Từ cuộc chiến giữa Microsoft và Meta để kiểm soát vũ trụ ảo Metaverse, các thương hiệu cần lưu ý gì khi cạnh tranh cùng sản phẩm, dịch vụ?

Ky Anh

(PLBQ). Việc các thương hiệu khác nhau có cùng những sản phẩm, dịch vụ là điều khó tránh khỏi, vậy các thương hiệu cần lưu ý gì khi sự cạnh tranh này xảy ra từ sự kiện nổi bật gần đây trong cuộc chiến giữa Microsoft và Meta (Facebook) để kiểm soát vũ trụ ảo Metaverse?

>> Facebook đổi tên, bước đi để xoay chuyển tình thế thương hiệu

>> Facebook đổi tên nhãn hiệu – Liệu có rủi ro?

Metaverse (tạm dịch là vũ trụ ảo) là một thuật ngữ với nghĩa khá rộng, Metaverse thường đề cập đến môi trường thế giới ảo mà mọi người có thể truy cập qua internet. Hay nói một cách đơn giản, Metaverse là một tầm nhìn mới, nơi có thể tương tác với con người và bot để chơi trò chơi, kinh doanh, giao lưu hoặc mua sắm.

Cuộc chiến giữa Microsoft và Meta để kiểm soát vũ trụ ảo Metaverse…

Đầu tháng 11/2021, Microsoft đã đưa ra kế hoạch giới thiệu với 250 triệu người dùng ứng dụng Teams của mình, tham gia vào vũ trụ ảo đa dạng hơn được gọi là Metaverse. Động thái này của Microsoft chỉ diễn ra vài ngày sau khi công ty Facebook đổi tên thành Meta để khẳng định sự tập trung của công ty vào thế giới ảo.

Theo đó, tính năng mới trên ứng dụng Teams mà Microsoft giới thiệu ngày 2/11/2021 khá giống với sản phẩm tương lai của Facebook về các cuộc họp văn phòng được thực hiện trong thực tế ảo.

Về điểm giống nhau, cả hai công ty đều cho biết người dùng sẽ có thể tạo hình đại diện hoặc phim hoạt hình của chính họ và hình ảnh này có thể di chuyển tự do giữa các thế giới ảo khác nhau.

Về sự khác biệt, đối với Microsoft, bước đầu tiên, Microsoft cho biết trong nửa đầu năm 2022, người dùng Teams sẽ có thể bắt đầu xuất hiện dưới dạng ảnh đại diện trong các cuộc họp trực tuyến mà họ đã tham dự. Ông Jared Spataro, người đứng đầu ứng dụng

Teams, dự đoán rằng: "Việc có một ô vuông trong cuộc trò chuyện video nhóm sẽ khiến bạn không cảm thấy lạc lõng".

Ứng dụng Microsoft Teams (Ảnh: Báo Thanh Niên)

Trong khi đó, ngược lại với Microsoft, Facebook đã hướng thẳng vào thực tế ảo. Với bản beta mở của Horizon Workroom, một ứng dụng miễn phí được thiết kế để nhân viên làm việc cùng nhau trong văn phòng ảo thông qua tai nghe Oculus. Người dùng có thể nghe thấy mọi âm thanh từ những người khác trong phòng.

Công ty Facebook đổi tên thành Meta để khẳng định sự tập trung của công ty vào thế giới ảo (Ảnh: VietnamFinance)

Đối với sự kiện này, các chuyên gia trong lĩnh vực đáng giá rằng hiện nay, có 250 triệu người sử dụng Microsoft Teams ít nhất một lần mỗi tháng so với 7 triệu người dùng trả tiền mà Facebook dành cho phần mềm liên lạc tại nơi làm việc và chính số lượng người dùng ứng dụng Teams quá lớn khiến Microsoft trở thành nơi dễ chiếm lĩnh thị trường hơn. Cùng với đó, theo các chuyên gia  chính nhân viên văn phòng sẽ quyết định ai sẽ "nhập vai" vào vũ trụ ảo tốt hơn.

Ngược lại với các chuyên gia thì ông Peter Barrett, một nhà đầu tư mạo hiểm và những người khác cảnh báo sau đại dịch Covid-19 có những ý kiến ủng hộ cho Facebook: "Mọi người đều đã trải qua sự mệt mỏi khi tương tác với ai đó qua Zoom. Chúng tôi muốn ở bên những con người cụ thể ".

Các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ

Năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố thuộc môi trường vĩ mô, các nhân tố thuộc nội bộ ngành cũng như các yếu tố trong bản thân nội tại doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ.

