>> Bài học gì từ sự kiện thương hiệu sữa đậu nành Soya Garden đóng 80% số cửa hàng chỉ sau 2 năm mở rộng?
>> Bài học về gìn giữ tên thương hiệu qua câu chuyện của bóng đèn phích nước Rạng Đông
>> Bài học hữu ích cho các thương hiệu trong hành trình phát triển với nhiều dấu ấn đậm nét của Starbucks
Câu chuyện liên quan đến ổ bánh mỳ ô môi Huynh Hoa “hot” nhất nhì Sài thành…
Lịch sử của thương hiệu bánh mỳ Huynh Hoa lâu năm…
Thương hiệu bánh mỳ Huynh Hoa thường được người dân quen gọi là Huỳnh Hoa được ra đời từ năm 1989 đến nay đã được hơn 30 năm bởi bà Huynh và bà Hoa. Lúc đầu, hai người còn bán bánh bằng chiếc xe đẩy ngoài mặt đường lớn ngay vòng xoay ngã 6 Phù Đổng với những chiếc bánh tiêu, bánh quẩy và bánh mì không có giá dao động từ 2.500-3.000 đồng/ổ.
Ngày một phát triển và đã được đăng ký nhãn hiệu dưới tên Bánh mì HUYNH HOA, bánh mỳ Huynh Hoa có cửa tiệm đầu tiên tại 26 Lê Thị Riêng, phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh và trong năm 2021, đã có thêm cửa tiệm thứ hai tại 02 Cách Mạng tháng Tám, Phường Bến Thành, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, nhân viên mặc đồ có nhận diện thương hiệu màu vàng đỏ.
Bánh mỳ Huynh Hoa nổi tiếng (Ảnh: Soha)
Bánh mỳ Huynh Hoa nổi tiếng từng được xuất hiện trên tờ báo Hong Kong South China đặc trưng nặng trịch với nhân đầy ắp đủ các loại như chả, pate, thịt đỏ, giò lụa, bơ, ruốc…và có giá tăng liên tục theo từng năm, lên mức hơn 40.000 đồng/ổ và sau dịch tăng vọt lên 58.000 đồng. Tiệm bánh luôn ở trong tình trạng đông khách thậm chí cần xếp hàng để mua được bánh.
Năm 2021, theo nhiều nguồn tin từ người cung cấp chả thịt của Huynh Hoa vì vấn đề cá nhân, bà Huynh và bà Hoa đã không hợp tác làm ăn nữa, phía bà Hoa đã thỏa thuận giao cho bà Huynh 1,3 tỷ đồng để rời khỏi thương hiệu nổi tiếng này.
Sự xuất hiện của bánh mỳ Huỳnh Hoa với danh xưng bánh mỳ ô môi Bà Huynh được tách ra từ Huynh Hoa…
Giữa tháng 12/2021, tại Cư Xá Đô thành, Phường 4, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, một tiệm bánh mỳ ô môi bà Huynh (gốc Huỳnh Hoa) đã đăng ký nhãn hiệu dưới tên Bánh mì HUỲNH HOA ra đời với dòng trạng thái trên Fanpage “Bánh mì ô môi đã không còn hương vị như trước. Bởi vì hai người đã chia tay. Bà Hoa đã lấy tất cả cửa hàng và thương hiệu Huynh Hoa. Còn Huynh sẽ làm lại thương hiệu bánh mì ô môi Bà Huynh” thu hút sự quan tâm của người dân Sài Gòn. Cửa tiệm cũng đưa ra chương trình khuyến mãi “mua 1 tặng 1”, chỉ trong ngày đầu khai trương cửa tiệm đã bán được 2.000 ổ bánh, bán từ 5 giờ đến 15 giờ hơn là hết sạch.
Bánh mỳ ô môi Bà Huynh khai trương (Ảnh: Afamily)
So với giá của bánh mỳ Huynh Hoa lâu năm, bánh mỳ ô môi Bà Huynh có giá thấp hơn 45.000 đồng/ổ lớn và 35.000 đồng/ổ nhỏ.
