Trên thực tế, trong nhiều trường hợp, trang web của bạn trở thành điểm liên hệ đầu tiên của những người quan tâm (khách hàng tiềm năng, đối tác, nhà đầu tư, người được chuyển giao quyền, v.v.). Ngoài việc cung cấp thông tin, nhiều doanh nghiệp cũng đang sử dụng trang web của mình để thực hiện việc kinh doanh thương mại trực tuyến.
Trong bài viết này sẽ giới thiệu đến các bạn những khái niệm cốt yếu nhất khi doanh nghiệp của bạn kinh doanh trên môi trường mạng, các bạn cần hiểu được các khái niệm cơ bản về tên miền, về nội dung của một trang web và quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) có liên quan, cụ thể là nhãn hiệu trong quá trình kinh doanh thương mại trực tuyến. Thông tin trong bài được dịch và biên soạn dựa trên ấn phẩm “HANDBOOK ON IP COMMERCIALISATION Strategies for Managing IPRs and Maximising Value - Sổ tay về thương mại hóa Sở hữu trí tuệ, chiến lược quản trị tài sản trí tuệ và tối đa hóa giá trị”
1. Tên miền
Giống như trong thế giới thực, doanh nghiệp của bạn cũng có thể có một "địa chỉ" trong thế giới trực tuyến, thành phần chính của địa chỉ trực tuyến này được gọi là “tên miền” (tức là những từ sau các ký tự www. và trước phần mở rộng .com, .org, .mã quốc gia, v.v.). Về mặt kỹ thuật, máy tính sử dụng địa chỉ giao thức Internet là một chuỗi số 1 và số 0. Việc nhớ cả chuỗi số này đối với nhiều doanh nghiệp khác nhau, sẽ là một nhiệm vụ bất khả thi. Vì vậy, khoa học đã đưa ra giải pháp và tạo ra tùy chọn để chuyển đổi các con số này thành tên, có thể dễ dàng ghi nhớ hoặc liên kết với công ty tương ứng. Tập đoàn Internet cấp số và tên miền (“ICANN”), một tổ chức toàn cầu, chịu trách nhiệm quản lý chính về kỹ thuật của hệ thống tên miền.
Tên miền trở thành sự nhận diện doanh nghiệp của bạn trong kinh doanh trực tuyến. Ở bước đầu tiên, bất kỳ ai cố gắng tìm kiếm bạn trực tuyến sẽ nhập tên công ty của bạn hoặc tên sản phẩm hoặc các dịch vụ của bạn vào công cụ tìm kiếm với hy vọng rằng các tên đó tương ứng với tên miền của bạn.
Làm thế nào bạn có thể đăng ký một tên miền? Bạn nên sử dụng tên nào để giúp cho sự nhận diện doanh nghiệp một cách nguyên bản và hợp lệ? Điều gì sẽ xảy ra nếu ai đó bắt đầu sử dụngtên miền trùng hoặc tương tự của bạn? Dưới đây là các câu trả lời cho các câu hỏi nêu trên:
Chọn tên miền cho doanh nghiệp của bạn
- Mặc dù có vẻ rất dễ dàng để chọn một tên miền, nhưng bạn cần phải thận trọng khi lựa chọn một tên cụ thể. Cái tên này sẽ đại diện cho bạn với thế giới. Bạn có thể bắt đầu quá trình chọn tên miền ngay cả trước khi đăng ký công ty và nhãn hiệu của mình.
- Tên miền có thể là sự kết hợp bất kỳ của các chữ cái và/ hoặc chữ số. Một doanh nghiệp có thể tùy chọn sự kết hợp tên miền với các phần mở rộng khác nhau như .com, .org, .net, v.v. Do đó, doanh nghiệp có thể tự do chọn tên, số hoặc sự kết hợp bất kỳ để định dạng danh tính của mình trên internet.
- Tùy thuộc vào việc lựa chọn, bạn có thể chọn một tên chung hoặc một tên riêng và có thể là tên tự đặt. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng nếu muốn có tên miền tương ứng với nhãn hiệu của mình, thì tốt hơn là nên sử dụng một tên miền có khả năng phân biệt, vì các tên chung trong hầu hết các trường hợp không thể được đăng ký làm nhãn hiệu.
