Các sửa đổi đã đưa ra hai quy tắc quan trọng thay đổi quy định pháp lý hiện hành về chỉ dẫn địa lý (GIs) và tên gọi xuất xứ hàng hóa (AOG) đối với rượu champage Nga và đã có tác động lớn tới các nhà sản xuất trong và ngoài nước.
>> Chỉ dẫn địa lý - Hương vị độc đáo tạo nên giá trị thương hiệu
>> Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm trong và ngoài nước
>> Phân biệt nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý
Quy định mới này đã buộc các nhà sản xuất rượu sâm-panh nước ngoài phải dán nhãn các sản phẩm của họ khi nhập khẩu vào Nga thành “rượu vang sủi bọt”. Đồng thời, các nhà sản xuất Nga có quyền dán nhãn sản phẩm của họ là “champagne”, bao gồm việc sử dụng một loại sản phẩm đặc biệt là “champqUagne Nga”, ngoài ra, các sửa đổi đã giới thiệu một loại đồ uống có cồn mới, được đặt tên là “rượu cognac Nga”.
Những chai rượu Champagne Nga (ảnh: isstockphoto.com)
Nguồn gốc cho sự ra đời của quy định mới
Các quy định mới của Nga được ban hành không phải là điều bất ngờ. Lần đầu tiên các sửa đổi đối với luật được đề xuất thảo luận tại hạ viện của Quốc hội Liên bang Nga bởi nhóm đại biểu vào ngày 16 tháng 10 năm 2019. Các sửa đổi đã được thảo luận xuyên suốt trong ba năm qua và cuối cùng đã được Quốc hội Liên bang Nga thông qua và được Tổng thống Liên bang Nga, Vladimir Putin, ký vào ngày 2 tháng 7 năm 2021.
Các nhà lập pháp Nga đã chỉ ra trong phần diễn giải của Luật Liên bang rằng mục đích chính của các sửa đổi lần này nhắm vào việc: 1) loại bỏ những trở ngại đối với sự phát triển của ngành trồng nho và sản xuất rượu trong nước, 2) Hỗ trợ sự phát triển đối với nhà sản xuất rượu tại Nga và 3) Hỗ trợ và quảng bá trên thị trường trong và ngoài nước các sản phẩm rượu đến từ Liên bang Nga cũng như 4) Giới thiệu khái niệm về hệ thống quốc gia Nga về bảo hộ rượu theo chỉ dẫn địa lý (GIs) và tên gọi xuất xứ (AOG).
Quy định về chỉ dẫn địa lý (GIs) và tên gọi xuất xứ hàng hóa (AOG) ở Nga
Quy định về chỉ dẫn địa lý (GIs) và tên gọi xuất xứ hàng hóa (AOG) được quy định tại Mục 76, § 3 của Phần IV Bộ luật Dân sự Liên bang Nga, tại Điều 1516.1, GIs được định nghĩa là “chỉ dẫn xác định một sản phẩm có xuất xứ trong lãnh thổ, nơi chất lượng, danh tiếng nhất định hoặc các đặc tính khác của hàng hóa về cơ bản liên quan đến nguồn gốc địa lý của nó (đặc tính của sản phẩm)”. Điều quan trọng cần lưu ý là ít nhất một trong các công đoạn sản xuất hàng hóa phải được thực hiện trong lãnh thổ cụ thể đó. Về vấn đề này, định nghĩa pháp lý của chỉ dẫn địa lý (GIs) trong luật pháp Nga tương tự như định nghĩa về GI được quy định trong Điều 22.1 của hiệp định TRIPS.
Định nghĩa pháp lý về GIs lần đầu tiên được đưa vào Bộ luật Dân sự vào năm 2019, với những sửa đổi được đưa ra vào ngày 26 tháng 7 năm 2019. Trước ngày này, Bộ luật Dân sự Nga chỉ có định nghĩa pháp lý về tên gọi xuất xứ hàng hóa (AOGs). Việc đưa ra một danh mục chỉ dẫn địa lý riêng biệt trong Bộ luật Dân sự Nga nhằm mục đích chú trọng phát triển thương hiệu địa phương (Local brands) tại Nga bằng cách xây dựng một hành lang pháp lý rõ ràng và hiệu quả.
