Chủ tịch Hội Luật gia VN, TS. Nguyễn Văn Quyền: Giải quyết “điểm nghẽn” pháp lý cho thị trường BĐS du lịch, giảm thiệt hại cho doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư là nhu cầu bức thiết từ cuộc sống.

Đinh Văn Chiến

(Pháp lý) - Đó là thông điệp của Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, TS. Nguyễn Văn Quyền trong cuộc trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Pháp lý trước thềm Hội thảo “Thị trường bất động sản du lịch Việt Nam - Những nút thắt pháp lý, thực tiễn và giải pháp tháo gỡ” . Hội thảo do Hội Luật gia VN sáng kiến và chủ trì sẽ diễn ra ngày 6/5 tới đây tại Cam Ranh – Khánh Hòa.

anh-3-chu-quyen-1651048072.jpg
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, TS. Nguyễn Văn Quyền trao đổi với phóng viên

Hội Luật gia VN tích cực tham gia hoàn thiện hệ thống pháp luật,  tháo gỡ những “điểm nghẽn” pháp lý, góp phần phát triển kinh tế

Phóng viên:  Thưa Chủ tịch, những năm gần đây, giới Luật gia VN đã và đang tham gia tích cực vào công tác nghiên cứu, xây dựng và phản biện chính sách pháp luật, đặc biệt là chính sách pháp luật về đầu tư kinh doanh. Chủ tịch đánh giá thế nào về vai trò của việc hoàn thiện pháp luật đối với phát triển kinh tế nước ta hiện nay?

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, TS. Nguyễn Văn Quyền: Có thể khẳng định, pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển nền kinh tế. Pháp luật có đầy đủ, khách quan, chặt chẽ thì mới tạo ra được môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, an toàn… Những năm gần đây, Đảng, Quốc hội và Chính phủ luôn đặc biệt quan tâm cải cách chính sách pháp luật về kinh tế, tạo hành lang pháp lý để doanh nghiệp phát triển trong môi trường kinh doanh an toàn.

Mặc dù thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã có hàng loạt cải cách mạnh mẽ trong sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về đầu tư kinh doanh như Luật Đầu tư, Doanh nghiệp, Đất đai, Bất động sản, Chứng khoán… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hệ thống pháp luật vẫn đang tồn tại hạn chế. Trong đó phải kể đến những chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật; có những quy định pháp luật chưa phù hợp thực tiễn, khó thực hiện, thậm chí đang quá xa rời thực tế, không xuất phát từ thực tiễn. Hoặc thực tiễn phát triển sôi động nhưng pháp luật chưa theo kịp để điều chỉnh gây cản trở ách tắc cho phát triển. Tình trạng này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh. 

Chính vì vậy, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của nước ta có ý nghĩa quyết định trong công cuộc xây dựng đất nước, phát triển kinh tế xã hội.

Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đã nêu rõ: “tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường..., tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước” đồng thời tiếp tục “huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững; hoàn thiện hệ thống pháp luật… khắc phục những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của đất nước”.

Những định hướng lớn này cho thấy, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến việc khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời coi việc hoàn thiện hệ thống pháp luật là một trong những mục tiêu ưu tiên để hóa giải, tháo gỡ những “điểm nghẽn” của quá trình phát triển kinh tế xã hội.

Phóng viên: Mặc dù thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã có hàng loạt cải cách mạnh mẽ trong sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về đầu tư kinh doanh như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản, Chứng khoán… Tuy nhiên, trước thực tiễn phát triển sôi động cho thấy pháp luật chưa theo kịp để điều chỉnh một số lĩnh vực, gây cản trở ách tắc cho phát triển kinh tế. Tình trạng này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh.  Trong đó, đặc biệt chính sách, pháp luật về kinh doanh bất động sản nói chung, bất động sản du lịch hiện nay chưa đầy đủ, thiếu thống nhất trong áp dụng thực thi đã gây ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư kinh doanh bất động sản du lịch. Thực tế này khiến các doanh nghiệp bị ảnh hưởng về uy tín và thiệt hại về tài chính, đòi hỏi cần có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Với cương vị Chủ tịch HLGVN và dưới lăng kính của một người làm công tác pháp luật lâu năm, Chủ tịch có nhận xét đánh giá gì về chính sách pháp luật đối với phát triển BĐS du lịch của nước ta hiện nay ?

