Từ cảnh báo của Ban tổ chức cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới”: Chuyên gia chỉ rõ hậu quả việc sử dụng thương hiệu bừa bãi và bài học nhãn tiền

(PLBQ). Tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế thế giới, đã có không ít hàng hóa sản phẩm của Việt Nam bị “đánh cắp” thương hiệu. Mới đây nhất là vụ việc Việt Nam có nguy cơ mất thương hiệu gạo “ST25”

Sau những vụ việc đã xảy ra, bài học nào cho các doanh nghiệp đi sau, để tránh khỏi những vụ kiện, tốn thời gian cũng như tiền bạc ? Đặc biệt là cần rút ra những bài học nào về sử dụng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu Việt…?

Vụ việc Việt Nam có nguy cơ mất thương hiệu gạo “ST25” vừa qua tốn không ít giấy mực và sự vào cuộc của nhiều cá nhân, tổ chức và chuyên gia trong nước. Sau vụ việc trên, mới đây tạp chí The Rice Trader ( TRT) – Ban tổ chức cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới” vừa cảnh báo rằng Việt Nam có thể sẽ bị tước quyền dự thi gạo ngon nhất trên thế giới do nhiều cá nhân, tổ chức đã tự ý sử dụng bừa bãi thương hiệu “gạo ngon nhất trên thế giới” lên sản phẩm của mình bán ra ngoài thị trường.

TRT cảnh báo gì?

Đơn vị của tổ chức cuộc thi mà gạo ST25 của Việt Nam tham dự và đạt giải thưởng đã được khẳng định, chỉ duy nhất doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang trí được chấp thuận sử dụng biểu trưng giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới” độc quyền cho mục đích tiếp thị và kinh doanh.

Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường có nhiều công ty Việt Nam sử dụng nhãn hiệu này để in trên bao bì, tài liệu quảng bá trong nước và xuất khẩu nhưng không xin phép hay có sự đồng ý của TRT. Do đó, TRT cảnh báo tới các công ty Việt Nam vi phạm bản quyền về sự tôn trọng cần thiết khi sử dụng biểu tượng thương hiệu "Gạo ngon nhất thế giới" trong các bao bì trên thị trường. Đây là hành vi sử dụng bất hợp pháp quyền sở hữu trí tuệ và các quy định của biểu trưng giải thưởng "Gạo ngon nhất thế giới".

Theo TRT, người tham gia cuộc thi công nhận rằng họ không có quyền sử dụng thương hiệu cuộc thi nếu không được phép và quốc gia chiến thắng cũng được yêu cầu tuân thủ các cam kết của cuộc thi. Nếu không có giải pháp thích hợp cho hành động này, những tên công ty vi phạm sẽ được công khai. Bởi lẽ, họ làm ảnh hưởng tới định hướng chung của ngành.

Không chấp nhận được tình trạng này, TRT đã ra ‘tối hậu thư’ cảnh báo tới các cá nhân, tổ chức Việt Nam vi phạm bản quyền về sự tôn trọng cần thiết khi sử dụng biểu tượng thương hiệu “Gạo ngon nhất thế giới” trong các bao bì trên thị trường. Nếu tình trạng này tiếp diễn, có khả năng Việt Nam sẽ bị tước mất quyền dự thi “Gạo ngon nhất thế giới”.

 

Gạo ST25 “ gạo ngon nhất thế giới”

Việc sử dụng thương hiệu bừa bãi này có hậu quả ra sao?

Câu chuyện ở đây chính là chất lượng của gạo, việc sử dụng nhãn hiệu một cách vô tình, hoặc cố ý này của các loại gạo khác kể cả trong nước và nước ngoài đã gây ảnh hưởng không nhỏ quan trọng nhất là đến người tiêu dùng, có người khi biết đến đây là thương hiệu độc quyền của gạo ST25 thì sẽ nhầm lẫn và gây mất niềm tin đến họ khi họ sử dụng đến loại gạo khác có gắn mác nhưng không phải ST25.

