Từ vụ Bia Sài Gòn: Nhìn lại những vụ tranh chấp nhãn hiệu đình đám nhất thế giới

Kỹ thuật Web

Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự "Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp" đối với bia SaiGon VietNam. Đây là một trong những vụ tranh chấp lĩnh vực sở hữu trí tuệ lớn tại Việt Nam.

Khởi tố vụ án “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” đối với Bia Saigon Vietnam

Thông tin điều tra ban đầu cho biết, Công ty cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam (trụ sở TPHCM) hợp tác với cơ sở sản xuất bia Biva để sản xuất bia mang nhãn hiệu Bia Sài Gòn Việt Nam có kiểu dáng, nhãn hiệu sản phẩm có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa đối với nhãn hiệu Bia Sài Gòn đã được bảo hộ, thuộc sở hữu của Tổng công ty cổ phần bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Hành vi trên được xác định "có dấu hiệu tội phạm xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quy định tại khoản 2, điều 226 Bộ luật Hình sự; căn cứ điều 36, điều 143, khoản 1, điều 153, điều 154 Bộ luật TTHS".

Trước đó, trên thế giới đã có nhiều vụ tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp với nhãn hiệu. Tùy mức độ nghiêm trọng và thiện ý giữa các bên mà mỗi vụ tranh chấp lại có những cách giải quyết khác nhau.

Cuộc chiến giữa Gucci và Forever 21

Gucci đã gửi bức đơn đầu tiên vào đầu tháng 12/2016 để yêu cầu thương hiệu thời trang nhanh Forever 21 (F21) ngưng bán toàn bộ sản phẩm có họa tiết “sọc xanh dương – đỏ” đặc trưng của Gucci mà F21 đang sử dụng trên những sản phẩm bày bán.

Bức đơn thứ hai và thứ ba tiếp tục được gửi vào tháng 1 và tháng 2/2017, không chỉ cảnh cáo và buộc F21 bỏ chi tiết đường “sọc xanh dương – đỏ” ra khỏi những thiết kế mà cả những đường “xanh lá cây – đỏ”.

Gucci nói rằng những họa tiết trên những thiết kế của F21 “giống một cách không thể phân biệt được” với những họa tiết danh tiếng của Gucci.

Trong khi đó, Forever 21 đã đệ đơn lên toà án cấp Quận của California để tìm kiếm sự bảo hộ chống lại đơn kiện của Gucci.

Trong đơn của Forever 21 nói rằng “Gucci không có quyền tự nhận riêng những họa tiết monopoly xanh dương-đỏ và xanh lá-đỏ trên quần áo và phụ kiện là của riêng mình… Bất cứ họa tiết sọc hoặc màu sắc nào được sử dụng trên các sản phẩm của Forever 21 đều chỉ mang tính trang trí và thẩm mỹ”.

Adidas và Forever 21

Adidas AG là một tập đoàn đa quốc gia, được thành lập và có trụ sở chính tại Herzogenaurach, Đức, chuyên thiết kế và sản xuất giày, quần áo và phụ kiện. Forever 21 lại là một nhà bán lẻ thời trang nhanh của Mỹ có trụ sở chính tại Los Angeles, California.

Năm 2017, Adidas đã đệ đơn kiện Forever 21 vì nhà bán lẻ này phát triển và phân phối các sản phẩm được cho là vi phạm biểu tượng ba kẻ sọc lâu đời của Adidas. Vụ việc này đã thu hút một lượng lớn sự quan tâm của giới truyền thông.

Thiết kế ba kẻ sọc đã trở thành dấu hiệu nhận biết cho hầu hết các sản phẩm của Adidas trong nhiều năm nay. Vào thời điểm vi phạm, Adidas tuyên bố họ đã đầu tư hàng triệu đô la cho việc bảo vệ và phát triển biểu tượng nổi tiếng của mình.

Vào tháng 12/2017, theo một nguồn tin cho biết, Adidas đã chấp nhận một lời đề nghị từ phía Forever 21, dù vậy chi tiết về thỏa thuận này vẫn được giữ kín.

Nhãn hiệu Bia “BUDWEISER” - Vụ tranh chấp thế kỷ

Vụ tranh chấp quyền đối với nhãn hiệu “Budweiser” bao gồm một loạt các vụ kiện về pháp lý kéo dài và vẫn còn tiếp diễn giữa hai công ty – một của Hoa Kỳ và một của Cộng hòa Séc (trước đây là Cộng hòa XHCN Tiệp Khắc).

Quá trình kiện tụng bắt đầu từ năm 1907 kéo dài đến tận ngày nay, bao gồm hơn 100 vụ kiện tại các tòa án và cơ quan thẩm quyền trên khắp thế giới.

Có hai hãng bia cùng tuyên bố quyền với tên gọi “Budweiser” cho đến nay, bao gồm:

Anheuser – Busch InBev (viết tắt là AB InBev-tên mới của AB sau khi sáp nhập với Cty Đồ uống Quốc tế InBev). AB InBev sử dụng NH “Budweiser” tại Hoa Kỳ và Canada.

Trong quá khứ, những năm 1890 công ty này đã thắng nhiều vụ kiện để kiểm soát NH trên toàn bộ lãnh thổ Hoa Kỳ. Công suất tiêu thụ bia của AB InBev trong 2014 là 40 tỷ lít và có tới 150.000 nhân viên trên toàn cầu.

Budweiser Budvar Brewery (tiếng Tiệp là Budějovický Budvar, narodní podnik) là hãng bia quốc doanh, được thành lập năm 1895 do những công dân nói tiếng Tiệp của thành phố Budweis lập nên. Công suất tiêu thụ bia của công ty này là 140 triệu lít năm 2014 và có tất cả 600 nhân viên.

Một điều cần lưu ý là, trước rất lâu khi hai công ty trên được thành lập, năm 1795 một công ty là Budweiser Bier Bürgerbräu (Tiếng Tiệp: Buĕjovický mĕštanský piovar) được các công dân nói tiếng Đức ở Budweis lập nên.

Công ty này bắt đầu xuất khẩu bia với NH “Budweiser Bier” sang Hoa Kỳ từ 1875. Công ty này bị chính phủ CHXHCN Tiệp Khắc quốc hữu hóa năm 1945 và bỏ việc dùng tên “Budweiser” từ đó.

Tuy nhiên, sau khi chủ nghĩa xã hội bị sụp đổ, tại Tiệp Khắc chính phủ mới đã trao lại quyền đối với nhãn hiệu trên lãnh thổ Tiệp Khắc cho công ty này sở hữu theo chính sách về tư nhân hóa nền kinh tế.

Công ty này thuộc công ty mẹ là Samson. Một điều rất đáng lưu ý là năm 2014 công ty Samson đã bị AB mua lại, điều này góp một phần quan trọng trong việc Samson ủng hộ AB InBev trong cuộc chiến giành NH “Budweiser”.

Hải Hà

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.