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, TS. Nguyễn Văn Quyền: Đúng vậy, trong những năm qua, phân khúc thị trường bất động sản du lịch phát triển vô cùng sôi động với nhiều sản phẩm bất động sản cao cấp như: Condotel, biệt thự nghỉ dưỡng… ra đời không chỉ đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí ngày càng cao của du khách mà còn tạo thêm nhiều cơ hội kinh doanh hấp dẫn cho các nhà đầu tư thứ cấp và người dân, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, là động lực quan trọng cho sự tăng trưởng của thị trường bất động sản nói chung.

Tuy nhiên, chính sách, pháp luật về kinh doanh bất động sản du lịch chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, chưa đồng bộ đang gây lúng túng cho công tác quản lý nhà nước về thị trường bất động sản ở các địa phương và là “điểm nghẽn” cho hoạt động đầu tư kinh doanh ở phân khúc bất động sản du lịch.

Để giúp các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản “gượng dậy”, phát triển sau đại dịch COVID -19; cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thị trường bất động sản thì việc bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật về kinh doanh bất động sản du lịch là rất cần thiết.

Đây là một trong những lý do mà Hội Luật gia VN sáng kiến và chủ trì Hội thảo “Thị trường bất động sản du lịch Việt Nam - Những nút thắt pháp lý, thực tiễn và giải pháp tháo gỡ”.

 

anh-1-1649747276-1651048127.jpg
Hội thảo “Thị trường bất động sản du lịch Việt Nam: Những nút thắt pháp lý, thực tiễn và giải pháp tháo gỡ” do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra ngày 06/05/2022 tại Cam Ranh – Khánh Hòa

Cần có giải pháp cấp bách kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN, bảo về quyền lợi  nhà đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh BĐS du lịch

Phóng viên: Xin Chủ tịch cho biết mục đích, ý nghĩa và những nội dung chính của Hội thảo “Thị trường bất động sản du lịch Việt Nam - Những nút thắt pháp lý, thực tiễn và giải pháp tháo gỡ” hướng đến ?.

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, TS. Nguyễn Văn Quyền: Hội Luật gia Việt Nam – một tổ chức Chính trị xã hội nghề nghiệp với gần 70.000 hội viên là các nhà khoa học, các trí thức là luật gia, chuyên gia hàng đầu với nhiều kinh nghiệm đã và đang công tác tại các cơ quan Nhà nước thuộc các ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hội có chức năng nhiệm vụ chủ yếu tham gia nghiên cứu, xây dựng, phản biện chính sách pháp luật. Do đó, trước những yêu cầu bức thiết từ thực tiễn hoạt động đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó có hoạt động kinh doanh bất động sản nói chung, bất động sản du lịch nói riêng, Hội Luật gia Việt Nam sáng kiến và chủ trì Hội thảo “Thị trường bất động sản du lịch Việt Nam - Những nút thắt pháp lý, thực tiễn và giải pháp tháo gỡ”. Hội thảo sẽ diễn ra ngày 6/5 tới đây tại Cam Ranh – Khánh Hòa với sự tham dự của một số Đại biểu Quốc hội, đại diện các cơ quan quản lý Bộ, Ban, ngành, hiệp hội, tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, giới chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản du lịch….

Hội thảo sẽ tập trung nghiên cứu, phản biện, đánh giá chính sách pháp luật và thực tiễn về thị trường bất động sản du lịch Việt Nam, làm rõ những vướng mắc, bất cập và đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư, các nhà đầu tư; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật đối với thị trường bất động sản du lịch Việt Nam.

Hội thảo cũng góp phần góp ý kiến hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) theo Nghị quyết 17/2021/QH15, ngày 27/7/2021 của Quốc hội khóa 15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả Chương trình phối hợp số 03/CTPH-BTNMT-HLG, ngày 05/10/2018 giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Hội Luật gia Việt Nam về phối hợp công tác xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Bên cạnh đó, Hội thảo sẽ góp phần nghiên cứu làm rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, một số vấn đề cần làm rõ hơn trong quản lý và sử dụng đất đai theo tinh thần của Ban chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của BCHTW khóa XI.

