>>Pháp luật một số quốc gia về xử hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu và tham khảo cho Việt Nam (Kỳ 2)
(Kỳ 1)
Kinh nghiệm từ Trung Quốc
Trung Quốc vốn là nước bị thế giới đánh giá là "xưởng sản xuất hàng giả của thế giới", nên hoạt động xử lý hành vi xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ (SHTT) ở Trung Quốc được đánh giá không cao. Tuy nhiên trong những năm gần đây, Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực để cải thiện hình ảnh với các quốc gia khác nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư.
Hiện nay, Luật Nhãn hiệu của Trung Quốc được đánh giá là "đáp ứng được những đòi hỏi của thực tiễn cả ở phạm vi quốc gia, quốc tế và có tính hiện đại". Pháp luật về xử lý hành vi xâm phạm Quyền Sở hữu công nghiệp (QSHCN) đối với nhãn hiệu của Trung Quốc quy định như sau:
Thứ nhất, hành vi xâm phạm gián tiếp nhãn hiệu cũng phải chịu trách nhiệm pháp lý, theo đó, hành vi cố ý cung cấp phương tiện hoặc tạo điều kiện để một người thực hiện hành vi xâm phạm nhãn hiệu của người khác cũng bị coi là vi phạm quyền độc quyền sử dụng nhãn hiệu của chủ nhãn hiệu.
Thứ hai, áp dụng hệ thống bồi thường thiệt hại có tính chất trừng phạt đối với hành vi xâm phạm quyền nhãn hiệu và tăng mức phạt đối với trường hợp tái phạm. Khoản bồi thường thiệt hại được tính dựa trên thiệt hại thực tế của chủ thể quyền. Trong trường hợp khó xác định thiệt hại thực tế của chủ thể quyền thì tiền bồi thường thiệt hại sẽ là khoản lợi nhuận mà bên xâm phạm thu được. Trường hợp cả hai khoản nêu trên đều khó xác định thì tiền bồi thường thiệt hại có thể được tính dựa vào bội số hợp lý của tiền phí li-xăng. Trong trường hợp xâm phạm nghiêm trọng QSHCN đối với nhãn hiệu, tiền bồi thường thiệt hại có thể gấp từ 1 đến 3 lần các mức nêu trên. Các chi phí hợp lý mà chủ thể quyền phải bỏ ra để buộc chấm dứt hành vi xâm phạm cũng được tính vào tiền bồi thường thiệt hại.
Thứ ba, miễn trừ trách nhiệm cho người không có lỗi khi thực hiện hành vi xâm phạm quyền, theo đó người bán hàng hóa xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu (nhưng không biết về thực tế đó) và có khả năng chứng minh rằng có được những hàng hóa đó một cách hợp pháp và chỉ ra được người cung cấp hàng hóa sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Thứ tư, chính phủ Trung Quốc nâng cao hiệu quả việc xử lý xâm phạm quyền SHTT bằng cách thiết lập các Trung tâm khiếu kiện. Từ năm 2006 đã có 70 trung tâm dịch vụ như vậy được mở Trung Quốc để tiếp nhận các khiếu kiện liên quan các hành vi xâm phạm quyền SHTT. Các Trung tâm giải quyết khiếu kiện có thẩm quyền kiểm tra tính xác thực của thông tin nhận được thông qua đường dây nóng, phân loại các vụ việc và chuyển chúng tới các cơ quan chức năng liên quan. Các cơ quan này chịu trách nhiệm xử lý các vụ việc và phải báo cáo kết quả lại cho Trung tâm khiếu kiện.
Thứ năm, nhằm bảo vệ chứng cứ tránh bị tẩu tán hoặc không thể thu thập được, pháp luật cho phép chủ thể quyền hoặc những người có quyền lợi liên quan được yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ ngay cả khi chưa nộp đơn khởi kiện.
Thứ sáu, thành lập Toà chuyên trách về SHTT từ ngày 31/8/2014 tại ba thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu. Bên cạnh thẩm quyền xét xử sơ thẩm các vụ án SHTT liên quan công nghệ phức tạp (sáng chế, bí mật thương mại, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn) thì toà chuyên trách về SHTT có thẩm quyền xét xử phúc thẩm các tranh chấp về nhãn hiệu và bản quyền đã được xử sở thẩm ở các toà địa phương.
Kinh nghiệm từ Nhật Bản
Ở Nhật Bản, xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu được chia thành xâm phạm trực tiếp và xâm phạm gián tiếp[1]. Hai loại hành vi này đều phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc dân sự hoặc cả hai.
Xâm phạm trực tiếp lại gồm hai loại, xâm phạm trực tiếp QSHCN đối với nhãn hiệu do sử dụng không được phép một nhãn hiệu và xâm phạm trực tiếp QSHCN đối với nhãn hiệu ngoài loại sử dụng không được phép một nhãn hiệu. Các hành vi bị xếp vào loại hành vi xâm phạm trực tiếp QSCN đối với nhãn hiệu do ngoài loại sử dụng không được phép một nhãn hiệu có thể kể đến như: đóng gói lại hàng thật có chứa các sản phẩm mới của chủ sở hữu nhãn hiệu; bán hàng hoá của người khác đã bị tháo dỡ; xoá, tẩy nhãn hiệu; sửa lại hàng hoá.