Các nhà lập pháp Nga đưa ra một danh mục chỉ dẫn địa lý (GIs) là một quyết định tương đối dễ hiểu trong trường hợp này. Theo Văn phòng Sáng chế Nga, tính đến ngày 7 tháng 7 năm 2021, chỉ có 229 GIs được đăng ký ở Nga. Năm 2019, số GIs được đăng ký tại Nga là 201, trong đó có 165 chỉ dẫn địa lý đứng tên của các nhà sản xuất tại Nga và 32 chỉ dẫn địa lý của các nhà sản xuất nước ngoài. Đây là một số lượng chỉ dẫn địa lý (GIs) rất thấp đối với một lãnh thổ rộng lớn như Liên bang Nga.
Trái ngược với Nga, trong năm 2017, tổng số chỉ dẫn địa lý (GIs) đã đăng ký ở EU là 3.138, dẫn đến tổng giá trị bán hàng là gần 75 tỷ EUR. Tính đến năm 2021, eAmbrosia- cơ quan đăng ký hợp pháp tên của các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm, rượu vang và đồ uống có cồn trên toàn EU, đã có 1.621 hồ sơ trong sổ đăng ký rượu vang, 1.557 hồ sơ trong sổ đăng ký thực phẩm, 251 hồ sơ trong sổ đăng ký đồ uống có cồn.
Ở cấp độ quốc tế, tính đến thời điểm hiện nay, Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS) là đạo luật quốc tế duy nhất áp dụng cho Liên bang Nga trong lĩnh vực chỉ dẫn địa lý (GIs) và tên gọi xuất xứ hàng hóa (AOG). Ngoài Hiệp định TRIPS, Nga chưa phê chuẩn bất kỳ điều ước quốc tế nào trong lĩnh vực GIs và AOG, bao gồm Thỏa thuận Madrid về ngăn chặn các chỉ dẫn sai hoặc lừa đảo về nguồn gốc hàng hóa (ngày 14 tháng 4 năm 1891), Đạo luật Washington (năm 1911), Đạo luật La Hay (năm 1925).
Tuy nhiên, vào tháng 11 năm 2020, Văn phòng Sáng chế Nga cho biết rằng Liên bang Nga đã chuẩn bị các tài liệu để gia nhập Đạo luật Geneva (2015) của Hiệp định Lisbon về Tên gọi xuất xứ và Chỉ dẫn địa lý. Đơn xin gia nhập Đạo luật Geneva của Nga hiện đang được các cơ quan hành chính xem xét. Đạo luật Geneva cho phép tất cả các bên tham gia hợp đồng được hưởng lợi từ sự bảo vệ nhanh chóng và vô thời hạn đối với chỉ dẫn địa lý (GIs) thông qua một đăng ký duy nhất.
Ở cấp độ khu vực, Nga là thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu và là quốc gia ký kết Hiệp ước về Liên minh Kinh tế Á-Âu. Trong khuôn khổ Cộng đồng các quốc gia độc lập, Nga đã ký hiệp định Minsk “Về các biện pháp ngăn chặn việc sử dụng nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý giả” vào ngày 4 tháng 6 năm 1999. Tuy nhiên, cả hai hiệp định đều có tính chất tuyên bố nhiều hơn và không chứa quy định chi tiết về GIs. Do đó, hiện nay, Phần IV của Bộ luật Dân sự Liên bang Nga vẫn đang là nguồn luật điều chỉnh vấn đề liên quan đến GIs và AOG.
Luật mới có ý nghĩa như thế nào đối với các nhà sản xuất rượu champagne và rượu cognac tại nước ngoài
Champagne là một chỉ định xuất xứ được đăng ký bảo hộ vào ngày 18 tháng 9 năm 1973 với số văn bằng PDO-FR-A1359 trong đăng ký chỉ dẫn địa lý của EU (eAmbrosia). Chỉ những nhà sản xuất rượu vang sủi bọt từ vùng Champagne ở Pháp mới có thể sử dụng chỉ dẫn địa lý (GIs) “sâm-banh” cho rượu vang của họ được sản xuất theo các quy tắc nghiêm ngặt đối với tên gọi này.