Trên cơ sở đó, Hội thảo sẽ tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn và cấp thiết đặt ra hiện nay đối với hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản du lịch:

Toàn cảnh về thị trường bất động sản du lịch Việt Nam và nhận định về xu hướng phát triển thị trường bất động sản du lịch Việt trong bối cảnh hậu covid – 19;

Chính sách, pháp luật hiện hành đối với thị trường bất động sản Việt Nam - Những nút thắt pháp lý cần tháo gỡ và những rào cản từ thực tiễn cần khơi thông;

Những tác động và ảnh hưởng của môi trường quốc tế và định hướng chính sách,  pháp luật trong đầu tư kinh doanh bất động sản du lịch ở Việt Nam.

Trong đó, Hội thảo sẽ tập trung phân tích một cách toàn diện, sâu sắc, luận giải kỹ và rõ về chủ trương, đường lối của Đảng đối với việc phát triển đồng bộ các loại thị trường, trong đó có thị trường bất động sản du lịch, chỉ ra những điểm nghẽn trong thể chế và quy định về bất động sản du lịch hiện nay, đóng góp các quan điểm khoa học, các luận cứ thực tiễn để tiếp tục hoàn thiện chính sách và pháp luật đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản du lịch tại Việt Nam.

“Điểm nghẽn” pháp lý BĐS du lịch được giải quyết sớm sẽ giảm thiểu được thiệt hại cho DN và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư

Phóng viên: Tại nhiều cuộc Tọa đàm đã diễn ra thời gian qua, một số ĐBQH, chuyên gia đã chỉ ra một trong những “nút thắt” pháp lý  lớn nhất hiện nay đối với bất động sản du lịch đó chính là việc thiếu nhất quán trong thực thi chính sách ở một số địa phương trong thực hiện cấp Giấy chứng nhận cho nhà đầu tư thứ cấp mua bất động sản xây dựng trên đất ở tại nông thôn (đất ở không hình thành đơn vị ở). Điều này đã khiến cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng về uy tín, thiệt hại tài chính, quyền lợi của nhà đầu tư thứ cấp chưa được bảo vệ,  ảnh hưởng môi trường đầu tư kinh doanh. Quan điểm của Chủ tịch về vấn đề này như thế nào?

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, TS. Nguyễn Văn Quyền: Đây đúng là một yêu cầu bức thiết từ cuộc sống mà các cơ quan quản lý nhà nước cần khẩn trương giải quyết.

Tuy pháp luật Đất đai chưa có quy định về khái niệm “đất ở không hình thành đơn vị ở”,  khiến cho các địa phương tỏ ra lúng túng hoặc bất nhất trong việc cấp giấy chứng nhận cho loại hình này, mặc dù có nhiều dự án bất động sản du lịch trên “đất ở không hình thành đơn vị ở” đã hoàn thành, được nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Song  cũng phải thừa nhận một thực tế rằng, trước đó chính những chính sách mở cửa thu hút kêu gọi đầu tư của một số địa phương, trong đó có việc phê duyệt xây dựng các dự án du lịch nghỉ dưỡng trên đất ở tại nông thôn (đất ở không hình thành đơn vị ở) của một số địa phương đã thực sự thu hút đầu tư một cách hiệu quả. Minh chứng rõ nét là trong những năm qua, thị trường bất động sản du lịch phát triển vô cùng sôi động. Tại nhiều địa phương đã ra đời hàng trăm dự án lớn với nhiều sản phẩm bất động sản cao cấp như: Condotel, biệt thự nghỉ dưỡng… không chỉ đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí ngày càng cao của du khách mà còn tạo thêm nhiều cơ hội kinh doanh hấp dẫn cho các nhà đầu tư thứ cấp và người dân, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, là động lực quan trọng cho sự tăng trưởng của thị trường bất động sản nói chung.

