Vấn đề về bảo hộ thương hiệu khi kinh doanh trên nền tảng sàn thương mại điện tử

Ky Anh

(PLBQ). Tiềm năng phát triển cao của mua bán hàng online thông qua các sàn thương mại điện tử (Shop mall) tỷ lệ thuận rủi ro cho các nhãn hiệu, đơn vị kinh doanh mới hình thành.

>> Vấn nạn vi phạm bản quyền hình ảnh trong kinh doanh Online

>> ST25 VÀ CÂU CHUYỆN XÂY DỰNG, BẢO HỘ THƯƠNG HIỆU

>> Doanh nghiệp Việt cần lưu ý gì khi tiếp nhận nhượng quyền thương mại từ các doanh nghiệp quốc tế lớn

Trước tiên, chúng ta cùng tìm hiểu sơ bộ nhãn hiệu và qui trình xét cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu – căn cứ để chủ sở hữu Shop mall chấp nhận đơn vị kinh doanh mới.

Bảo hộ nhãn hiệu và văn bằng bảo hộ nhãn hiệu là gì?

Nhãn hiệu là một đối tượng thuộc quyền sở hữu công nghiệp. Theo quy định tại điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ thì:

“16. Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.

...

25. Văn bằng bảo hộ là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân nhằm xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu”.

Như vậy, có thể hiểu bảo hộ nhãn hiệu là thủ tục hành chính nhằm xác lập quyền sở hữu trí tuệ của người nộp đơn thông qua việc được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu đó.

Quy trình bảo hộ nhãn hiệu tại cơ quan có thẩm quyền

Trước khi nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, người nộp đơn có thể tra cứu trên dữ liệu của Cục Sở hữu trí tuệ và Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới để đánh giá khả năng cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu của mình. Sau khi tra cứu và đảm bảo nhãn hiệu có khả năng cấp Văn bằng bảo hộ, chủ sở hữu có thể tiến hành các bước như sau:

Bước 1: Nộp đơn đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ

Chủ sở hữu nhãn hiệu có thể nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc văn phòng đại diện của Cục Sở hữu trí tuệ tại Đà Nẵng và Hồ Chí Minh.

Sau khi nộp đơn đăng ký, Cục sẽ cấp số nhận đơn và ghi nhận ngày nộp đơn của nhãn hiệu để làm cơ sở pháp lý quan trọng xác định đơn hợp lệ và ngày ưu tiên của đơn đăng ký nhãn hiệu.

Bước 2: Thẩm định hình thức đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu

Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định đơn và ra thông báo kết quả xét nghiệm đơn hợp lệ hình thức trong thời gian từ 01 đến 02 tháng. Nếu hình thức đơn hợp lệ, Cục sẽ ra thông báo xét nghiệm hình thức của đơn. Xét nghiệm hình thức chưa là cơ sở xác định nhãn hiệu được cấp văn bằng bảo hộ.

Bước 3: Cục Sở hữu trí tuệ công bố đơn đăng ký bảo hộ trên Công báo của Cục.

Trong vòng 02 tháng kể từ ngày có thông báo kết quả xét nghiệm đơn hợp lệ hình thức Cục Sở hữu trí tuệ phải thực hiện thủ tục công bố đơn đăng ký nhãn hiệu hiệu trên Công báo của Cục.

Bước 4: Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định nội dung đơn bảo hộ nhãn hiệu

Cục Sở hữu trí tuệ sẽ đánh giá khả năng được bảo hộ của nhãn hiệu theo các điều kiện bảo hộ, xác định phạm vi bảo hộ tương ứng trong thời gian từ 9 đến 12 tháng.

Trong quá trình thẩm định nội dung đơn, nếu người nộp đơn tiến hành sửa chữa đơn, bổ sung tài liệu hoặc giải trình thì thời hạn thẩm định nội dung được kéo dài thêm tương ứng với thời hạn dành cho người nộp đơn thực hiện các công việc đó.

Bước 5: Thông báo kết quả xét nghiệm nội dung cấp hoặc không cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu

Trường hợp văn bằng bảo hộ được cấp, chủ đơn thực hiện đóng phí cấp văn bằng trong thời hạn khoảng 02 tháng sẽ được nhận văn bằng bảo hộ nhãn hiệu.

