Quyết định của các bên tranh chấp hiện nay là dừng tái bản Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đây là sự thiệt thòi rất lớn cho công chúng yêu thích lịch sử Việt Nam.
Phát sinh tranh chấp.
Bộ hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gồm các cuốn “Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ”, “Từ nhân dân mà ra”, “Những năm tháng không thể nào quên”, “Chiến đấu trong vòng vây”, “Đường đến Điện Biên Phủ”, “Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử” đã từng được Nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân xuất bản vào những năm 2006, 2011 và 2018.
Tháng 6 năm 2020, gia đình nhà văn Hữu Mai vô tình được biết Nhà Xuất bản Thông tin Truyền thông đã in hai cuốn sách trong bộ hồi ký là “Đường tới Điện Biên Phủ” và “Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử “ nhưng không xin phép gia đình nhà văn.
Sau khi có ý kiến của gia đình nhà văn Hữu Mai. Cuối năm 2020, Nhà Xuất bản Thông tin Truyền thông đã gửi công văn xin lỗi gia đình nhà văn Hữu Mai. Đồng thời gửi công văn tới gia đình Đại tướng đề nghị hủy hợp đồng 5 năm do việc ký kết giữa hai bên không theo đúng các quy định pháp luật.
Bộ hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gồm 6 cuốn sách do nhà văn Hữu Mai chấp bút và 1 cuốn sách khác của Đại tướng - Ảnh: HỮU BÌNH
Câu chuyện lịch sử để lại.
Năm 1964, để kỷ niệm 10 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam giới thiệu nhà văn Hữu Mai thể hiện tập hồi ký cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tập hồi ký được bắt đầu xuất bản từ năm 1964 cho đến năm 2000 thì được hoàn thành.
Nói về nguyên nhân tại sao được chọn để viết hồi ký cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà văn Hữu Mai đã từng kể lại: “Có người hỏi Đại tướng: “Vì sao lại chọn một nhà văn giúp mình viết về chiến tranh trong khi có những người được đào tạo rất cơ bản về quân sự sẵn sàng làm việc này ?” Đó là cơ duyên.”
Trong khi viết hồi ký, nhà văn Hữu Mai đã đề nghị Đại tướng cho phép làm việc theo hình thức trao đổi, khai thác tư liệu, tham chiếu thêm từ nhiều nguồn khác rồi chủ động “thể hiện”. Ông viết đến đâu, trình lên Đại tướng thông qua đến đấy.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất thân là một nhà giáo và rất uyên bác về mặt văn chương, ông là người rất nguyên tắc, đề cương của mỗi cuốn sách được ông chuẩn bị rất kỹ càng. Mỗi khi có cuốn sách hoàn thành bản thảo, ông` thường sửa chữa bản thảo rất kỹ và luôn yêu cầu tất cả những người có liên quan đọc bản thảo, góp ý chỉnh sửa.
Trong các năm 2006, 2011 và 2018, Nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân đã xuất bản Tổng tập hồi ký Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hai lần xuất bản đầu, khi Đại tướng còn sống, việc chia nhuận bút được thể hiện luôn trong hợp đồng với tỉ lệ 50/50 (nhà văn Hữu Mai và Đại Tướng). Lần thứ 3 vào năm 2018, nhuận bút được thanh toán toàn bộ cho gia đình Đại tướng.
Các ý kiến của chuyên gia và các bên tranh chấp.
Ông Trần Chí Đạt - giám đốc, Tổng biên tập NXB Thông Tin Truyền Thông có nói: “Quyển sách đã được xuất bản nhiều lần với cụm từ "Hữu Mai thể hiện" thì có thể là Đại tướng khi ấy đã đọc cho nhà văn thể hiện hoặc nhà văn cũng tham gia vào xây dựng các ý tưởng, nội dung của bộ sách. Thực hư thế nào thì chỉ hai gia đình mới biết.” (theo báo Tuổi Trẻ)
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - Nguyễn Quang Thiều cho rằng trong cuốn sách nhà văn Hữu Mai còn có những phần phải tổng hợp tư liệu và sáng tạo để xây dựng một cuốn sách với văn phong riêng của ông. Do đó, ông Nguyễn Quang Thiều cho rằng bản quyền cuốn sách thuộc về Đại tướng và nhà văn Hữu Mai.
TS Lưu Trần Luân - nguyên ủy viên Hội đồng biên tập Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia - Sự Thật khẳng định tác giả của hồi ký là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. , ông Lưu Trần Luân có nói với kinh nghiệm của người đã đọc rất nhiều thư từ, tác phẩm của Đại tướng, ông khẳng định bộ hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Hữu Mai thể hiện mang đậm dấu ấn Đại tướng từ văn chương, cách kể chuyện đến tư tưởng (theo báo Tuổi Trẻ).
Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản - không bình luận đúng sai, chỉ mong muốn các bên sẽ sớm giải quyết được tranh chấp, đạt được thỏa thuận trên cơ sở thực hiện pháp luật về bản quyền.
