“Vũ trụ Marvel”, những bài học lớn từ tranh chấp bản quyền

Ky Anh

(PLBQ). Các tranh chấp lớn, thường xoay quanh các vi phạm hợp đồng, thỏa thuận bản quyền.

>> Bài học rút ra từ việc hợp tác thương hiệu

>> Bài học rút ra từ chiến lược định vị thành công thương hiệu của Vinfast

>> Bài học cho doanh nghiệp nhìn từ vụ việc tranh chấp nhãn hiệu Hảo Hảo – Hảo Hạng

Marvel – một bệ phóng của các bộ phim bom tấn về siêu anh hùng nhưng cũng không ít lần Marvel đã vướng vào những vụ tranh chấp bản quyền bạc tỷ kéo dài nhiều năm. Qua những vụ tranh chấp của Marvel, nhiều bài học được rút ra.

 

Vũ trụ Marvel và những lần đối diện tranh chấp bản quyền (Ảnh: Sohuutritue.net)

Vũ trụ Marvel và những lần đối diện tranh chấp bản quyền

Marvel và nguy cơ mất hàng loạt bản quyền siêu anh hùng

Mới đây nhóm người thừa kế di sản của tác giả truyện tranh huyền thoại Steve Ditko đã gửi hồ sơ thông báo chấm dứt hợp đồng lên Văn phòng Bản quyền Mỹ. Họ mong muốn thu hồi bản quyền nhân vật Spider-Man và Doctor Strange hiện do Marvel Entertainment nắm giữ.

Ngoài Spider-Man và Doctor Strange, trong hai năm tới, đế chế truyện tranh phải đối mặt với nguy cơ mất quyền sở hữu hàng loạt siêu anh hùng ăn khách khác như Iron Man hay Black Widow. Điều này kéo Walt Disney vào trận chiến pháp lý với người thừa kế của các họa sĩ truyện tranh nhằm bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp dàn nhân vật.

Marvel từng suýt mất bản quyền tất cả siêu anh hùng vào tay Sony

Cách đây 20 năm vào những năm của thập niên 90 là thời điểm đen tối của Marvel vì bế tắc trong kinh doanh, studio đứng bên bờ vực phá sản.

Vì vậy khi Sony liên lạc ngỏ lời mua bản quyền Spider-Man, Marvel đã đưa ra mức giá không tưởng cho bản quyền tất cả nhân vật của hãng là 25 triệu USD, chỉ bằng 1/7 kinh phí sản xuất phim Iron Man sau này. Dù vậy Sony vẫn kiên quyết từ chối thương vụ và chỉ bỏ ra 10 triệu USD để mua bản quyền Spider-Man.

Marvel và Disney bị tố đạo nhái trang phục nhiều thành viên Avengers nhưng đã thắng kiện

Người chính thức đệ đơn kiện là anh em Ben Lai và Raymond Lai, 2 nhà sáng lập của Horizon Comics, đã từng hợp tác với Marvel trong hai dự án Thor và X-Men.

Horizon Comics đã kiện Marvel với lý do đã tự ý sử dụng và đưa lên màn ảnh mà không hề có sự thảo luận, đàm phán hay chia sẻ lợi nhuận thỏa đáng. Họ cho rằng những bộ giáp của Iron Man, Ant-Man và nhiều thành viên Avengers khác đều là sản phẩm do công ty của họ tạo ra, đều có nét tương đồng với 1 nhân vật quân đội trong Radix 2 của Horizon và đặc biệt là bộ giáp trong bom tấn Iron Man 3 - “đặc biệt giống với trang phục của Caliban, một trong những nhân vật đã xuất hiện trong Radix 1”.

Đáng chú ý hơn nữa, vào năm 2013 (thời điểm Iron Man 3 ra mắt), anh em nhà Lai đã từng kiện Marvel với lý do tương tự sau khi poster của bộ phim này được công bố, để lộ rõ hình ảnh những bộ giáp mà Tony Stark chế tạo. Tuy nhiên, đến năm 2019, Marvel đã thắng vụ kiện này với kết luận từ thẩm phán J. Paul Oetken là “không có bằng chứng cụ thể nào cho thấy poster của Iron Man 3 sao chép lại từ những bức vẽ liên quan đến Caliban”.

