Thưa ông, liệu chuyển đổi kỹ thuật số được phát triển bởi công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) có thể tái định hình các quy định hiện nay về sở hữu trí tuệ?
Sự hiểu biết của chúng ta về sức ảnh hưởng của chuyển đổi kỹ thuật số đối với các quy định sở hữu trí tuệ còn tương đối sơ khai. Tuy nhiên, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy những bước tiến nhanh chóng, đột phá của chuyển đổi số đã và đang có những ảnh hưởng đáng kể đến các chính sách sở hữu trí tuệ. Các quy định về Sở hữu trí tuệ mà chúng ta có ngày nay chủ yếu được phát triển trong cuộc Cách mạng công nghiệp để đáp ứng quy trình sản xuất hàng loạt. Một trong những vấn đề lớn mà chúng ta cần phải giải quyết hiện nay là liệu những quy định về sở hữu trí tuệ đã tồn tại có cung cấp được sự hỗ trợ cần thiết cho quá trình đổi mới trong thời đại kỹ thuật số.
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang có những bước tiến vượt bậc (Ảnh:pexels)
Vậy có bằng chứng nào cho thấy các quốc gia bắt đầu áp dụng các chính sách đổi mới đối với nền kinh tế kỹ thuật số?
Một số quốc gia đã đặt mục tiêu coi trí tuệ nhân tạo (AI) là trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế của mình. Các công nghệ kỹ thuật số tiên tiến như AI có khả năng phát triển, tạo ra các sản phẩm tiện ích, cải tiến dịch vụ thông qua việc ứng dụng dữ liệu lớn. Một trong số đó, đặc biệt là AI, có thể cải thiện hiệu suất đối với quyền truy cập dữ liệu với số lượng lớn. Hiện tại, các quốc gia đã có nhiều thỏa thuận về cung cấp các dữ liệu có sẵn cho sự phát triển của việc sử dụng sản phẩm tiện ích và dịch vụ. Tuy nhiên, chính phủ không thể yêu cầu các công ty chia sẻ dữ liệu bí mật của họ với các đối thủ cạnh tranh, những gì chính phủ có thể làm là tạo nên các nguồn dữ liệu mở, chẳng hạn như dữ liệu được thu thập bằng cách cung cấp dịch vụ công, dữ liệu từ các nghiên cứu được tài trợ bởi chính phủ, đây có thể là nguồn dữ liệu có sẵn cho các doanh nghiệp.
Bước quan trọng tiếp theo đối với các nhà hoạch định chính sách trong việc tạo ra một nền tảng chính sách SHTT đối với dữ liệu là gì?
Chúng ta cần định nghĩa cách tiếp cận phù hợp và hợp pháp liên quan đến việc thu thập, lưu trữ và sử dụng dữ liệu. Nói cách khác, chúng ta cần xác định những hạn chế nào được coi là phù hợp với việc thu thập và sử dụng dữ liệu và sau đó đánh giá vì sao những hạn chế này là cần thiết. Mặc dù các phương tiện thu thập dữ liệu đã tồn tại và vô cùng phổ biến, ví dụ như: giọng nói, văn bản, hình ảnh, v.v.., chúng ta vẫn cần xác định các phương thức phù hợp để thu thập và sử dụng những dữ liệu đó.
Tổng giám đốc WIPO - Francis Gurry có những chia sẻ về quy định sở hữu trí tuệ trong thời đại dữ liệu số. (Nguồn: Wipo.int)
Có thể thấy việc thiết lập các hạn chế đối với việc sử dụng dữ liệu là vô cùng quan trọng. Vậy yếu tố nào cần phải xét tới khi xây dựng những hạn chế này?
Quyền riêng tư có lẽ là yếu tố nhận được nhiều sự quan tâm nhất từ trước đến nay. Quy định chung về bảo vệ dữ liệu của Liên minh Châu Âu (GDPR) là hệ quả của vấn đề này. Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (Điều 12) đã công nhận quyền riêng tư là một quyền cơ bản của con người. Điều kỳ lạ là, sự thiếu rõ ràng của chính sách hiện nay về quyền riêng tư đã dẫn đến việc một số doanh nghiệp sử dụng nó như một công cụ cạnh tranh trên thị trường. Ví dụ, một công ty tuyên bố cung cấp các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư tốt hơn đối thủ cạnh tranh của họ. Có thể hình dung rằng những doanh nghiệp khi tham gia thị trường cung cấp các dịch vụ về bảo mật quyền riêng tư đều phải tuân thủ các quy định đối với việc thu thập, lưu trữ và sử dụng dữ liệu của khách hàng.
Bảo mật cũng là một yếu tố không thể thiếu, với mục đích đảm bảo rằng dữ liệu sẽ không được tiết lộ công khai, chẳng hạn như để bảo vệ quyền riêng tư cá nhân hoặc để duy trì bí mật về lợi thế cạnh tranh. Yếu tố bảo mật đặt ra những thách thức trong những trường hợp thông thường, nhà nước sẽ không áp đặt các hạn chế. Nhìn chung, nhà nước tiếp cận phương thức bảo mật đối với một cá nhân tương tự như sự không cho phép xâm phạm tài sản của người khác. Giờ đây, các nhà hoạch định chính sách phải đưa ra những quyết định rằng cơ chế bảo mật sẽ được áp dụng như thế nào trong nền kinh tế số. Kết luận sau đó được đưa ra có thể dẫn đến một số hạn chế về việc thu thập và sử dụng dữ liệu.