Ông Trần Hữu Bình (con trai nhà văn Hữu Mai) có viết. Cha tôi, nhà văn Hữu Mai, đã dành 30 năm để viết (thể hiện) bộ hồi ký cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Theo luật Sở hữu trí tuệ, cha tôi và Đại tướng là đồng tác giả các cuốn hồi ký này. Những năm cha tôi còn sống, nhuận bút vẫn được chia giữa ông và Đại tướng theo tỷ lệ 50/50. Nhưng từ khi ông mất, anh Võ Điện Biên, đại diện gia đình Đại tướng đã không chấp nhận nhà văn Hữu Mai là đồng tác giả. Theo quy định của Luật Sở hữu Trí tuệ, sau 50 năm tính từ ngày cha tôi và Đại tướng đi vào cõi vĩnh hằng, quyền sở hữu tác phẩm sẽ hết hiệu lực và khi đó tác phẩm sẽ thuộc về công chúng.
Ông Võ Điện Biên (Con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đã phát biểu: "Gia đình chúng tôi không trả lời về việc này".
Bà Võ Hạnh Phúc (Con gái Đại tướng Võ Nguyên Giáp) nói: "Nhà tôi không nói chuyện này. Uy tín của gia đình tôi thế nào thì chúng tôi biết, mọi người biết".
Khái niệm đồng tác giả , áp dụng trong vụ việc thế nào ?
Tra từ điển tiếng Việt, ta thấy khái niệm về đồng tác giả: Là những người cùng viết chung một tác phẩm, cùng nghiên cứu chung bản nghiên cứu.
Pháp luật bản quyền thì quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định Số: 22/2018/NĐ-CP: “Đồng tác giả là những tác giả cùng trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học”.
Quy định tại Khoản 3 Điều 6 Nghị định Số: 22/2018/NĐ-CP cũng nêu rõ : “Người hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo ra tác phẩm không được công nhận là tác giả hoặc đồng tác giả.”
Hiện nay, nói về khái niệm về đồng tác giả trong từ điển cho đến quy định của pháp luật bản quyền đều có những vấn đề chưa rõ ràng, thiếu ý.
Khái niệm trong từ điển là những người cùng viết chung một tác phẩm. Vậy vấn đề ở đây thế nào là viết chung. Viết thêm vài từ, vài câu hoặc vài đoạn có được coi là viết chung hay không ?
Trong quy định của Nghị định Số: 22/2018/NĐ-CP đã không nói rõ thế nào là "một phần" tác phẩm. Một phần có thể là một dòng, một câu, vài đoạn, vài trang... không có sự định lượng rõ ràng. Nghị định cũng không quy định rõ thế nào là “hỗ trợ” hoặc thế nào là “góp ý kiến”.
Thực tế, trường hợp có từ 2 người trở lên cùng đóng góp công sức sáng tạo nên một tác phẩm là tình trạng tương đối phổ biến. Để xác định sự đóng góp của mỗi người để tạo ra một tác phẩm là việc rất khó khăn. Nguyên nhân đó dẫn đến các tranh chấp về đồng tác giả nảy sinh.
Cần bổ sung quy định vào pháp luật bản quyền, những người được công nhận là tác giả, đồng tác giả phải có những đóng góp đáng kể và trực tiếp. Là những người hình thành ý tưởng hoặc thiết kế, thu thập tư liệu, dữ liệu, xử lý, phân tích và diễn giải tư liệu, chắp bút chuyển thể tư liệu.
Để tránh xảy ra tranh chấp phát sinh về đồng tác giả thì pháp luật về bản quyền nên có quy định. Những vụ việc có nhiều người tham gia cùng sáng tạo ra tác phẩm phải có hợp đồng rõ ràng, ai, làm gì, có được công nhận là đồng tác giả hay không.
Trong vụ việc tranh chấp bản quyền hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, xác định có hay không đồng tác giả khi áp dụng khái niệm đồng tác giả trong pháp luật bản quyền hiện hành cũng là vấn đề hết sức khó khăn, khó xác định vì hiện giờ nhà văn Hữu Mai và Đại tướng đều đã mất. Có những vấn đề chỉ nội bộ hai bên gia đình được biết, có bằng chứng. Vì vậy để sự việc đi đến hồi kết tốt đẹp thì hai bên tranh chấp nên ngồi lại với nhau bàn luận.
Hồi kết của vụ việc tranh chấp sẽ thế nào ?
Hiện nay tập hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải tạm dừng tái bản do chưa có sự thống nhất về bản quyền giữa hai bên tranh chấp.
Bên gia đình Đại tướng thì vẫn tiếp tục im lặng không đưa ý kiến gì.
Bên gia đình nhà văn Hữu Mai thì phát biểu.” Thời gian tới, nếu sự việc tiếp tục lặp lại, liệu chúng tôi có nên coi như không biết (đồng nghĩa với việc chấp nhận loại bỏ quyền tác giả của cha tôi) để bộ hồi ký tiếp tục được tái bản ? Nhưng nếu chỉ vì mong muốn những cuốn sách cha viết đến được với bạn đọc mà bắt ông bỏ đi cái quyền duy nhất của người cầm bút là “quyền tác giả” liệu có đúng không?
Vì vậy, dù rất thiện chí và mong muốn bộ hồi ký của Đại tướng được tiếp tục in, nhưng gia đình chúng tôi cho rằng nó phải được phát hành theo đúng quy định của pháp luật, và tôn trọng quyền tác giả của nhà văn…”.
Hy vọng các bên tranh chấp sẽ tìm được tiếng nói chung, giải quyết sự việc một cách thấu tình đạt lý để cuốn hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục đến với công chúng yêu lịch sử Việt Nam .
Đỗ Chiến Thắng