Quyền tác giả trong lĩnh vực phát hành, xuất bản sách nhìn từ vụ việc thực tế

(PLBQ). Trong nền kinh tế tri thức hiện nay, lĩnh vực xuất bản, trong đó có phát hành, xuất bản sách đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng công tác văn hóa tư tưởng, các quan hệ xã hội. Tuy nhiên, đi cùng với tốc độ tăng trưởng thì vấn đề vi phạm bản quyền trong lĩnh vực phát hành, xuất bản sách diễn ra thường xuyên, dưới nhiều hình thức khác nhau, ngày một tinh vi.

Ảnh hưởng của sự xâm phạm quyền tác giả trong lĩnh vực phát hành, xuất bản sách đã kìm hãm sự phát triển, sáng tạo của tác giả, của xuất bản Việt Nam, dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, cũng như chính các nhà xuất bản tham gia vào hoạt động này.

Quy định của pháp luật về Quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản

Quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản sách là một dạng cụ thể của quyền tác giả nói chung và được quy định trong Luật Xuất bản năm 2012: “việc xuất bản tác phẩm, tài liệu và tái bản xuất bản phẩm chỉ được thực hiện sau khi có văn bản chấp thuận của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật”, vì vậy nội dung quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản sách cũng bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với cuốn sách được tạo ra từ quá trình xuất bản.

 Do đó, bảo hộ quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản sách được hiểu rằng để xuất bản một cuốn sách cần được sự cho phép của tác giả. Tác giả có quyền cho phép nhà xuất bản in tác phẩm của mình thành sách dưới dạng sách in hoặc sách điện tử nếu họ đáp ứng nhu cầu quyền lợi của tác giả. Những việc làm này đảm bảo quyền lợi cho tác giả như một phần đảm bảo cho công sức mà họ đã sáng tạo ra tác phẩm của mình.

Trong hoạt động xuất bản, nhà xuất bản được coi là chủ thể được bảo hộ quyền tác giả trong lĩnh vực phát hành, xuất bản sách với vai trò là chủ sở hữu quyền tác giả. Xuất phát từ bản chất vai trò, chức năng của hoạt động xuất bản từ đó hình thành mối liên kết trong hoạt động xuất bản giữa nhà xuất bản với đối tác liên kết khác như: tác giả, chủ sở sở hữu quyền tác giả, nhà xuất bản, cơ sở in xuất bản phẩm, cơ sở phát hành xuất bản phẩm,.v..v..

Việc liên kết trong hoạt động xuất bản chỉ được thực hiện khi đủ các điều kiện sau: Có văn bản chấp thuận của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật. Văn bản chấp thuận của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả được thể hiện dưới một trong các hình thức sau: (i) Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, (ii) Hợp đồng sử dụng quyền tác giả, (iii) Giấy chấp thuận sử dụng tác phẩm, tài liệu để xuất bản, tái bản, được sử dụng trong trường hợp không có hợp đồng kể trên (iv) Giấy chấp thuận sử dụng tác phẩm, tài liệu để xuất bản, tái bản có chữ ký người đại diện kèm văn bản ủy quyền trong trường hợp có đồng tác giả hoặc đồng chủ sở hữu quyền tác giả. Giữa nhà xuất bản và đối tác liên kết thực hiện đúng trách nhiệm quyền hạn của mình được thể hiện trong hợp đồng liên kết xuất bản, thể hiện trong nội dung xuất bản phẩm, không được làm sai lệch nội dung xuất bản phẩm đã đăng ký ban đầu. Pháp luật đã có những quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của nhà xuất bản đối với tác giả, tuy nhiên trên thực tế đã phát sinh những tranh chấp không đáng có về quyền tác giả xảy ra đối với những đơn vị xuất bản lớn tại Việt Nam.

 

Thấy gì qua việc hai Nhà Xuất bản bị tố vi phạm bản quyền ..?

