Điều gì làm Google, Amazon, CNN trở thành thương hiệu toàn cầu?

(PLBQ). Thương hiệu là đỉnh cao của sản phẩm hay dịch vụ. Nếu một thương hiệu không thể tìm ra được hướng đi đúng, nó sẽ bị "nổ tung". Bí quyết làm nên thành công của Google, Amazon hay CNN là điều mà các doanh nghiệp Việt cần học hỏi trong quá trình xây dựng thương hiệu.

Những thương hiệu giá trị nhất thế giới năm 2020 (Ảnh: interbrand.com)

Google

Đi vào hoạt động từ năm 1998, chưa bao giờ nhờ đến sự hỗ trợ của một công ty quảng cáo hay marketing, chủ yếu dựa vào sự truyền miệng từ người này qua người khác, không có một hình ảnh thương hiệu nào ngoài cái tên Google. Vậy mà giờ đây, Google không những là công cụ dò tìm phổ biến nhất, mà còn là trang web có lượng người truy cập nhiều nhất thế giới.

Hơi khiêm tốn khi chỉ dùng từ "thương hiệu" để đề cập đến cái tên nổi tiếng này. Cách mà Google trở thành một thương hiệu toàn cầu không giống bất kỳ một nhãn hàng nào khác. Chúng ta vẫn luôn nghĩ rằng quá trình xây dựng thương hiệu là một cái gì đó mà không thể thiếu những quảng cáo hào nhoáng. Nhưng với Google, việc xây dựng thương hiệu đến từ chính chất lượng, sự trải nghiệm không thể nào đơn giản hơn khi sử dụng dịch vụ. Thậm chí, những người mới tập tễnh với Internet cũng biết sẽ phải làm những gì khi đến với trang chủ của Google ngay lần đầu tiên.

Họ nhìn thấy cái tên Google, hộp tìm kiếm cùng với một vài thứ khác nữa. Họ đánh vào hộp dò tìm những gì mà mình đang muốn tìm kiếm và chỉ trong nháy mắt, kết quả lập tức hiện ra. Phần mềm được xây dựng cực kỳ tinh vi đã mang lại những kết quả tìm kiếm thích hợp nhất trên mạng. Hầu hết những người sử dụng đều có được kết quả tìm kiếm ngay từ trang đầu tiên, được trình bày khá đơn giản trên phông nền trắng.

Nhờ vậy, Google có mặt khắp nơi trên Internet vì hàng loạt trang web quan trọng khác cung cấp đường dẫn đến Google để tiện cho người truy cập tra cứu thông tin. Thương hiệu này cũng có nhiều địa chỉ quốc tế khác nhau nhằm thu hút lượng khán giả đa ngôn ngữ trên khắp toàn cầu.

Bên cạnh đó, Google cũng định vị rằng, những người sử dụng Web mới là trung tâm của thương hiệu, chứ không phải những chủ quảng cáo mang lại tài chính cho họ. Càng nhiều người sử dụng dịch vụ thì càng có nhiều chủ quảng cáo tự động tìm đến.

Bí quyết thành công:

Google cho chúng ta thấy công nghệ nên được sử dụng như thế nào. Họ đã khai thác được phần mềm phức tạp đến mức khó tin để tạo thành một công cụ dò tìm cực kỳ đơn giản. Thậm chí những người "" tin học nhất cũng có thể sử dụng công cụ này không mấy khó khăn.

Amazon

Trong cuộc cách mạng 4.0, Internet đã làm thay đổi tất cả, người tiêu dùng đã có được tiếng nói của mình. Mọi người đều có thể đăng tải ý kiến của mình về các thương hiệu lên mạng để những người khác cùng đọc. Họ cũng có thể cùng với những khách hàng không hài lòng khác hợp lại thành những nhóm thảo luận, những người ở Anh bây giờ có thể liên kết với những người ở Bắc Mỹ, Úc hay Việt Nam, mà không cần phải quan tâm về khoảng cách địa lý. Những thông điệp của các thương hiệu, trước đây vẫn được hoàn toàn kiểm soát, bỗng bị nhấn chìm dưới một núi thông tin của người tiêu dùng.

Amazon đã thành công trong một môi trường mà hàng ngàn thương hiệu khác đã thất bại. Dựa trên nền tảng Internet, họ đã nỗ lực để trở thành một thương hiệu toàn cầu hàng đầu. Amazon hiểu rằng họ không thể đứng vững một mình, Internet là một mạng lưới và để thành công, Amazon biết rằng họ cũng sẽ phải là một mạng lưới.

