Một số vấn đề chung về sáng chế
Sáng chế là gì?
Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.
Như vậy, có thể hiểu thuộc tính cơ bản của sáng chế là đặc tính kỹ thuật bởi vì sáng chế là giải pháp kỹ thuật, tức là biện pháp kỹ thuật giải quyết một vấn đề.
Quy định của pháp luật Việt Nam về bảo hộ sáng chế
Pháp luật Việt Nam có quy định về một số vấn đề liên quan đến bảo hộ sáng chế như: điều kiện chung đối với sáng chế được bảo hộ, đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế, quyền đăng ký sáng chế... tại Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019, theo đó:
Sáng chế sẽ được bảo hộ dưới hình thức Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, điều kiện để sáng chế được bảo hộ dưới hình thức Bằng độc quyền sáng chế là: (i) Có tính mới, (ii) Có trình độ sáng tạo, (iii) Có khả năng áp dụng công nghiệp và điều kiện để sáng chế được bảo hộ dưới hình thức Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu không phải là hiểu biết thông thường và đáp ứng các điều kiện: (i) Có tính mới, (ii) Có khả năng áp dụng công nghiệp.
Cùng với đó, pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành cũng quy định về các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế bao gồm:
- Phát minh, lý thuyết khoa học, phương pháp toán học.
- Sơ đồ, kế hoạch, quy tắc và phương pháp để thực hiện các hoạt động trí óc, huấn luyện vật nuôi, thực hiện trò chơi, kinh doanh, chương trình máy tính.
- Cách thức thể hiện thông tin.
- Giải pháp chỉ mang đặc tính thẩm mỹ.
- Giống thực vật, giống động vật.
- Quy trình sản xuất thực vật, động vật chủ yếu mang bản chất sinh học mà không phải là quy trình vi sinh.
- Phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và chữa bệnh cho người và động vật.
Chủ thể có quyền đăng ký bảo hộ sáng chế là tác giả tạo ra sáng chế bằng công sức và chi phí của mình, tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác và thỏa thuận đó không trái với quy định của pháp luật. Trong trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra sáng chế thì các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký đó chỉ được thực hiện nếu được tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý.
Như vậy, qua các quy định trên có thể thấy pháp luật Việt Nam đã có những quy định nhất định để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến sáng chế của tổ chức, cá nhân, góp phần tạo nên môi trường sở hữu trí tuệ bình đẳng, văn minh, hội nhập.
Sự kiện Moderna thua kiện bằng sáng chế, đối mặt thêm vụ kiện về vacxin Covid – 19 và những bất lợi sau đó
Câu chuyện bắt đầu từ đầu năm 2018, khi Công ty dược phẩm sinh học Arbutus Biopharma Corp. (ABUS.O) được Văn phòng cấp bằng sáng chế liên bang cấp 2 bằng sáng chế quan trọng mang số hiệu No. 8.058.069 và 9.364.435 (theo Hãng tin Reuters). Theo đó, cả hai bằng sáng chế đều liên quan đến các hạt nano lipid (LNP), đây là công nghệ rất hữu ích trong việc phát triển các loại vắc xin dựa trên mRNA nhằm chống lại các căn bệnh khác trong tương lai.
Cũng trong năm 2018, Moderna - một công ty công nghệ sinh học của Mỹ, được thành lập vào năm 2010 đã kiện 2 bằng sáng chế của Arbutus trước Hội đồng kháng nghị và thử nghiệm bằng sáng chế về việc Moderna cũng có các bằng sáng chế giống của Arbutus nhưng bằng sáng chế của Moderna bị giới hạn trong các lĩnh vực của một loại virus đường hô hấp được gọi là RSV, cúm A và các virus do muỗi truyền Chikungunya, Zika.
Đáng chú ý, việc sáng chế vắc xin COVID-19 trong đại dịch gần đây của cả Moderna và Pfizer-BioNTech đều sử dụng hạt LNP, công nghệ mRNA, vật liệu di truyền trung tâm của vắc xin COVID-19, cần các hạt nano lipid làm lớp vỏ bảo vệ mà theo người phát ngôn của Moderna cho biết: "Moderna là công ty tiên phong về vắc xin dựa trên mRNA và chúng tôi đã phát triển công nghệ LNP độc quyền của riêng mình. Công nghệ này cho phép chúng tôi thực hiện sứ mệnh tạo ra một thế hệ thuốc mới cho bệnh nhân".
(Vắc xin Covid -19 của Moderna - Ảnh: Reuters)
Trước việc Mordena kiện Arbutus, Hội đồng đã đồng ý với Moderna rằng có một số nội dung trong bằng sáng chế 9.364.435 không hợp lệ. Tuy nhiên, về cơ bản các phát hiện của Arbutus là chính xác nên hội đồng vẫn giữ nguyên bằng sáng chế cho Arbutus. Đến 01/12/2021, tòa án phúc thẩm cũng đồng quan điểm với Hội đồng kháng nghị và thử nghiệm bằng sáng chế Mỹ cho biết Moderna không có tư cách để kháng cáo phán quyết về một bằng sáng chế, vì lúc đó Moderna chưa phát triển vắc xin COVID-19. Cho đến khi Moderna nộp đơn kháng cáo, đại dịch vẫn chưa bắt đầu.
Về phía các nhà đầu tư cũng có các nhận định rằng bằng sáng chế của Arbutus hướng đến một hạt nano lipid ổn định hơn.