Theo báo Tuổi trẻ đã đưa tin, sự việc bắt đầu vào ngày 14/10/2016, qua thông tin từ một số người bạn, tác giả Hồ Huy Sơn được biết, hai bài viết “Con đường rơm” và “Hãy can đảm lên” từng đăng trên báo Thiếu niên Tiền phong của mình xuất hiện trong hai cuốn sách “Luyện tập Tiếng Việt 3 trình bày trên giấy ô li” và “35 đề ôn luyện Tiếng Việt 3”. Hai cuốn sách này do NXB Giáo dục xuất bản.

Cuốn sách “35 đề ôn luyện Tiếng Việt 3” có sử dụng bài viết của tác giả Hồ Huy Sơn (Ảnh: tuoitre.vn)

Bìa cuốn sách có sử dụng bài viết của tác giả Hồ Huy Sơn, (Ảnh: tuoitre.vn)

Sau đó, tác giả Hồ Huy Sơn đã gửi cho vị đại diện NXB này một văn bản làm việc chính thức qua email. Trong đó, có 3 đề nghị: Có văn bản giải trình và xin lỗi tác giả; Phương thức tính nhuận bút cho 2 bài viết; Hướng giải quyết sắp tới đối với 2 bài viết mà 2 cuốn sách của NXB này đã tự ý sử dụng. Tuy nhiên, tác giả Hồ Huy Sơn cho rằng trong văn bản phúc đáp, đại diện của đơn vị xuất bản này chỉ cung cấp phương thức tính nhuận bút, mà không đả động gì đến 2 đề nghị còn lại.

Về trách nhiệm của Nhà xuất bản trong câu chuyện này, phía nhà xuất bản cho rằng trách nhiệm xin phép sử dụng ngữ liệu cũng như chi trả tiền bản quyền thuộc về các tác giả biên soạn 2 cuốn sách.

Sau đó, đại diện hai đơn vị thuộc NXB Giáo dục có văn bản xin lỗi tác giả Hồ Huy Sơn vì vi phạm bản quyền khi sử dụng tác phẩm mà không xin phép cũng như chi trả tiền bản quyền.

Văn bản xin lỗi của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục Phương Nam. Ảnh: tuoitre.vn

Theo đề nghị từ phía tác giả Hồ Huy Sơn, hai công ty cũng cam kết trong lần tái bản tiếp theo, tác giả biên soạn sẽ gỡ bỏ bài viết được sử dụng trong hai cuốn sách kể trên đúng như tác giả yêu cầu. Vụ việc sau đó đã khép lại nhưng vẫn khiến người đọc không khỏi băn khoăn về cơ chế bảo vệ quyền tác giả liệu đã được tuân thủ trên thực tế.

Có thể thấy trong sự việc kể trên, nếu căn cứ theo khoản 3, khoản 6 và khoản 8 Điều 28 quy định về Hành vi xâm phạm quyền tác giả theo Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2019 , thì hành vi của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam sử dụng hai bài viết của tác giả Hồ Huy Sơn là hành vi xâm phạm quyền tác giả, không thể lập luận rằng nhóm tác giả biên soạn đã sử dụng trái phép mà nhà xuất bản không phải chịu trách nhiệm, bởi lẽ chính nhà xuất bản giáo dục đã xét duyệt xuất bản mà không xem xét kỹ càng về bản quyền tác phẩm được sử dụng trong hai cuốn sách xuất bản đó. Bởi vậy, yêu cầu của tác giả Hồ Huy Sơn là hoàn toàn hợp lý.

Khoản 3, khoản 6 và khoản 8 Điều 28 quy định về Hành vi xâm phạm quyền tác giả theo Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2019 như sau:

3. Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả.

6. Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật này.

8. Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật này.

Việc sao chép nguyên văn hay toàn bộ tác phẩm nhưng không có sự cho phép của người có quyền đối với tác phẩm đã được công bố, các tổ chức, cá nhân muốn sao chép, phải xin phép hoặc được sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả, phải thông tin về tác giả, nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm. Nguyên nhân của thực trạng này xuất phát từ lợi ích cá nhân do đó nhà xuất bản, đối tác liên kết sẵn sàng vi phạm pháp luật về quyền tác giả, việc làm này dẫn đến quyền lợi của tác giả tác phẩm chưa được đảm bảo theo quy định của pháp luật. 

