Tạo thị trường mỹ thuật, nhiếp ảnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa

Kỹ thuật Web

Đó là tinh thần chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tại buổi làm việc với Cục Mỹ thuật và Nhiếp ảnh vào chiều 22/9 về Chiến lược phát triển Công nghiệp văn hóa.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng làm việc với Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (ảnh T.H)

Cùng dự buổi làm việc có đại diện Văn phòng Bộ, Cục Bản quyền tác giả.

Theo báo cáo của ông Mã Thế Anh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, năm 2020, Cục đang tiến hành xây dựng Thông tư Định mức kinh tế, kỹ thuật xây dựng tượng đài, phù điêu, tranh ghép gốm. Hiện đã tiếp thu ý kiến của Bộ Xây dựng, sau đó trình Bộ trưởng ký ban hành.

Cục cũng đã chỉ đạo và thực hiện nhiều sự kiện, triển lãm lớn như: Triển lãm Festival Mỹ thuật trẻ; Trưng bày triển lãm tác phẩm của các họa sĩ đương đại hàng đầu trên thị trường mỹ thuật Việt Nam; Trưng bày Triển lãm ảnh các nước ASEAN tại Hà Nội... 

Các hoạt động đang thực hiện đến hết năm 2020 gồm: Triển lãm Tranh đồ họa 10 nước ASEAN; Cuộc thi và Triển lãm mỹ thuật Việt Nam vào tháng 11 tại Hà Nội, tháng 12 tại TP. Hồ Chí Minh; Cuộc thi và Triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam vào tháng 10 tại Hà Nội, tháng 11 tại Tp. Hồ Chí Minh; Triển lãm trang phục truyền thống các nước ASEAN nhân năm Việt Nam là Chủ tịch ASEAN 2020 vào tháng 10.2020 tại Hà Nội; Triển lãm ảnh "Các di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới của Việt Nam".

Về đề án cơ sở dữ liệu công nghiệp văn hóa, hiện nay, Cục đã hoàn thành bộ cơ sở dữ liệu của 3 lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, in phát hành trong tập Niên giám Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm nhằm cung cấp thông tin cho công chúng trong và ngoài nước, nghiên cứu và tìm hiểu về mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, phát triển du lịch văn hóa nghệ thuật.

Cục cũng đã trình Lãnh đạo Bộ nội dung đề án Nghệ thuật sơn mài Việt Nam giai đoạn 2020-2030. Sau khi tiếp thu các ý kiến, hiện Cục đang chỉnh sửa, hoàn thiện để trình lãnh đạo Bộ phê duyệt, ban hành. Đề án Thành phố Nhiếp ảnh Việt Nam (hiện là Đề án Festival Nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam giai đoạn 2020-2030) đã được Bộ trưởng Bộ VHTTDL phê duyệt. Đây là hai đề án quan trọng nhằm phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh, góp phần mang lại sự phát triển bền vững cho các lĩnh vực này, đồng thời quảng bá rộng rãi về văn hóa, con người Việt Nam ở trong nước và quốc tế.

Nêu một số khó khăn, thách thức trong việc quản lý nhà nước về lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, các ý kiến của đại biểu tại buổi làm việc đã kiến nghị Lãnh đạo Bộ quan tâm chỉ đạo xây dựng cơ chế chính sách, các quy định, hướng dẫn để hình thành thị trường mỹ thuật, nhiếp ảnh trong nước; Quan tâm hơn nữa đến vấn đề kinh phí cho các hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Tăng cường tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực về chuyên môn mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm và lý luận phê bình; Tăng cường công tác tuyên truyền và thực thi đối với việc bảo vệ bản quyền tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh; Kiện toàn đội ngũ cán bộ, viên chức của Cục... Đặc biệt, Cục đề xuất lãnh đạo Bộ về việc đầu tư xây dựng nhà triển lãm đương đại phục vụ cho các hoạt động chuyên ngành, quy mô lớn.

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cũng là một trong những đơn vị tích cực, đi đầu trong tổ chức thực hiện Chiến lược công nghiệp văn hóa. Đây là lĩnh vực mới, còn nhiều khó khăn, trong khi, phía Tổng cục Thống kê chưa có mã ngành về công nghiệp văn hóa, vì vậy, những thành tựu của lĩnh vực này chưa có "con số biết nói".

 

Toàn cảnh buổi làm việc (ảnh T.H)

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm trong thời gian qua. Trong bối cảnh còn thiếu cán bộ quản lý, biên chế chưa đầy đủ, kinh phí hạn hẹp... nhưng Cục đã hoàn thành nhiệm vụ mà Lãnh đạo Bộ giao phó. 

Theo Thứ trưởng, Cục đã bám sát các sự kiện lớn, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao. Nhiều triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh chất lượng cao, để lại nhiều dấu ấn cũng đã được tổ chức trong những năm qua. Đặc biệt, với những vấn đề mà dư luận quan tâm, Cục đã tham mưu lãnh đạo Bộ về các giải pháp như vấn đề tượng đài, thẩm định tác phẩm, phát triển thị trường mỹ thuật- nhiếp ảnh...

Chia sẻ với những khó khăn của Cục, Thứ trưởng lưu ý, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cần tiếp tục chủ động rà soát lại toàn bộ công việc, trong đó tập trung giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ đã giao.

Về nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa, Thứ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa trong tổng thể phát triển nền kinh tế quốc gia. Đối với lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, là một "mảnh đất" có nhiều tiềm năng mà cơ quan quản lý Nhà nước về mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm cần đẩy mạnh. Thứ trưởng cho rằng, thời gian qua, Cục đã làm được nhiều việc trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, cần tiếp tục đẩy mạnh, lựa chọn trọng tâm, trọng điểm để thực hiện.

Trong bối cảnh thị trường mỹ thuật còn tồn tại vấn nạn tranh thật - tranh giả, xâm phạm bản quyền trong mỹ thuật và nhiếp ảnh còn kéo dài, Thứ trưởng cho rằng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cần phối hợp chặt chẽ với Cục Bản quyền tác giả về vấn đề bảo vệ bản quyền; từ đó tạo niềm tin và sự minh bạch trong phát triển thị trường mỹ thuật - nhiếp ảnh; góp phần quan trọng trong sự thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển.

Đồng thời, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ làm việc với các Bộ, ngành liên quan nhằm thống kê, đánh giá về công nghiệp văn hóa. Đặc biệt, Thứ trưởng yêu cầu Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm phối hợp với Vụ Pháp chế, Văn phòng Bộ và các đơn vị liên quan tham mưu ban hành các văn bản thúc đẩy phát triển thị trường, quản lý phát triển thị trường mỹ thuật, nhiếp ảnh. 

"Chỉ khi có thị trường, chúng ta mới có thể thực hiện phát triển được công nghiệp văn hóa"- Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh./.

Hà An

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.