>> Điều gì làm Google, Amazon, CNN trở thành thương hiệu toàn cầu?
>> Chiến lược thương hiệu và thương hiệu – mối quan hệ “máu thịt”
>> Thương hiệu taxi truyền thống bị ảnh hưởng như thế nào bởi sự phát triển của các hãng taxi công nghệ
Panasonic từ một doanh nghiệp nhỏ tại Nhật Bản cho đến khi phát triển thành một thương hiệu nổi tiếng trên toàn cầu đã có quá trình phát triển thương hiệu được đầu tư bài bản và hiệu quả. Câu chuyện của Panasonic sẽ mang lại góc nhìn mới cho các doanh nghiệp Việt có mong muốn mang thương hiệu của mình ra thị trường thế giới.
Sơ lược về lịch sử hình thành và phát triển của thương hiệu Panasonic
Panasonic là một thương hiệu mang tầm quốc tế của công ty Panasonic Corporation. Đây là công ty điện tử lớn nhất của Nhật Bản. Năm 1918, công ty được thành lập với tên gọi khác là Matsushita Electric Industrial Co., Ltd với trụ sở là căn phòng thuê đơn giản. Sau đó, vào năm 2008, công ty đã đổi tên thành Panasonic Corporation. Từ khi ra đời, thương hiệu Panasonic đã trải qua rất nhiều khó khăn. Đến thời điểm hiện tại, thương hiệu này đã có vị trí vững chắc trên thị trường toàn cầu, nói đến các thiết bị điện tử, điện gia dụng, người ta sẽ nghĩ ngay đến Panasonic.
Panasonic hiện diện tại Việt Nam từ những năm 1950, sau đó đặt dấu mốc chính thức có mặt tại Việt Nam vào năm 1971 với nhà máy sản xuất đầu tiên nhằm mục tiêu đóng góp cho xã hội Việt Nam thông qua các hoạt động từ nghiên cứu và phát triển, sản xuất, phân phối và bán hàng cũng như các hoạt động trách nhiệm xã hội Tập đoàn. Panasonic cung cấp các sản phẩm và dịch vụ sử dụng trong cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng. Panasonic không chỉ cung cấp một mà là rất nhiều sản phẩm cho người tiêu dùng khắp thế giới.
Năm 2018, công ty đánh dấu kỷ niệm một trăm năm thành lập. Kể từ khi thành lập, công ty luôn cam kết trung thành với mục tiêu quản trị cơ bản của Nhà sáng lập, ông Konosuke Matsushita, trong suốt thời gian qua, Tập đoàn Panasonic đã giữ vững cam kết đóng góp vào sự phát triển của xã hội và hạnh phúc của người dân trên toàn thế giới thông qua các hoạt động kinh doanh.
(Ảnh: PANASONIC CORPORATION)
Chiến lược phát triển thương hiệu của Panasonic
Ý nghĩa tên gọi Panasonic
Nhãn hiệu Panasonic (Ảnh: Wiki)
Tên thương hiệu Panasonic đã xuất hiện từ năm 1955 khi tên gọi được sử dụng làm tên cho sản phẩm loa âm thanh của hãng. Tuy nhiên cho đến năm 2008, Panasonic chính thức được sử dụng làm thương hiệu của công ty, thống nhất mọi tên gọi dưới tên này.
Panasonic được ghép bới “Pana” – có nghĩa là “tất cả” và “Sonic” – có nghĩa là âm thanh. Tên thương hiệu mang đến thông điệp mang âm thanh chúng tôi tạo ra đến với thế giới. Lúc bấy giờ tên thương hiệu vô cùng phù hợp với sản phẩm loa âm thanh, nhưng về sau nó cũng khá phù hợp khi công ty cũng chuyên về những thiết bị điện tử công nghệ tiên tiến, mang đến một âm thanh mới mẻ, hiện đại cho cuộc sống.
Ý nghĩa logo Panasonic
Mẫu thiết kế logo Panasonic gồm 2 phần, tên nhãn hiệu Panasonic và phần tagline. Logo Panasonic được thiết kế đơn giản nhưng đầy quyền lực và mang đến sự cam kết với khách hàng về chất lượng dịch vụ. Biểu tượng trong logo Panasonic chỉ đơn giản là tên thương hiệu nhưng được thiết kế đậm nét, rõ ràng, dễ ghi nhớ. Font chữ được sử dụng trong logo Panasonic là kiểu chữ Helvetica cổ điển – đây được xem là kiểu chữ khá hoàn hảo mà nhiều thiết kế logo sử dụng.
Màu sắc chủ đạo trong logo nhãn hiệu Panasonic là màu xanh dương. Đây được xem là màu sắc mang lại cảm nhận về sự uy tín, độ tin cậy và tính đảm bảo – là những yếu tố cần thiết cho các sản phẩm thiết bị điện tử của thương hiệu. Màu xanh dương trong thiết kế logo của hãng cũng là màu của bầu trời, của đại dương bao la mang đến sự yên bình cho người nhìn. Tổng thể logo Panasonic đơn giản nhưng mang lại sự sang trọng, gần gũi với cuộc sống. Bởi hãng mang đến những tiện ích cho chất lượng cuộc sống mà logo Panasonic thực sự trở nên quen thuộc trên các thiết bị của mọi gia đình.