Chia sẻ về sự ra đời của tiệm bánh mỳ bà Huynh, anh Đạt chủ tiệm có nói tiệm bánh mỳ bà Huynh tách ra từ bánh mỳ Huynh Hoa, anh đã hợp tác làm ăn với tiệm Huynh Hoa nhiều năm, trong đó nhiều nguyên liệu do anh cung cấp. Tách ra cũng có nội tình bên trong nhưng nói chung Huynh, Hoa không còn gắn bó nữa. Bà Huynh là dì bên vợ của anh Đạt. Anh Đạt bức xúc nên ra bán luôn, cạnh tranh luôn không kiêng nể gì ai hết.
Thương hiệu bánh mỳ lâu năm Huynh Hoa (do bà Hoa làm chủ) lên tiếng và những quan điểm xung quanh việc tiệm bánh mỳ bà Huynh có thật sự được tách ra từ bánh mỳ Huynh Hoa và do bà Huynh làm chủ…
Về phía tiệm bánh mì Huynh Hoa (do bà Hoa làm chủ) hiện vẫn chưa lên tiếng xác nhận về thông tin "nguồn cung chả" của anh Đạt. Duy chỉ có thông tin tiệm này cảnh báo giả mạo tới khách hàng trên Fanpage.
Bánh mì Huynh Hoa thông tin về tình trạng giả mạo (Ảnh: Facebook Bánh mỳ Huynh Hoa)
Mặc dù có một tiệm bánh mỳ khác ra đời với khẳng định được tách ra từ Huynh Hoa với thành phần, nguyên liệu bánh y hệt nhưng bánh mì Huynh Hoa (do bà Hoa làm chủ) vẫn chứng tỏ được sức nóng không hề giảm nhiệt khi khách hàng đến mua bánh vẫn rất đông và thậm chí còn đông hơn bình thường.
Về phía tiệm bánh mỳ ô môi bà Huynh mới ra đời, nhiều người đã đặt ra dấu hỏi liệu bà Huynh có là chủ thật sự của tiệm bánh này bởi chủ quán là một cặp vợ chồng khác. Nhiều nguồn tin cho hay nội tình thật sự do cặp vợ chồng này là nguồn cung nguyên liệu cho bánh mỳ Huynh Hoa (bà Hoa làm chủ) nhưng do bánh mỳ Huynh Hoa (bà Hoa làm chủ) muốn mở rộng quy mô kinh doanh, không muốn chỉ lệ thuộc vào một người nên đã "câu người" của cặp vợ chồng về làm nguyên liệu cho họ. Cặp vợ chồng cho rằng đây là hành động không thể nào chấp nhận và đây có lẽ là nguyên nhân của việc ra mắt thương hiệu "Bánh mì ô môi bà Huynh".
Từ những tình tiết trên, hai luồng giả thuyết đang được đặt ra:
Giả thuyết 1: Bà Huynh đã hợp tác cùng vợ chồng người cung cấp nguyên liệu - người đang có xích mích với bánh mỳ Huynh Hoa và lập nên thương hiệu bánh mì "bà Huynh”.
Giả thuyết 2: Một số giả thuyết đã đặt ra rằng bà Huynh hoàn toàn không liên quan gì tới vụ việc trên và bà cũng không phải chủ tiệm thật sự, vì vợ chồng cung cấp nguyên liệu xích mích với bánh mỳ Huynh Hoa, mất đi mối làm ăn - cung ứng thịt chả nên mới đứng ra lập thương hiệu riêng và mượn tên của bà Huynh để PR cho tiệm?