Marvel thua kiện X-MEN tại Việt Nam – được xem là một trong những vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ kinh điển ở Việt nam

Công ty Marvel Characters Inc (chủ nhân của tác phẩm có nhân vật siêu nhân nổi tiếng X-MEN) đã thua kiện tại Việt Nam khi khởi kiện Cục Sở hữu trí tuệ về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa bảo hộ nhãn hiệu “X-MEN, hình” cho Công ty TNHH hàng gia dụng quốc tế (VN).

Marvel cho biết nhãn hiệu “X-MEN, hình” của Công ty hàng gia dụng quốc tế không đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ theo quy định của pháp luật, cụ thể là trùng/tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng “X-MEN” của Công ty Marvel đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi (điều 6.1.3, Nghị định 63/CP); trùng với hình tượng, tên nhân vật X-MEN thuộc quyền tác giả của Công ty Marvel vốn đã trở nên nổi tiếng trên thế giới (điều 6.1.h, Nghị định 63/CP); làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa đảo người tiêu dùng về xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị của hàng hóa, dịch vụ (điều 6.2.d, Nghị định 63/CP).

Tuy nhiên khi ra tòa, đại diện của Công ty Marvel chỉ chứng minh được X-MEN là tên gọi của nhóm siêu nhân và là tên tác phẩm nổi tiếng của Công ty Marvel được đăng ký bảo hộ cho nhóm 9 (đĩa, băng, trò chơi điện tử), 16 (truyện, truyện tranh), 25 (quần áo) và 28 (đồ chơi).

Lập luận về yếu tố gây hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa đảo người tiêu dùng về xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị của hàng hóa đã bị thẩm phán chủ tọa phiên tòa cho là quá chủ quan và không liên quan đến nội dung vụ án đang xem xét.

Bài học gì cho các thương hiệu từ những tranh chấp của Marvel?

Qua những vụ tranh chấp vừa kể trên, có thể thấy dù thắng kiện, thua kiện hay chưa có kết quả thì những vụ tranh chấp ít nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển trong tương lai, đến danh tiếng thương hiệu, đến tình hình tài chính của Marvel…Qua đó, các thương hiệu có thêm được những bài học và những điều cần lưu ý trong quá trình hoạt động, phát triển:

Thứ nhất, điều cần lưu ý liên quan đến các hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả. Trong tranh chấp kể trên của Marvel với nhóm người thừa kế di sản của tác giả truyện tranh huyền thoại Steve Ditko về việc chấm dứt quyền sở hữu của Marvel với dàn nhân vật, dù câu chuyện chưa ngã ngũ, nhưng chắc hẳn khiến các thương hiệu lưu ý hơn trong quá trình giao kết các điều khoản của hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả. Về nguyên tắc, sau khi tác giả - người đã giao kết hợp đồng chết thì những người thừa kế sẽ kế thừa các quyền và nghĩa vụ của tác giả trong hợp đồng.

Tuy nhiên, về bản chất thì hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả cũng mang tính chất dân sự, đề cao sự thỏa thuận giữa các bên. Do đó, khi giao kết hợp đồng các thương hiệu cần lưu ý đến các điều khoản của hợp đồng ở vấn đề thời hạn của hợp đồng. Việc thực hiện, chấm dứt hợp đồng sau khi tác giả chết. Việc thỏa thuận các điều khoản này cần có sự cân nhắc, tính toán các yếu tố, có sự ràng buộc nhất định, đảm bảo quyền lợi của các bên trên nguyên tắc tự nguyện, thiện chí.

Cũng chính Marvel trong một vụ tranh chấp khác với gia đình của Jack Kirby - đồng tác giả những bộ truyện về siêu anh hùng - khởi kiện, đòi bồi thường bản quyền cho những sáng tác của ông trong suốt khoảng thời gian từ năm 1958 đến 1963 nhưng Marvel đã thắng kiện do Colleen McMahon, vị thẩm phán tại tòa án khu vực ở New York đã dẫn chứng ra rằng Kirby (đã qua đời vào năm 1994) cũng đã ký kết một thỏa thuận bằng văn bản vào mùa xuân năm 1972 rằng ông không có quyền giữ lại quyền sở hữu các tác phẩm. Tất cả sáng tác của Kirby chỉ là “làm thuê” cho Hãng Marvel nên nó thuộc quyền sở hữu của Marvel.