Slogan của Panasonic – Idea for life
A Better Life, A Better Word – Một cuộc sống tốt đẹp, một thế giới tốt đẹp hơn
Câu slogan đã thể hiện một thông điệp khá rõ ràng về cam kết của công ty trong việc cung cấp những sản phẩm, dịch vụ. Ngoài sản phẩm đáp ứng những nhu cầu thiết yếu, công ty còn mong muốn đem lại những sản phẩm dựa trên những ý tưởng làm phong phú cuộc sống, góp phần vào sự phát triển xã hội. Những sản phẩm sẽ giúp nâng cao cuộc sống, giúp cho cuộc sống ngày càng chất lượng, giá trị, làm giàu cho cuộc sống.
Chiến lược thương hiệu của Panasonic
Chiến lược sử dụng nhãn hiệu quốc tế và ưu điểm trong việc sử dụng hệ thống đăng ký nhãn hiệu Madrid
Đăng ký nhãn hiệu tại các quốc gia mà doanh nghiệp hoạt động là điều cần thiết để nâng cao giá trị và bảo vệ thương hiệu. Công ty đã đăng ký nhãn hiệu Panasonic ở tất cả các nước là thành viên Thoả ước Madrid, công ty cũng đồng thời nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cho các nhãn hiệu sản phẩm riêng lẻ và Slogan của mình.
Do Panasonic cần đăng ký nhãn hiệu của mình ở nhiều quốc gia mà công ty hoạt động, công ty đã chủ động sử dụng Hệ thống Madrid vì lợi thế của hệ thống này tiết kiệm về chi phí đăng ký và duy trì, thủ tục đơn giản và quyền ưu tiên dựa trên ngày nộp đơn. Một ưu điểm khác của hệ thống madrid là sự đơn giản của thủ tục hành chính, chẳng hạn như gia hạn đăng ký quốc tế hoặc thay đổi tên của chủ sở hữu đơn. Việc đăng ký quốc tế sẽ có hiệu lực như đăng ký nhãn hiệu được cấp tại từng quốc gia và thời hạn có hiệu lực là 20 năm (theo quy định của Thỏa ước Madrid) và 10 năm (theo quy định của Nghị định thư Madrid) và có thể được gia hạn bảo hộ.
Việc nộp đơn của Panasonic qua hệ thống Madrid
Trong năm 2013 và 2018, Panasonic đã sử dụng Hệ thống Madrid để nộp đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế cho “Panasonic” đối với hàng hóa và dịch vụ mới nhất của mình. Ngoài các quốc gia được chỉ định trong đăng ký nhãn hiệu quốc tế ban đầu, việc chỉ định sau đó đã cho phép Panasonic mở rộng phạm vi bảo hộ theo địa lý, mở rộng quyền đối với các thị trường mà công ty có kế hoạch mở rộng kinh doanh và các quốc gia đã tham gia Hệ thống Madrid.
Lợi ích lớn nhất của việc sử dụng Hệ thống Madrid là giảm đáng kể chi phí lao động. Khi nộp một gói đơn quốc gia tại mỗi thị trường mục tiêu, phí nộp đơn và phí đăng ký có thể khác nhau tùy theo quốc gia, tùy thuộc vào số lượng hàng hóa và dịch vụ được đăng ký. Ngược lại, Hệ thống Madrid yêu cầu người nộp đơn chỉ phải trả một khoản phí cho việc bảo hộ nhãn hiệu ở nhiều vùng quốc gia và lãnh thổ, trừ khi việc từ chối bảo hộ được đưa ra, công ty không cần chỉ định một đại diện địa phương ở một quốc gia nhất định, điều này góp phần giảm mức chi phí không cần thiết.
Hệ thống Madrid: Con đường để doanh nghiệp vươn ra thế giới
Hệ thống Madrid mang lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp toàn cầu như Panasonic. Công ty đăng ký nhãn hiệu của mình thông qua Hệ thống Madrid khi nộp đơn cho nhiều quốc gia thành viên. Việc càng đăng ký nhiều quốc gia, lợi ích của việc sử dụng Hệ thống Madrid càng lớn. Ngoài ra, Cơ sở dữ liệu nhãn hiệu toàn cầu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) và Madrid Monitor là những công cụ trực tuyến mạnh mẽ khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu với những chức năng liên tục được cải thiện. Panasonic mong muốn những thị trường lớn của họ ở nước ngoài sẽ tham gia Nghị định thư Madrid và tin tưởng rằng Hệ thống Madrid sẽ trở nên thuận tiện hơn đối với các doanh nghiệp mong muốn vươn ra biển lớn.
Hà Trung (Dịch và biên soạn)