Những điểm mới về quy định bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự 2021

(PLBQ). Ngày 19/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật Dân sự năm 2015 (‘BLDS’) về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (“Nghị định 21”)...

...Nghị định 21 sẽ thay thế cho Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 và Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2006/NĐ-CP (sau đây gọi chung là ‘Nghị định trước”) kể từ ngày 15/5/2021, ngày hiệu lực của Nghị định 21.

Một số điểm mới chính đáng chú ý trong lần sửa đổi, bổ sung này như sau:

Trong điều khoản về giải thích từ ngữ, Nghị định 21 đã có những giải thích đối với một số khái niệm mà trong Nghị định trước chưa được làm rõ như “Tài sản gắn liền với đất”, “Hợp đồng bảo đảm”, “Giấy chứng nhận”, hay “Thời hạn hợp lý”, v.v vốn là những khái niệm do không được giải thích cụ thể trong Nghị định trước nên đã không ít lần đã có sự lung túng hoặc không rõ ràng trong thực tế áp dụng.

Liên quan đến phạm vi áp dụng pháp luật và thỏa thuận về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, do bản chất Nghị định 21 là chỉ áp dụng cho các quan hệ pháp luật dân sự nên đối với các quan hệ pháp luật đặc thù như: đất đai, nhà ở, đầu tư, doanh nghiệp, chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng, sở hữu trí tuệ, hàng hải, hàng không, phá sản, v.v. nếu có quy định về tài sản bảo đảm thì sẽ áp dụng theo các quy định đặc thù đó. Đối với trường hợp không xác định rõ hoặc không chính xác tên biện pháp bảo đảm mà nội dung thỏa thuận phù hợp với biện pháp bản đảm quy định tại BLDS thì áp dụng quy định về biện pháp bảo đảm tương ứng với nội dung thỏa thuận.

Đối với quy định về tài sản bảo đảm, Nghị định 21 dành hẳn một chương khi quy định về Tài sản bảo đảm thay vì một điều khoản như trong Nghị định trước.

Bên cạnh điều khoản về tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được kế thừa từ Nghị định trước thì trong Nghị định 21 này đã có những điều khoản quy định -  về mô tả tài sản bảo đảm, quyền sử dụng đất, tài sản gắn liến với đất, tài sản được tạo lập từ quyền bề mặt, quyền hưởng dụng, quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng,… những điều khoản như vừa kể tên nay đã được chính thức đưa vào trong Nghị định 21, đây là điểm hoàn toàn mới so với Nghị định trước (những nội dung đó đã không được đưa vào trong Nghị định mà được quy định trong các thông tư, thông tư liên tịch hướng dẫn một số vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm hay đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng).

Nếu như trước đó những tài sản được dùng để thực hiện nghĩa vụ chưa được đề cập cụ thể trong Nghị định trước và các thông tư, thông tư liên tịch đã nêu bên trên thì giờ đây đã được quy định rõ nét trong Nghị định 21, chẳng hạn như: tài sản được tạo lập từ quyền bề mặt, quyền hưởng dụng; dự án đầu tư, tài sản thuộc dự án đầu tư, chủ đầu tư có thể dùng toàn bộ dự án đầu tư mà pháp luật không cấm chuyển nhượng, quyền tài sản của mình về khai thác, quản lý dự án đầu tư để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; hay đối với trường hợp đầu tư vào tài sản thế chấp làm cho giá trị của tài sản thế chấp tăng lên thì phần giá trị đầu tư tăng thêm thuộc tài sản thế chấp;…  

Liên quan đến quy định về việc xác lập, thực hiện hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm bằng tài sản chung của vợ chồng, đây là một điểm mới được đưa vào Nghị định 21, theo quy định, trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên dùng tài sản chung để góp vốn vào một tổ chức kinh tế thì bên đó được tự mình xác lập, thực hiện hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm liên quan đến tài sản chung, hoặc mặc dù trên thực tế hai vợ chồng không có sự thỏa thuận về việc dùng tài sản chung vào việc góp vốn nhưng có sự việc một bên vợ hoặc chồng dùng tài sản chung để góp vốn và xác lập, thực hiện hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm liên quan đến tài sản chung mà người còn lại biết được nhưng không phản đối thì vẫn được coi như là đã có thỏa thuận của hai vợ chồng.

Chính vì đã có sự thỏa thuận như các trường hợp nêu trên như vậy nên nếu có xảy ra việc ly hôn thì người đã xác lập hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm vẫn được tiếp tục thực hiện hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm, trừ trường hợp có phán quyết khác của cơ quan tài phán.

Về chế định Xử lý tài sản bảo đảm, khác với Nghị định cũ, Nghị định 21 đã sử dụng cụm từ “Xử lý tài sản bảo đảm” thay vì “Xử lý tài sản bảo đảm trong cầm cố, thế chấp” để thấy rằng những quy định trong chế định này được áp dụng cho tất cả các biện pháp bảo đảm mà không chỉ quy định cho riêng biện pháp bảo đảm bằng cầm cố và thế chấp như Nghị định trước.

Một điểm khác nữa là trong Nghị định 21 không có điều khoản quy định riêng về các trường hợp nào bắt buộc phải đăng ký giao dịch bảo đảm, mà thay vào đó Nghị định 21 chỉ quy định một điều khoản về hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm với người thứ ba, và việc phải đăng ký giao dịch bảo đảm sẽ do BLDS và các luật khác có liên quan quy định hoặc đăng ký theo thỏa thuận hoặc theo yêu cầu của bên nhận bảo đảm.

Kết luận

Như vậy, Nghị định 21 ra đời nhằm mục đích hoàn thiện những thiếu sót, bỏ ngỏ chưa được quy định trong Nghị định trước, cũng như tạo dựng khung pháp lý thuận lợi hơn cho các bên tham gia giao dịch bảo đảm thực hiện đúng những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sư, cũng như thúc đẩy khai thác tối đa giá trị kinh tế của các tài sản bảo đảm, góp phần quan trọng trong việc lành mạnh hóa thị trường giao dịch vốn vay./.  

ĐẶNG NHUNG

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.