Đối với những trường hợp chưa biết đến thương hiệu độc quyền của gạo ST25, và sử dụng các loại gạo đều có mác “ gạo ngon nhất thế giới” đây là điều ảnh hưởng không hề nhỏ vì nếu loại gạo được gắn mác như vậy nhưng chất lượng không được như thương hiệu thì rất dễ xảy ra trường hợp “ đánh đồng” tất cả loại gạo có thương hiệu này là chất lượng kém. Lúc này không còn chỉ ảnh hưởng đến gạo ST25 nói riêng mà tất cả các loại gạo khác đều ảnh hưởng nghiêm trọng.

Việc tự ý gán mác giải thưởng tôn quý này lên sản phẩm của mình trong khi không có sự đồng ý hay chấp thuận của TRT lẫn doanh nghiệp Hồ Quang Trí chắc chắn là hành vi sử dụng bất hợp pháp quyền sở hữu trí tuệ và các quy định của biểu trưng giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới”.

Luật pháp quy định thế nào ? Cụ thể tại K15- Đ11 Nghị Định 99/2013 quy định về xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp.

“...15. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại trên biển hiệu, giấy tờ giao dịch kinh doanh, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, bao bì hàng hóa...”

Năm 2019, tại Hội nghị gạo thế giới TRT thường niên lần thứ 11 tại Philippines, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đã giành được giải thưởng này với loại gạo ST25. Việt Nam cũng đứng ở vị trí thứ hai tại cuộc thi tổ chức năm 2020.

Sau khi ST25 giành giải thưởng gạo ngon nhất thế giới năm 2019, trong nước rầm rộ bán loại gạo này với khá nhiều nhãn mác dù "cha đẻ" của giống lúa này là Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua khẳng định chưa có hàng bán ra thị trường.

Gần 2 năm qua, nhiều đơn vị in nhãn hiệu và logo "World's Best Rice" lên bao bì gạo để bán trong nước cũng như xuất khẩu.

Bởi vậy việc xâm phạm đến nhãn hiệu nổi tiếng như này thì các chủ doanh nghiệp khác chắc chắn phải trả giá “đắt”.

Bài học nhãn tiền được rút ra

Nên chủ động bảo vệ thương hiệu, khi bảo vệ thương hiệu của mình, các doanh nghiệp phải xác định thị trường mục tiêu và tiến hành đăng ký( Sở hữu trí tuệ-PV) trước, rồi sau hãy làm Marketing quảng cáo.

Tại Mỹ mỗi tên thương hiệu chi phí rơi vào khoảng 1.000USD, chi phí không phải chỉ đặt mỗi tên không Ví dụ như chỉ một sản phẩm gạo, nhưng phải đăng ký nhiều tên thương hiệu, có khi lên đến hàng chục thương hiệu, rất tốn kém.Bởi vậy điều quan trọng trong bảo hộ thương hiệu của doanh nghiệp là phải xác định được mục tiêu từng thị trường để có chiến lược bảo hộ hiệu quả, hợp lý, không bị chi phí quá lớn.

“Nếu ta đặt một thương hiệu bảo hộ ở một nước, thì không thể cấm các nước khác sử dụng nếu chưa được bảo hộ ở nước đó. Trách nhiệm bảo hộ thương hiệu thuộc về các doanh nghiệp thương mại, không thuộc Bộ Công Thương hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn”, ông Nguyễn Đình Tùng lưu ý.

Đối với gạo ST25 việc bị xâm phạm  nhãn hiệu đã gây ảnh hưởng không hề nhỏ, khắc phục điều này chủ sở hữu Việt Nam có thể khiếu nại đến tổ chức Đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ(UPSTO) để đề nghị hủy bỏ các đơn đăng ký trên và tiến hành đăng ký chính chủ. Một lần nữa chứng minh về việc sử dụng độc quyền nhãn hiệu cũng như sự nổi tiếng của sản phẩm này và tiếp tục vững bước để tham dự cuộc thi “Gạo ngon nhất trên thế giới”.

HỒNG VUI

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.