Tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu qua vụ tranh chấp nhãn hiệu “Tam Mao TV”

(PLBQ). Kênh YouTube “Tam Mao TV” đang bị khiếu nại vì sử dụng tên trùng với nhãn hiệu đã được bảo hộ. Chủ sở hữu kênh YouTube này đang đứng trước nguy cơ bị xử lý về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

(Ảnh chụp YouTube)

Tam Mao TV” là kênh Youtube của 2 anh em là Mao Huynh (tên thật là Lê Mạnh Cường, sinh năm 1991) và Mao Đệ (tên thật là Nguyễn Văn Dũng sinh năm 2000). Được lập vào ngày 06/06/2009, đi vào hoạt động từ năm 2018 với đặc trưng là khoe những món ăn độc, lạ và những trò nghịch dại. Chỉ sau gần 3 năm kẻ từ video đầu tiên, kênh YouTube này đã đạt được những thành công ngoài mong đợi, thu về gần 2 triệu lượt subscribe (đăng ký kênh).

Ngoài “Tam Mao TV”, hai anh em này còn sở hữu nhiều kênh YouTube khác như “Ẩm thực Tam Mao” và trang Facebook “Tam Mao TV” có dấu tick xanh (V) với lượt theo dõi lớn. Tổng view trên các kênh của hai anh em ước tính phải đạt hơn 1 tỷ lượt xem.

Tuy nhiên, những người yêu thích các clip của Mao huynh và Mao đệ hiện đang xôn xao vì kênh YouTube “Tam Mao TV” đang đứng trước nguy cơ tạm ngưng hoạt động, thậm chí có thể bị xóa vĩnh viễn. Theo chia sẻ của tài khoản Facebook Lê Mạnh Cường (tức Mao Huynh), gần đây nhãn hiệu “Tam Mao TV” đã bị một “ông nào đó” đăng ký vào tháng 04/2021 tại Cục Sở hữu trí tuệ. Sau khi được cấp văn bằng bảo hộ, người này đã gửi đơn khiếu nại về nhãn hiệu lên YouTube để yêu cầu xóa video, vô hiệu hóa hoàn toàn kênh YouTube “Tam Mao TV”.

Email YouTube gửi tới chủ kênh “Tam MaoTV” (Nguồn: tài khoản facebook Lê Mạnh Cường)

 

Ai là chủ sở hữu nhãn hiệu “Tam Mao TV”?

Theo thông tin tra cứu tại Website của Cục Sở hữu trí tuệ (NOIP), nhãn hiệu “Tam Mao TV” đã được Công ty TNHH Truyền thông và Công nghệ ASM (Công ty ASM) có trụ sở tại Phòng 1704, tầng 17, số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội nộp đơn đăng ký bảo hộ từ ngày 08/04/2019.

Ngày 08/05/2019, Công ty ASM đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (GCN ĐKNH) số 11223 cho nhãn hiệu “Tam Mao TV”, nhóm bảo hộ “Sản xuất phim trừ phim quảng cáo; dàn dựng chương trình truyền hình; dịch vụ giải trí; phóng viên ảnh; trình diễn sân khấu; cung cấp viđeo trực tuyến, không tải về”.

Như vậy, nhãn hiệu “Tam Mao TV” đã được bảo hộ từ thời điểm tháng 5 năm 2019, không phải mới được đăng ký từ thời điểm tháng 4 năm 2021 như tài khoản facebook Lê Mạnh Cường chia sẻ. Dù như vậy nhưng chỉ gần đây Công ty ASM mới có đơn khiếu nại lên YouTube.

Chính sách về nhãn hiệu của YouTube

Theo chính sách của YouTube, “Nhãn hiệu” là từ ngữ, biểu tượng hoặc từ ngữ kết hợp với biểu tượng, giúp xác định nguồn gốc của một sản phẩm và phân biệt sản phẩm đó với các sản phẩm khác. Cá nhân, tổ chức đăng ký và được cấp nhãn hiệu thông qua một quy trình pháp lý. Sau khi đăng ký và được cấp nhãn hiệu, chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền độc quyền đối với việc sử dụng nhãn hiệu liên quan đến sản phẩm đó.

Vi phạm nhãn hiệu là hành vi sử dụng nhãn hiệu sai mục đích hoặc trái phép theo cách có thể gây nhầm lẫn về nguồn gốc của sản phẩm đó. Chính sách của YouTube cấm các video và kênh vi phạm về nhãn hiệu. Nếu nội dung đăng lên nền tảng này sử dụng nhãn hiệu của người khác theo cách có thể gây nhầm lẫn, thì video không những có thể bị xóa, mà kênh Youtube còn có thể bị tạm ngưng hoạt động, thậm chí xóa vĩnh viễn.

Chủ kênh Youtube “Tam Mao TV” liệu có thể làm gì để tránh việc bị xử lý vi phạm nhãn hiệu?

Theo Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT), một trong những căn cứ để hủy bỏ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của chủ thể khác là các dấu hiệu đăng ký nhãn hiệu không đủ điều kiện bảo hộ, do “trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự từ trước ngày nộp đơn”.

