Phát triển tài sản trí tuệ song hành cùng chương trình OCOP

(Baophuyen.com). Phát triển tài sản trí tuệ song hành cùng chương trình OCOP

Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ (Sở KH-CN) hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP Phú Yên. Ảnh: THÁI HÀ

Các sản phẩm đạt chuẩn OCOP vừa được bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) sẽ càng nâng tầm về giá trị và thương hiệu, tiếp cận tốt hơn với người tiêu dùng. Với ý nghĩa đó, Sở KH-CN đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ và Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2021.

Sự gắn kết của chương trình OCOP và SHTT sẽ góp phần xây dựng thương hiệu, làm tăng giá trị sản phẩm OCOP từ đó thu hút khách hàng, tăng doanh thu, mở rộng thị trường cho sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Nâng tầm sản phẩm OCOP

Năm 2012, trong bối cảnh nước mắm truyền thống bị nước chấm công nghiệp cạnh tranh khốc liệt, nhãn hiệu tập thể Nước mắm Phú Yên đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp chứng nhận bảo hộ, từ đó giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm này trên thương trường. “Năm 2021, nước mắm Tân Lập trở thành 1/9 sản phẩm đầu tiên của tỉnh đạt chứng nhận sản phẩm OCOP. Đây là bệ phóng để chúng tôi nâng cao uy tín, đẩy mạnh sức tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, đại lý bán nước mắm Tân Lập đã có mặt khắp nơi, từ Tây Nguyên, đến Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành trên cả nước…”, ông Phạm Văn Khải, chủ cơ sở nước mắm Tân Lập chia sẻ

Với mục tiêu tiếp tục đưa SHTT thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương, Sở KH-CN vừa ban hành kế hoạch triển khai song song Chương trình phát triển tài sản trí tuệ và Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2021. Việc thực hiện chương trình được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, có thương hiệu mang tính đặc trưng lợi thế của mỗi vùng, mỗi xã đáp ứng cho tiêu dùng trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu; xây dựng mối liên kết phát triển kinh tế cộng đồng bền vững, giúp khu vực nông thôn giải quyết những vấn đề quan trọng như: giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân…

Trước đó, thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh Phú Yên đã có 187 đối tượng sở hữu công nghiệp được Cục SHTT cấp văn bằng bảo hộ gồm: 177 nhãn hiệu (trong đó có 1 chỉ dẫn địa lý, 1 nhãn hiệu chứng nhận, 6 nhãn hiệu tập thể), 2 giải pháp hữu ích và 8 kiểu dáng công nghiệp. Những sản phẩm được bảo hộ quyền SHTT sẽ góp phần thúc đẩy sáng tạo và đổi mới kỹ thuật sản xuất nên có khả năng đáp ứng được nhiều tiêu chí trong phân hạng sản phẩm OCOP. Việc sản phẩm có cả hai dạng nhãn hiệu (công nhận theo OCOP và bảo hộ quyền SHTT) sẽ được nâng tầm về chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Phát huy vai trò quản lý về SHTT 

Trong kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ và Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2021, Sở KH-CN đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể giai đoạn 2021-2025, chiến lược SHTT đến năm 2030 và chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng tiến độ.

Theo đó, thời gian tới, Sở KH-CN sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp như: tăng cường các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ; thúc đẩy xây dựng, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ; đào tạo nguồn nhân lực về SHTT; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp, tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền SHTT... đặc biệt là chú trọng hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất kinh doanh đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, áp dụng các mô hình quản lý tiên tiến, các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tham gia Chương trình OCOP. 

Theo ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH-CN, bảo hộ nhãn hiệu là sự ghi nhận của Nhà nước về quyền sở hữu độc quyền của tổ chức, cá nhân đối với nhãn hiệu, từ đó có cơ chế tương ứng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của chủ sở hữu. Vì vậy, ngoài việc xây dựng và thực hiện đúng quy chế quản lý sử dụng nhãn hiệu; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất, tạo sự đoàn kết trong sản xuất, kinh doanh; tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm… thì các tổ chức, cá nhân, nhất là các chủ thể đang tham gia phân hạng sản phẩm OCOP cần đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục SHTT dưới sự hướng dẫn của cơ quan quản lý về SHTT mà cụ thể là tại Sở KH-CN hoặc các đơn vị tư vấn có uy tín trong lĩnh vực SHTT.

THÁI HÀ

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.