Thứ nhất, các yếu tố thuộc môi trường vĩ mô:

Các yếu tố kinh tế: Các yếu tố kinh tế thuộc môi trường vĩ mô như: tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, lãi suất ngân hàng, tỷ giá hối đoái….có ảnh hưởng rất lớn đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ.

Các yếu tố chính trị, pháp luật: Yếu tố chính trị, pháp luật được thể hiện ở mức độ ổn định chính trị của quốc gia, cơ sở hành lang pháp lý… Các sản phẩm, dịch vụ muốn được đưa ra tiêu thụ trên thị trường phải tuân theo các quy định của Chính phủ về chất lượng, mẫu mã… Những quy định này có thể là cơ hội hoặc mối đe dọa với các sản phẩm, dịch vụ.

Các yếu tố về văn hóa xã hội: Tất cả các doanh nghiệp đều phải phân tích các yếu tố xã hội để nhận biết các cơ hội và nguy cơ có thể xảy ra đối với sản phẩm, dịch vụ của mình. Khi một hay nhiều yếu tố thay đổi chúng có thể tác động đến các sản phẩm, dịch vụ như trình độ dân trí, tập quán thị hiếu của người tiêu dùng, truyền thống văn hóa dân tộc… Đây là yếu tố không những có tác động đáng kể tới sự lựa chọn và tiêu dùng hàng hóa của người tiêu dùng mà còn tác động lớn đến các quyết định của doanh nghiệp khi lựa chọn biểu tượng logo, mẫu mã, kiểu dáng cho sản phẩm, dịch vụ.

Yếu tố về môi trường kinh doanh quốc tế: Mỗi doanh nghiệp là một bộ phận của nền kinh tế quốc dân, mỗi nền kinh tế lại là một bộ phận cấu thành nền kinh tế thế giới. Những thay đổi về môi trường quốc tế có thể xuất hiện cả những cơ hội cũng như nguy cơ về việc mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ trong nước và ngoài nước. 

Thứ hai, các yếu tố nội bộ ngành:

Áp lực từ phía khách hàng.

Áp lực từ nhà cung cấp.

Áp lực từ sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh: Sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh là những sản phẩm, dịch vụ cùng loại, có cùng tính năng tác dụng của các đối thủ cạnh tranh và cùng được tiêu thụ trên một thị trường. Nếu trên thị trường có càng nhiều sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh và các sản phẩm, dịch vụ có sức cạnh tranh thực sự thì càng gây sức ép cho sản phẩm của doanh nghiệp. Sản phẩm, dịch vụ có thể cạnh tranh bằng giá hoặc bằng các yếu tố như chất lượng, mẫu mã, thương hiệu… Mà hiện nay khi đời sống ngày càng được nâng cao thì sự cạnh tranh bằng các yếu tố chất lượng, mẫu mã, thương hiệu càng mạnh mẽ hơn so với cạnh tranh bằng giá. Vì vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ thì các doanh nghiệp phải thường xuyên đầu tư đổi mới công nghệ.

Áp lực từ đối thủ tiềm ẩn: Đối thủ tiềm ẩn là các doanh nghiệp hiện không ở trong ngành nhưng sản xuất, kinh doanh cùng một loại sản phẩm, dịch vụ và có khả năng tham gia hoạt động kinh doanh trong ngành đó.

Áp lực từ các doanh nghiệp trong nội bộ ngành.

Thứ ba, các yếu tố thuộc nội bộ doanh nghiệp như nguồn nhân lực, quy mô sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính…cũng ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ.

Từ cuộc chiến giữa Microsoft và Meta, các thương hiệu cần lưu ý gì khi cạnh tranh cùng sản phẩm, dịch vụ?

Trong kinh doanh việc giữa các thương hiệu quy mô lớn hay nhỏ, ở bất kỳ lĩnh vực nào có sự cạnh tranh về sản phẩm, dịch vụ là điều không thể tránh khỏi. Có thể nói, sự cạnh tranh là một yếu tố tích cực tạo nên sự chọn lọc cho thị trường, các thương hiệu “đủ tốt” mới có thể ở lại và tiếp tục để từ đó thúc đẩy các thương hiệu luôn cần nỗ lực, phát triển, thúc đẩy sự phát triển của thị trường, của nền kinh tế nói chung.

Qua sự kiện Microsoft và Meta (Facebook) – hai ông lớn lĩnh vực công nghệ trong cuộc chiến để kiểm soát vũ trụ ảo Metaverse, nổi bật lên một số điểm mà các thương hiệu cần lưu ý khi xây dựng những sản phẩm, dịch vụ trong cùng lĩnh vực, có cùng chức năng với thương hiệu khác:

Thứ nhất, cần xây dựng được điểm riêng nổi bật cho sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu mình; xây dựng được sản phẩm, dịch vụ cốt lõi, thế mạnh để tạo nên sự khác biệt, khiến khách hàng ngay lập tức nghĩ đến thương hiệu khi thấy sản phẩm, dịch vụ.