- Trong khi hoàn tất việc lựa chọn tên miền mới của mình, bạn phải kiểm tra xem nó không phải là nhãn hiệu đã được người khác sử dụng. Theo luật pháp ở nhiều nơi, việc đăng ký nhãn hiệu của người khác dưới dạng tên miền bị coi là vi phạm, mà có thể bị phạt và cũng có thể dẫn đến việc chuyển nhượng tên miền của bạn.
Hành động đăng ký một cách thiếu thiện chí nhãn hiệu của người khác làm tên miền được gọi là “chiếm dụng tên miền”. Khi chắc chắn rằng tên miền mà bạn đề xuất không xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của người khác, thì bạn phải kiểm tra xem nó có phải là đã được đăng ký và sử dụng bởi một người hoặc công ty khác hay không. Việc tìm kiếm này là miễn phí, dễ dàng và có sẵn bằng cách sử dụng một trong số các trang web của công ty đăng ký tên miền hoặc tại trang web của ICANN.
- Tránh sử dụng vị trí địa lý, tên hoặc địa chỉ của tổ chức khác làm tên miền của bạn.
- Hãy suy nghĩ một cách cẩn thận quá trình lựa chọn này. Điều này có thể mất một chút thời gian, nhưng nó sẽ là một phần xác định danh tính của bạn trong một thời gian dài, và trong hầu hết các trường hợp, trong toàn bộ thời gian của công ty bạn. Do đó, hãy chọn một cái tên đơn giản có thể dễ nhớ (cũng như dễ viết và dễ đọc). Nó phải liên quan một cách rõ ràng đến doanh nghiệp của bạn; nó phải đủ phân biệt để bạn có thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu nếu bạn muốn.
Làm thế nào để đăng ký một tên miền?
- Đăng ký tên miền là một công việc khá nhanh chóng và dễ dàng. Có nhiều nhà đăng ký tên miền cung cấp dịch vụ đăng ký tên miền. Bạn có thể dễ dàng xác định vị trí của các nhà đăng ký tên miền này trực tuyến. Nên chọn trong nước hoặc khu vực của bạn.
- Mỗi trang web của nhà đăng ký tên miền đều cung cấp cho bạn một tùy chọn để tìm kiếm tên miền muốn đăng ký. Nếu tên miền có sẵn, bạn sẽ được yêu cầu cung cấp một số chi tiết chung nhất định như tên, địa chỉ, số điện thoại của mình, v.v... Khi quá trình này hoàn tất, bạn sẽ phải thanh toán trực tuyến một số tiền nhỏ là lệ phí đăng ký. Phí rất đa dạng: có thể thay đổi theo thời gian, khác nhau giữa nhà đăng ký này với nhà đăng ký khác và giữa các tên miền khác nhau.
-Nói chung, một tên miền được đăng ký trong một khoảng thời gian cụ thể, sau đó bạn sẽ phải gia hạn bằng cách trả phí gia hạn.
Làm thế nào để bảo vệ nhãn hiệu của bạn khỏi ai đó sử dụng nó làm tên miền?
-Ai đó có thể đang sử dụng tên miền tương ứng với nhãn hiệu một cách vô tình mà không biết, hay cũng có thể tìm thấy nhiều người không trung thực tham gia vào việc “chiếm dụng tên miền” nhằm mục đích bán lại tên miền cho bạn.
-Bạn phải thường xuyên kiểm tra xem đã có ai sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự với các nhãn hiệu của bạn. Điều này là không khó: chỉ cần tìm kiếm thường xuyên trên công cụ tìm kiếm internet các nhãn hiệu của mình và xem những gì xảy ra.
Trang thư viện điện tử của Cục Sở hữu trí tuệ: www.iplib.noip.gov.vn
Trang thư viện điện tử do WIPO tài trợ: http://wipopublish.noip.gov.vn/
- Trong trường hợp bắt gặp một tên miền giống với nhãn hiệu của mình, hoặc tương tự gây nhầm lẫn, hoặc quá giống với tên miền của mình, bạn nên cảnh giác và sẵn sàng hành động. Bước đầu tiên, bạn cần kiểm tra thông tin tên miền đó tại ‘WHOIS’. Điều này sẽ cung cấp cho bạn tên, địa chỉ và thông tin liên hệcủa người đã đăng ký tên miền đó.