Trong tình huống này Marvel đã có những điều khoản ràng buộc, thỏa thuận để bảo vệ quyền lợi cho mình. Đây là điều các thương hiệu nên học hỏi.

Thứ hai, điều cần lưu ý liên quan đến mối quan hệ giữa sự khủng hoảng của doanh nghiệp và việc bảo tồn giá trị, quyền sở hữu đối với thương hiệu. Trong quá trình hoạt động, phát triển việc các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ gặp thời kỳ khó khăn, khủng hoảng là điều không thể tránh khỏi. Lúc này để giải quyết bài toán tài chính thì những tài sản như bản quyền của thương hiệu đã mất công gây dựng sẽ là một trong những tài sản có giá trị, đắt giá nhất “cứu vãn” doanh nghiệp như Marvel trong trường hợp kể trên.

Tuy vậy, việc chuyển nhượng loại tài sản này với việc bán lại với giá rẻ, bị mất quyền sở hữu, công sức đã bỏ ra gây dựng một trong những loại tài sản có giá trị của doanh nghiệp, có thể quyết định đến sự sống còn của doanh nghiệp kèm theo với đó là rất nhiều hệ quả phía sau như việc chủ sở hữu mới có thể có những hành vi vô tình gây ảnh hưởng xấu đến thương hiệu, nếu người tiêu dùng chưa biết việc chuyển nhượng xảy ra thì có thể gây ảnh hưởng đến chủ sở hữu cũ…

Do vậy, khi doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng, việc cân nhắc, sử dụng hợp lý các biện pháp để “giải nguy” và phục hồi sau khủng hoảng là điều cần thiết. Nếu bắt buộc phải sử dụng các loại tài sản liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ hãy tính toán cẩn thận các yếu tố, có sự thông báo về sự chuyển nhượng, lường trước các rủi ro, phương án ứng phó với các rủi ro đó…

Thứ ba, bài học liên quan đến việc lường trước các yếu tố và giải quyết các yếu tố có thể dẫn đến tranh chấp; sự chuẩn bị cho các tranh chấp. Trong vụ tranh chấp của Marvel và Horizon Comics, Marvel đã thắng kiện. Mặc dù vậy, cần lưu ý rằng trong câu chuyện liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ việc tranh chấp về các yếu tố “có nét tương đồng”, có sự sao chép…giữa các tác phẩm khi tác phẩm mới ra đời là điều rất khó tránh khỏi; thậm chí các “đối thủ” sẵn sàng tìm ra các yếu tố để khởi kiện gây khó khăn cho doanh nghiệp. Điều doanh nghiệp cần làm là tạo ra các tác phẩm có chất lượng, của chính doanh nghiệp để dù có tình huống nào xảy ra thì sự chuẩn bị, các phương án ứng phó đã được xây dựng sẵn, việc sẵn sàng đối mặt, bình tĩnh trước các tranh chấp sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua.

Thứ tư, bài học liên quan đến việc khởi kiện bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp. Trong câu chuyện của Marvel với X-MEN tại Việt Nam, điều doanh nghiệp học được là việc sẵn sàng đứng lên để bảo vệ quyền, lợi ích của Marvel. Nhưng song song với đó, trong câu chuyện khởi kiện bảo vệ quyền lợi, doanh nghiệp cũng phải xem xét kỹ lưỡng các điều kiện thực tế của doanh nghiệp, yếu tố pháp lý…để quyền lợi của doanh nghiệp được đảm bảo tối ưu nhất./.

Lưu ý: Bài viết dựa trên thông tin thực tiễn và quan điểm khoa học, thực tiễn, không nhằm quảng bá cho bất kỳ, cá nhân tổ chức nào.

Nhật Vy

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.