Những chai rượu Champagne sản xuất tại Nga (ảnh: bbc.com)
Theo những sửa đổi gần đây đối với luật sản xuất rượu vang của Nga, các nhà sản xuất rượu champagne nước ngoài, bao gồm cả những người từ vùng Champagne của Pháp phải gắn nhãn rượu vang nhập khẩu vào Nga từ “champagne” thành “rượu vang sủi bọt”. Phản ứng đầu tiên đối với quy định mới này là sự phản đối, Chi nhánh tại Nga của Moët-Hennessy, công ty nhập khẩu 2% tổng số rượu vang sủi và sâm-banh sang Nga, đã thông báo tạm dừng việc vận chuyển champagne sang Nga vì đạo luật gây tranh cãi này. Nhưng sau đó, công ty đã đồng ý dán nhãn “rượu vang sủi bọt” trên các chai rượt của họ được vận chuyển đến Nga để đáp ứng quy định của đạo luật mới.
Đạo luật mới đã tạo ra loại rượu “champagne Nga". Đoạn 58.3 Điều 3 của Luật mới định nghĩa champagne Nga là “một loại rượu vang sủi tăm được sản xuất trên lãnh thổ Liên bang Nga từ nho được trồng trên lãnh thổ Liên bang Nga bằng phương pháp lên men thứ cấp của rượu champagne thu được trong các thùng chứa và được đóng gói để bán”. Theo luật, chỉ các nhà sản xuất nội địa của Nga mới có quyền sử dụng thương hiệu “champagne Nga” cho các sản phẩm của họ. Đúng theo như mong muốn của những nhà lập pháp tại Nga, những sửa đổi này là vì lợi ích đối với sự phát triển ngành sản xuất rượu ở Nga.
Ngoài “rượu champagne Nga”, luật mới đã giới thiệu một danh mục bổ sung là “rượu cognac Nga”. Tại Điều 43.1 của Luật, một loại rượu cognac của Nga được định nghĩa là “một loại rượu cognac, hoàn toàn (100%) được làm từ nho được trồng trên lãnh thổ của Liên bang Nga”.
Ban đầu, cognac là một loại rượu mạnh được đặt theo tên của xã Cognac, Pháp. Cognac là chỉ dẫn địa lý (GIs) được đăng ký vào ngày 12 tháng 6 năm 1989 trong sổ đăng ký chỉ dẫn đại lý (GIs) của EU với số văn bằng PGI-FR-02043. Về mặt pháp lý, chỉ những sản phẩm đến từ vùng Champagne và xã Cognac ở Pháp và tuân thủ các tiêu chuẩn và quy tắc sản xuất đã thiết lập trong vùng mới có thể được đặt tên là “cognac” và "Rượu champagne ".
Nhìn chung, đây là một vấn đề còn đang gây tranh cãi, trong đó các nhà sản xuất rượu trong nước được hỗ trợ bằng cách tạo ra một khung pháp lý mà quyền của các nhà sản xuất nước ngoài, cũng như khách hàng ở Nga, có thể bị ảnh hưởng một cách tiêu cực. Đồng thời, việc sử dụng các tên thương mại như “rượu cognac Nga” và “rượu champagne Nga” sẽ bị coi là bất hợp pháp ở các quốc gia có chỉ dẫn địa lý (GIs) đã đăng ký cho rượu sâm banh và rượu cognac. Do đó, một trong những mục đích của luật mới là hỗ trợ và quảng bá các sản phẩm rượu của Nga ở thị trường nước ngoài sẽ không đạt được, ít nhất là đối với đồ uống mang nhãn hiệu “rượu cognac Nga” và “rượu champagne Nga”.
Hà Trung (dịch và biên soạn)