- Sau đó, bạn hoặc luật sư của mình có thể chọn liên hệ với người đó và thông báo về việc sử dụng nhãn hiệu của mình và yêu cầu chuyển tên miền cho bạn hoặc đơn giản là yêu cầu hủy bỏ nó. Trong trường hợp người đó từ chối yêu cầu, bạn có thể làm theo một thủ tục trực tuyến đơn giản do Ban Giải quyết tranh chấp tên miền của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) quản lý, trong đó chuyên gia độc lập sẽ quyết định xem tên miền đó sẽ được trả lại cho bạn hay sẽ bị hủy. Quy trình này có sẵn tại: https://www.wipo.int/amc/en/domains/.
2. Trang web
- Trong khi đang phát triển trang web của mình, hãy đảm bảo rằng bạn sở hữu nội dung có trên trang web của mình và các quyền SHTT có trong đó hoặc được liên kết với nó. Phù hợp với trang web và phù hợp với doanh nghiệp của mình, bạn có thể sử dụng hình ảnh, văn bản, tài liệu, cơ sở dữ liệu, liên kết, nhạc, video, công cụ kỹ thuật, v.v… Chúng có thể được bảo vệ bằng quyền SHTT của bên thứ ba. Điều này có nghĩa là bạn không thể sử dụng chúng, trừ khi mình có độc quyền hoặc được phép bằng văn bản từ chủ sở hữu quyền. Hãy nhớ rằng: hầu hết những thứ có sẵn trực tuyến KHÔNG miễn phí bản quyền!
- Thực tế phổ biến là bạn không sở hữu 100% nội dung có thể truy cập được trên trang web của mình. Trong hầu hết các trường hợp, việc phát triển một trang web do một cá nhân hoặc công ty phát triển, nhà phát triển thường xuyên sử dụng nội dung của người khác. Tuy nhiên, trong tất cả các trường hợp, thì đều cần phải có sự ủy quyền của chủ sở hữu hợp pháp đối với các nội dung này.
- Ví dụ, nếu bạn thuê một đại lý chuyên nghiệp phát triển trang web của mình, hãy đảm bảo rằng bạn ký một thỏa thuận rõ ràng với đại lý đó, đề cập một cách rõ ràng rằng quyền SHTT bất kỳ phát sinh từ công việc của họ, mà đang được bạn trả công, chính là của bạn.
- Việc bảo trì và các cập nhật có thể có của trang web này cũng phải được đồng ý bởi cả hai bên trong cùng một thỏa thuận. Việc bảo trì trang web bao gồm các thay đổi, cập nhật, khắc phục sự cố hoặc sửa chữa.
- Điều khoản bảo mật cũng nên được thêm vào thỏa thuận này để đảm bảo không bộc lộ thông tin bí mật về doanh nghiệp của mình mà bạn có thể đưa ra trong quá trình tạo trang web.
- Trong trường hợp đang sử dụng quyền SHTT của bên thứ ba, hãy đảm bảo rằng bạn có tất cả quyền cần thiết bằng văn bản từ họ. Điều này có thể ở dạng thư đồng ý hoặc một thỏa thuận chỉ rõ những gì bạn có thể và không thể làm với quyền SHTT của họ.
- Mặc dù nội dung gốc xuất hiện trên trang web của bạn được tự động bảo hộ theo luật Bản quyền, bạn nên chèn một thông báo bản quyền trên trang web chỉ ra rằng nội dung có sẵn trên trang web của mình được bảo vệ quyền SHTT và không người nào có thể sử dụng nó mà không được bạn cho phép. Thông báo bản quyền như vậy thậm chí có thể được đặt ở cuối mỗi trang web, để nhắc nhở người dùng một cách rõ ràng rằng bạn là chủ sở hữu độc quyền của nội dung, định dạng, giao diện của trang web của mình. Thông báo này có thể chỉ ra tên của người liên hệ trong trường hợp cần xin phép.
- Bạn cũng có thể kiểm soát quyền truy cập vào các phần cụ thể của trang web của mình bằng cách mã hóa, thỏa thuận trực tuyến, hoặc hệ thống truy cập có điều kiện. Để phát hiện vi phạm trang web của mình, bạn có thể lấy một đoạn văn bản ngẫu nhiên từ trang web của mình và tìm kiếm các phần này bằng cách sử dụngcông cụ tìm kiếm bất kỳ trên internet.
- Như đã nêu, những thứ có sẵn miễn phí và có thể tải xuống trên Internet vẫn có thể được bảo vệ bởi quyền SHTT.Việc chỉ ghi nhận nguồn có thể là không đủ, cụ thể là nếu bạn sử dụng chúng nhằm mục đích thương mại và vì lợi nhuận. Bạn cần được phép của chủ sở hữu quyền để sử dụng chúng.
