Những cơ hội và ưu đãi đầu tư vào Việt Nam thời hậu COVID-19

(PLBQ). Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên toàn cầu như hiện nay, nền kinh tế của hầu hết các quốc gia đều bị ảnh hưởng nặng nề. Và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Theo The Asian Development Outlook Update (ADO), tăng trưởng của Việt Nam đã bị giảm xuống còn 1,8% trong năm 2020. Điều này được phản ánh dựa trên tình trạng giảm sút nhiều mặt gây ra những thiệt hại cho nền kinh tế nói chung và hoạt động đầu tư nước ngoài nói riêng.

Một trong những nguyên nhân chính của những khó khăn kể trên chủ yếu là do hệ lụy của dịch Covid-19 từ đầu năm nay và sau đó là đợt bùng dịch thứ hai hồi tháng 7 vừa rồi.

Việt Nam đã làm những gì để đối phó với thực trạng ?

Trước những khó khăn nêu trên, Việt Nam đã có những quyết sách quyết liệt, kịp thời để ngăn chặn và giảm thiểu đại dịch và khắc phục hậu quả do dại dịch gây ra, đồng thời, ban hành những chính sách, văn bản pháp luật phù hợp để nhằm củng cố tăng trưởng kinh tế trong nước, đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài,  nhất là trong bối cảnh đang có rất nhiều tập đoàn kinh tế lớn đang lần lượt rút các dự án đầu tư của họ ra khỏi Trung Quốc để tìm kiếm điểm đến mới ở các nước trong khu vực Châu Á.

(1) Ban hành các Chính sách & Pháp luật:

Thực ra, kế hoạch tăng trưởng quốc nội và thu hút đầu tư nước ngoài không phải chỉ mới được Nhà nước Việt Nam đưa ra khi cả thế giới đang chịu ảnh hưởng của đại dịch, ngược lại, kế hoạch này đã được chuẩn bị từ trước, cụ thể là Nghị quyết số 50/NQ-TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 10 tháng 8 năm 2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách và nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 (“Nghị quyết số 50”). Nghị quyết số 50 đã nêu rõ mục tiêu và chiến lược của Việt Nam về đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, đó là thu hút có chọn lọc những dự án quy mô lớn, thân thiện môi trường, có tác động lan tỏa, công nghệ hiện đại, có kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam, ưu tiên các dòng vốn chất lượng, hiệu quả, phù hợp với nhu cầu hợp tác đầu tư của Việt Nam.

Bên cạnh chiến lược thu hút các dự án có quy mô lớn, Việt Nam vẫn rất chú trọng thu hút các nhà đầu tư vừa và nhỏ vì các nhà đầu tư này có thể đáp ứng dễ dàng và nhanh chóng theo các yêu cầu của Viêt Nam về bảo vệ môi trường, chuyển giao công nghệ, tạo việc làm và xúc tiến liên kết với các doanh nghiệp trong nước.

(2) Những hành động thực tế giai đoạn hậu Covid-19:

Khi virus corona mới bắt đầu xảy ra vào đầu năm 2020 trong khi hầu hết các quốc gia còn coi nhẹ việc phòng ngừa thì Việt Nam đã chủ động công bố các biện pháp cứng rắn để kiểm soát sự lây lan trên diện rộng. Khi virus corona sau đó nhanh chóng lây lan và trở thành đại dịch trên toàn cầu làm xáo động mọi nền kinh tế của hầu hết các quốc gia trên thế giới thì Việt Nam, mặc dầu cũng bị ảnh hưởng theo đó, nhưng nhờ phản ứng nhanh và quyết đoán nên đã bước đầu khống chế thành công được đại dịch.

Và khi đợt bùng phát dịch thứ hai xảy ra hồi tháng 7 năm 2020, Việt Nam một lần nữa đã kiểm soát tốt được sự lây lan. Mặc dù vẫn còn khá sớm để khẳng định, nhưng có thể nói rằng cho đến nay Việt Nam đã có thể đảm bảo khả năng của mình trong việc thực hiện mục tiêu kép, đó là không chỉ khống chế được thành công đại dịch mà còn đảm bảo sự ổn định về nhiều mặt như chính trị, kinh tế, xã hội và góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an tâm đầu tư kinh doanh. Đây cũng là điều mong muốn của tất cả các chủ doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Hoạt động vận tải hoàng hóa trên thế giới (Ảnh: Pixabay.com)

Để đạt được những kết quả trên, Nhà nước Việt Nam đã thực hiện một số hành động thực tế nổi bật như sau:

  • Nhanh chóng thông qua Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư mới trong tháng 6 năm 2020 và chuẩn bị các văn bản hướng dẫn các luật đó để hiệu lực hóa các văn bản vào tháng 01 năm 2021 nhằm đẩy nhanh quá trình đơn giản hóa thủ tục cũng như tạo hành lang pháp lý thông thoáng, những điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Chúng ta có thể nhận thấy rằng, ở thời điểm này, sự cạnh tranh trong việc ban hành các chính sách ưu đãi nhằm thu hút và giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài giữa các quốc gia đang rất mạnh mẽ. Tại Việt Nam, hiện tại, trong khi chờ đợi các Luật mới nói trên có hiệu lực, các dự án lớn đang được hy vọng chuyển sang Việt Nam nếu có sẽ được ưu đãi giảm thiểu các thủ tục về cấp giấy phép để các nhà đầu tư có thể triển khai ngay các dự án đó.
  • Hỗ trợ các doanh nghiệp và các nhà đầu tư thông qua việc ban hành các chính sách và văn bản pháp luật về ưu đãi thuế như: (i) gia hạn nộp thuế, miễn trừ lãi suất trả chậm do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; (ii) hoãn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất; (iii) giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 của doanh nghiệp; hoặc (iv) điều chỉnh tiền thuê đất, cụ thể: giảm 15% tiền thuê đất phải nộp trong năm 2020 đối với bên thuê đất là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định, hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hình thức thuê đất trả tiền hàng năm và có ngừng kinh doanh trong 15 ngày hoặc lâu hơn do tác động của Covid-19.
  • Kiểm tra các quỹ đất dành cho các khu công nghiệp, khu kinh tế đã được chuẩn bị sẵn cơ sở hạ tầng cũng như quy hoạch bổ sung các khu công nghiệp để tiếp cận với dòng vốn đầu tư nước ngoài mới. Đồng thời rà soát các dự án chậm triển khai hoặc hoạt động kém hiệu quả để thu hồi lại đất dành cho những dự án mới và sẵn sàng tiếp nhận các dự án từ dòng chuyển dịch.
  • Đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chiến lược hành động.
  • Chủ động kết nối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài thông qua tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước; tổ chức các buổi tọa đàm hội thảo xúc tiến đầu tư trực tuyến để cập nhật thông tin về các chính sách mới và tư vấn cho các nhà đầu tư; tổ chức các cuộc hội thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì với các lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn lớn trên khắp thế giới; đồng thời thúc đẩy nhanh việc thành lập Trung tâm Đổi mới Quốc gia (NIC) để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.
  • Bắt đầu mở lại dần một số đường bay quốc tế để tạo điều kiện cho các chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam làm việc và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

(3) Một số lợi thế góp phần thu hút đầu tư nước ngoài:

Bên cạnh những biện pháp thu hút đầu tư nước ngoài của Chính phủ đã nêu ở trên, còn có những yếu tố thuận lợi góp phần tạo nên sức hấp dẫn từ thị trường Việt Nam khiến các nhà đầu tư nước ngoài đặt niềm tin hoàn toàn vào quốc gia này và càng làm nâng cao uy tín, vị thế về năng lưc cạnh tranh của Việt Nam với các nước.

Một số yếu tố nổi bật như sau:

  • Cho đến nay Việt Nam đã tham gia rất nhiều Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với các đối tác được cho là những thị trường trọng yếu của thế giới, có thể kể đến như: với các nước trong khu vực Thái Bình Dương ký Hiệp đinh CPTPP, với Nhật Bản ký Hiệp định JVEPA, mới đây là với EU chúng ta ký Hiệp định EVFTA, v.v. 

Việc tham gia ký kết các FTA của Việt Nam là điểm nổi trội khác biệt nhất của Việt Nam so với các nước khi cùng các nước khác cạnh tranh để thu hút đầu tư. Những lợi ích có thể thấy trước được dành cho những hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là các ưu đãi dành cho các đơn hàng có xuất xứ từ Việt Nam.

  • Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định, thống nhất từ Trung ương đến địa phương,  nhất là trong việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách chính sách và các thủ tục hành chính.
  • Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
  • Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, với giá lao động thấp so với các nước trong khu vực Châu Á, EU và Bắc Mỹ.
  • Thị trường của Việt Nam rộng với dân số khoảng 100 triệu dân.
  • Đồng tiền của Việt Nam giữ được sự ổn định tương đối trước sự biến động của thị trường tiền tệ quốc tế.
  • Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19 (thời điểm hồi đầu năm 2020 và đợt bùng phát thứ hai hồi tháng 7 năm 2020), và có thể kiểm soát tốt chỉ trong thời gian ngắn.
  • Đại dịch Covid-19 đã gây ra hậu quả nặng nề cho các tập đoàn quốc tế khiến họ phải nhanh chóng đẩy nhanh quá trình tái đầu tư để tránh lệ thuộc vào một quốc gia, một đối tác. Chính phủ của các quốc phát triển thậm chí đã phải kêu gọi các tập đoàn chuyển dây chuyền sản xuất về nước hoặc đầu tư sang một nước thứ ba để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ. Và Việt Nam, với những khả năng đã nêu, có nhiều cơ hội để đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư này.

Thay lời kết

Mặc dù hiện tại Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng với những gì đã nêu ở trên cho thấy Việt Nam đã thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn hầu hết các nền kinh tế tương tự.

Đồng thời, với những động thái hết sức tích cực của Việt Nam trong thời gian qua như: tham gia các Hiệp định thương mại tự do; kịp thời sửa đổi bổ sung nhiều chính sách pháp luật kinh tế, cụ thể  đã điều chỉnh rất nhiều chính sách ưu đãi về thuế, thủ tục, giá cho thuê đất,…; cải thiện chất lượng lao động, nâng cao tay nghề và năng lực quản trị,…, hoàn toàn có thể nhận thấy đây là những yếu tố thuận lợi giúp Việt Nam nhanh chóng nâng cao hình ảnh, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.

Rõ ràng rằng Covid-19 có làm ảnh hưởng đến việc đi lại của các nhà đầu tư trên thế giới cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô các dự án của họ, nhưng một thực tế không thể phủ nhận đó là vẫn có rất nhiều trong số họ đang rất quan tâm đến và mong muốn đặt điểm đến đầu tư vào thị trường Việt Nam./.

ĐẶNG NHUNG

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.