“Start-up” và câu chuyện về tài sản trí tuệ.

(PLBQ). Tại Việt Nam hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo ngày càng phát triển mạnh mẽ và không ngừng nhận được những ủng hộ tích cực từ dư luận. Đa phần đối tượng hướng đến là thành lập doanh nghiệp và chủ yếu là các bạn trẻ, đã hoặc chưa được đào tạo về chuyên môn cũng như kiến thức chuyên nghiệp. Bởi vậy để khởi nghiệp diễn ra thuận lợi, cầu toàn về mọi mặt thì không phải chủ thể nào cũng làm được điều đó.

Đa phần nhóm khởi nghiệp đều đang chú trọng chủ yếu đến gọi vốn đầu tư, tìm kiếm nhân lực, hoàn thiện chiến lược kinh doanh nhưng lại không để ý đến việc bảo hộ Sở hữu trí tuệ (SHTT)  hay còn vì một vài lí do mà “ngại” đăng ký

https://luatsohuutritue.com.vn/van-de-bao-ve-quyen-so-huu-tri-tue-tai-cac-start-up/

Tài sản trí tuệ là gì? Vai trò của Sở hữu trí tuệ?

Tài sản trí tuệ là một loại tài sản thuộc nhóm tài sản vô hình. Có nhiều trường hợp tài sản trí tuệ được định giá trị nhiều hơn tài sản hữu hình, sử dụng nhiều càng đem hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao. Bởi vậy chiếm tỉ trọng ngày càng lớn trong tổng giá trị tài sản của mỗi doanh nghiệp.

Tài sản trí tuệ bao gồm 3 nhóm chính:

Nhóm 1: Gồm các đối tượng sở hữu trí tuệ mà quyền sở hữu được xác lập không cần đăng ký như: Tên thương mại, bí mật kinh doanh, nhan hiệu nổi tiếng.

Nhóm 2: Các đối tượng sở hữu trí tuệ mà được xác lập thông qua đăng ký như: Sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, quyền tác giả, phần mềm, thiết kế bố mạch, giống cây trồng và vật nhân giống.

Nhóm 3: Các đối tượng thuộc các nguồn vốn trí tuệ khác: Đội ngũ nhân viên, mối quan hệ kinh doanh, danh mục khách hàng, tên miền.

Vai trò của SHTT

Quyền sở hữu trí tuệ có vai trò ngày càng quan trọng trong việc định hình và cụ thể hóa các tri thức. Các giá trị gia tăng mà tài sản trí tuệ mang lại cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, xã hội ngày càng cao.

Đơn cử như tại Mỹ, chỉ một vài thập kỷ trước, tài sản vô hình như SHTT chỉ chiếm khoảng 20% tài sản doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến năm 2005, tỷ lệ tài sản vô hình của doanh nghiệp đã tăng lên, chiếm khoảng 80% và đến năm 2015, con số này là 87%.

Việc bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ thúc đẩy các hoạt động đầu tư, sáng tạo, đóng góp vai trò to lớn trong sự phát triển nền văn minh xã hội loài người như: Phát triển khoa học công nghệ, Phát triển kinh doanh, xuất nhập khẩu, góp vốn bằng quyền SHTT. Điều chỉnh sản phẩm, kiểu dáng, thương hiệu và bao bì thích ứng với thị trường mới, doanh nghiệp nhận li-xăng, tránh các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, sao chép, giả mạo của người khác…

Doanh nghiệp khởi nghiệp và những cái “ngại” về xác lập quyền SHTT

Phần lớn các start-up còn chưa có nhiều kiến thức về SHTT.

Bước đầu khi các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ gặp không ít khó khăn và một trong số đó là việc chưa nắm rõ, chắc kiến thức về nhận diện và đánh giá các tài sản trí tuệ, bởi đây là khâu vô cùng quan trọng quyết định tiềm lực về tài sản trí tuệ của mỗi doanh nghiệp.

Theo số liệu thống kê được từ cục SHTT cho thấy đến 80% doanh nghiệp khởi nghiệp chưa hiểu rõ về SHTT cũng như tầm quan trọng của nó trong khởi nghiệp. Đây có lẽ là lí do chính  dẫn đến các start-up ít chú trọng đến việc đăng ký bảo hộ SHTT cũng như biết cách quản trị thương hiệu. Câu chuyện còn đặt ra, khi có tranh chấp về kiện tụng các start-up dễ gặp khó khăn trong quá trình giải quyết.

Bên cạnh đó cũng không thể bỏ qua được việc đăng ký trải qua thủ tục khá phức tạp, tốn kém phải chờ đợi. Thêm vào đó hiện nay pháp luật không bảo hộ về ý tưởng sáng tạo, ý tưởng kinh doanh nên có thể một số doanh nghiệp ngại đăng ký tránh gặp phải những rủi ro, bị lộ bí mật kinh doanh, giải pháp công nghệ.

Ví dụ thực tiễn

Một doanh nghiệp start-up (giấu tên) có ý tưởng về phần mềm phục vụ pha chế, gọi món tại các cửa hàng ăn uống, nhà hàng (lĩnh vực phần mềm hay app di động cũng đang vô cùng phổ biến trông cộng đồng start-up). Ý tưởng thực tiễn này đã giành nhiều giải cao tại các cuộc thi về khởi nghiệp.Tuy nhiên, sau khi sản phẩm đã hoàn thiện, bắt đầu tiến hành kêu gọi đầu tư và thành lập doanh nghiệp thì mới ngỡ ngàng phát hiện ra là phần mềm của mình đã bị một nhóm khác làm giống y hệt và đăng tải nhiều trên các báo chí.  Lúc này nếu không nhanh tay tiến hành bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thì nguy cơ mất trắng là rất cao. Một thành viên của doanh nghiệp này chia sẻ: “Trước khi thành lập doanh nghiệp thì một số thành viên cũng đã nghĩ đến việc đăng ký bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhưng vì quá nhiều việc bận rộn và nguồn vốn lúc đầu còn hạn hẹp nên nghĩ cũng không sao và cứ gác chuyện hồ sơ đăng ký qua một bên. Đến lúc ý tưởng bị “đánh cắp”, mọi người mới tá hỏa lên không biết phải làm sao đành chạy khắp nơi cầu cứu người quen xin giải quyết. Rất may nhờ sự trợ giúp của nhiều phía mà doanh nghiệp đã nhanh tay xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho phần mềm của mình trước bên kia.”

Doanh nghiệp nên làm gì?

Trước những cái “ngại” trên doanh nghiệp vẫn nên là phải đăng ký bảo hộ về SHTT vì gạt bỏ những rủi ro đó thì lợi ích của việc này là rất lớn.

  • Bảo vệ quyền lợi đối với các đối thủ cạnh tranh, an toàn khi chuyển giao công nghệ.
  • Dễ dàng tiếp cận nhà đầu tư hay thuận tiện trong việc góp vốn bằng SHTT.

Vì vậy, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nên đăng ký bảo hộ quyền SHTT sớm nhất có thể. Thêm vào đó là việc trau dồi kiến thức một cách cẩn thận nắm rõ, hiểu sâu về SHTT sẽ là bàn đạp, nền tảng không chỉ giúp ích trong việc bảo hộ mà còn rất nhiều vấn đề cần thiết để mở rộng, phát triển kết nối với các đối tác.

Việc tự bảo vệ mình và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp start-up trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.Đừng chỉ vì thờ ơ, lơ là mà lại trở thành mối nguy hiểm.

HỒNG VUI

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.