Vấn nạn vi phạm bản quyền hình ảnh trong kinh doanh Online

(PLBQ). Thời đại 4.0 lên ngôi, bên cạnh kinh doanh trực tiếp có cửa hàng, địa điểm bán hàng thì việc kinh doanh, bán hàng online diễn ra sôi nổi và trở thành xu thế mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây. Kinh doanh, bán hàng online thực sự là một sự lựa chọn tối ưu đối với người kinh doanh và khả năng phát triển mạnh mẽ nhưng đi đôi cùng với đó cũng là sự phát triển một cách đáng lo ngại của vấn nạn vi phạm bản quyền hình ảnh.

Dưới đây pháp luật và bản quyền sẽ phân tích đưa ra nhận định về hành vi này.

Thực trạng bán hàng online hiện nay

Hiện nay kinh doanh bán hàng online diễn ra sôi nổi và đầy tính cạnh tranh. Đối với việc kinh doanh này không chỉ về sản phẩm chất lượng tốt, dịch vụ chất lượng mà còn về mặt quảng cáo marketing hay cụ thể hơn đó là phần hình ảnh đến khách hàng.

Chúng ta không còn thấy lạ khi thấy những buổi setup kĩ càng, đầu tư máy móc và thiết bị chuyên nghiệp, một shop đồ về thời trang, phụ kiện, quần áo, thường xuyên có những buổi quay, chụp hình để mang đến những hình ảnh, video chân thực và hữu dụng về sản phẩm, gửi tới khách hàng.

Họ có thể mời người mẫu hay người nổi tiếng để gây sự chú ý vì đây là sự tác động trực tiếp thị hiếu tới người tiêu dùng.

Về quảng cáo, pháp luật Việt Nam có Luật quảng cáo 2012 quy định cụ thể về hoạt động này; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo; quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo. Theo đó, khoản 1 Điều 2 Luật quảng cáo có định nghĩa: “quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu (trừ tin thời sự); chính sách xã hội; thông tin cá nhân”.

Vấn nạn “lấy cắp” hình ảnh của sản phẩm

Thực tế rõ ràng là người kinh doanh online hay kết hợp giữa bán offline và online có một lợi thế là sử dụng hình ảnh, tăng khả năng tiếp cận đến người tiêu dùng được rộng rãi và hiệu quả hơn. Cùng với đó nhờ công nghệ thông tin ngày càng phát triển, khó tránh khỏi việc sao chép sử dụng hình ảnh thông tin của người khác làm của mình, vừa không tốn kém chi phí chụp mà còn có hình ảnh chất lượng đặc biệt với những shoot hình của người nổi tiếng, người mẫu đẹp.

Để có một hình ảnh về cửa hàng và sản phẩm của mình, nhiều shop đã bỏ ra chi phí rất nhiều cho việc quảng cáo, tốn kém về cả trang thiết bị cũng như việc thuê mẫu chụp, địa điểm chụp ảnh, edit hình ảnh,…. Tất cả đều mất rất nhiều công sức, thời gian, trí tuệ cũng như về tiền bạc thế nhưng khi họ tải lên trang cá nhân hay fanpage bán hàng của họ thì ngay lập tức những hình ảnh của họ sẽ bị sao chép bởi các cá nhân khác và đăng tràn lan lên trang cá nhân của người “lấy cắp”.

Set up một buổi chụp hình (Nguồn: Internet)

Thậm chí những người này còn có tương tác bán hàng nhiều hơn so với chủ nhân có hình ảnh gốc thật sự, mà không hề tốn kém về một mặt nào chỉ cần thao tác copy+paste.

Sau hành vi này này là một sự ảnh hưởng không hề nhỏ. Không chỉ gây mất uy tín của doanh nghiệp cá nhân chủ sở hữu hình ảnh mà quan trọng hơn hết là người tiêu dùng mất niềm tin vào thương hiệu mà mình đã tin tưởng sử dụng. Gây sự nhiễu loạn trên thị trường trà trộn các loại hàng theo đó là rất nhiều vấn nạn đằng sau đặc biệt việc khó khăn trong kiểm soát hàng giả hàng nhái.

Hành vi này có bị xử lí theo pháp luật hiện hành?

Theo luật, trong Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan, quy định nếu lấy 1 hình ảnh vi phạm thì có thể bị xử phạt từ 15 triệu đồng và biện pháp bổ sung là ngừng hành vi vi phạm và gỡ bỏ vi phạm đó.

Điều 18. Hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm

1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.”

Thứ 2 là biện pháp dân sự. Những chủ thể quyền với hình ảnh đó có thể khởi kiện ra tòa và yêu cầu bồi thường về mặt thiệt hại không quá 10 lần mức lương cơ sở. Vì vậy, những người bán hàng online cần quan tâm hơn đến vấn đề bản quyền hình ảnh. Điều này giúp đảm bảo quyền lợi của mình và tránh gặp phải sự cố không mong muốn.

Thay lời kết

Thời đại công nghệ phát triển không ngừng có rất nhiều sự việc hiện hữu xảy ra chúng ta khó thể kiểm soát cũng như quản lý được. Ý thức chấp hành pháp luật của mỗi người là việc quan trọng và cần phải thực hiện nghiêm chỉnh. Thực tế trong bài viết này việc hạn chế và chấm dứt vi phạm bản quyền hình ảnh trong bán hàng online là cần thiết. Cùng hướng tới môi trường kinh doanh online ngày càng phát triển, sự cạnh tranh lành mạnh, quan trọng hơn hết là lợi ích chính của người tiêu dùng cũng như chính bản thân của người kinh doanh.

HỒNG VUI

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.