- Tương tự, việc cung cấp liên kết và liên kết sâu (tức là liên kết đến các trang cụ thể của các bên thứ ba khác với trang hiện tại) đến các trang web hoặc tác phẩm khác có thể là một hành vi xâm phạm quyền SHTT. Do đó, việc xin phép sử dụng liên kết là rất nên làm.
- “Gắn thẻ meta” là các cụm từ có trong mã HTML của trang web, người truy cập không nhìn thấy được, nhưng có thể đọc được bởi một số công cụ tìm kiếm. Không nên sử dụng các từ giống như từ ngữ của các công ty cạnh tranh trong thẻ meta để hướng khách truy cập đến trang web của mình nhằm đánh lừa họ. Điều này có thể dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh hoặc xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.
3. Hãy thận trọng khi bộc lộ sản phẩm của bạn trên Internet
Trên môi trường internet, bạn phải quyết định điều gì nên hay không nên hiển thị cho thế giới. Quyết định này là rất quan trọng, đặc biệt là trong một số trường hợp nó có thể có hậu quả pháp lý liên quan chính đến các tài sản trí tuệ của bạn. Do đó, việc các quyền SHTT của bạn được bảo vệ hợp lệ trước khi bộc lộ sản phẩm của mình trênInternet là điều quan trọng.
Ở nhiều quốc gia, việc bộc lộ công khai sáng chế của mình (ngay cả trong một khoảng thời gian rất ngắn) có thể là căn cứ để từ chối đơn đăng ký sáng chế của bạn hoặc làm mất hiệu lực bằng độc quyền sáng chế của bạn. Hãy cẩn thận để không “giết chết” tính mới sáng chế của bạn! Tương tự, nếu bạn có Bí mật kinh doanh bất kỳ, hãy cẩn thận không bộc lộ chúng trên trang web của bạn. Bí mật kinh doanh bị mất sự bảo vệ vào thời điểm mà chúng được bộc lộ cho công chúng. Vì vậy, bạn hỏi ý kiến luật sư về những gì nên và những gì không nên bộc lộ trên trang web.
Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2019:
“Điều 60. Tính mới của sáng chế
1. Sáng chế được coi là có tính mới nếu chưa bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên”
4. Sử dụng nhãn hiệu trên Internet
Nói chung, không có hạn chế nào đối với việc sử dụng nhãn hiệu của bạn trên trang web của mình. Nó có thể được sử dụng như bạn sử dụng nó trong thực tế. Tuy nhiên, bản chất của Internet tạo ra một sự khác biệt nhỏ nhưng đáng kể mà bạn cần phải cẩn thận. Bạn cần biết rằng tất cả các quyền SHTT đều có tính chất lãnh thổ. Ví dụ, nhãn hiệu chỉ được bảo hộ ở các quốc gia nơi nhãn hiệu đó được đăng ký. Nói cách khác, các nhãn hiệu giống nhau hoặc tương tự có thể được đăng ký ở các quốc gia khác nhau bởi các chủ thể khác nhau. Do vậy, ngay khi thông tin nhãn hiệu của bạn được bộc lộ ở nước bạn, thì ở bất cứ nước nào khác họ có thể dùng chính nhãn hiệu của bạn để đăng ký cho các sản phẩm của họ trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu của bạn. Điều này có thể bất lợi cho công ty của bạn sau này khi xuất khẩu hàng hóa sang chính nước này. Do vậy, nếu nghĩ rằng nhãn hiệu của mình đang trở nên phổ biến ở các quốc gia khác hoặc nếu có kế hoạch để mở rộng hoạt động kinh doanh của mình sang các quốc gia khác, bạn nên tiến hành ngay lập tức việc đăng ký nhãn hiệu của mình ở tất cả các nước đó. Việc đăng ký nhãn hiệu không quá đắt ở hầu hết các quốc gia, đặc biệt nếu bạn sử dụng hệ thống Madrid để đăng ký quốc tế nhãn hiệu.
Xem toàn văn ấn phẩm “HANDBOOK ON IP COMMERCIALISATION Strategies for Managing IPRs and Maximising Value - Sổ tay về thương mại hóa Sở hữu trí tuệ, chiến lược quản trị tài sản trí tuệ và tối đa hóa giá trị”.
Trung tâm thông tin Sở hữu công nghiệp (nguồn: sưu tầm)