Dữ liệu là đầu vào cơ bản để sản xuất và ứng dụng trong nền kinh tế kỹ thuật số, Việc tập trung sức mạnh thị trường vào một số ít công ty và sức ảnh hưởng của nó đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh cũng sẽ dẫn đến hạn chế trong việc thu thập, lưu trữ và sử dụng dữ liệu. Chính sách cạnh tranh chống lại bất kỳ sự lạm dụng quyền lực thị trường nào của các tác nhân kinh tế với vị trí thống lĩnh thị trường. Trong khi các chính sách đang được nghiên cứu và phát triển, các nhà hoạch định chính sách chưa nắm rõ về thị trường kỹ thuật số cũng như định hình được các hành vi cạnh tranh không lành mạnh xảy ra như thế nào.
Cuối cùng, tài sản và sở hữu trí tuệ là một yếu tố quan trọng. Theo quy định sở hữu trí tuệ, dữ liệu có giá trị đối với công ty không công khai mà công ty đã thực hiện các bước hợp lý để bảo mật có thể tạo thành bí mật thương mại. Trong nền kinh tế kỹ thuật số, bí mật thương mại đã trở thành phương thức phổ biến để bảo vệ dữ liệu. Tuy nhiên bí mật thương mại liệu có là phương thức bảo vệ dữ liệu phù hợp, đầy đủ không? Bí mật thương mại là biện pháp hạn chế các cá nhân có hành vi xâm phạm hoặc lạm dụng bí mật của chủ thể khác. Ví dụ: nếu một công ty cung cấp dữ liệu cho nhà thầu vì một mục đích cụ thể, nhà thầu không được sử dụng thông tin đó theo bất kỳ cách thức nào khác, ngoài phạm vi thỏa thuận giữa hai bên. Các nhà hoạch định chính sách sẽ cần phải kiểm tra xem liệu bí mật thương mại có giải quyết toàn diện các vấn đề phát sinh liên quan đến bảo vệ dữ liệu trong nền kinh tế kỹ thuật số.
Liệu còn những vấn đề liên quan khác nào đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách cần phải xem xét?
Nhiều vấn đề quan trọng hơn nảy sinh liên quan đến sự hạn chế sử dụng dữ liệu dựa trên các thuật toán AI. Ví dụ, liệu hành vi cung cấp dữ liệu bản quyền cho các thuật toán AI nhằm nâng cao “trí tuệ” của AI có bị coi là hành vi vi phạm bản quyền hay không ? Đây là một vấn đề khó vì thứ nhất, chúng ta không chắc chắn về phạm vi ảnh hưởng của sự hạn chế sẽ tác động tới hành vi như thế nào. Thứ hai, liệu sản phẩm được tạo ra bởi thuật toán có sử dụng dữ liệu bản quyền để tạo ra hay không ? Vì vậy, chúng ta cần cẩn thận kiểm tra kết quả và các thỏa thuận cần phải có để đạt được chúng.
WIPO đã chuẩn bị cho sự thay đổi của nền kinh tế kỹ thuật số như thế nào?
Ở cấp độ chính sách, chúng tôi khuyến khích cuộc trò chuyện giữa các quốc gia thành viên với mục tiêu nhằm đưa ra những vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách cần phải giải quyết và sau đó cùng thảo luận chung về những cách thức tiềm năng để đảm bảo chúng ta có thể đưa ra những chính sách đổi mới hiệu quả cho sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số.
Ở cấp độ hoạt động, với tư cách là một tổ chức đa phương, WIPO cũng phải giải quyết những vấn đề về công bằng xã hội cũng như mức độ ảnh hưởng bởi các quốc gia đang phát triển trong nền kinh tế kỹ thuật số.
Về khía cạnh dịch vụ của Tổ chức, tùy thuộc vào sự chấp thuận của các quốc gia thành viên, WIPO cũng đề xuất thiết lập dịch vụ đóng dấu dựa trên thời gian kỹ thuật số, đây là một loại dịch vụ công chứng trong thời đại kỹ thuật số, giúp các nhà nghiên cứu và sáng tạo chứng minh rằng một tệp kỹ thuật đang nằm dưới sự kiểm soát của họ vào một thời gian cụ thể. Đây là một bước nhỏ nhưng vô cùng quan trọng đối với những nhà nghiên cứu trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của họ được thực hiện tốt hơn.
Quy mô chuyển đổi kỹ thuật số của WIPO cũng là vấn đề quan trọng. Tổ chức đang tiếp tục đầu tư vào việc cải thiện nền tảng trực tuyến của mình và phát triển các công cụ AI tiên tiến. Ví dụ như công cụ dịch WIPO, công cụ tìm kiếm hình ảnh của WIPO cho cơ sở dữ liệu thương hiệu toàn cầu và một bộ các công cụ mới, bao gồm cả công nghệ chuyển giọng nói thành văn bản để cải thiện chất lượng và tốc độ của các bản ghi cuộc họp của WIPO, nhiều công cụ khác cũng đang được triển khai, nghiên cứu và phát triển trong thời gian sắp tới.
Hà Trung (Dịch và Biên soạn)
Tài liệu tham khảo: https://www.wipo.int/publications/en/details.jsp?id=4462&plang=EN