 

Một vụ việc khác, theo thông tin được đăng tải trên báo Giao Thông, vào ngày 23/9/2017 nhiếp ảnh gia Lê Xuân Bách bày tỏ bức xúc khi phát hiện mình bị xâm phạm bản quyền một cách trắng trợn. Theo đó, cuốn sách Công dung ngôn hạnh phụ nữ Việt Nam xưa và nay của tác giả là PGS. TS. Lê Thị Bừng (chủ biên) đã sử dụng một bức ảnh do nhiếp ảnh gia Lê Xuân Bách sở hữu để làm trang bìa mà không có sự cho phép của anh. Cuốn sách do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2017, được bán trên nhiều hệ thống nhà sách.

Cuốn sách “Công dung ngôn hạnh phụ nữ Việt Nam xưa và nay” có sử dụng trang bìa vi phạm bản quyền, ảnh: Internet

Trong khi đó, chính người mẫu Thu Hiền trong bức ảnh cũng tỏ ra kinh ngạc khi hình ảnh của mình bỗng dưng xuất hiện trên một bìa sách. Theo Thu Hiền, cô đã giao toàn bộ quyền sở hữu và quản lý bức ảnh cho nhiếp ảnh gia. Nhiếp ảnh gia Lê Xuân Bách cho biết anh sẽ quyết tâm kiện NXB Thanh Niên đến cùng nếu NXB này không có lời giải thích chính đáng.

Theo quy định tại Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2019  thì các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả bao gồm cả tác phẩm nhiếp ảnh, và tại Điều 6 quy định về căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ quy định: “Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký”.

Từ quy định của pháp luật nêu trên , áp dụng vào sự việc, có thể hiểu rằng mặc dù anh Bách không đăng ký bản quyền tác giả đối với hình ảnh của mình nhưng đã có đầy đủ chứng cứ chứng minh mình là tác giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm gốc một cách hợp pháp và có đầy đủ quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm này.

Do đó việc Nhà xuất bản Thanh Niên đã sử dụng tác phẩm của nhiếp ảnh gia Lê Xuân Bách làm ảnh bìa cho cuốn sách cuốn sách Công dung ngôn hạnh phụ nữ Việt Nam xưa và nay, đồng thời không xin phép tác giả là hành vi xâm phạm quyền tác giả quy định tại Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2019: “Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật.” Nhiếp ảnh giả Lê Xuân Bách có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình bằng cách thức gửi yêu cầu chấm dứt việc vi phạm bản quyền tới NXB Thanh Niên, nếu cần thiết thì có thể khởi kiện tới Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết.

Thay lời kết

Việc nhiều cá nhân, tổ chức vi phạm bản quyền hiện nay, đặc biệt lại là các đơn vị có hiểu biết/ nhận thức tốt về pháp luật bản quyền như các đài truyền hình, nhà xuất bản là một thực trạng đáng quan ngại. Trong các vụ tranh chấp về bản quyền, việc đăng ký và công bố tác phẩm là lựa chọn đầu tiên, mặc dù quyền tác giả theo luật được tự động xác lập khi tác giả sáng tạo ra tác phẩm nhưng khi có tranh chấp, việc chứng minh tác phẩm thuộc quyền của mình là không dễ dàng.

Để hạn chế tình trạng trên, các tác giả cần có những hiểu biết cơ bản về việc khai thác quyền tài sản của tác phẩm, để tránh bị lợi dụng hoặc bất lợi khi tham gia hợp đồng. Trường hợp tác giả không tự khai thác thì có thể ủy quyền cho các tổ chức đại diện quyền tập thể hoặc nhờ luật sư tư vấn để không bị thiệt thòi khi khai thác quyền của mình.

Hà Trung

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.