Giống như logo hình lưỡi liềm của Nike, những chiếc cổng vòm vàng rực biến cách trong biểu tượng chữ M của McDonald's hay hình ảnh logo nổi bật hai màu trắng-đỏ của Coca-Cola, Jeff Bezos (người sáng lập ra Amazon) cũng muốn hình ảnh thương hiệu Amazon phải có mặt ở khắp nơi trên không gian mạng, luôn cách mọi người chỉ một vài cái nhấp chuột.

Đây chính là điều mà Amazon đã làm. Năm 1996, khi Amazon vẫn chỉ là một cái tên, Bezos nảy ra một ý tưởng vĩ đại là marketing liên kết.

Bên cạnh website chính (Amazon.com), Bezos liên kết cùng với những trang web khác cùng bán sản phẩm Amazon, quảng bá cho thương hiệu Amazon và nhận hoa hồng trên từng thương vụ một. Amazon khuyến khích cho những trang web tham gia vào mạng lưới này bằng cách tăng mức thu nhập, trong khi lượng công việc hầu như không đổi.

Amazon mở rộng hệ thống của mình ngày càng trở nên rộng lớn hơn chỉ đơn giản bằng cách ngồi yên đó và chờ mọi người gõ phím vào đường dẫn đến địa chỉ của mình. Điều tuyệt vời của chiến thuật marketing liên kết này chính là tính tương thích của thương hiệu này với hầu như mọi trang web khác.

Những trang web kinh doanh có thể bán sách kinh doanh, những trang web dành cho trẻ em có thể bán sách trẻ em, còn những trang web về thú vật nuôi có thể bán sách về tìm hiểu tâm lý và chăm sóc thú vật cưng... và tất cả đều có tiền hoa hồng trên từng thương vụ, mà không hề phải bận tâm lo lắng về kho bãi và hàng hóa tồn kho. Hiện tại, hầu như thương hiệu Amazon đã hiện diện khắp mọi nơi trên Internet, số trang web liên kết với Amazon đã lên đến hàng trăm ngàn.

Tuy nhiên, đây chưa phải là điều tuyệt vời nhất trong chiến thuật marketing của Amazon. Người tiêu dùng không chỉ nhận được những lời quảng cáo hoa mỹ về từng cuốn sách mà còn có thể bày tỏ ý kiến, nhận định của mình (xếp hạng ngôi sao) để thông tin cho những khách hàng khác về từng sản phẩm. Vì thế, thương hiệu Amazon được lan truyền mạnh mẽ từ người này qua người khác.

Ngày nay, Amazon đã trở thành một cửa hàng bách hóa khổng lồ trên mạng với nhiều loại sản phẩm như đồ chơi trẻ em, thiết bị âm thanh, phần mềm vi tính, thiết bị nhà bếp, ... và hàng triệu đầu sách các loại. Hình ảnh thương hiệu của Amazon đã được mở rộng thành sự an toàn và tiện lợi cho việc mua sắm trên mạng. Danh sách những trang web liên kết với Amazon không ngừng mở rộng và doanh thu của họ ngày càng cao, mặc cho bây giờ phần lớn khách hàng có thể trực tiếp vào thăm trang web này.

Amazon là một minh chứng cho thấy bất kỳ một thương hiệu nào muốn trở nên lớn mạnh thì cần phải xây dựng được một hệ thống marketing thành công của riêng mình. Internet là một phương tiện dân chủ, và suy cho cùng thì Amazon đã thành công bằng cách làm cho khách hàng trở thành nhân vật chính trong chiến lược xây dựng thương hiệu của mình.

Bí quyết thành công:

  • Mạng lưới và tiếp thị: Amazon hình thành một mạng lưới rộng với hàng ngàn trang web khác nhau và tất cả đều có đường dẫn đến trang web của họ. Với Amazon, khách hàng không còn là những thực thể không có tiếng nói (những người chỉ mua sản phẩm và hết), mà họ còn có thể đưa ra lời bình phẩm với những khách hàng khác. Đây chính là hình thức tiếp thị qua mạng đúng nghĩa nhất.
  • Thông tin: Khách hàng của Amazon luôn được cho biết tất cả mọi chi tiết cần thiết về những gì mà họ muốn mua hay muốn biết, từ giá cả, thời gian giao hàng cho đến danh sách các sản phẩm tương tự và cả đến ý kiến bình phẩm về sản phẩm.
  • Sự tập trung: Mặc dù, cũng có lúc Amazon tung ra các chiến dịch quảng cáo trên truyền hình, nhưng họ luôn tập trung vào việc có thêm khách hàng mới thông qua mạng Internet và marketing dây truyền.

