>> Facebook đổi tên nhãn hiệu – Liệu có rủi ro?
>> Đổi tên thương hiệu và góc nhìn từ câu chuyện “BigC”
>> Trước dòng sự kiện đổi tên thương hiệu của Airpay và Now, bàn luận về câu chuyện: Đổi tên thương hiệu, nên hay không?
Thương hiệu Facebook thay bộ cánh mới
Thương hiệu là sự kết hợp giữa các yếu tố cả vô hình và hữu hình nhằm tạo ra cảm nhận tổng thể về chất lượng, môi trường, uy tín và giá trị cốt lõi của một doanh nghiệp. Nó giúp người tiêu dùng nhận diện và khơi gợi cảm xúc về doanh nghiệp và các sản phẩm/dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp. Về mặt nhận diện, thương hiệu là một cái tên hoặc một dấu hiệu (logo, nhãn hiệu) có thể nhận diện bằng mắt.
Từ ngày 29/10, công ty Facebook chính thức đổi tên thành Meta, đồng nghĩa facebook từ nay chỉ còn là tên của một ứng dụng mạng xã hội thuộc Meta, tương đương các sản phẩm khác như Instagram, WhatsApp.
Hình ảnh trước trụ sở Meta (Ảnh: Dantri.com)
Logo của "Meta" dường như là một phiên bản cong của biểu tượng vô cực. Công ty cũng đã cho thay đổi bảng hiệu logo, trong đó thay đổi biểu tượng ngón cái like đặc trưng sang phiên bản mới. Việc Facebook đổi tên, được công bố tại hội nghị thực tế ảo và thực tế tăng cường Facebook Connect, phản ánh tham vọng ngày càng tăng rằng công ty không chỉ chú trọng vào nền tảng truyền thông xã hội.
Theo đó, công ty cũng sẽ thay đổi mã chứng khoán từ FB sang MVRS, có hiệu lực từ ngày 1.12. Cổ phiếu của công ty đã tăng hơn 3,0% vào ngày 28.10.
Đổi tên nhằm xoay chuyển tình thế của Facebook
Sau khi vướng phải nhiều bê bối liên quan đến rò rỉ thông tin khiến Facebook mất lòng tin của phần lớn người dùng thì việc đổi tên có lẽ là một bước đi mạo hiểm nhưng hợp lý.
Hôm 22/10, một nhóm gồm 17 hãng thông tấn Mỹ, trong đó có CNN bắt đầu cho đăng tải loạt bài gọi chung là "Hồ sơ Facebook". Các bài viết đề cập đến nhiều bí mật không mấy hay ho, từ cách các nhóm phối hợp trên Facebook gây bất hòa và bạo lực, các thách thức của nền tảng này trong việc kiểm duyệt nội dung ở một số quốc gia không nói tiếng Anh đến việc những kẻ buôn người đã lợi dụng nó để dụ dỗ các nạn nhân.
Facebook trước đây từng đối mặt với những bê bối liên quan cách tiếp cận của mạng xã hội này về quyền riêng tư dữ liệu, kiểm duyệt nội dung và các đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, kho tài liệu mới bị rò rỉ này tạo ra nhiều mối quan ngại liên quan đến hầu hết mọi lĩnh vực kinh doanh của Facebook, kể cả cách ứng phó những phát biểu thù hận và tin giả, cách quản lý sự phát triển quốc tế hay bảo vệ những người dùng trẻ hơn trên nền tảng và thậm chí là khả năng đo lường chính xác quy mô của lượng người dùng khổng lồ.
Không chỉ những tác động từ bên ngoài mà chính từ bản thân nội bộ doanh nghiệp cũng phải đối mặt với một thách thức ngày càng gia tăng là sự suy giảm niềm tin nhanh chóng của đội ngũ nhân viên. Nhiều tài liệu nội bộ cho thấy các quan ngại và sự hoài nghi của nhân viên về các hành động công ty cũng như những quyết sách của ban lãnh đạo.
Facebook đổi tên khi phải đương đầu với cáo buộc từ Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) cũng như Quốc hội Mỹ cho nhiều vấn đề có tầm ảnh hưởng lớn, hoàn toàn có thể kéo thương hiệu này vào làn sóng tẩy chay.
