Bài học cho doanh nghiệp từ phương thức sử dụng song song nhãn hiệu Pierre Cardin của An Phước

Ky Anh

(PLBQ). Nói đến Pierre Cardin (một thương hiệu thời trang nổi tiếng của Pháp), người ta sẽ nghĩ ngay đến An Phước. Chiến lược đi tắt bằng thương hiệu nổi tiếng đã mang lại cho An Phước những thành công vang dội.

(Ảnh: anphuocgroup.com.vn)

Sự ra đời của thương hiệu “An Phước – Pierre Cardin”

Năm 1989, khi đất nước đang có chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, bà Nguyễn Thị Điền (Nhà sáng lập của An Phước) đã cùng chồng quyết định lập một cơ sở may nhỏ với công việc chủ yếu là gia công cho các thương hiệu khác. An Phước ra đời với quy mô chỉ gồm 60 công nhân nữ và 40 máy may.

Đến tháng 5 năm 1992, khi Nhật bắt đầu lựa chọn các công ty dệt Việt Nam để làm đại diện gia công, An Phước đã thiết lập được mối quan hệ làm ăn hợp tác với các công ty Nhật.

Tận dụng lợi thế của mình trong việc ngoại giao, với mối quan hệ hợp tác lâu dài với Nhật từ những năm đất nước mới mở cửa, bà Nguyễn Thị Điền đã quen biết và kết thân được với thương hiệu Pierre Cardin.

Theo như thông tin được đăng tải trên trang điện tử chính thức của Công ty TNHH May thêu giày An Phước (An Phước), năm 1997, An Phước đã được thỏa thuận “mua bản quyền phân phối sản phẩm thương hiệu Pierre Cardin” tại thị trường ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Tuy nhiên, điều đáng chú ý, bằng sự thương thảo khéo léo và tài tình, An Phước đã nhận được sự đồng ý của thương hiệu thời trang nổi tiếng của Pháp này về việc đặt thương hiệu An Phước cạnh thương hiệu Pierre Cardin. Đây có thể nói là bước ngoặt, giúp An Phước trở thành thương hiệu thời trang cao cấp hàng đầu phân khúc thị trường nội địa.

Hiện nay, An Phước là nơi phân phối độc quyền thương hiệu Pierre Cardin tại Việt Nam. Hệ thống cửa hàng An Phước đã có mặt ở hầu hết  những trung tâm thương mại và thành phố lớn và bảng hiệu “An Phước – Pierre Cardin” luôn được đặt cạnh nhau.

Những thành công từ phương thức sử dụng song song nhãn hiệu Pierre Cardin

Từ một cơ sở may gia công cho các công ty xuất khẩu với quy mô chỉ gồm 60 nhân công và 40 máy may công nghiệp, nhờ chiến lược đi tắt bằng thương hiệu nổi tiếng, An Phước đã trở thành “ông lớn” trong ngành thời trang Việt Nam.

Hiện nay, Công ty có hơn 3.600 công nhân và nhân viên với trụ sở và chi nhánh được phân bố nhiều nơi ở Việt Nam. An Phước cung cấp đa dạng chủng loại sản phẩm cho thị trường nội địa và xuất khẩu, từ phân khúc thời trang cao cấp đến thời trang trẻ em,…

Theo CafeBussiness, trong những năm qua, doanh thu và lợi nhuận của An Phước liên tục tăng trưởng. Năm 2019, doanh nghiệp đạt 1.834 tỉ đồng doanh thu, 664 tỉ đồng lợi nhuận gộp, tăng lần lượt 9% và 38% so với thực hiện năm 2018.

Mức biên lợi nhuận gộp của An Phước năm 2019 là hơn 36,2%, cao hơn so với rất nhiều "ông lớn" dệt may niêm yết trên thị trường chứng khoán như May Việt Tiến, May 10, May Nhà Bè, Vinatex, TCM, TNG ...  Xét về cả giai đoạn 2016 - 2019 thì biên lợi nhuận gộp của An Phước luôn vượt trội hơn hẳn so với nhiều doanh nghiệp niêm yết.

Về qui mô tài sản, hết năm 2019, tổng tài sản của An Phước ước tính đạt 2.273 tỉ đồng.

Không những thế, sản phẩm áo sơ mi nam của Công ty An Phước đã vinh dự nhận được 2 huy chương vàng tiêu biểu cho tiêu chuẩn và chất lượng sản phẩm, 3 Cúp vàng cho các dòng sản phẩm quần tây, quần khaki và áo sơ mi ngắn tay dành cho nam, Giải Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn, Top 10 thương hiệu tại Việt Nam và giải thưởng Thương hiệu xuất sắc Châu Á Thái Bình Dương.