Như vậy, chủ kênh YouTube “Tam Mao TV” nếu có thể cung cấp các chứng cứ để chứng minh nhãn hiệu “Tam Mao TV” đã được thừa nhận và sử dụng rộng rãi từ trước thời điểm Công ty ASM nộp đơn đăng ký, thì sẽ có căn cứ để bảo vệ quyền lợi và kênh YouTube của mình.

 

Theo điểm g Khoản 2 Điều 74 Luật SHTT về Khả năng phân biệt của nhãn hiệu:

“2. Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

g) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự từ trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên”

Trong vụ việc này, chứng cứ quan trọng cần được khai thác, sử dụng để có thể bảo vệ nhãn hiệu chính là “Số lượng người xem và đăng ký kênh”. Chủ sở hữu kênh “Tam Mao TV” có thể yêu cầu YouTube xác nhận số lượng người xem và đăng ký kênh từ trước thời điểm tháng 04/2019 (thời điểm Công ty ASM nộp đơn đăng ký) để làm chứng cứ chứng minh nhãn hiệu “Tam Mao TV” đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi.

Tuy nhiên, nhãn hiệu “Tam Mao TV” hiện đã thuộc quyền sở hữu của Công ty ASM. Với việc là chủ sở hữu văn bằng bảo hộ nhãn hiệu “Tam Mao TV”, việc công ty ASM báo cáo lên YouTube yêu cầu gỡ kênh là hoàn toàn phù hợp với pháp luật nước ta. Nếu chủ kênh YouTube “Tam Mao TV” không nhanh chóng nộp đơn đề nghị NOIP hủy bỏ hiệu lực của GCN ĐKNH bảo hộ cho nhãn hiệu “Tam Mao TV”, thì rất có thể kênh YouTube này sẽ bị xử lý theo khiếu nại của Công ty ASM.

Cũng cần lưu ý rằng, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ nói chung hoặc giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu nói riêng mang bản chất là một tranh chấp pháp lý nhiều bên nhưng lại chỉ xảy ra sau khi quyền sử dụng nhãn hiệu đã được Nhà nước công nhận. Do đó, với tư cách là cơ quan đã thẩm định việc cấp bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ bảo vệ quan điểm cấp “Đúng” của mình đến cùng. Chính vì vậy, bên yêu cầu hủy văn bằng bảo hộ cần chuẩn bị những căn cứ pháp lý thật vững chắccùng với những chứng cứ xác đáng .

Bài học nhận được từ việc tranh chấp giữa chủ sở hữu kênh “Tam Mao TV” và chủ sở hữu nhãn hiệu “Tam Mao TV”

Chuyện phân xử “ai đúng ai sai” sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết, cũng như nhận định của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, bài học pháp lý mà từ vụ việc trên mang lại là vô cùng có giá trị.

Thứ nhất, việc xin cấp văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu để bảo vệ “tài sản sở hữu trí tuệ” khi tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh hay công việc sáng tạo nội dung là điều cần thiết đối với mỗi cá nhân, tổ chức. Nếu không tiến hành đăng ký bảo hộ đối với nhãn hiệu của mình, đến khi có tranh chấp phát sinh sẽ rất khó để yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết.

Thứ haimỗi cá nhân, tổ chức cần tự trang bị thêm, bổ sung các kiến thức pháp luật. Có một thực tế rằng, nhiều người khi vướng đến tranh chấp liên quan đến Sở hữu trí tuệ lại không biết phải làm gì, tìm đến đâu, quy trình thủ tục và giải quyết như thế nào. Sự thiếu hiểu biết này dẫn đến các tranh chấp về sở hữu trí tuệ phát sinh ngày càng nhiều, gây thiệt hại lớn về kinh tế, uy tín, danh tiếng, cũng như uổng phí công sức gây dựng nhãn hiệu bao năm của chính họ.

Thứ ba, khi phát hiện có một bên khác đang sử dụng nhãn hiệu của mình, cần bình tĩnh, tìm hiểu kỹ lưỡng quy định của pháp luật, cũng như chuẩn bị các chứng cứ để chứng minh quyền sở hữu hợp pháp,trước khi tiến hành áp dụng các biện pháp đòi lại quyền Sở hữu trí tuệ. Chẳng hạn như cần kiểm tra xem đối phương sử dụng nhãn hiệu đó từ bao giờ; liên quan như thế nào đến nhãn hiệu của mình; mức độ ảnh hưởng; hệ quả liên quan,...

Có thể thấy câu chuyện chủ sở hữu phải đi tìm lại nhãn hiệu của chính mình không còn mới nhưng bài học về việc bảo vệ tài sản trí tuệ vẫn chưa hề cũ. Việc các cá nhân, doanh nghiệp còn chủ quan và coi nhẹ giá trị của tấm bằng bảo hộ nhãn hiệu đang để lại các hậu quả không nhỏ về lâu về dài. Nếu để khi “mất bò mới lo làm chuồng” thì đã quá muộn.

Lưu ý: Bài viết dựa trên quan điểm khoa học và thực tiễn, không nhằm quảng bá cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.

Nguyễn Lan – Kỳ Anh

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.