Xâm phạm gián tiếp QSCN đối với nhãn hiệu (quy định tại Điều 37 (ii-viii) Luật Nhãn hiệu) là những hành động chuẩn bị trước cho việc thực hiện hành vi xâm phạm. Nếu như việc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với hành vi xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu thông thường không cần quan tâm đến những yêu cầu có tính chủ quan thì với hành vi xâm phạm gián tiếp cần phải được thiết lập cùng với yêu cầu bổ sung về tính chủ quan như "nhằm mục đích chuyển giao, phân phối hoặc xuất khẩu", "nhằm mục đích sử dụng nhãn hiệu", "trong việc cung cấp các dịch vụ", "nhằm mục đích để nhãn hiệu đó được sử dụng", "nhằm mục đích sử dụng nhãn hiệu đó hoặc để nhãn hiệu đó được sử dụng" và đặc biệt là những hoạt động chuẩn bị cho những hành vi chuẩn bị mà cần được thực hiện "trong hoạt động thương mại".
Để bị coi là "trong hoạt động thương mại" thì không nhất thiết phải chứng minh liệu bên bị cho là xâm phạm quyền đó có mục đích lợi nhuận hay không mà chỉ cần nếu hành vi bị cho là xâm phạm đó đã được thực hiện một lần, khi chủ thể bị cho là xâm phạm quyền đó dự định tiếp tục lặp lại hành vi đó thì việc đó đã bị coi là "trong hoạt động thương mại" và theo đó cấu thành hành vi xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu.
Nhật Bản có hệ thống cơ quan tư pháp giải quyết tranh chấp quyền SHTT mang tính chuyên biệt cao. Tòa cấp cao SHTT của Nhật Bản được thành lập đầu năm 2005 và hoạt động với tư cách là Toà chuyên trách về SHTT của Tòa cấp cao Tokyo (cấp tòa xét xử phúc thẩm).
Để hỗ trợ cho Toà chuyên trách trong việc giải quyết tranh chấp liên quan đến nhãn hiệu thì Cục trưởng Cục Sáng chế Nhật Bản có trách nhiệm đưa ra ý kiến về phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu làm cơ sở cho việc xác định hành vi xâm phạm quyền.
Với mục đích cải cách tư pháp, Luật Tố tụng dân sự Nhật Bản năm 2003 được sửa đổi để người dân thuận tiện hơn trong việc tiếp cận hệ thống toà án và đảm bảo các phán quyết của toà có chất lượng cao hơn. Một số thủ tục tố tụng dân sự được bổ sung, sửa đổi[2] theo hướng quy định linh hoạt, đơn giản riêng cho việc xử lý các tranh chấp SHTT.
Cụ thể, toà khu vực Tokyo hoặc Osaka (tùy thuộc vào thẩm quyền chính của tòa đó ở phía Đông hay phía Tây Nhật Bản) được xét xử các vụ kiện liên quan đến nhãn hiệu do người khởi kiện nộp hồ sơ tới mà không cần quan tâm tới nơi xảy ra tranh chấp; thành lập ban chuyên môn của Toà cấp cao SHTT gồm 5 thẩm phán và các quyết định của ban chuyên môn có giá trị là tài liệu hướng dẫn việc giải quyết các vụ kiện tương tự có thể phát sinh trong tương lai.
Nhật Bản áp dụng hệ thống tòa giản lược (summary court) để giải quyết một số loại tranh chấp theo thủ tục rút gọn. Hiện tại, Nhật Bản có 438 Tòa giản. Tòa giản lược thông thường có 1 thẩm phán nhưng ở những thành phố lớn thì có thể có nhiều thẩm phán hơn.
Hải quan Nhật Bản có thẩm quyền đình chỉ việc thông quan hàng hóa bị nghi ngờ tại biên giới và xác định có hay không hàng hóa xâm phạm quyền SHTT. Khi Hải quan nhận tiếp nhận yêu cầu đình chỉ thông quan đối với hàng hóa nghi ngờ xâm phạm quyền SHTT từ chủ thể quyền, họ sẽ tổ chức một Hội đồng tư vấn chuyên gia SHTT để nghe về vụ việc nhằm bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch đối với quyết định chấp nhận hoặc từ chối đơn yêu cầu xử lý. Ngoài việc Hải quan Nhật Bản có thể chủ động ("hành động mặc nhiên") thực hiện các biện pháp nghiệp vụ nhằm ngăn chặn xâm phạm và thu giữ hàng hóa xâm phạm.
Kinh nghiệm từ Hoa Kỳ
Ở Hoa Kỳ, hành vi xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu có thể bị xử lý dân sự, hình sự (bao gồm cả biện pháp kiểm soát biên giới do Cơ quan Hải quan tiến hành). Trừ một số trường hợp đặc biệt, có thể nói Hoa Kỳ không có cơ chế xử lý hành chính hành vi xâm phạm QSHTT.