Bài học kinh nghiệm cho doanh nghiệp

Thứ nhất, về lãnh đạo công ty

Lãnh đạo là một người đúng đầu, quản lý, điều hành mọi hoạt động của công ty. Vốn định theo ngành luật, sau rẽ hướng sang con đường kinh doanh, bà Nguyễn Thị Điền đã “chèo lái” đưa công ty vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất để đạt được thành quả như ngày hôm nay.

Nhìn thấy ở người lãnh đạo này có ba điểm nổi bật: “có tầm nhìn, có khả năng ngoại giao và quyết đoán”. Điều đó đã giúp bà phân tích thị trường, xây dựng chiến lược, mở rộng giao thương, góp phần rất lớn tạo nên sự thành công thương hiệu của công ty.

Thứ hai, về chiến lược kinh doanh

Ở thị trường nội địa, khi đã có những ông lớn trong ngành dệt may như Tổng công ty liên đoàn Dệt May Việt Nam, May 10, Việt Tiến,…trong khi cái tên An Phước lại chưa được biết đến.

Chính vì vậy, An Phước đã quyết định sử dụng thương hiệu nổi tiếng Pierre Cardin để thu hút sự chú ý của khách hàng, từ đó xây dựng thương hiệu An Phước với chất lượng tương đương nhưng lại phù hợp với vóc dáng người Việt Nam.

Chiến lược kinh doanh táo bạo và dám nghĩ, dám làm là yếu tố then chốt quyết định đến sự thành công của công ty.

Thứ ba, lấy “Pierre Cardin” làm đòn bẩy phát triển cho thương hiệu An Phước

Đánh vào tâm lý người tiêu dùng thích hàng nhập khẩu, với quan niệm “đồ tây tốt hơn đồ ta”, sự linh hoạt khi đặt thương hiệu An Phước cạnh Pierre Cardin tại hệ thống các cửa hàng phân phối và bán sản phẩm là một trong những chiến lược maketing sáng tạo, mang lại lợi ích nhiều nhất cho công ty.

Ngay từ đầu, công ty đã xác định khách hàng tiềm năng của mình là những người có thu nhập cao. Pierre Cardin là thương hiệu thời trang nổi tiếng của Pháp, giá thành cao, được nhiều người biết đến với chất lượng sản phẩm vượt trội. Đặt sản phẩm của An Phước cạnh Pierre Cardin, khi khách hàng tìm đến sẽ bị gây một ấn tượng cực kỳ mạnh mẽ, trong khi chất lượng ngang bằng, phù hợp với vóc dáng người Việt, mà giá thành lại thấp hơn nhiều. Chính vì vậy, An Phước không những ngầm có được sự tin tưởng của người tiêu dùng về sản phẩm của công ty, mà còn trở thành sự ưu tiên khi lựa chọn.

Thứ tư, thành công trong việc phân tích thị trường và thị hiếu của khách hàng

Đây là bước đầu tiên và cũng là quan trọng nhất để một công ty lựa chọn sản phẩm và định hướng sự phát triển sau này. Sau An Phước, có rất nhiều công ty cũng chọn cách kinh doanh theo hướng nhượng quyền thương mại hay liên kết với các doanh nghiệp nổi tiếng nhưng không mấy thành công.

Bất cứ hình thức kinh doanh nào cũng chứa đựng rủi ro, việc phân tích và đánh giá thị trường giúp cho doanh phân tích được tình hình cũng như dự đoán một phần kết quả của hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, việc làm này không hề dễ dàng khi thị trường biến động và thị hiếu người tiêu dùng thay đổi nhanh. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần có biện pháp đầu tư phù hợp cho hoạt động này.

Thứ năm, đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu

Nếu chất lượng sản phẩm không tốt, thì dù có đặt cạnh Pierre Cardin hay bất cứ thương hiệu thời trang cao cấp nào khác, An Phước cũng không thể có được những thành công như hiện nay.

Triết lí kinh doanh của công ty là “An Phước thành công từ đường kim mũi chỉ đã cho thấy sự quan trọng về chất lượng sản phẩm đối với công ty. Coi chất lượng sản phẩm như bộ mặt của doanh nghiệp, liên tục cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm trong mắt người tiêu dùng.

An Phước là doanh nghiệp tiên phong và đạt được nhiều thành công trong phân khúc thời trang cao cấp của Việt Nam nhờ chiến lược “Đứng trên vai người khổng lồ”. Sự thành công của An Phước không chỉ thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, mà còn làm tên của đất nước sáng lên trên bản đồ thế giới.

Lưu ý: Bài viết dựa trên quan điểm khoa học và thực tiễn, không nhằm quảng bá cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.

Trang Nhung

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.