Tuy nhiên, việc li-xăng nhãn hiệu vẫn còn một số bất lợi.
Theo khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ: “Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”. Dấu hiệu được nhắc đến trong khái niệm này phải là dấu hiệu nhìn thấy được dưới các dạng như: chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. Mặt khác, các dấu hiệu này còn phải có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 141 Luật SHTT 2005 thì “Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình”. Mà nhãn hiệu là một trong những đối tượng sở hữu công nghiệp, vì vậy khái niệm chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu cũng được hiểu là việc chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép chủ thể khác sử dụng nhãn hiệu trong phạm vi quyền sử dụng của mình.
Những bất lợi khi nhận chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu có thời hạn
Thứ nhất, rủi ro về việc các điều khoản, bị vô hiệu khi thể hiện nội dung hạn chế quyền. Các bên không được không được thỏa thuận các điều khoản hạn chế bất hợp lý quyền trong hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu được quy định tại khoản 2 Điều 144 Luật SHTT thì điều khoản đó mặc nhiên vô hiệu. Hậu quả là hợp đồng ký kết bị vô hiệu một phần nhưng sẽ không ảnh hưởng đến các điều khoản còn lại trong Hợp đồng, tuy nhiên các điều khoản còn lại trong hợp đồng vẫn có hiệu lực và ràng buộc đối với các bên. Vì vậy, các bên cần cân nhắc, thảo luận các điều khoản trong hợp đồng để hạn chế phạm vi hợp đồng vô hiệu cũng như tối đa hóa lợi ích các bên.
Thứ hai, hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu cũng có thể bị vô hiệu, trong trường hợp bên chuyển nhượng thỏa thuận chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể cho cá nhân, tổ chức không phải là thành viên của chủ sở hữu nhãn hiệu đó thì hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu sẽ bị vô hiệu do đối tượng của hợp đồng không thực hiện được (Điều 408 Bộ luật Dân sự 2015). Một trường hợp khác, bên nhận chuyển quyền chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu cho bên thứ ba mà không có sự đồng ý của bên chuyển quyền thì hợp đồng thứ cấp này sẽ bị vô hiệu.
Thứ ba, hợp đồng sử dụng nhãn hiệu còn có nguy cơ bị vô hiệu khi nhãn hiệu chưa được đăng ký bảo hộ. Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được phát sinh trên cơ sở cấp văn bằng bảo hộ và chỉ có chủ sở hữu mới được chuyển giao quyền sử dụng của mình. Do đó, nếu chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu thì chưa phát sinh quyền sở hữu trên thực tế nên chủ thể chưa đủ điều kiện để được phép thực hiện bất kỳ giao dịch nào mà giao dịch này yêu cầu chủ thể có quyền sở hữu nhãn hiệu.
Thứ tư, pháp luật vẫn chưa có một khái niệm cụ thể và rõ ràng về việc “chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu”, tại điều 141 của Luật SHTT cũng mới đưa ra khái niệm chung về chuyển quyền sử dụng đối với các đối tượng SHCN, theo đó “Chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN là việc chủ sở hữu đối tượng SHCN cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng đối tượng SHCN thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình”. Tuy nhiên, khái niệm này chưa bao quát được hết các chủ thể li-xăng đối tượng SHCN (trong đó có nhãn hiệu) bởi bên li-xăng không chỉ là “chủ sở hữu” đối tượng SHCN mà còn là bên được chủ sở hữu cho phép li-xăng.
Thứ năm, chưa có quy định trực tiếp về kiểm soát chất lượng hàng hoá, dịch vụ gắn với nhãn hiệu. Đến nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định trực tiếp việc “kiểm soát chất lượng” như một nội dung cơ bản cần có của một hợp đồng li-xăng nhãn hiệu mà mới chỉ được quy định gián tiếp tại điểm 2, khoản c, điều 142 Luật SHTT. Tuy nhiên, quy định này chưa tính đến việc kiểm soát chất lượng hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu mà không cần phải bắt buộc áp dụng phương thức, công nghệ sản xuất, nguyên vật liệu của bên li-xăng hoặc một bên thứ ba khác do bên li-xăng nhãn hiệu chỉ định.
Đề xuất một số giải pháp
Trong quá trình nhận chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu có thời hạn nên cẩn trọng trong từng điều khoản, cũng như toàn bộ hợp đồng để tránh làm cho hợp đồng bị vô hiệu sẽ gây ra thiệt hại vô cùng lớn cho cả 2 bên.
Sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu có thời hạn phù hợp với tình hình hiện nay. Đưa ra nội hàm về khái niệm “chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu” và bổ sung chủ thể có quyền li-xăng nhãn hiệu - ngoài chủ sở hữu nhãn hiệu thì còn có người được chủ sở hữu đồng ý cho phép li-xăng nhãn hiệu, bổ sung điều khoản liên quan đến nội dung “kiểm soát chất lượng hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu” trong hợp đồng li-xăng nhãn hiệu.
Chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu đã không còn là vấn đề mới và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế tại Việt Nam. Pháp luật về sở hữu trí tuệ hiện nay đã có những quy định phù hợp với hiệp định quốc tế và đáp ứng những yêu cầu của nền kinh tế. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn nhiều bất cập tồn tại liên quan đến hoạt động chuyển giao quyền chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu. Vì vậy, đòi hỏi cần phải có những quy định, chính sách phù hợp để khắc phục những bất cập này.
Hà Diệu