Sản xuất hàng giả nhãn hiệu tại Cty May Đăng Linh: Chuyên gia kiến nghị những vấn đề cần điều tra làm rõ

Lợi Trần

(PLBQ). Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hải Dương đã hoàn tất hồ sơ chuyển sang cơ quan Công an để điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với vụ việc sản xuất hàng giả nhãn hiệu tại Công ty TNHH May Đăng Linh.

Trước khi xảy ra vụ Cty may Đăng Linh, cơ quan công an cũng đã tiến hành khởi tố vụ án liên quan đến việc  nhãn hiệu Bia Sài Gòn bị xâm phạm. Vụ việc một lần nữa gửi đi thông điệp: các hành vi vi phạm quy định pháp luật về quyền Sở hữu trí tuệ nói chung, quyền Sở hữu công nghiệp nói riêng sẽ bị xử lý nghiêm minh.

 

Sản xuất hàng giả nhãn hiệu tại Công ty TNHH May Đăng Linh

Hoạt động sản xuất hàng hóa, buôn bán và tiêu thụ các mặt hàng thời trang mang nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam trong thời gian qua diễn ra một cách rầm rộ. Song hành với hoạt động này, đã xuất hiện các vụ việc có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm. Trong đó có không ít trường hợp vi phạm có dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định tại điều 226 Bộ luật hình sự hiện hành.

Tiếp nối các hoạt động kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hàng hóa, xử lý các hành vi có dấu hiệu vi phạm về quyền Sở hữu trí tuệ, Sở hữu công nghiệp, mới đây, ngày 19/10/2020, Đội QLTT số 5 - Cục QLTT Hải Dương đã làm thủ tục chuyển hồ sơ, chuyển giao vụ việc làm giả hàng hóa giả mang một loạt nhãn hiệu thời trang nổi tiếng như Adidas, Nike, Gucci…. của Công ty TNHH may Đăng Linh cho phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hải Dương, do vụ việc có dấu hiệu cấu thành tội phạm xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được quy định tại điều 226 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

Theo dõi vụ việc diễn ra trong những ngày vừa qua, có thể thấy số lượng hàng hóa được làm giả tại Công ty TNHH may Đăng Linh có giá trị tương đối lớn, khi chuyển giao cho Cơ quan điều tra thì giá trị hàng hóa ước tính lên đến 500 triệu đồng, với trên 6.400 áo phông các loại.

Ngoài ra, quá trình kiểm tra thu giữ, Đội QLTT số 5 - Cục QLTT Hải Dương - còn phát hiện số lượng lớn hàng hóa bán thành phẩm, nguyên phụ liệu và phương tiện được sử dụng để sản xuất các sản phẩm trên, gồm: Trên 2.000 sản phẩm bán thành phẩm, gần 100 kg chỉ may, cúc áo và 4 máy may công nghiệp. Theo đại din Đội QLTT số 5 - Cục QLTT Hải Dương - thì đây là một trong những vụ việc có dấu hiệu hình sự liên quan đến hành vi làm hàng giả, hàng nhái lớn nhất từ trước đến nay xảy ra tại tỉnh Hải Dương.

Trước đó, ngày 04/09/2020, Đội QLTT số 5 - Cục QLTT Hải Dương - đã chủ trì phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) tổ chức kiểm tra tại Công ty TNHH May Đăng Linh. Công ty đang sản xuất, gia công các sản phẩm áo phông mang nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng. Quá trình điều tra, xác định toàn bộ số hàng hóa được sản xuất, gia công tại công ty này là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.

Điều 226 BLHS qui định về Tội xâm phạm sở hữu công nghiệp.

Theo đó, khoản 1 qui định rõ: “ người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.”
Khoản 4 của Điều 226 qui định về Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, có thể bị phạt tới 5 tỉ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm; cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Những vấn đề cần điều tra làm rõ

Trao đổi với PV xung quanh sự vụ Cty May Đăng Linh, một số chuyên gia pháp luật cho biết, trước khi quyết định khởi tố vụ án, các cơ quan chức năng cần tiếp tục ghi nhận ý kiến của chủ sở hữu nhãn hiệu và nhà sản xuất, sau đó giám định xác định hàng giả, hàng nhái, mức độ tính chất xâm phạm.

Và cần xác định số tiền thu lợi bất chính của Công ty TNHH may Đăng Linh trong vụ việc này là bao nhiêu hoặc xác định mức độ thiệt hại của các nhãn hiệu như Adidas, Nike, Gucci… là bao nhiêu để định khung hình phạt khi khởi tố vụ án và khởi tố đối với pháp nhân thương mại là Công ty TNHH may Đăng Linh.

Vấn đề cũng rất đáng quan tâm khi khởi tố pháp nhân thương mại phạm tội, nhất là phạm tội trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ hiện nay cũng như trong vụ việc này là rất khó để xác định được hiệt hại đối với các nhãn hiệu như Adidas, Nike, Gucci … mà chỉ có thể xác định bằng cách số tiền thu lợi bất chính của Công ty TNHH may Đăng Linh từ hành vi làm giả hàng hóa mang các nhãn hiệu nổi tiếng.

Quy định xử lý hình sự đối với pháp nhân thương mại còn mới, sẽ được PLBQ giới thiệu trong các bài kế tiếp.

 

Đình Đức

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.