Meta sẽ gặp khó khăn khi xây dựng thương hiệu tại Việt Nam
Cái tên Meta đã được sử dụng bởi một công ty tại Việt Nam với tên đầy đủ Công ty cổ phần mạng trực tuyến META, đã được Sở KH-ĐT TP.Hà Nội cấp giấy chứng nhận ĐKKD số 0102196915 vào ngày 29.3.2007.
Lĩnh vực hoạt động của công ty này là lĩnh vực thương mại điện tử nhằm đem đến cho khách hàng những sản phẩm cùng dịch vụ mua sắm trực tuyến. Ngoài lĩnh vực thương mại điện tử, công ty này còn sở hữu một loạt website khác như Quantrimang.com, Gamevui.com, VnDoc.com, Download.vn, Hoatieu.vn.
Meta.vn đã được đăng ký tại Việt Nam hơn 10 năm (Ảnh: Vietnambiz)
Công ty META cũng đang giữ bản quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu META số văn bằng 4-0368198-000 cấp 28/10/2020 và hàng loạt tên miền tại Việt Nam như META.vn, META.com.vn. Nếu Facebook hoạt động tại Việt Nam với tên mới Meta thì rất có thể việc trùng với thương hiệu dẫn đến nhầm lẫn dịch vụ giữa hai công ty sẽ xảy ra.
Công ty META khẳng định mình có đầy đủ giấy tờ pháp lý như giấy chứng nhận kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu META, giấy phép mạng xã hội và sở hữu các tên miền tại Việt Nam cũng như sẵn sàng thực hiện các biện pháp pháp lý để bảo vệ thương hiệu của mình.
Facebook, hay hiện tại là Meta khi hoạt động tại Việt Nam sẽ không được lấy tên trùng và gây nhầm lẫn với tên công ty META. Việc này có thể dẫn đến những tranh chấp về các vấn đề bản quyền và pháp lý, xung đột quyền và lợi ích không đáng có giữa hai công ty.
Không chỉ đụng hàng tại Việt Nam, ở Trung Quốc, nhãn hiệu MetaApp cũng đã bị đăng ký
Khác với việc bị trùng do Facebook đổi tên, tại Trung Quốc, một công ty công nghệ mạng - Baidu, đã nhanh tay chớp lấy cơ hội khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cho “MetaApp” với chính quyền Trung Quốc vào ngày 2.11. Phân loại nhãn hiệu của Baidu cho biết nó "liên quan đến các dịch vụ trang web và các công cụ khoa học". Baidu được thành lập và đặt trụ sở tại Bắc Kinh, đây là trang công cụ tìm kiếm lớn thứ hai trên thế giới sau Google, cũng như các dịch vụ đám mây, tin tức, âm nhạc, quảng cáo, thực tế tăng cường và thậm chí cả dịch vụ trợ lý kỹ thuật số.
Baidu muốn dành lấy nhãn hiệu MetaApp (Ảnh: Báo Lao động)
Tuy nhiên, việc đăng ký trên rất có thể sẽ thành công cốc khi trước đó đã có một công ty Trung Quốc tên là MetaApp - một nhà phát triển chuyên về trò chơi di động cho hệ điều hành Android của Google.
Việc Facebook đổi tên chưa thể đánh giá là bước đi thành công hay thất bại, nhưng chắc chắn nó đã tạo ra một làn sóng quan tâm lớn của cả người dùng lẫn những người không theo dõi quá nhiều đến công nghệ. Đây có thể là cơ hội để Facebook, hay giờ là Meta tận dụng lợi thế sẵn có để mở ra vũ trụ công nghệ mới, cũng có thể là bước lùi của thương hiệu này khi phải đối mặt với đầy rẫy khó khăn.
Xét tổng thể, việc đổi tên này là phù hợp với chiến lược của doanh nghiệp bởi tên doanh nghiệp sẽ không chỉ gắn với một dịch vụ trong khi doanh nghiệp có nhiều dịch vụ khác nhau, nó cũng giúp đối tác, người tiêu dùng biết đến với một doanh nghiệp đa dịch vụ, ngành nghề. Đó là chưa kể, Meta đang dự kiến thâu tóm, mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực khác khi tiềm lực kinh tế của họ khá mạnh.
Lưu ý: Bài viết dựa trên thông tin thực tiễn và quan điểm khoa học, thực tiễn, không nhằm quảng bá cho bất kỳ, cá nhân tổ chức nào.
Ngọc Hà