CNN

Thế kỷ 21 (Thời đại công nghệ đa truyền thông, Internet và vệ tinh), chúng ta đang sống trong một môi trường bị bao quanh và tràn ngập bởi thông tin. Vấn đề chính bây giờ không phải là làm sao để có được thông tin, mà là có thể tin được vào nó hay không. Do đó, cần phải biết được thông tin đó đến từ đâu trước khi chúng ta có thể tin tưởng. Để có được niềm tin này, thông tin cần phải được thương hiệu hóa và chính điều này đã đưa chúng ta đến với CNN (một thương hiệu thông tin điển hình).

CNN (Cable News Network) đã cho ra đời mạng lưới truyền hình thời sự, phát sóng trực tiếp trên khắp toàn cầu suốt 24/24 đầu tiên trên thế giới. Là kênh đầu tiên thuộc thể loại này trên thế giới, CNN vẫn luôn là kênh truyền hình tin tức được xem nhiều nhất, bất chấp sự cạnh tranh khốc liệt của Fox News, MSNBC, CNBC và vô số kênh truyền hình khác.

(Ảnh: history.com)

Giá trị của CNN lần đầu tiên được công nhận một cách đầy đủ khi cuộc chiến vùng Vịnh đầu tiên nổ ra, mọi người trên thế giới đều tìm đến với kênh truyền hình này để biết được những thông tin nóng bỏng và trực tiếp từ tận chiến trường.

Kể từ đó, càng lúc CNN càng chứng tỏ được giá trị không thể thay thế của mình trong suốt cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9 (năm 2001) ở Mỹ, các chương trình tường thuật các bước ngoặc trong lịch sử như vụ thảm sát ở Thiên An Môn, sự kiện bức tường Berlin sụp đổ và các cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq.

Với đội ngũ phóng viên chuyên nghiệp, CNN đã phát triển đến trên 212 quốc gia và vùng lãnh thổ, với nhiều phòng thu phát trên tất cả các lục địa quan trọng. Họ vẫn là kênh truyền thông phổ biến nhất và vì vậy, trong tất cả những thương hiệu mới, CNN đã trở thành thương hiệu đầu tiên các chủ quảng cáo tìm đến.

Trong suốt hơn một thập kỷ qua, CNN luôn luôn được bầu chọn là kênh thời sự được tin cậy nhất, các nhà tư tưởng và các nhân vật có ảnh hưởng đều thừa nhận mức độ trung thực của CNN. Các chương trình thời sự truyền hình trực tiếp, chương trình độc quyền và chất lượng tin tức do CNN thực hiện luôn luôn được xếp hàng đầu.

Bí quyết thành công:

  • Phương cách tiếp cận tiên phong: CNN đã làm thay đổi hoàn toàn thế giới truyền thông với việc phát sóng chương trình thời sự liên tục 24/24 và vẫn luôn tiếp tục dẫn đầu trong nhiều hình thức mới khác.
  • Tính bao trùm: CNN không chỉ thông báo tin tức từ khắp nơi trên thế giới mà còn được cả thế giới háo hức đón xem.
  • Tính khẩn cấp: CNN luôn mang đến cho thế giới những bản tin tường thuật chính xác, đầy đủ và nóng bỏng nhất, đưa chúng ta đi từ nhận thức ban đầu đến những hiểu biết thấu đáo đối với tất cả những sự kiện diễn ra hàng ngày trên thế giới.

Như vậy, điều gì đã làm nên một thương hiệu thành công? Đây là một câu hỏi không dễ trả lời, nhưng chắc chắn có một điều mà nếu để ý chúng ta sẽ nhận ra:

Sự sáng tạo, khác biệt, dám nghĩ, dám làm dường như chính là yếu tố quyết định đã mang lại thành công cho rất nhiều thương hiệu.”

Lưu ý: Bài viết dựa trên quan điểm khoa học và thực tiễn, không nhằm quảng bá cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.

Kỳ Anh

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.