Ở Hoa Kỳ cả hành vi xâm phạm trực tiếp và gián tiếp QSHCN đối với nhãn hiệu đều bị truy cứu trách nhiệm pháp lý. Tuy nhiên, những người thực hiện hành vi xâm phạm gián tiếp không bị truy cứu trách nhiệm pháp lý nếu họ thực hiện hành vi xâm phạm một cách ngay tình.
Trong trường hợp người xâm phạm cam kết chỉ in ấn nhãn hiệu trong kinh doanh cho người khác và chứng minh là mình xâm phạm một cách ngay tình (không cố ý) thì chỉ bị phải chịu trách nhiệm dân sự cho hành vi in ấn của mình. Nếu tiếp tục lặp lại hành vi đó hoặc nếu yếu tố xâm phạm quyền nằm trong hay là một phần của đoạn quảng cáo phải trả tiền trên các phương tiện truyền thông như báo, tạp chí, những ấn phẩm định kỳ tương tự hoặc phương tiện truyền thông điện tử thì chế tài dân sự mà chủ thể quyền có thể yêu cầu áp dụng đối với nhà xuất bản, nhà phát hành các tài liệu đó chỉ giới hạn ở trường hợp họ lặp lại việc trình bày những quảng cáo như vậy trong tương lai trên những phương tiện truyền thông đó. Đương nhiên là giới hạn này chỉ áp dụng đối với những người thực hiện hành vi xâm phạm một cách ngay tình (không cố ý). Có thể thấy người in ấn nhãn hiệu hoặc nhà xuất bản, nhà phát hành không trực tiếp xâm phạm nhãn hiệu mà họ chỉ là người tạo tiền đề cho người thuê in ấn, người thuê quảng cáo (người cố ý xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu) thực hiện hành vi xâm phạm.
Khi xâm phạm QSHCN ở mức độ giả mạo nhãn hiệu và được thực hiện một cách cố ý để bán, chào bán, hoặc phân phối hàng hóa, dịch vụ trong thương mại hoặc cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ cần thiết cho việc thực hiện những hành vi nêu ngay trên, với dự định rằng người tiếp nhận hàng hóa, dịch vụ đó sẽ sử dụng chúng để thực hiện hành vi xâm phạm thì Tòa án có thể theo yêu cầu của chủ thể quyền thực hiện việc bắt giữ hàng hóa và nhãn hiệu giả mạo cũng như các phương tiện được sử dụng để tạo ra nhãn hiệu giả mạo và các tài liệu chứng minh việc sản xuất, bán.
Khoản tiền bồi thường luật định (theo lựa chọn của nguyên đơn thay cho tiền bồi thường thiệt hại và lợi nhuận thực tế), có số lượng không nhỏ hơn 1.000 USD hoặc lớn hơn 200.000 USD cho mỗi nhãn hiệu vi phạm trên mỗi loại hàng hóa, dịch vụ được bán, chào bán hoặc phân phối mà Tòa án thấy là hợp lý. Nếu tòa thấy rằng, việc vi phạm là cố ý, khoản tiền bồi thường luật định sẽ không nhiều hơn 2.000.000US cho mỗi nhãn hiệu giả mạo trên mỗi loại hàng hóa, dịch vụ được bán, chào bán hoặc phân phối, nếu tòa thấy là hợp lý.
Hành vi xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu bị truy cứu trách nhiệm hình sự là hành vi đưa vào thị trường nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ và nhãn hiệu chứng nhận giả mạo. Pháp luật Hoa Kỳ xử lý rất nặng đối với những hành vi giả mạo nhãn hiệu, có thể áp dùng đồng thời phạt tù (không quá 10 năm) và phạt tiền (không quá 2.000.000 USD với cá nhân, 5.000.000 USD với tổ chức), tái phạm lần thứ hai hoặc tiếp ngay sau đó mức phạt tù tối đa lên tới 20 năm và mức phạt tiền có thể lên đến 5.000.000 USD với cá nhân, 15.000.000 USD đối với tổ chức.
Pháp luật Hoa Kỳ cho phép hoạt động của các văn phòng điều tra tư nhân. Những người này hoạt động như "đôi mắt, đôi tai" của chủ thể quyền. Họ theo dõi hàng giả, thông tin kịp thời cho các cơ quan thực thi có thẩm quyền. Họ thay mặt chủ thể quyền hướng dẫn cơ quan có thẩm quyền nhận biết hàng thật - giả...
Xã hội không đứng yên mà vận động không ngừng. Các quy định pháp luật có thể phù hợp ở giai đoạn nhất định nhưng sau đó lại cần phải được thay đổi để phù hợp với những biến chuyển của các quan hệ xã hội, cũng như yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Kinh nghiệm xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu ở ba nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ sẽ mang lại giá trị tham khảo nhất định cho Pháp luật Việt Nam.
Trang Nhung
(Còn nữa)