Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng đã ra quân mạnh mẽ để đẩy lùi hàng giả, hàng nhái thương hiệu để bảo vệ DN. Tuy nhiên, số lượng vụ việc được phát hiện và bắt giữ ngày càng nhiều. Theo lực lượng quản lý thị trường (QLTT), tình trạng này đang là vấn nạn, gây tác động xấu không chỉ tới DN, mà còn ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng. Hiện chế tài xử lý các vụ việc này vẫn chưa đủ sức răn đe.
Lực lượng quản lý thị trường cả nước sẽ đẩy mạnh công tác trấn áp hàng hóa giả mạo
Theo đại diện Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương), nhiều năm qua, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng nhái từ hình thức đến kiểu dáng, mẫu mã… của các thương hiệu nổi tiếng có dấu hiệu gia tăng và phổ biến trên thị trường. Điều này đã xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và niềm tin của người tiêu dùng. Các đối tượng không chỉ làm giả hàng hóa thương hiệu nước ngoài mà còn làm giả rất nhiều nhãn hàng “made in Vietnam” của các doanh nghiệp trong nước có uy tín với quy mô ngày càng lớn và phổ biến. Thậm chí, các tem chống giả, tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ… cũng lại bị làm giả. Điều này gây nhiều khó khăn trong việc phát hiện và xử lý.
Mới đây, Đội QLTT số 14 thuộc Cục QLTT Hà Nội vừa phối hợp với Đội 7 PC03 Công an thành phố Hà Nội kiểm tra và tạm giữ hàng nghìn sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn Louis Vuitton; Chanel; Dior; Hermes; Burberry; Nike; Gucci; Balenciga đang được bảo hộ tại Việt Nam. Theo đó, Đội QLTT kiểm tra cơ sở kinh doanh quần áo Liên Nguyễn tại Kiốt 18B, tòa nhà Vinh Quang, KĐT Tây Nam Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang kinh doanh: 1.038 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn Louis Vuitton, Chanel, Dior, Hermes, Burberry, Nike, Gucci, Balenciga đang được bảo hộ tại Việt Nam và 1.009 chiếc áo, váy là hàng hóa do nước ngoài sản xuất. Tổng giá trị hoàng hóa ước tính trên 500 triệu đồng.
Đầu tháng 9/2020, Đội QLTT số 5 chủ trì phối hợp với Đội QLTT số 4 (Cục QLTT Hải Dương) và Đội 3 Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hải Dương tổ chức kiểm tra đối với Công ty TNHH may Đăng Linh HD tại xã Hồng Phong, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện Công ty Đăng Linh HD đang hoạt động sản xuất (may gia công) và kinh doanh quần áo các loại. Trong đó có các sản phẩm áo phông nam cộc tay mang các nhãn hiệu “ADIDAS và hình”, “hình NIKE”, “GUCCI và hình”, “LACOSTE và hình” có dấu hiệu là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Hàng nghìn hàng hóa thành phẩm và bán thành phẩm được phát hiện có dấu hiệu giả mạo. Toàn bộ số hàng hóa thành phẩm, bán thành phẩm, công cụ, nguyên liệu có dấu hiệu vi phạm đã được tạm giữ để tiếp tục xác minh, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, phương thức thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi và dùng nhiều hình thức đối phó gây nên rất khó khăn cho các lực lượng chức năng trong hoạt động kiểm tra, bắt giữ và xử lý. Theo ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, thời gian qua, các đơn vị QLTT địa phương đã mở nhiều chiến dịch truy quét, kiểm tra, kiểm soát những cửa hàng kinh doanh sản phẩm có dấu hiệu giả mạo thương hiệu uy tín. Hầu hết các vụ kiểm tra và phát hiện làm giả, nhái các thương hiệu đều bị tịch thu và xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên công tác chống vi phạm nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ rất gian nan do các hành vi ngày càng tinh vi và biến hóa. Các sản phẩm nhái không chỉ len lỏi từ cửa hàng, siêu thị mà đang được rao bán rầm rộ trên mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử…
Về phía mình, mặc dù DN đã phải đầu tư rất nhiều chi phí cho việc chống hàng giả, hàng nhái nhưng tình trạng này vẫn diễn ra và khó kiểm soát. Theo đó các DN mong muốn cần có những chế tài mạnh tay để phòng chống và xử lý các hành vi làm giả, làm nhái sản phẩm của DN. Mới đây, để bảo vệ người tiêu dùng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/10/2020. Trong đó tăng mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm về hàng giả, hàng nhái. Nghị định cũng quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đại diện Tổng cục QLTT cho biết, trong những tháng cuối năm, tình hình hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu sẽ có xu hướng tăng lên. Do đó, Tổng cục tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thuộc Tổng cục tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đồng thời lực lượng QLTT cả nước sẽ đẩy mạnh công tác trấn áp hàng hóa giả mạo thông qua các chiến dịch tại các trung tâm thương mại, các chợ, cửa hàng và khu sản xuất. Triển khai kế hoạch phòng chống hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...
Nguyễn Minh - Thời Báo ngân Hàng