Những bất lợi sau đó
Tháng 11/2021, Công ty Moderna dự báo doanh thu năm 2021 khoảng 15 - 18 tỉ USD, doanh thu năm 2022 dự kiến khoảng 17 - 22 tỉ USD, chỉ riêng cho vắc xin COVID-19. Việc thua kiện của Moderna đã khiến cho cổ phiếu Arbutus tăng gần gấp đôi sau phán quyết của tòa án, lên mức 6,25 USD (tăng 95%) trong khi cổ phiếu của Moderna đã giảm hơn 10% ở mức 316,43 USD.
Cùng với đó, các chuyên gia nhận định về việc Arbutus có thể kiện ngược Moderna vi phạm bằng sáng chế liên quan vắc xin Covid – 19 hoặc yêu cầu công ty phải trả tiền bản quyền.
Bài học từ sự kiện của Moderna, cần nhận thức rõ ràng về các rủi ro tiềm ẩn hậu đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ
Qua sự kiện Moderna thua kiện Arbutus liên quan đến công nghệ mRNA, có thể nhận thấy rằng ngay cả khi đã đăng ký bảo hộ sáng chế vẫn sẽ tồn tại những rủi ro. Đây là điều các thương hiệu cần lưu tâm, không được chủ quan mặc dù đã đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để có những biện pháp bảo vệ và xử lý khủng hoảng (nếu có) hiệu quả, tối ưu nhất cho thương hiệu mình. Trong sự kiện trên Moderna có thể tiên phong trong công nghệ mRNA, đã đăng ký bảo hộ sáng chế nhưng mới ở phạm vi hẹp trong khi Arbutus đăng ký bảo hộ sáng chế sau nhưng có phạm vi đăng ký rộng hơn dẫn đến Moderna bị thua kiện thậm chí dẫn đến có thể đối mặt với những vụ kiện về sau, phải trả tiền bản quyền.
Đây là điều khó tránh khỏi trong vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ khi mỗi giây, mỗi phút lại có những ý tưởng, phát minh mới được ra đời. Qua đó, các thương hiệu cần lưu ý một số vấn đề liên quan đến việc bảo hộ sáng chế như:
- Luôn cần nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ sáng chế.
- Nắm vững các quy định pháp luật trong nước và quốc tế liên quan đến bảo hộ sáng chế, đặc biệt là các quy định về điều kiện bảo hộ, các nguyên tắc đặc thù của quyền sở hữu trí tuệ như nguyên tắc nộp đơn đầu tiên, nguyên tắc ưu tiên…
- Nhận thức rõ về các rủi ro vẫn có thể tiềm ẩn ngay cả khi đã đăng ký bảo hộ để có các biện pháp bảo vệ thương hiệu như luôn nỗ lực cải tiến, phát triển sáng chế mỗi ngày, bảo vệ chặt chẽ các bí mật liên quan đến sáng chế trước các đối thủ cạnh tranh, xây dựng các phương án để ứng phó với các tình huống có những sáng chế cùng lĩnh vực nhưng tối ưu hơn để tránh vô tình trở thành đối tượng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tránh đi tối đa các thiệt hại…
- Đánh giá, nhận định rõ ràng về tình thế, các điều kiện, khả năng giảnh chiến thắng trước khi bắt đầu một vụ kiện nào đó…
Ý nghĩa của việc đăng ký bảo hộ sáng chế
Việc đăng ký bảo hộ sáng chế không phải là quy định bắt buộc đối với các chủ thể nhưng việc đăng ký bảo hộ đối tượng này của quyền sở hữu trí tuệ có ý nghĩa:
Thứ nhất, đăng ký bảo hộ sáng chế cơ sở để chứng minh quyền sở hữu của chủ sở hữu đối với sáng chế, ngăn chặn các hành vi xâm phạm sáng chế. Khi chủ sở hữu sáng chế phát hiện ra có hành vi làm nhái hoặc bắt chước sáng chế nhằm mục đích chuộc lợi hoặc cạnh tranh với thương thì họ có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, điều tra và xử lý hành vi vi phạm.
Thứ hai, đăng ký bảo hộ sáng chế giúp chủ sở hữu tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường, gia tăng lợi nhuận vì bằng độc quyền sáng chế cho phép chủ sở hữu khẳng định trước các nhà phân phối khác rằng không có bất kì chủ thể nào khác trên thị trường được phép sản xuất, buôn bán, sử dụng, phân phối sản phẩm nếu không có sự đồng ý của chủ sở hữu. Điều này có thể giảm bớt sự cạnh tranh, tăng doanh số bán hàng và nếu tiếp thị đúng cách, chủ sở hữu có thể tính giá sản phẩm cao hơn vì các đối thủ cạnh tranh khác đã bị ngăn cấm cung cấp sản phẩm tương tự.
Thứ ba, việc đăng ký bảo hộ sáng chế giúp chủ sở hữu dễ dàng trong việc khai thác giá trị thương mại của sáng chế đó bằng cách nhượng quyền sử dụng sáng chế hoặc chuyển nhượng sáng chế, huy động vốn và thu hút các nhà đầu tư tiềm năng…
Thứ tư, việc đăng ký bảo hộ sáng chế giúp chủ sở hữu có thể sử dụng bằng độc quyền sáng chế để truyền tải tín hiệu về năng lực công nghệ cao, khả năng sáng tạo và hiệu suất hoạt động trong chiến lược tiếp thị, quảng cáo thương hiệu.
Lưu ý: Bài viết dựa trên thông tin thực tiễn và quan điểm khoa học, thực tiễn, không nhằm quảng bá cho bất kỳ, cá nhân tổ chức nào.