Trường hợp đơn bị từ chối cấp bằng, chủ đơn xem xét nếu chưa thấy thỏa đáng làm thủ tục phúc đáp với Cục Sở hữu trí tuệ để trao đổi khả năng cấp bằng của mình.

Thực tế chính sách đăng ký kinh doanh trên các trang Shop mall

Hiện nay, các trang thương mại điện tử đều có quy định khác nhau liên quan đến điều kiện kinh doanh shop mall trên nền tảng của mình, nổi bật nhất có thể kể đến Shopee, Lazada và Sendo.

Với nền tảng Shopee, các chủ shop hoàn toàn có thể tự xây dựng nhãn hiệu Shopee mall của mình chỉ qua việc cung cấp các giấy tờ đơn giản sau đây:

Điều kiện tạo Shopee Mall (Nguồn: Trang Chính sách người bán của Shopee)

Như vậy, Shopee chỉ yêu cầu cung cấp Giấy đăng ký nhãn hiệu hoặc giấy xác nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ của Cục Sở hữu trí tuệ, hay nói cách khác chỉ cần chủ đơn hoàn thành và được công nhận từ bước thẩm định hình thức đơn, thì đã đủ để kinh doanh Mall.

Với nền tảng khác như Sendo, quy định chứng từ cũng rất đơn giản, cụ thể như sau:

Điều kiện tạo Sen Mall (Nguồn: Trang Chính sách người bán của Sendo)

Sendo còn tạo điều kiện hơn cho người bán khi chỉ yêu cầu có chứng nhận bằng tờ khai đăng ký nhãn hiệu, việc này là bước rất đơn giản mà hoàn toàn có thể thực hiện được trong thời gian ngắn.

Lazada hay Lazmall thì chặt chẽ hơn khi yêu cầu Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu mới đủ điều kiện kinh doanh, cụ thể:

Điều kiện tạo Lazmall (Nguồn: Trang Chính sách người bán của Lazada)

Qua ba dẫn chứng trên, có thể thấy nhu cầu kinh doanh hình thức shopping mall rất lớn, đồng nghĩa với nó là sự cởi mở của các nền tảng nhằm tạo điều kiện hết mức có thể cho người bán nắm bắt cơ hội kinh doanh. Tuy nhiên, chính việc đơn giản hóa tối đa đã mang lại nhiều rủi ro cho chính nhãn hiệu của chủ sở hữu.

Tác động của bảo hộ nhãn hiệu khi đăng ký kinh doanh trên các trang Shopping mall.

Điểm lợi ích rõ nhất của việc yêu cầu giấy tờ làm chứng nhận nhãn hiệu đơn giảm là cách để tạo cơ hội nhanh nhất cho người bán hàng, đồng thời cũng tạo sức hút cho chính các nền tảng shopping mall. Với người bán thì đây đương nhiên có tác động tốt khi thời gian gia nhập thị trường ngay và đúng với xu hướng. Chỉ cần đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu được chấp nhận về hình thức thì sẽ không tốn quá nhiều thời gian, vừa thúc đẩy các nhãn hàng bảo hộ sở hữu trí tuệ mình vừa không làm vụt mất cơ hội kinh doanh.

Nhưng nếu nhìn ở một góc độ pháp lý khác thì chính sách tưởng chừng đúng đắn này lại không mang lại độ an toàn tuyệt đối. Thời gian xây dựng một chỗ đứng cho sản phẩm là không ngắn mà bước đầu tiên chính là bảo hộ nhãn hiệu. Trong thời gian được chấp thuận đơn bảo hộ về mặt hình thức, chủ đơn chỉ tốn tối đa hai tháng và quá trình xây dựng thị trường shopping mall cũng bắt đầu. Vậy nếu như Cục Sở hữu trí tuệ từ chối bảo hộ nhãn hiệu sau thời gian thẩm định thì sao? Hay nói cách khác, tạo dựng chỗ đứng tại trang shopping mall sau hơn một năm nhưng lại không được bảo hộ nhãn hiệu thì sẽ như thế nào?

