009.