Đây có thể nói là yếu tố rất khó nhưng đặc biệt quan trọng, quyết định rất lớn đến khả năng thành công của sản phẩm, dịch vụ khi cạnh tranh cùng sản phẩm, dịch vụ khác trong cùng lĩnh vực. Bởi chính những điểm riêng đặc biệt mà các thương hiệu khác không có sẽ giúp sản phẩm, dịch vụ trở nên thu hút nhiều khách hàng hơn hoặc thu hút những nhóm đối tượng nhất định, xây dựng cho mình tệp khách hàng riêng làm giảm đi sự cạnh tranh cho chính thương hiệu mình.

Trong sự kiện kể trên, mặc dù Microsoft và Meta đều đang hướng đến vũ trụ ảo Metaverse, nhưng hai ông lớn đều có những chiến lược riêng nhất định để tạo nên sự khác biệt cho sản phẩm của thương hiệu mình khi Microsoft tập trung việc người dùng sẽ  xuất hiện dưới dạng ảnh đại diện trong các cuộc họp trực tuyến mà họ đã tham dự thì Facebook thiết kế để thiết kế để nhân viên làm việc cùng nhau trong văn phòng ảo thông qua tai nghe Oculus.

Hay một ví dụ khác đối với các thương hiệu gà rán như KFC, Lotteria, Popeyes…tất cả đều là những cửa hàng gà rán có tiếng nhưng để không nhạt nhòa giữa một rừng các thương hiệu thì các thương hiệu này đều có những sản phẩm thế mạnh của riêng mình như sốt Pho mai, gà H&S, gà nướng góc phần tư, gà nướng, gà sốt đậu của Lotteria; Gà giòn cay, hot wings, gà giòn không cay, gà bơ tỏi Hàn Quốc, bánh tart trứng của KFC… với hương vị đặc trưng riêng thu hút khách hàng, tạo nên tệp khách hàng riêng cho thương hiệu mình.

Thứ hai, cần nhận định, đánh giá về thế mạnh của thương hiệu đối với sản phẩm, dịch vụ xây dựng cũng như thị phần của thương hiệu trong lĩnh vực để quyết định việc xây dựng, phát triển sản phẩm, dịch vụ thương hiệu để tránh được tối đa các thiệt hại không đáng có.

Trong sự kiện của Microsoft và Meta (Facebook), mặc dù chưa thế đánh giá “người thắng, kẻ thua” nhưng có thể nhận thấy rằng việc có 250 triệu người sử dụng Microsoft Teams ít nhất một lần mỗi tháng so với 7 triệu người dùng trả tiền mà Facebook dành cho phần mềm liên lạc tại nơi làm việc cũng như việc mọi người biết đến Facebook nhiều hơn trong lĩnh vực mạng xã hội phục vụ nhu cầu giải trí còn Microsoft với phần mềm Teams cho các cuộc họp, học tập trực tuyến thì dường như Microsoft sẽ dễ dàng có được thế thượng phong hơn trong cuộc chiến này.

Thứ ba, việc xây dựng các sản phẩm, dịch vụ khi cạnh tranh với các sản phẩm, dịch vụ giống khác cần đặc biệt chú ý đến xu hướng của thị trường, tập trung nắm bắt, thấu hiểu nhu cầu của khách hàng vì chính khách hàng là yếu tố quan trọng góp phần quyết định sự thành bại của thương hiệu.

Trong sự kiện của Microsoft và Meta, có thể nhận thấy cả hai thương hiệu đều rất nhanh nhạy trong việc nắm bắt xu thế của thị trường khi phổ biến xu thế đối với các công ty công nghệ đang xây dựng các Metaverses mới, việc đưa công nghệ vào văn phòng có một lợi ích khác đó là mọi người có thể sử dụng trong đời sống làm việc rộng lớn hơn của họ.

Hay sản phẩm của Meta (Facebook) cũng được đánh giá cao vì nắm bắt xu thế hiện tại khi thiết kế để nhân viên làm việc cùng nhau trong văn phòng ảo thông qua tai nghe bởi sau đại dịch Covid-19 thì mọi người đều đã trải qua sự mệt mỏi khi tương tác với ai đó qua Zoom, muốn ở bên những con người cụ thể.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định rằng cũng chính người dùng mới quyết định ai nhập vai vũ trụ ảo tốt hơn.

Lưu ý: Bài viết dựa trên thông tin thực tiễn và quan điểm khoa học, thực tiễn, không nhằm quảng bá cho bất kỳ, cá nhân tổ chức nào.

Nhật Vy

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.