Cạnh tranh không lành mạnh và sở hữu trí tuệ nhìn từ câu chuyện của Cộng cà phê

(PLBQ). Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, cạnh tranh đóng vai trò vô cùng quan trọng. Cạnh tranh đòi hỏi doanh nghiệp phải tìm ra nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo ra sản phẩm có chất lượng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Tuy nhiên, cạnh tranh cũng mang lại những hậu quả tiêu cực nếu doanh nghiệp áp dụng các biện pháp cạnh tranh không lành mạnh.

 

Từ câu chuyện bị “đạo nhái” của Cộng Cà phê

Trong bối cảnh nền kinh tế thị thường ngày càng phát triển, sự vận động của các quan hệ kinh tế ngày càng phong phú, đa dạng, dẫn tới quy mô và mức độ cạnh tranh ngày càng tăng. Những hành vi cạnh tranh không lành mạnh xuất hiện ngày càng nhiều và tinh vi với diễn biến phức tạp. Một bộ phận doanh nghiệp đã lợi dụng uy tín của một thương hiệu, sản phẩm đã có mặt trên thị trường, cố tình tạo ra sự nhầm lẫn cho sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp mình, và câu chuyện về Cộng Cà phê chính là một điển hình.

Cộng Cà phê thành lập năm 2007, được khách hàng quen thuộc qua mô típ bài trí chủ đạo là màu xanh bộ đội, vỏ chăn con công và không gian quán theo hơi hướng hoài cổ thời bao cấp.

Tuy nhiên, tháng 01/2019, một quán cà phê có tên là C. Cà phê 1989 nằm trên phố Hàm Long đã lập tức vướng phải lùm xùm khi có phong cách, cách bài trí gần như tương tự với Cộng Cà phê, cũng lấy màu xanh lá là chủ đạo, cũng lấy họa tiết chăn con công để trang trí. Thậm chí, ngay cả những câu khẩu hiệu đặc trưng của thương hiệu Cộng Cà phê cũng bị quán cà phê này sử dụng lại.

Phong cách quen thuộc của Cộng Cà phê (Nguồn: Fanpage Cong Caphe)

Theo ý kiến của ông Nguyễn Văn Bảy - Cục phó Cục Sở hữu trí tuệ, Cộng Cà phê có cách bày trí, cũng như có hệ thống khẩu hiệu rất riêng biệt, người tiêu dùng có thể nhận diện được. Trong trường hợp những yếu tố nêu trên chưa được đăng ký bảo hộ dưới bất kỳ đối tượng sở hữu trí tuệ nào, như nhãn hiệu hay kiểu dáng công nghiệp, mà bị một chủ thể khác “bắt chước” cách thiết kế, cách bài trí hay biển hiệu… làm cho người tiêu dùng có thể nhầm lẫn thì có thể cấu thành hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).

Hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong sở hữu trí tuệ

Có thể nói, cạnh tranh có vai trò vô cùng quan trọng trong nền kinh tế, là động lực thúc đẩy sản xuất phát triển. Tuy nhiên, khi các chủ thể kinh doanh cố tình lợi dụng uy tín, danh tiếng của các cá nhân, tổ chức khác, sử dụng các chỉ dẫn thương mại để gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng nhằm mục đích trục lợi thì đó là hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong sở hữu trí tuệ. Luật Sở hữu trí tuệ có quy định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh tại Điều 130, cụ thể:

“Điều 130. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh

1. Các hành vi sau đây bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh:

a) Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hóa, dịch vụ;

b) Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hóa, dịch vụ; về điều kiện cung cấp hàng hóa, dịch vụ;

c) Sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu đó mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên, nếu người sử dụng là người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu và việc sử dụng đó không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu và không có lý do chính đáng;

d) Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng.”

(Nguồn: Internet)

Hành vi cạnh tranh không lành mạnh không chỉ trái với các chuẩn mực về đạo đức kinh doanh , xâm phạm đến quyền tự do kinh doanh mà còn gây hậu quả xấu cho môi trường kinh doanh, cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính và cho người tiêu dùng. Những hành vi này gây ra những nhầm lẫn cho khách hàng, đẩy các doanh nghiệp gặp phải hành vi này có nguy cơ bị sụt giảm về mặt doanh thu, cũng như những ảnh hưởng không đáng có tới uy tín, danh tiếng của doanh nghiệp.

Chính vì vậy, giải pháp chống cạnh tranh không lành mạnh là yêu cầu tất yếu mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần phải quan tâm khi muốn gia nhập thị trường. Vậy doanh nghiệp sẽ cần phải có những biện pháp như thế nào để chống lại hành vi cạnh tranh không lành mạnh?

Giải pháp nào cho các doanh nghiệp?

Để chống lại những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, các doanh nghiệp nên đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để có thể sử dụng quyền đó bảo vệ hiệu quả cho các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp mình.

Trong trường hợp doanh nghiệp đã có những chỉ dẫn thương mại nhất định nhưng chưa kịp đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp có thể sử dụng cơ chế chống cạnh tranh không lành mạnh, trong đó có thể yêu cầu các cơ quan quản lý Nhà nước xử lý các hành vi đó. Tuy nhiên, để làm được điều này, doanh nghiệp cần chứng minh được thương hiệu của mình đã có danh tiếng, uy tính nhất định; và việc chủ thể khác sử dụng những dấu hiệu giống với doanh nghiệp có thể gây ra những thiệt hại, nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

*Lưu ý: Bài viết dựa trên quan điểm khoa học và thực tiễn, không nhằm quảng bá cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.

Hà Trung

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.