 

bai-dai-1649931799-1651048127.jpg
“Điểm nghẽn” pháp lý BĐS du lịch được giải quyết sớm sẽ giảm thiểu được thiệt hại cho DN và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư

Do đó “điểm nghẽn” pháp lý về cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm BĐS du lịch cần nhanh chóng giải quyết. Và nếu chúng ta giải quyết được càng sớm thì càng giảm thiểu được thiệt hại cho doanh nghiệp, đồng thời bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư; khơi thông được thị trường, thu hút đầu tư phát triển kinh tế, giữ chữ tín nuôi dưỡng niềm tin của chính quyền với nhà đầu tư. Đặc biệt, trong bối cảnh Chính phủ đang quyết liệt thực hiện các biện pháp để phục hồi kinh tế sau đại dịch mà du lịch được xem là một trọng tâm và bất động sản được coi là nhân tố cần được thúc đẩy, tạo sự ổn định, phát triển.

Phóng viên: Để tháo gỡ “điểm nghẽn” pháp lý,  khơi thông thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy kinh tế,  theo Chủ tịch, các cơ quan chức năng cần sớm có những giải pháp quan trọng nào?

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, TS. Nguyễn Văn Quyền: Để khơi thông thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, phát triển kinh tế, du lịch, đòi hỏi Nhà nước phải tạo dựng được một khung khổ pháp lý đầy đủ, ổn định cho loại hình bất động sản du lịch. Đây là yêu cầu cấp thiết cần đặt ra trong bối cảnh ngành du lịch đang đứng trước nhiều cơ hội phục hồi sau tác động của đại dịch.

Tuy nhiên, để bảo vệ nhà quyền lợi của doanh nghiệp, nhà đầu tư việc cấp bách trước mắt cần phải làm là sớm có giải pháp gỡ rối cho các dự án đã được đầu tư hàng trăm tỉ đồng đang “mắc kẹt”, đặc biệt phải có những giải pháp kịp thời bảo đảm hài hoà lợi ích giữa các bên doanh nghiệp, nhà đầu tư và Nhà nước.

Đối với các dự án bất động sản du lịch đã hoàn thành và đi vào sử dụng nếu khu đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất thì cần nhanh chóng được chuyển sang đất theo đúng với quy hoạch và được tiếp tục thực hiện khai thác đầu tư, được cấp GCN để bảo vệ quyền tài sản cho nhà đầu tư. Chủ đầu tư sẽ phải nộp bổ sung tiền đất nếu có và người mua được sử dụng đất ổn định, lâu dài. Trong trường hợp không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, thì phải chuyển mục đích sang đất thương mại dịch vụ.

Điều này vẫn tuân thủ đúng luật đồng thời sẽ kịp thời vừa nhanh chóng gỡ khó cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo lợi ích cho các nhà đầu tư thứ cấp, không gây ách tắc dòng vốn đầu tư, khơi dậy được tiềm năng từ đất đai cũng như thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực này, giúp cho thị trường phát triển minh bạch và bền vững.

Đối với vấn đề “đất ở không hình thành đơn vị ở”, đây là một vấn đề mà thực tiễn mới phát sinh và chưa được quy định trong luật. Tuy nhiên, như đã nói nó mang lại nhiều lợi ích cho thị trường bất động sản du lịch nói riêng, bất động sản nói chung và đặc biệt là sự phát triển kinh tế xã hội của nhiều địa phương trong đó có sự phát triển của ngành du lịch. Về lâu dài cần phải nghiên cứu luật hoá để tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các dự án bất động sản du lịch. Tuy nhiên, hiện Luật Đất đai 2013 đang trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung. Do đó, để có thể kịp thời điều chỉnh những vướng mắc hiện có, các Bộ ngành chức năng cần có các văn bản dưới luật, như nghị định hay thông tư về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với “đất ở không hình thành đơn vị ở” đối với bất động sản du lịch…

Giải quyết được những nút thắt pháp lý nêu trên, sẽ khơi thông được nhiều vấn đề, đặc biệt ngân sách nhà nước sẽ có thêm nguồn thu quan trọng từ hoạt động kinh doanh BĐS du lịch

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch !

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.