Ví dụ như Cocoon, một nhãn hiệu mỹ phẩm thuần 100% từ tự nhiên, có nhiều chiến dịch quảng bá và đầu tư, khuyến mại lớn trên hầu hết các trang thương mại điện tử. Tuy nhiên đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu vẫn đang chờ kết quả sau khi được chấp thuận đơn từ tháng 4/2020.

Cocoon mới được chấp thuận đơn đăng ký bảo hộ tháng 4/2020

Hay YODY, một hãng thời trang với rất nhiều cửa hàng và hệ thống trải dài trên cả nước. Ngược lại với xu hướng phát triển mạnh mẽ thì hoạt động bảo hộ nhãn hiệu này lại khá chậm. Họ tham gia trên nền tảng shopping mall với nhiều chương trình quảng cáo với độ đầu tư lớn, nhưng nhãn hiệu này lại chỉ mới được chấp thuận đơn bảo hộ vào tháng 4/2021. Tức là phải đến ít nhất là tháng 2/2022 mới có kết quả chính thức nhãn hiệu có được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ không.

YODY chưa được cấp Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu (Nguồn: Yody.vn)

Đây chỉ là những ví dụ tiêu biểu, thực tế cho thấy còn rất nhiều nhãn hiệu, cả lớn cả bé, đều chưa có giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu trước khi tham gia vào thị trường shopping mall. Nếu những đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu này không được thông qua thì việc bỏ ra chi phí lớn để đầu tư, quảng bá và phát triển của chủ sở hữu sẽ gặp rủi ro lớn và thậm chí là mất trắng. Họ hoàn toàn có thể mất đi chính chỗ đứng của mình nếu không thể đảm bảo sự hợp pháp về mặt pháp lý để tiếp tục kinh doanh trên các nền tảng shopping mall. Đồng nghĩa với đó chính là mất đi nguồn khách hàng, thị trường sẵn có, công sức xây dựng nhãn hiệu và tiềm năng phát triển lũy tiến.

Đó chưa kể, nhãn hàng hoá mà họ sử dụng xâm phạm nhãn hiệu khác đã được bảo hộ thì rủi ro bị kiện, bồi thường thiệt hại hay tiêu huỷ hàng hoá có khả năng xảy ra rất cao. Ví dụ như trường hợp xảy ra với nhãn hiệu Hảo hảo - Hảo Hạng… 

Kinh nghiệm rút ra

Nhận thức được tầm quan trọng của bảo hộ nhãn hiệu

Không ít người chỉ thực hiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chỉ để đáp ứng điều kiện được thông qua để xây dựng Shop Mall mà không quan trọng việc này có kết quả hay không. Với những chủ nhãn hiệu chỉ cần nhanh chóng kinh doanh mà không quan tâm về tình hình tương lai phát triển thì điều này là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, những nhãn hàng đã bỏ nguồn chi phí lớn để đầu tư, xây dựng nhãn hiệu thì điều này sẽ là lỗ hổng làm lung lay chỗ đứng. Do đó, bảo hộ nhãn hiệu là biện pháp phòng ngừa đầu tiên trước các rủi ro.

Có những tư vấn pháp lý chính xác để bảo hộ nhãn hiệu

Các chủ nhãn hiệu còn rất chủ quan khi tiến hành đăng kí bảo hộ nhãn hiệu. Những hồ sơ đăng ký bảo hộ thường không có sự tư vấn chuyên môn pháp lý thì thời gian và sự chính xác của nó càng giảm đi. Đồng nghĩa với tương lai của nhãn hiệu không được chắc chắn. Có sự đầu tư và đảm bảo về pháp lý là con đường duy nhất để bảo hộ nhãn hiệu cũng như nguồn sống của chính doanh nghiệp.

Đảm bảo về mặt pháp lý chính là nền tảng cho sự phát triển của cả doanh nghiệp, các nhãn hàng thuộc thị trường shop mall cũng không nằm ngoài xu hướng này. Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đúng đắn, chính xác sẽ giúp các nhãn hiệu vừa nắm bắt được cơ hội kinh doanh, vừa được pháp luật bảo vệ ở mức cao nhất.

Lưu ý: Bài viết dựa trên quan điểm khoa học và thực tiễn, không nhằm quảng bá cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.

Ngọc Hà

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.