Trước những sự kiện xoay quanh bánh mỳ Huynh Hoa, có thực khách chia sẻ rằng hiệu ứng của mạng xã hội đẩy câu chuyện đi xa, sự tò mò của mọi người tới mua khiến tiệm bánh lộn xộn nhưng thương hiệu này thật sự thân thuộc, dễ biết, dễ nhớ với dân Sài Gòn hay có chia sẻ khác rằng những ồn ào vừa qua có thể "giết chết" một thương hiệu bánh mì có tiếng bởi Huynh Hoa vẫn là một tiệm bánh quen thuộc nên thông tin thương hiệu chia đôi khiến mọi người tò mò, bản thân thực khách còn hơi thấy tiếc vì tiệm bánh quen thu hút những tin tức tiêu cực như những ngày vừa qua, chỉ sợ sau thời điểm này, nhắc tới Bánh mì Huynh Hoa, người ta chỉ nhớ tới những chuyện bên lề, tin đồn, chứ không phải vì một món ăn rất Sài Gòn…
Bài học gì cho các thương hiệu từ câu chuyện liên quan đến ổ bánh mỳ
Qua việc điểm lại những chi tiết quan trọng trong câu chuyện liên quan đến bánh mỳ Huynh Hoa dù có thể không rõ hết được nội tình bên trong hay trả lời chính xác được câu hỏi liệu tiệm bánh mỳ bà Huynh có thật sự được tách ra từ bánh mỳ Huynh Hoa và do bà Huynh làm chủ… nhưng chắc hẳn từ câu chuyện trên mà nhiều bài học mới cần được các thương hiệu lưu tâm:
Thứ nhất, bài học về việc việc hợp tác kinh doanh giữa những người chủ trong việc phát triển thương hiệu. Có thể nói, khi một thương hiệu mới được tạo dựng việc hợp tác làm ăn chung giữa những người cùng ý chí sẽ mang lại cho thương hiệu rất nhiều điểm lợi từ nguồn vốn, quy mô, ý tưởng phát triển thương hiệu… Tuy vậy, những rủi ro là không thể tránh khỏi trong quá trình kinh doanh, như những người đồng sáng lập không thống nhất được con đường phát triển thương hiệu, những mâu thuẫn phát sinh, sự tác động của các yếu tố khách quan khác… như trong câu chuyện bánh mỳ Huynh Hoa kể trên.
Chính vì thế, khi hợp tác phát triển thương hiệu cần xác định được những rủi ro từ đầu, có phương án giải quyết rủi ro và những phương án trong trường hợp xấu nhất là thương hiệu bị “chia cắt” để tránh đi những tác động tiêu cực đến thương hiệu, đảm bảo lợi ích tối đa cho các bên.
Thứ hai, bài học về thực hiện chiến lược marketing. Một chiến lược marketing thông minh, phù hợp sẽ thúc đẩy thương hiệu vươn xa và ngược lại có thể dẫn đến sự chấm dứt của thương hiệu. Trong câu chuyện bánh mỳ ô môi kể trên, chưa thể xác định đây có phải một phương thức marketing của các nhân vật trong nội tình câu chuyện hay không nhưng rõ ràng cả hai thương hiệu bánh Huynh Hoa cũ và Bà Huynh đều nhận được sự tò mò, quan tâm rất lớn từ phía các thực khách khiến cho thương hiệu nổi tiếng hơn, đạt được doanh số cao hơn. Mặc dù, xung quanh đó vẫn có những luồng ý kiến rằng sự kiện kể trên sẽ khiến thu hút những tin tức tiêu cực khi nhắc tới bánh mì Huynh Hoa.
Thứ ba, bài học trong việc lưu tâm đến vấn đề nhân sự, đối tác kinh doanh. Trong câu chuyện bánh mỳ Huynh Hoa, theo lời kể của chủ tiệm bánh mỳ bà Huynh đã bị lấy mất người làm nguyên liệu từ chính đối tác của mình. Thực tế cho thấy rằng đây không phải là tình huống hy hữu trong quan hệ làm ăn kinh doanh xuất phát từ vấn đề lợi ích.
Từ đây, các thương hiệu cần lưu tâm khi lựa chọn, tuyển chọn nhân sự, đối tác và có các điều khoản ràng buộc trách nhiệm của các bên trong hợp đồng lao động, hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Thứ tư, các bài học khác liên quan đến chất lượng sản phẩm thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu, đính chính thông tin để bảo vệ thương hiệu trước những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển trong tương lai của thương hiệu. Trong câu chuyện bánh mỳ Huynh Hoa kể trên, có thể đánh giá tiệm bánh mỳ Huynh Hoa (do bà Hoa làm chủ) đang có cách xử lý tốt đảm bảo cho sự phát triển thương hiệu và dù có đối thủ cạnh tranh trực tiếp nhưng tiệm vẫn thu về lượng khách ổn định thậm chí tăng cao bởi chất lượng bánh mỳ được nhiều thực khách yêu thích, hài lòng. Yên tâm không bị xâm phạm và được bảo vệ trước pháp luật khi đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Huynh Hoa và lập tức có những thông tin đính chính để định hướng người tiêu dùng, giữ vững uy tín cho thương hiệu.
Lưu ý: Bài viết dựa trên thông tin thực tiễn và quan điểm khoa học, thực tiễn, không nhằm quảng bá cho bất kỳ, cá nhân tổ chức nào.
Nhật Vy