Sửa đổi quy định về quyền sở hữu công nghiệp

Lợi Trần

NDĐT - Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Chính phủ đề xuất xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, qua thực tiễn hơn 10 năm thi hành, Luật Sở hữu trí tuệ đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức, cá nhân xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, góp phần khuyến khích hoạt động sáng tạo, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, Luật Sở hữu trí tuệ còn là nền tảng đưa hệ thống bảo hộ SHTT của Việt Nam đạt chuẩn mực theo Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền SHTT (TRIPS) của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cũng như đáp ứng các nghĩa vụ theo cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới gần đây.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn hơn 10 năm thi hành Luật cũng cho thấy, cùng với việc hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam trong thời gian qua cho thấy Luật Sở hữu trí tuệ còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập nhất định. Theo đó, pháp luật về bảo hộ quyền SHTT của Việt Nam còn tồn tại một số bất cập sau cần phải giải quyết, như về quyền tác giả, quyền liên quan; quyền sở hữu công nghiệp (SHCN); quyền đối với giống cây trồng; về thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Đặc biệt, trong thực thi quyền SHCN, các quy định pháp luật liên quan đến quyền đăng ký các đối tượng SHCN được tạo ra trên cơ sở Nhà nước đầu tư kinh phí, nên chưa tạo được động lực thực sự cho việc khai thác, thương mại hóa các đối tượng này vì cơ quan nhà nước (chủ đầu tư) ít quan tâm đến việc đăng ký xác lập quyền, và với chức năng, thẩm quyền theo quy định của mình thì hầu như không thể tiến hành khai thác thương mại các đối tượng này.

Trong khi đó nếu cơ quan nhà nước lựa chọn phương án chuyển nhượng quyền đăng ký hoặc chuyển giao quyền sử dụng cho đơn vị chủ trì thực hiện hoặc cho tổ chức, cá nhân khác lại gặp phải trở ngại lớn trong việc định giá các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, bởi về cơ bản mới chỉ thành công trong phòng thí nghiệm. Hơn thế nữa, việc thu hút các tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng các đối tượng này không cao do khả năng khai thác thương mại các đối tượng này gặp nhiều rủi ro. Ngoài ra, một số quy định pháp luật liên quan đến thủ tục xác lập quyền SHCN thiếu rõ ràng hoặc không phù hợp với tình hình mới.

Theo đề xuất của Bộ Khoa học và Công nghệ, đối với quyền SHCN, phạm vi sửa đổi tập trung cụ thể vào những quy định về quyền nộp đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước; Hoàn thiện các quy định liên quan đến việc xác lập, duy trì quyền SHCN đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, các thủ tục xử lý ý kiến của người thứ ba cũng như việc áp dụng các quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực SHCN; Sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế bảo hộ sáng chế (tiêu chí đánh giá điều kiện bảo hộ), điều kiện hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ); minh bạch hóa tiêu chí đánh giá nhãn hiệu (xung đột với các đối tượng SHCN khác, đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng); xác định phạm vi bảo hộ đối với các chỉ dẫn địa lý đồng âm; hoàn thiện các tiêu chuẩn bảo hộ đối với nhãn hiệu âm thanh, đối với cơ chế bảo hộ dữ liệu nông hóa phẩm nhằm đáp ứng nghĩa vụ trong các FTA; Bổ sung các quy định nhằm cải thiện chất lượng đại diện SHCN với cơ cấu quản lý theo lĩnh vực; mở rộng hoạt động giám định SHCN cho các tổ chức, cá nhân đáp ứng yêu cầu…

SÔNG TRÀ

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.